Cu gáy vằn hay còn gọi là cu vằn, và được thế giới gọi là Zebra dove, có tên khoa học là Geopelia striata, là một loài chim có cùng họ hàng với các loài cu ở Việt Nam như cu gáy, cu ngói, cu cườm. Tuy vậy, loài cu gáy vằn có vùng phân bố tự nhiên ở Bán đảo Malaysia và các đảo trong quần đảo Indonesia.
Do loài này có màu sắc và hình dáng đẹp (Hình 1) nên được nhiều nơi trên thế giới du nhập để làm sinh vật cảnh và gây nên tình trạng phân bố rộng của loài gần như khắp thế giới. Hiện nay, chúng ta có thể thấy loài này rất nhiều ở quần đảo Hawaii, các đảo khác lân cận.
Hình 1. Chim cu gáy vằn
Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu về chim của Việt Nam và thế giới chưa từng ghi nhận loài cu gáy vằn trong môi trường tự nhiên. Cho đến năm 2011, một nhà nghiên cứu chim trên thế giới đã quan sát được loài này ngoài tự nhiên tại khu vực Hồ Trị An và thấy loài này tại Bình Châu – Phước Bửu vào năm 2012. Những khảo sát về đa dạng sinh học được thực hiện bởi Viện sinh thái học Miền Nam từ những năm 2012 đến nay đã và đang phát hiện ngày càng nhiều cá thể loài cu gáy vằn ngoài tự nhiên, kể cả những khu rừng được bảo vệ, vườn quốc gia hay các khu bảo tồn. Cho đến nay, cu gáy vằn đã được thấy tại VQG Lò Gò – Xa Mát (tỉnh Tây Ninh), VQG Cát Tiên (Đồng Nai), VQG U Minh Hạ (Cà Mau) và nhiều khu vực đô thị khác như Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hòa,…. (Hình 2).
Hình 2. Các khu vực ghi nhận cu gáy vằn ở Việt Nam (màu đỏ)
Số lượng cá thể của loài này hiện nay có thể nói là tăng rất nhanh chóng với 01 đến 02 cá thể quan sát trong những lần đầu đến hàng chục cá thể mỗi bầy như trường hợp tại Thị trấn Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu (Hình 3).
Hình 3. Bầy chim cu gáy vằn tại Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Những quan sát gần đây cho thấy loài này cạnh tranh môi trường sống với các loài chim bản địa như sẻ nhà, cu gáy, cu cườm và các loài chim ăn hạt khác. Chính vì là loài chim ngoại lai nhưng có khả năng thích nghi với môi trường đô thị và các môi trường nhân tác nên loài này được dự đoán là có thể phát tán rộng ra nhiều khu vực khác của Việt Nam.