Nói về Kỹ thuật, Nghệ thuật, Đạo chơi thì nghề chơi nào cũng có. Ví như chơi cờ thì kỳ thủ cũng cần phải giỏi kỹ thuật, nghệ thuật và biết đạo chơi thì mới trở thành đại kiện tướng được. Hay như thú thả diều cũng có kỹ thuật, nghệ thuật và đạo chơi riêng của nó. Ngay cả việc uống trà, con người cũng đã đúc kết được kỹ thuật, nghệ thuật pha trà, uống trà sành điệu, thanh thoát đến mức nó trở thành đạo “trà đạo”… Chợt nghĩ về nghĩa của 3 từ “Kỹ thuật, Nghệ thuật, Đạo chơi” của nghề chơi chim cu cườm, xin mạo muội có vài ý mọn. Ngộ như không phải, xin được bỏ qua.
Kỹ thuật nuôi chim cu cườm là gì?
Đó là cách thức, phương pháp, kỹ năng, thậm chí là kỹ xảo trong việc chọn lựa, thuần dưỡng, chăm sóc, tập luyện, bẫy bắt… của nghề chơi chim cu cườm. Gọi là kỹ thuật bởi xuất phát từ kinh nghiệm, người đời đã đúc kết gần như thành công thức để người khác tham khảo và vận dụng.
Ví như kỹ thuật nuôi cu cườm con, thuần cho nó ghiền người để treo trước ngõ hoặc trong phòng khách sẽ khác với kỹ thuật thuần những con cu cườm già dặn, bẫy bắt từ thâm sơn cùng cốc để thuần thành cu mồi.
– Hoặc kỹ thuật thuần những con gáy giọng đồng khác với cách thuần những con gáy giọng kim, giọng thổ, nhìn sắc lông là biết nó gáy giọng gì, nhìn tướng tá, điệu bộ là có thể đoán được con chim hay hoặc dở. (có cả một khoa tướng số về loài chim cu cườm).
– Hay là kỹ xảo khắc phục tật xấu cho những con chim giở chứng, tung lồng, xoi lục. Đang đấu với chim ngoài đồng, giữa chừng bỏ lơi (không bền, không mịn, không biết cách giữ chân chim ngoài để đấu cho hết nước, hết non, làm cho con chim bên ngoài chán nản bỏ đi).
– Ngoài ra còn có kỹ thuật chế tạo, sử dụng một cách thành thạo các loại bẫy.
+ Vâng, vâng và vâng… Tất cả những cái đó gọi chung là kỹ thuật.
Có thể có đến hàng ngàn, hàng vạn kỹ thuật trong nghề chơi chim cu cườm. Nói thì thấy đơn giản thế, nhưng khi đi vào cụ thể, thao tác, kỹ năng của từng kỹ thuật thì nó đa dạng, ngóc ngách vô cùng tận, phải không các lão huynh?
Nghệ thuật chơi chim cu cườm là gì?
– Một khi nghệ nhân đã tường tận kỹ thuật, có một bề dày kinh nghiệm trong nghề chơi, đạt đến trình độ thượng thừa về kỹ thuật nuôi chim cu cườm thì lúc này kỹ thuật không còn đơn thuần là kỹ thuật nữa mà nó đã đã trở thành nghệ thuật. Nói theo cách nói của triết học có nghĩa là quá trình tích luỹ về lượng đã đủ để chuyển hoá về chất. Thật vậy, sự rành rẽ, thông thạo, cao cường về kỹ thuật chính là điểm làm nên nghệ thuật chơi chim cu cườm.
– Nói cách khác nếu như đối với kỹ thuật, nghệ nhân chỉ mới quan tâm về kỹ năng nuôi chim cho tốt thì đối với nghệ thuật đòi hỏi người chơi hướng đến một trình độ cao hơn, đó là cái đẹp, cái hay trong nghề chơi.
Đạo chơi chim cu cườm là gì?
Có thể nói ngay đó là tinh hoa, là tột đỉnh của nghệ thuật, của cái đẹp, cái hay trong nghề chơi. Lúc này, không phải nghệ nhân chơi chim cu cườm chỉ để được giải trí, để được thưởng thức thú vui tao nhã là nghe tiếng gáy, giọng thúc, gù và những pha đấu đá của loài chim cu cườm mà qua nghề chơi để đúc rút, chiêm nghiệm sự đời. Hình như đạo chơi chim cu cườm cũng đã cho con người có được nhiều triết lý sống ở cõi nhân gian. Từng nghe cổ nhân truyền rằng: chơi chim cu cườm có thể rèn dũa nhiều đức tính của người chơi, nhất là rèn chữ “Nhẫn”, chữ “Trí”, chữ “Tín”, chữ “Tâm”… Đấy là chính đạo! Và nếu quả đúng như vậy thì đích thực đây là một đạo chơi cũng công phu, cao thượng, tao nhã, bổ ích lắm. Nhưng hình như nếu ai quá ham chơi thì dễ thường bị mếch lòng các mệnh phụ phu nhân ở nhà thì phải?
Thú chơi chim cu cườm mà không thấy được cái hay, cái đẹp, cái quảng đại của nghề chơi, không biết coi trọng đạo chơi, lại đi mắc các tật như: đố kỵ, lường gạt, ăn thua, cay cú… thì đích thị là tà đạo rồi. Thật không nên chút nào! Có phải vậy không quý vị?
– Thành thật xin lỗi những ai bất đồng quan điểm, nhưng xin cho tôi thưa thật một điều: thú chơi chim cu cườm mà xài lưới rập thì cơm gạo quá, phi nghệ thuật quá. Con chim bên ngoài dính vào lưới khi nó không kịp cất lên một lời trăn trối thì quả là oan ức lắm thay. Hơn nữa, với cái lưới rập diệt chủng này, chẳng chóng thì chày, cái thú chơi chim cu cườm chỉ còn lại những con chim mồi đấu với nhau, làm gì còn chim rừng mà đấu!
– Thiết nghĩ: đã là nghệ nhân chơi chim cu cườm thì khi có điều kiện nên tự tay đi bẫy chim rừng. Hãy nên dùng các loại bẫy có tạo ra thế đấu cho cu mồi với con bổi bên ngoài. Vì có chứng kiến chúng đấu đá mới thú, mới sướng, mới nghệ thuật. Qua đó mới có thể tuyển chọn được những con chim vừa ý giữ lại mà nuôi, mà thuần dưỡng cho nó thành tài. Để rồi nếu có bằng hữu nào cùng sở thích và tâm đầu ý hợp thì lấy làm kỷ vật thâm giao, tri kỷ. Không biết đó có phải là đạo chơi hay không?
+ Được tận mắt xem con chim mồi đấu với con bổi bên ngoài, ta mới thấy con mồi bản lĩnh đến mức nào, văn võ, nước non, thao lược đến mức nào hay là còn những nhược điểm nào đòi hỏi ta phải tiếp tục thuần sửa trong thời gian tới… Còn con bổi ngoài rừng trước khi nhảy vào bẫy (tức là lúc chúng xáp lá cà để đánh đá), chúng thường từ từ tiếp cận đối thủ. Quá trình tiếp cận từ xa đến gần ấy có thể diễn ra trong thời gian ngắn hay dài là tuỳ thuộc vào con chim bổi ở ngoài khôn hay ngu, hay hoặc giở, thông thường hai con đấu với nhau một vài giờ thì con bổi ở bên ngoài sẽ xuất chiêu cuối cùng là nhảy vào kèo thế để đánh xáp lá cà với con chim mồi, lúc này là lúc con bổi bị sập bẫy. Nghe đồn có nhiều con bổi cực hay, nghệ nhân mất rất nhiều thời gian phục cho con chim mồi đấu hết ngày này qua tháng khác mà con bổi không chịu nhảy vào đánh xát lá cà, chúng chỉ đứng sát bên ngoài “phun châu, nhả ngọc”, trổ hết tài nghệ vờn vập với con chim mồi, làm cho những kẻ có cái thú gác cu lắm lúc phải thót tim ra ngoài, mất ăn, mất ngủ, lao tâm khổ tứ để rồi chịu cái tiếng là “Ngu” trong 3 cái ngu ở đời.
Để các bạn có thể hiểu rõ hơn một số đặc điểm và tiếng gáy của Cu gáy mời các bạn tham khảo một số định nghĩa thuật ngữ các địa phương hay dùng dưới đây:
Về “nước”:
Gáy rao: Mô phỏng: Cục cù cu…cu./ Có nơi còn gọi: gáy gọi, bủa, bổ, gióng…/ Chim thường gáy kiểu này khi đứng một mình như một hình thức lên tiếng cho những con chim xung quanh biết lãnh địa của nó. Có chim bổ hai tiếng sau Cục cù cu…cu cu gọi là hậu đôi (bổ đôi) hoặc hậu tam, hậu tứ.. tiếng gáy rao thường lớn và khoan thai.
Người nuôi chim quan niệm chim có tiếng rao càng to càng tốt.
Thúc: Cục cù cu, Cục cù cu…./ Gáy trận, giục/ Sau khi gáy rao, có chú chim khác trong vùng nghe thấy và gáy lại, chim bắt đầu gáy nhanh hơn, liên tục, gịong giục giã hơn nhưng nhỏ hơn gáy rao/ Chim thúc càng nhặt càng tốt.
Lợ: Cục cù cu, Cục cù cù…/Chu, nhịu/ Ở giai đoạn cuối của gáy thúc chim chuẩn bị chuyển sang gù, hoặc gù rước, tiếng thúc nghe tiếng cao tiếng thấp và nhanh hơn nhiều/ Có chim có nước lợ, có chim không, càng nhiều lợ càng tốt.
Dặm: Cục cù cu, Cục cù: Cục cù cu, Cục cù… / Lèo, kèm mắt me/Tiếng gáy ở giai đoạn chim ngoài đã xung trận, chim thúc một tiếng hoặc vài tiếng thì gù kèm một tiếng/ Con nào có nước gáy này nhiều thì rất hay, rất nhiều con mồi bắt chim ngoài ở nước này.
Gù: Cục cù, Cục cù…/ Grù/ Giai đoạn chim đấu đối mặt trực tiếp/ Chim gù càng nhiều càng tốt vì đây là nước chính để chim ngoài nhảy bẫy.
Sa cầu: Chim nằm sát xuống lồng, gáy nhỏ, giật giật đôi cánh../ Sa cầu máy cánh/ Sau khi gù mà không thấy ép phê, nhiều con chuyển qua sa cầu/ Đây là nước dụ rất tốt, hay bắt được chim non hoặc giữ chim ngoài ở lại để tái đấu các nước khác.
Gù rước: Phóng/ Nước gù được thực hiện ngay xen lẫn với thúc khi thấy tiếng bủa của chim ngoài
Đấu: là sự tổng hợp một cách hợp lý các nước trên.
Các nước Rao, thúc, gù rước được gọi là các nước đầu. Lợ dặm, gù, sa cầu là các nước cuối, ngoài ra còn có vấp, cà lăm…
Giọng:
Giọng thổ: Giọng nam trầm/ Có thổ rền, thổ sấm (vang, bầu, gầm,…..)
Giọng đồng: Giọng nam trung/ Có đồng trơn , đồng vang…
Giọng kim: Giọng cao, the thé như giọng nữ/
Thông thường ít có chim nào có giọng đơn, thường pha tạp giữa giọng này và giọng kia, chẳng hạn Thổ pha đồng, đồng pha thổ, thổ pha kim… Người nuôi thường thích giọng thổ hơn.
Tập tính:
– Bền: Sự dai dẳng của chim khi đấu/ Chim càng bền càng tốt.
– Chòi lồng: Đang đấu nửa chừng thì bỏ gáy, tìm cách trèo lồng ra để đá với chim ngoài/ Tập tính này rất dở, làm chim ngoài sợ lồng, ít khi nhảy bẫy dù chim mồi đấu rất căng.
– Phá thóc: Khi ăn hay dùng mỏ móc thóc ra ngoài/ Tính này không ảnh hưởng mấy chỉ hơi dãi nhà.
– Phá lồng: Chim ít đứng yên, hay lí lắc, thường tìm cách phá lồng ra ngoài/ Dể hư lông, làm chủ bực mình.
– Nổi: Là chim mồi đang căng, đang sung sức/ càng nổi càng tốt.
– Tuỳ theo địa phương và tuỳ mỗi ngưòi có thể có các thuật ngữ khác về chim gáy, trên đây chỉ là vài thuật ngữ đơn giản để các bạn ở các miền dễ hiểu nhau hơn khi nói về cu gáy.