Site iconChimCanh.Vn

Chim cu gáy có dị tướng- ẩn tướng.

Ngoài những chú chim có đặc điểm đặc biệt đã nói trên rồi tôi xin bổ sung thêm những chú chim có dị tướng đề phòng trong tay các bạn có những con chim có dị tướng mà lại bỏ đi thì cơ may hiếm khi trở lại thêm một lần đúng không các bạn!
Các cụ đã đúc kết trong việc chọn chim mồi ở câu ca dao:

Thứ nhất lông mũi mọc ra
Thứ nhì chéo cánh, thứ ba sa cườm

Một là: Chim có lông mũi. Đây là chú chim có đặc điểm đặc biệt, có một hoặc cả 2 lỗ mũi có lông (bằng sừng, nhỏ, dài và có thể có cầm và kéo dài ra. Khi buông tay ra thì lại được trở về vị trí cũ. Chú chim này bình thường thì lông mũi có thể không thò ra nhưng sẽ thò ra vào lúc đấu với chú chim khác hoặc bất chợt thò ra, phải quan sát kĩ mới thấy được các bác a!
Hai là: Chim chéo cánh. Là chú chim khi xếp cánh lại thì 2 đầu cánh bắt chéo nhau rõ rệt.
Ba là: Chim sa cườm (đỉnh cao là liên cườm) còn bình thường thì những chú chim có phần cườm gần ngực phải rộng, càng rộng càng tốt. Dễ nhận ra nhất là khi gáy, nó phồng lên trông thật chiến.
Bốn là: Chim có lông chân. Phần chân có vảy của chim thường thì không có lông nhưng trong trường hợp này chim có lông mọc lẫn trong vảy chân.
Trên đây là những chú chim dị tướng. Có thể đã có các bác khác đề cập tới, cũng có thể là chưa nhưng em cũng xin bổ sung để mọi người cùng biết theo kinh nghiệm của các cụ bô lão quê em.
Xin lưu ý các bác là: tất cả những chú chim kể trên phải đều là chim trống mới có giá trị trong chọn chim mồi ạ! Và ngoài ra thì còn có rất nhiều những chú chim khác như là: Mỏ đỏ (hay còn gọi là chim sát thủ), bạch đề (có móng trắng), gián cánh (có lông trắng ở cánh),hay Bạc má – loan đầu , sa cầu nhịp cánh….. hoặc là chim cu bạch. Tất cả những chú chim kể trên (chim trống) đều có giá trị cao trong việc nuôi chim mồi được các nghệ nhân quê em đều muốn có trong ” sự nghiệp” chọn và luyện chim mồi của mình!

Chim có lông mũi là con chim mồi cực hay, đã có một người trong hội chơi chim của Thanh Hóa từng có được nuôi và được đánh nhưng sau đó cho người khác mượn và do chăm sóc không cẩn thận nên sau đó không còn nữa. Chim chéo cánh thì em đang nuôi một con bổi và mới chưa đầy 2 tháng nhưng đã có dấu hiệu rõ rệt của một chú mồi hay trong tương lai. Chim sa cườm thì các bác biết rồi, trong rất nhiều những con chim mồi hay được các bác post lên đều có rất nhiều chim sa cườm.
Và một điểm nữa xin các bác lưu ý cho là: Chỉ cần một đặc điểm nêu trên ở chim là đủ nó đã là một con chim hay rồi, các đặc điểm còn lại như: Cườm (trừ chim sa cườm), chân, mỏ, đầu, phao,… không cần quan tâm nữa đâu ạ (tất nhiên là có đủ càng hay, có lẽ nó sẽ bổ trợ cho đặc điểm chính chăng).
Trên diễn đàn các bác cũng bàn nhiều về đặc điểm phao chim, nhiều bác đều ưng chú chim có phao xám. Em chưa hoàn toàn nhất trí như vậy. Ở quê em đánh giá cao chú chim mồi phao đỏ (rất ít chú chim mồi có phao xám) chim mồi của em hiện nay toàn phao đỏ (có lẽ nó sẽ không bền chim chăng) nhưng có những chú chim mồi 17 năm rồi phao vẫn là phao đỏ. Chim phao đỏ lâu nổi chăng? Không ạ! 2 chú chim phao đỏ của em mới chưa đầy một năm là đã bắt đầu nổi rồi (có chú mới 2 tháng thôi). Hay là đặc điểm của chim Thanh Hóa là như vậy? Bởi thế quê Em mới có câu.

” Dù kim hay là thổ, pha.
Con nào đít đỏ tiếng ca hiền lành”

1. Ẩn tướng về giọng gáy:
Giọng gáy của chim cu thường na ná nhau về vần điệu, chỉ khác nhau về âm (thổ – kim – đồng – sấm) … nên khi ta muốn phân định được ta phải thật tập trung lắng nghe thật kỹ thì ta vẫn thấy có sự khác biệt dù chỉ là điểm nhỏ thôi. Theo tôi chiêm nghiệm thì những con chim ẩn về tiếng gáy đều ở dạng khá hay (dù cho tướng mạo có xấu xí).
– Cục – cục – cù , cục – cục – cù …. gáy rất nhanh tôi tạm dịch là ” chụp – chụp – ô , chụp chụp ô “, loại này đa phần rất hay.
– Cục – cú – cu – cu … âm thứ hai “cú” cao vút, âm thứ ba và thứ tư thường tôi tạm dịch là “Tu quét ki ô”, loại này con nào cũng xuất sắc và rất sung khi vào rừng, không sợ gì cả.
– Cục – cu – cú …. hai âm đầu bình thường, trung bình nhưng âm thứ ba thì cao vút … cái này Nguyên chưa giải mã được.
– Gáy hai giọng: Lúc đầu thì gáy rất to nhưng khi bổi nhập tàn thì lại gáy nhỏ giọng…. có người lại cho là chim gáy “tiếng trống và tiếng mái” …. nhưng nghe thì không đã đúng không các bạn.
2. Ẩn tướng về giọng gù:
Chỉ có gù cà lăm (chồng đấu) là số 1 … khi nó gù ta nghe như nấc nghẹn, nghẹn ngào cù, cù, cù … cụ … cái giọng gù này làm cho bổi tức hay nghe lạ lạ nên đến vây quanh rất đông.
3. Về tư thế khi gù:
Như các bạn cũng đã biết chim cu gù có các kiểu như sau:
– Gù cao đầu … dơ cái đầu thật cao bửa xuống, phát nào ra phát đó.
– Gù thấp đầu hay gù gật gật …. cái đầu nhúc nhích vừa phải.
– Gù nghiên đầu … khi nhìn nó cà lĩa, cà lĩa … đầu dơ lên bổ xuống ko thành phương vuông góc với mặt đất mà xiên xiên như dấu huyền, dấu sắc.
Còn đây là những ẩn tướng khi gù:
– Gù thẳng đầu … cái cổ thẳng đơ, suông được mà vẫn gù được.
-Gù dấu cổ …. khi nó gù cứ rút cái đầu, dấu dưới bụng, càng gù càng thò đầu sâu vào trong, co vào dưới lườn … loại này may bổi vô địch.
– Khi gù dơ cánh, khi gù xòe đuôi …… hay dở tùy từng con.
Như các bạn cũng đã biết chim cu có rất nhiều ẩn tướng nhưng không phải hể có ẩn tướng là hay cả, cái này nó còn tùy thuộc rất nhiều điểm tốt trên bộ mình chim cu cườm nữa.

4. Ẩn tướng về màu sắc:
Thông thường thì màu sắc của chim cu hơi na ná nhau, có con có bộ lông hơi sậm một tí, có con sáng hơn một tí (nhiều nghệ nhân lớn tuổi lại cho rằng những con có màu sắc hơi sậm thì nuôi lâu nổi hơn và nó cũng thường bị bệnh đau mắt hơn … sau một thời gian dài chiêm nghiệm thì thấy điều này không đúng. Chúng đau mắt là do vi khuẩn gây ra, nếu chúng ta vệ sinh lồng, cóng nước không sạch sẽ vi khuẩn có đk phát triển gây đau mắt chim chứ không liên quan gì đến màu sắc lông sậm của nó). Cũng tùy vào thổ nhưỡng của từng vùng mà chim có màu sắc lông và thân mình khác nhau. Cả ba miền Bắc – Trung – Nam chim đều khác nhau, bên cạnh đó lại xuất hiện những con chim có màu sắc lông khác xa với đồng loại …. cái này có lẽ do đột biến nhiễm sắc thể…. tạo hóa ban tặng những hình tượng vô cùng quý và hiếm như anh em trên diễn đàn gọi đó là “hàng độc”.
– Chim có bộ lông trắng phau hay hơi trắng một tí: Những con chim được gọi là “Bạch tạng” này đa phần có mỏ và móng màu hơi đỏ … . ai cũng cho rằng loại này là chim dữ, Không biết nó dữ cỡ nào nhưng đa phần khó bắt bổi, chỉ bắt được những con bổi thật dữ chứ bổi thường thì không dám lại gần, có lẽ do bộ lông “độc nhất vô nhị” của nó làm cho bổi mất hồn bay luôn.
– Chim có màu lông gần như đen: loại này sống trong rừng sâu, rất nhát nuôi rất lâu nổi.
– Chim có bộ lông hơi đỏ nhìn từ xa trông đỏ chót, loại chim này thường có ở Campuchia.
– Chim xám, chim bông … hay dở tùy từng con.
Còn đây là những ẩn tướng của lông:
– Ẩn lông trắng nơi vùng đầu: loại này đa phần hay, gáy đủ bài bản, đổi giọng liên tục …
– Ẩn lông trắng nơi cánh hay gọi là dán cánh. Những con chim dán cánh thường có nước gù dai dẳng (gù hậu tốt), càng về khuya càng gù dữ, loại này khi ở rừng thường làm bể mồi. Nhưng các bạn nên để ý con có lông trắng dấu hay ẩn vào trong thì hay hơn những con có lông trắng lộ toàn diện.
– Ẩn lông trắng nơi đuôi và trên mình thì bình thường.
– Ẩn những chấm lông đen tròn nhỏ như những nốt ruồi đen nơi phao, có người gọi đó là bông đít … cái này Nguyên đã nhìn thấy nhưng vì nó là con chim mái nên không xác định được hay, dở ra sao.

Exit mobile version