Cũng chính chữ “duyên” mà Tôi đã đến với cái thú vui dân dã, tao nhã và cũng vô cùng thanh cao … khi ta tìm hiểu sâu hơn mới hiểu được cái hay cái đẹp mà ông cha ta đã dầy công suy ngẫm, nghệ thuật pha lẫn cảm xúc … hồi hộp, lo sợ, nín thở, vui mừng ….. cũng có khi thất vọng….. và cũng từ chữ duyên ấy đã gắng kết tôi cùng với tất cả anh em trên diễn đàn, trên khắp mọi miền tổ quốc …. chỉ có bốn chữ cù cú cu cu … đã đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn.
Vẫn biết rằng trên diễn đàn này sẽ có rất nhiều anh em không tin vào những gì Nguyên viết … nhưng Nguyên chỉ khuyên các bạn một câu : hãy chơi hết mình và hãy chiêm nghiệm đi, rồi một ngày nọ các bạn sẽ nhận ra được điều ấy.
Chẳng hạn: Có một con bổi bay, đáp vào một cành cây “cong , đong đưa ” Nguyên có thể đoán đó là con bổi trống hay con bổi mái. Chắc các bạn cho là “Sạo ớn luôn” phải ko?…. nhưng các bạn hãy kiểm nghiệm thực tế nhé!
– Khi con bổi đáp, đậu vào một cành cây “cong, đong đưa” có độ nhún thì con chim trống bao giờ cũng nhịp cái đuôi lên xuống từ một đến hai lần sau đó mới lấy thăng bằng được. Còn con mái khi đậu vào cành cây thì cái đuôi cũng nhịp lên xuống như con chim trống nhưng số lần nhịp của nó nhiều hơn từ bốn năm lần trở lên sau đó mới lấy thăng bằng được, nhớ mang theo ống nhòm mà quan sát nhé.
– Tại sao khi nhìn vào con bổi có người nói con bổi này 6 tháng đến một năm là nổi còn có con vài ba năm mới nổi. Làm sao biết được điều đó, có người sẽ không tin, hãy nghe Nguyên nói nhé:
Khi nhìn con bổi mau nổi hay lâu nổi ta nhìn vào đặc điểm nào?
1. Nhìn vào bộ cườm …. ta hãy để ý con nào có bộ cườm trắng sát, hạt cườm đều và khít thì con đó nuôi mau nổi.
2. Nhìn vào cục phân của nó. Cái này anh em đừng cười nghen … cục phân cũng nói lên được chuyện đó, ta quan sát kỹ cục phân đó to hay nhỏ, độ xoắn của nó nhiều hay ít …. sau đó mới đánh giá:
– Cục phân to cộng với độ xoắn ít …. thì con này nuôi mau nổi.
– Cục phân nhỏ cộng với độ xoắn nhiều thì anh này nuôi lâu nổi.
Tại sao vậy? Cái cục phân và độ xoắn của nó có liên quan đến khoan ruột của con bổi. Con nào có khoang ruột rỗng nuôi sẽ mau nổi, thể hiện qua cục phân ấy, còn con nào khoan ruột kín hay khoan ruột nhiều … cũng sẽ thể hiện qua cục ấy…. theo các bạn có nên tin vào điều đó hay không.
Chuyện phân biệt trống – mái với loài chim gáy
Có người bảo rằng, chỉ có chim bổi mà mình chưa từng được nghe giọng nó gáy thì mới khó nhận biết đâu là trống, đâu là mái, chứ với chim bổi mà tự mình bẫy bắt được thì trong quá trình nghe nó đấu đá với con mồi của mình ắt sẽ biết ngay nó thuộc phái nào. Quả thật đúng là như thế, nhưng có khi vẫn bị “lầm hàng” đấy các bác nhé! Xin kể hầu các bác câu chuyện này:
…Cách đây khoảng tháng, nhân dịp đi thăm thằng em họ ở Hàm Cần (vùng cao ở Bình Thuận), mình cầm theo cái lục. Tiếng là đi thăm thằng em nhưng vừa đến nơi, hỏi han dăm ba câu chuyện, mình đã toát ngay vào đám rẫy của nó. Là rẫy mới khai phá nằm ở lưng chừng đồi nên cây rừng còn sót lại cũng nhiều. Lúc này tầm cỡ 9 giờ sáng nên chỗ này, chỗ khác vẫn còn nghe tiếng cu rừng đấu nhau. Mình chọn treo con mồi gần nơi có tiếng của một con bổi rừng giọng đồng pha thổ rất vang, nghe nó ra các nước rất nhặt. Khốn nỗi, gần nơi của con bổi này chỉ có một lùm châu mai rậm rạp, lại giữa mùa mưa nên cỏ rất tốt. Vậy là chỉ còn cách treo con mồi của mình trong lòng bụi châu mai.
Nghe giọng gáy lạ xuất hiện, con bổi vút thẳng lên trời xanh rồi xà xuống lùm châu mai…
Đã quá Ngọ mà chưa thấy mình về ăn cơm trưa nên thằng em họ bới thức ăn, nước uống bỏ vào giỏ xách, bắt con vợ nó xách ra rừng cho mình ăn. Mình nghe con em vợ hú gọi vang cả rừng mà mình chẳng dám mở miệng ừ hử vì sợ làm kinh động con bổi nó bay mất. Vì cỏ mọc cao, rậm rạp nên chỉ cách nhau có 15 mét nhưng con em vợ không tài nào nhìn thấy mình. Vậy là nó đành xách giỏ thức ăn về. Mà thú thật lúc này mình không còn cảm giác đói bụng. Từ khi con bổi chịu nhập tàng, nó với con mồi của mình đấu nhau quyết liệt. Mình theo dõi trận đấu này bằng thính giác chứ không tài nào nhìn thấy bởi cây cối rậm rạp quá. Nghe 2 con đấu nhau mà quên cả đói. Phải nói con bổi cũng thuộc loại cao cường, nó bám riết con mồi của mình từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều (con bổi này cũng chịu nhịn đói giống như mình). Đến hơn 4 giờ chiều, hai con thi nhau gù dồn gù dập rồi bỗng dưng im bặt gần 1 phút, sau đó là tiếng 1 tiếng “pặc” đanh gọn, con bổi đã nằm gãy đành đạch trước mặt lục.
Nếu xét về ngoại hình thì con bổi này quá đạt (cườm tấm, cao; chân to, vảy khô, chẻ; mình to; quy, điểm nhuyễn), với lại mình đã mất hơn 6 tiếng đồng hồ nhịn đói ngoài rừng, nghe nó phun châu, nhả ngọc mắng nhiết con mồi của mình thì có thể nói rằng đây đích thực là con bổi đáng nuôi, thuần dưỡng làm mồi.
Song, nhìn kỹ con bổi mới bắt và đối chiếu với những gì mình học hỏi, tích lũy được từ trước đến nay, mình thấy nó ngờ ngợ thế nào. Đầu, cổ, mình, cẳng của con bổi này đều rất to nhưng trông nó cứ thon thả, ẻo lả thế nào đấy.
Nghe mình kể lại câu chuyện quá trình bẫy bắt con bổi này cộng với xem tướng tá, ngoại hình của con chim, nhiều ông bạn năn nỉ xin được chuyển quyền sở hữu chủ. Song mình không đồng ý và thẳng thừng tuyên bố rằng: hình như nó là con chim mái! Mấy ông bạn đồng hội không tin và cho là mình tiếc con chim tốt nên viện cớ thôi chớ con bổi này làm sao lại là chim mái được.
Vậy là để giải đáp điều mình nghi ngờ con bổi mới bắt trống hay mái, mình lại cất công đi thăm thằng em họ một lần nửa. Và điều mình nghi ngờ đã được giải đáp. Lùm châu mai rậm rạp trong rẫy của thằng em họ vẫn còn trơ trơ tiếng con bổi giọng đồng pha thổ rất vang, các nước giậm, giục, thúc, gù rất nhặt. Nó tiếp tục vút thẳng lên trời xanh rồi xà xuống lùm châu mai đấu với con mồi của mình nhưng không hăng như trước. Đấu được một chập, nó bỏ đi, đậu trên ngọn một cây bằng lăng cao vút gáy gọi con mái. Vậy là đã rõ, bữa trước nó đấu với con mồi của mình, nhưng kẻ nhảy vào lục là vợ của nó chớ không phải nó.
Vậy là việc mình nghi ngờ con bổi mới bắt được là chim mái đã sáng tỏ. Chắc các bác đã hình dung được vì sao là con mái mà không phải là con trống rồi phải không? Có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, trong suốt hơn 6 tiếng đồng hồ con mồi và con bổi đấu với nhau, do tàng cây rậm rạp nên mình chỉ nghe nó đấu chớ đâu có tận mắt thấy nó nhảy vào lục đâu, cho nên mình cũng không tài nào nhìn thấy được con chim mái bản tính hung hăng đã bay luồng lách trong đám cỏ rậm rạp, rúc vào giữa bụi châu mai, đẩy đuổi con trống ra rồi nhảy vào lục thế mạng cho chồng, hoặc có thể con chim mái này nó mê, nó kết giọng con mồi của mình nên mới lén lút nhảy vào lục trong lúc chồng của cô ả chưa dám nhảy…
Theo tôi, nếu chịu khó chiêm nghiệm, tìm tòi, tích lũy thì đối với những con bổi mìnhchưa tận mắt thấy nó gáy, chỉ cần nhìn ngoại hình của con chim, bạn cũng sẽ có thể thẩm định được con bổi là trống hay là mái. Vấn đề phân biệt chim gáy (cu cườm) trống hay mái xem ra vẫn là chủ đề nóng hổi của giới gác cu, nhất là những bạn mới tiếp cận nghề chơi này. Nếu không có kinh nghiệm và không tỉnh táo thì bất cứ nghệ nhân nào cũng rất có thể bị “lầm hàng”!
Mồi chiến cũng có thể là mái.
Chuyện xảy ra ở xứ tôi cách đây không lâu.
Có một nghệ nhân có bề dầy và thâm niên trong nghề gác cu, ông lại là người đứng tuổi, có một vị trí cũng tương đối ở một ngành của thành phố, lại giao du rộng, bạn bè nhiều nên rất được anh em giới gác cu ngưỡng mộ, tín nhiệm. Thỉnh thoảng anh em chung hội lại kéo đến nhà ông xử rượu, xử trà, tán gẫu chuyện cu chim.
Ai cũng biết ông có một con mồi chiến mà ông đã cất công tuyển được cách đây hơn 5 năm. Từ ngày ông có được con mồi này, so với anh em cùng đi gác cu hội thì ông là người ăn nên, làm ra nhất. Chẳng có bận nào ông đi mà về tay không. Anh em chung hội đều phục ông sát đất, bởi ông có con mồi biết bắt bổi bằng nước dụ thật là tuyệt vời. Tôi cũng có lần đi chung với ông, được chứng kiến con mồi của ông nó bắt bổi mà phát tức. Tức không phải là vì ông được, tôi không mà tức vì cái cách bắt bổi của con mồi chiến của ông tuy rất hiệu quả nhưng người được chứng kiến không sướng, không đã cái thú chơi cu.
Con mồi chiến của ông ít khi cất tiếng gáy gọi (tôi nói là ít chứ không phải là không có). Nhưng khi đã nghe giọng gáy lạ hoặc thấy bóng dáng con bổi nào bay về gần khu vực đó là nó thúc dồn, cùng với động tác chúc đầu, chổng mông, giựt cánh. Phải công nhận chất giọng đồng kim của con mồi này cũng thâm hậu, đầy nội lực chứ chẳng vừa. Thỉnh thoảng nó kèm một tiếng “rùa ụa” nghe na ná như tiếng bồ câu trống rù chim mái.
Xin quý vị lưu ý: nước gù là 2 tiếng “Crùa” – “Crụa” liền nhau, đồng thời kết hợp với động tác đầu của con chim ngóc lên gật xuống, được lập đi lập lại nhiều lần gọi là một sấp gù. Còn tiếng “rùa ụa” của con mồi chiến mà tôi đề cập thì chỉ thỉnh thoảng xuất hiện lẫn trong lúc nó đang ra nước thúc và không có động tác đầu ngóc lên gật xuống (gù).
Trở lại con mồi chiến của ông bạn tôi, khi con bổi ngoài rừng chịu tiến vào gần lục thì lập tức nó tung một sấp gù (khoảng bảy, tám tiếng gù), rồi sau đó là im lặng. Im lặng đến dã man ! 15 hoặc có khi 30 phút sau nó lại thúc, thỉnh thoảng lại kèm một tiếng rù rồi kết thúc bằng một sấp gù ngắn ngủn. Và rồi tất cả lại chìm vào im lặng. Một sự im lặng chết chóc. Vậy mà chẳng hiểu sao con bổi nào cũng bị nó khiến cho cắm đầu nhảy vào lục trong cái thời khắc im lặng chết chóc ấy mới tài chứ. Nói con bổi chiến của ông bắt nước dụ tài tình là vì vậy.
Nếu xét về ngoại hình, tướng tá, giọng gáy thì đa phần (tôi nói là đa phần chứ tôi không bảo là toàn phần đâu nha) nó nghiệm đủ những tiêu chuẩn của một con bổi chiến. Với lại qua bản thành tích trích ngang trước khi nó về với ông cộng với ngần ấy năm ông trực tiếp cầm nó trên tay thì không có ai đủ can đảm bày tỏ nghi ngờ gì về nó.
Có thằng bạn đồng niên với tôi (chúng tôi cùng nhỏ hơn ông 1 con giáp), cũng cùng hội nhưng nhà nó ở vùng quê ven sườn núi. Nghe anh em kể rằng nó biết treo lục khi hỉ mũi chưa sạch. Cứ thế mà suy ra thì hai bàn tay của nó gỡ chim dính bẫy dễ có tới ngàn lần. Ông với tôi cũng mấy lần ghé nhà nó chơi. Dàn chim mồi của nó cũng thuộc thứ dữ, bởi nhà ở gần rừng nên nó có điều kiện tuyển lựa (hễ cứ rỗi việc là nó tót vào rừng). Xem mấy con chim mồi của nó, ông bảo không chê vào đâu được nhưng ý chừng vẫn không qua mặt được con mồi chiến của ông. Quả thật nhiều bận nó đi bẩy cả ngày nhưng cũng lắm lúc về trắng tay, còn ông thì ít khi như vậy. Như vậy cũng đủ kết luận mồi của ai khá hơn rồi.
Nhưng oán oăn thay cũng chính thằng bạn tôi là kẻ đã vén lên bức màn bí mật, chỉ ra chân tướng thật của con mồi chiến của ông, kết thúc sự nghiệp nữ tướng cải trang nam nhi, oanh liệt một thời, vang bóng tiếng tăm của con mồi chiến của ông.
Số là hôm đó, ông mời một số anh em thân thiết đến nhà chơi, già có trẻ có, có cả thằng bạn tôi từ trên núi xuống. Sau một tuần trà, thằng bạn tôi xin phép ông tham quan dàn chim mồi của ông. Sau một lượt xăm xoi bầy chim, nó chỉ một con đang đứng chễm chệ trong cái lục mới vừa được ông kết lá nhọc (một loại cây có lá rất đẹp, rất bền màu, cuống lá dai, ít bị rơi rụng, chuyên được dân gác cu dùng để ngụy trang lục) mới toang, nó phán trước mặt cả hội một câu xanh dờn: Đây là con chim mái !
Khốn nạn, nó đâu biết đó là con mồi bách chiến bách thắng của ông, con mồi tiếng tăm lẫy lừng, con mồi sát bổi như ngóe ! Hình như thằng bạn tôi nó bị điên nên mói dám bảo con mồi chiến của ông là mái, nó còn nhắc đi nhắc lại cho những người có mặt tại nhà ông nghe rõ hơn: Tôi đảm bảo con mái !
Mấy anh em đang có mặt ở nhà ông sợ ông nổi giận nên có người nói với nó: Bớt giỡn đi ông bạn trẻ ! Nhưng nó chẳng những không câm miệng mà còn đến ngồi gần ông và nói: Ông có tin không, con dám chắc 100% con mồi chiến của ông là chim mái !
Từ nãy tới giờ ông vẫn ngồi như tượng, chỉ buông một câu gon lỏn: Không thể nào!
Nhưng nếu đúng như thằng bạn tôi phán thì chã lẽ kinh nghiệm mấy chục năm trong cái nghề chơi của ông chỉ là con số không. Ai thì có thể còn lầm chứ ông mà cũng lầm sao ? Mà làm sao lầm được khi con mồi của ông to như lực sĩ, gáy như sấm, sát bổi như ngóe ! Rỏ là thằng bạn tôi vô lý đùng đùng.
Mấy anh em đang có mặt ở nhà ông bắt đầu bàn tán xôn xao. Bởi nghe đồn rằng thằng bạn tôi ít có bao giờ khen chê, dè xiểm chim mồi của ai. Tính tình của nó tốt lắm, anh em ai cũng mến bởi nó rất chân thực, chừng mực, khiêm tốn. Vậy nhưng một khi nó đã chịu phán rồi thì không bao giờ phán bậy, phán bạ. Trước đây nó đã từng chỉ ra một vài trường hợp mồi của mấy ông bạn bị lép tinh hoàn, có trường hợp nó còn nói rõ là bị lép cả hai hay bên phải, hoặc bên trái mới tài chứ. Và nó cũng nói luôn là bị lép tinh hoàn nên những con mồi này tính nết thất thường, rõ nhất là cái tật đang đấu với bổi bỗng vô cứ lơi, xìu, bỏ bổi nên làm cho nghệ nhân rất khó chịu. Nghe nó nói đúng tim đen nên nhiều nghệ nhân đã tự động bắt ngay con chim đó giải phẩu để kiểm chứng lời nó nói. Sau khi đã kiểm chứng, có những nghệ nhân đáng tuổi cha chú vẫn nghiêng mình gọi nó bằng sư phụ.
Còn với con mồi chiến của ông, nó dám phán là con mái. Nó nói không tin thì giải phẩu cho mọi người cùng xem. Mấy anh em bảo: Con mồi chiến của ông nếu là con mái thì mổ bụng kiểm tra (nó chết) cũng không oan, còn nếu mổ ra mà thấy nó là con trống thì lấy gí đền bù thiệt hại vật chất và tinh thần cho ông. Thằng bạn tôi liền đề đạt giải pháp: Nếu mổ ra mà nó là con trống thì bạn tôi sẽ hiến đền cho ông hết dàn chim mồi của nó, ông thích con nào cứ bắt con nấy, đồng thời nó sẽ chịu phạt một chầu bia cho cả hội ngay tại đây; còn nếu nó là con mái thì ông phải thưởng cho nó cùng anh em một chầu bia mừng ông đẩy đuổi được cái tổ trác đeo bám ông hơn 5 năm qua. Ông cũng vốn là một người có máu quân tử nên “OK” ngay. Vậy là hợp đồng được ký kết có mặt đông đảo anh em trong hội làm chứng. Con mồi bách chiến bách thắng, con mồi tiếng tăm lẫy lừng, con mồi sát bổi như ngóe của ông được đem ra giải phẩu để kiểm chứng…
Hôm ấy, ông đãi chứng tôi một chầu bia chí tử, ông đã thực hiện theo đúng nội dung giao ước không văn tự. Trước một sự thật phủ phàng nhưng ông rất vui vẻ, phấn chấn. Bởi nếu không có thằng bạn tôi thì ông vẫn tiếp tục và không bao giờ mảy may nghi ngờ con mồi chiến của ông là con chim mái. Ông cười khà khà, chỉ thằng bạn tôi và nói với mọi người: Hậu sinh khả úy, bái phục, bái phục!
Chim mồi đẻ trứng hay kẻ cắp gặp bà già.
Bữa đó tôi đang ngồi trong quán uống ly cà phê thì thấy anh bạn tôi dẫn theo một thằng to cao, mặt mầy cũng sáng láng, hiền hậu đi vào chỗ tôi đang ngồi. Tôi với anh bạn này là chỗ anh em thân quen. Còn thằng kia thì lạ hoắc, tôi đoán chừng nó nhỏ hơn tôi dăm, ba tuổi gì đó. Bạn tôi giới thiệu nó tên Q, là một thằng rất mê cái thú gác cu. Không biết bạn đã nói gì với nó mà nó cứ bắt anh dẫn nó đi gặp tôi cho bằng được. Sau khi giới thiệu tôi với nó, giới thiệu nó với tôi,anh bạn tôi bảo nó: Q mày cứ ngồi đây nói chuyện với thằng em tao, tao về có công việc một chút.
Mới gặp mà thằng này nó làm như tôi với nó đã quen nhau từ đời kiếp nào. Nó nói huyên thuyên không ngừng nghỉ, ý chừng là để chứng tỏ cho tôi biết nó đam mê cái thú này lắm, và cũng đầy kinh nghiệm chứ chẳng thua kém ai. Tôi ngồi nhấm nháp cà phê nghe nó nói, nó kể lể.
Từ cái bữa đó đến giờ và có thể mãi về sau, tôi quyết định tránh mặt thằng này. Bởi câu chuyện nó kể làm tôi phát ớn, nhìn cái mặt của nó thì sáng láng, hiền hậu nhưng cái tâm của nó thì không như thế.
Nó kể rằng con nồi của nó đang chơi là một con chim mồi cực hay, cực hiếm. Con chim này nó đưa từ dưới quê lên. Con mồi này vốn dĩ là của một tay chơi đáng tuổi cha chú của nó, nhà ở gần nhà nó ở dưới quê. Nhiều người biết ông này có con chim hay nên đến gạ mua, đã có người trả giá rất cao nhưng ông này không bán. Vì ở gần nhà nhau nên nó biết mọi chuyện.
Một bữa nọ, nó cũng sang nhà ông hàng xóm đặt vấn đề hỏi mua con chim mồi cực hay của ông. Ông này cương quyết không bán dẫu thằng này trả giá còn cao hơn những người trước. Không mua được, thằng này liền dùng độc kế hòng chiếm đoạt con chim mồi hay của ông hàng xóm. Nó đi mua 2 quả trứng chim Bồ câu về rồi rình rập lúc ông chủ nhà hàng xóm không để ý, nó thảy 2 trứng chim Bồ câu vào dưới cái lục con chim mồi của ông hàng xóm. Một trứng thì móp méo còn một trứng thì bể tan, lòng trắng, lòng đỏ quăn ra lẫn trong đống phân chim.
Khi ông hàng xóm phát hiện con chim mồi cực hay của mình đẻ ra 2 trứng thì không còn đủ can đảm để mà nuôi thêm ngày nào nữa. Ông ta tức tốc chạy qua nhà thằng này, ông ta lừa thằng này rằng: Do ông ta chuẩn bị đi công tác xa nhà hàng tháng trời, với lại cũng đang kẹt tiền nên đành bán con chim mồi và năn nỉ thằng này mua giúp.
Vậy là được thể, thằng này ép giá ông hàng xóm, cuối cùng ông hàng xóm cũng chấp nhận bán tháo bán đổ con chim mồi cho thằng này với cái giá rẻ mạt như bèo, bởi ông này nghĩ mình đã lừa bán được con chim mái cho thằng này. Ông ta đâu biết rằng chính ông ta mới là người bị lừa, đã bị thằng kia lừa bằng một chiêu quá tàn độc.
Đấy, đến đây chắc quý vị cũng biết nguyên nhân vì sao tôi chạy mặt thằng này. Nếu quý vị có gặp thằng nào hơn nó thì kể cho anh em cùng hội biết mà đề phòng. Nhân đây xin anh em đề cao cảnh giác, coi chừng kẻ xấu nó cho chim mồi của mình đẻ trứng Bồ câu đấy.
Chim gáy xưa và nay
Tôi đến với chim gáy không nhớ rỏ từ lúc nào, tôi chỉ nhớ lúc xưa bố tôi mỗi lần đi bẫy chim thi thường đèo tôi sau lưng; hôm nào đi xa thì dùng chiếc honda “đam” cà tàng, còn đa số thì đèo tôi trên chiếc xe đạp ” đùm dông ” cọc cạch. Thời bao cấp, xăng chỉ phát theo tiêu chuẩn của một cán bộ HTX nông nghiệp thôn….nên lấy đâu ra nhiều để đi thường xuyên. Nói tiếng đi xa cho oai, chứ cao lắm chừng chục cây số là cùng. Cu gáy thời ấy thật là nhiều và dễ bắt. Nhiều đến nổi có khi chim mồi gáy chim bổi bay về tận sau nhà, thế là bố tôi treo lòng lên… thế nào cũng chui vào lồng chứa… hôm nào đi hơi xa làng tí thì cũng được một vài con… Nếu đi xa thì khi về mang chim bổi mệt nghĩ luôn… nói tới đây, sướng lắm phải không các bác ! mỗi khi bố tôi “thông báo” ngày mai đi xa thì đêm ấy tôi không ngủ được, mặc dù tôi ” tranh thủ ” vào giường sớm hơn mọi ngày, không phải vì chim gáy mà trằng trọc mà vì vào rừng có nhiều cái mới, cái lạ nên thích … , trẻ con mà trằng trọc tý rồi hồn cũng vào giấc ngũ. Con bố tôi đi chuẩn bị thức ăn cho hai buổi sáng trưa… nói chuẩn bị cho sang chứ, nấu chút đỉnh cơm bỏ vào lon li-gô, và vài con cá khô, một hủ mắm thắm…. thế là hai cha con no được một ngày …. . Sáng khoản 3 hay 4 giờ gì đó khi nghe tiếng bố kêu thì tôi bật dậy như một cái lò xo… tự giác làm mọi việc thật nhanh, để cùng bố lên đường ( ngày thường không dễ đâu nha, còn phải nằm nướng nữa… ). Vào đến rừng bố tôi gởi xe ở rẫy dân tộc rồi hai cha con cuốc bộ khoản hai hay ba chục phút vào nơi đánh… đi theo đường nghĩ vu vơ đủ thứ, vì ám ảnh những câu chuyện “kinh dị” của bạn bè tôi, của những chuyện kể trong sách vở thần thoại ở trường, tờ mờ sáng,trên đường đi, nhìn cây, nhìn cảnh mà hình dung và tưởng tượng ra đủ thứ, nào là ma, nào là thú dữ …. nên lúc nào cũng cố gắng đi cho thật gần và thật sát bố tôi. Đến nơi bẫy, lúc này trời chưa sáng lắm, bố tôi đổ nước, lúa cho chim, đứng quan sát khoản 5 hay 10 phút rồi bố tôi mới treo mồi…. rồi vào chổ núp… bố tôi giải thích đủ thứ về chim gáy, nào là cách đánh thế này thế nọ, nào là mồi hay, nào dặm, rước… rồi con bổi nó như thế này thế kia…. tôi đâu có hiểu gì, ầm ừ cho qua chuyện, nghe lổ tai này rồi chạy qua lổ tai khác … rồi không nhớ gì cả, chỉ nhớ câu ” chim dù hay đến đâu nếu không sát bổi coi như đồ bỏ ” vì ông thường nó chuyện với bạn bè nhiều lần như là kinh thánh vậy, sau này tôi mới hiểu câu đó đúng lắm… với tôi lúc ấy sướng nhất là khi bổi gù ờ nhánh thế rồi nhảy vào lưới …. vậy là được rồi, còn không thì ngấm đủ loại chim xanh, đỏ, vàng…thích lắm. Bạn chim gáy của bố tôi rất nhiều, mỗi khi mấy người ấy đến chơi, nói và bàn luận chuyện chim gáy sau sưa… nào là con này hay, con kia dở, còn này sát bổi, con kia không …. nói suốt cả buổi , trể nải công việc nên đôi khi cũng làm phật lòng mẹ tôi lắm, chờ bạn bố tôi về thì thế nào cũng có cuộc chiến nho nhỏ…. bố thường năn nỉ cười xòa cho qua chuyện ….hi hi .Trong số người ấy có người rất tốt, có người rất tồi, người thì ít nói, người thì nổ như rang, người thì chơi cho tao nhã, người nuôi gáy chỉ vì tiền … ha ha đủ dạng người… nhiều khi mẹ tôi hỏi sao ông chơi mấy đứa ba xạo chi vậy… “thú chơi thôi mà để trong lòng làm gì “, bố tôi trả lời thế…. Xưa kia, người chơi chim gáy ít, đa phần là chơi kiểu văn nghệ, không tính toán nhiều… miễn sao vui là được.
– Từ lúc gia đình tôi đi nước ngoài còn tôi ở lại, chim cu bố tôi phóng sanh hết…. nên mọi chuyện chim gáy tưởng đâu đã vào dĩ vãng….
– Cu gáy đến với tôi cũng là cái duyên, hôm ấy có ông bạn của bố tôi đi bẫy chim ngang qua nhà và ghé lại thăm, nghe sau nhà tôi có chim gáy tu tu… ông ta treo mồi lên… chỉ vài phút sau con chim ấy vào lưới của ông ta. Ông ta thấy chim ấy khá và chưa đủ cườm nên tặng tôi nuôi chơi… ai dè đâu chỉ mấy tháng sau nó nổi và bắt mồi ào ào… đâm ra ghiện, đi bẫy nhiều hơn, đi xa hơn. Lúc ấy chơi chim rất non cơ… chỉ mấy tháng sau… chim mồi gáy ấy hư luôn, từ đó về sau tôi đóng học phí cho mồi gáy rất nhiều… nghe ở đâu có mồi hay là đi tới, trước lạ sau quen (chơi chim gáy là dễ kết bạn nhất) chơi đủ mồi, từ thổ buồn, thổ sấm, thổ bầu, tới đồng bể, đồng kim… và cũng chơi và học hỏi đủ hạn người, cuối cùng nghiệm lại, chim mồi gáy chơi sướng nhất vẫn là thổ hay thổ pha. Hai loại giọng trên nước rút chậm nhưng chắc lắm, chơi thường bền chim, ít rớt đài nửa đường và xác xuất sát bồi thường nằm ở hai giọng này rất cao. Không như đồng hay kim nước rút nhanh, đôi khi mình sợ chúng hụt hơi mà chết… điểm yếu của hai giọng này là hay bị out nửa chừng, có lẻ giọng nghe ” gắt ” quá nên rất hiếm những con sát bổi ở hai giọng đồng và kim này…. còn việc này nữa là giọng thổ thì nghe ấm, rất đã tai, còn giọng đồng, kim; nghe ít thì sướng lắm nhưng nghe nhiều thì giống như ai quấy cây vào tai vậy… chán lắm, điểm này lý giải vì sao giá của hai loại này lúc nào cũng rẻ hơn giá của mồi thổ … Nhưng có nhiều địa phương mê điên cuồng hai giọng này, mỗi người một ý , nếu anh em nào thấy tôi nói sai thì xin bỏ qua…
– Còn việc chim mồi sát bổi theo Tôi chủ yếu là do giọng. Chất giọng rất quan trọng cho chim gáy, thông thường những con gáy tiếng to, rỏ thì đa phần sát bổi. Vì chim rừng nghe tiếng gáy đã ” ghét ” rồi, bay ngay về chung cội đấu, có khi chim mồi chỉ thúc trận có vài tiếng thì chim bổi đã nằm trọn trong lưới rồi. Đi chung với mấy con sát bổi thì có nước “húp cháo rùa”. Tôi đã gặp rồi, khi chim rừng vào chung cây với mồi mình thì nó kéo qua rất dễ, chỉ cần tu tu vài tiếng, mà khi đã vào chung với nó thì chim mồi của mình đừng có mơ mà kéo lại… thôi đành ” ngậm bò hòn làm ngọt” mà đi tránh xa nó ra….
– Thời nay, việc chơi gáy có khác, đi bẫy xa hơn, chim rừng khôn hơn, người chơi nhiều, và trẻ hơn, trang bị “đồ chơi” hiện đại hơn … ngược lại chim rừng thì ít hơn. Có nhiều bác chơi chim gáy rất là nghệ thuật, đi chơi chim chỉ là để tiêu khiển, để giải trí, sau một tuần lao động mệt nhọc, họ rất trân trọng nghề chơi… thật là kính phục. Tuy nhiên vẫn có số ít người đi bẩy thì phải kèm theo việc tính toán thật là kỉ lưởng, một con hai chục ngàn, hai con bốn chục ngàn … nên họ bắt bổi bằng mọi giá , càng nhiều càng tốt để bù lổ tiền xăng. Chơi như vậy làm sao cho bền… Họ đã làm mai một nghề chơi, và góp phần đẩy giống chim gáy tới đà tuyệt chủng …. thật là đáng buồn ….
Dành tặng ai yêu giọng thổ đồng.
Trong hàng trăm người chơi chim gáy ở Hương Sơn thời ấy – cách đây hơn nửa thế kỷ, có nhiều người nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng nhất, là ông Hương Toản – bác ruột tôi.
Bác nổi tiếng bởi có một con chim gáy mồi rất quý. Một con chim có giọng thổ đồng – trầm và ngân xa như tiếng chuông chiều đồng vọng. Con chim gáy ở với bác tôi gần hai mươi năm. Nó đã giật giải thi gáy hàng tổng, hàng huyện nhiều lần, rất nhiều lần. Đến nỗi trong căn nhà chật chội, không còn chỗ để hoành phi, câu đối, những vuông lụa điều… giải thưởng.
Bác tôi quý con chim gáy như quý con cháu trong nhà. Bởi con gáy mồi là cần câu cơm, là danh dự của thú chơi. Mỗi sớm khi bác treo lồng ra sân, đổ thóc, nước – con gáy đã gật đầu chào lia lịa: Cù… cu… cù… cu. Và nó thích nhất, khi bác phủ áo lên lồng, ngoắc nó vào sào, chuẩn bị lên đường đi bẫy, lập tức nó gù lấy gù để.
Tiếng đồn con gáy mồi của bác tôi lan xa hàng mấy huyệ.n. Những người hiếu kỳ, những người mê thú chơi gáy đến thăm, đến học hỏi không ngày nào vắng. Ai cũng muốn mình có một con chim mồi như thế. Ai cũng muốn con thổ đồng thuộc về mình. Nhưng bác tôi không bán, không thích người đến chơi nhà ngỏ lời đổi chác.
Có một người mê con gáy thổ đồng đến mất ăn, mất ngủ. Đó là lão Chánh tổng Biện. Trong dinh cơ nguy nga, trong trại mênh mông của lão đã có mấy chục lồng gáy sơn son, thếp vàng, tiếng gáy ồn ã cả ngày. Nhưng không có một con nào có giọng thổ đồng vang và ngọt như con mồi của bác tôi.
Đã nhiều lần, lão Chánh Biện bỏ xe cộ, đi bộ đến nhà bác. Lão đành tạm vứt hết bộ dạng quan cách, đến nhà như một người sành điệu chơi chim. Im lặng nghe… với đôi mắt lim dim, đôi tai mê đắm, thỉnh thoảng lão vỗ đùi kêu lên: Tuyệt! Tuyệt! Độc nhất vô nhị!
Rồi lão thờ thẫn ra về.
Một thoáng sau, viên lý trưởng tay chân của lão, tìm đến bác Toản. Không vòng vo, y đi thẳng vào đề:
– Cụ Chánh mê con gáy của bác đấy. Bác để lại cho cụ để lấy đường đi lại…
Bác tôi cười nhạt, nhìn ra vườn.
– Tôi thấy nhà bác tuềnh toàng trâu bò không có. Cụ Chánh cám cảnh… Thôi thì bác nghe tôi đổi con gáy mồi lấy một con trâu cày của cụ Chánh.
Bác tôi lắc đầu, đứng dậy. Đêm đó, bác tôi mang con gáy mồi treo ngay đầu giường ngủ. Bác sợ…
Một tuần sau. Viên lý trưởng lại đến.
– Cụ Chánh biết bác quý con gáy mồi lắm. Nhưng bác có tài vực gáy, thôi thì con này đi con khác lại đến. Đời còn dài mà. Tôi nói thực ý của cụ Chánh, là muốn đổi một mẫu thượng điền ở cánh Bàu Pho để lấy con gáy đấy. Giấy tờ, văn khế đầy đủ. Bác đừng lo. Bác gật đầu đi để tôi về bẩm với cụ Chánh.
Một mẫu thượng điền to lắm, nhưng đổi con gáy mồi ở với mình mấy chục năm trời… để lấy ruộng là mình tham, mình bạc. Nó đi khỏi nhà, liệu mình có sống nổi không?
Cuộc đổi chác không thành. Con gáy thổ đồng vẫn ngày ngày cất tiếng gáy âm vang trong khu vườn yên tĩnh của bác tôi.
Lão Chánh Biện tuy cay cú, nhưng kiên nhẫn chờ…
Rồi một năm sau, thời cơ mỉm cười với lão. Đang cữ cuối xuân tạnh ráo, gió nồm nam thổi tím những đồi hoa mua. Bác tôi bắt đầu vỗ căng cho con thổ đồng chuẩn bị vào mùa đi bẫy. Thì… có trát của tỉnh về quê.
Một buổi chiều, viên lý trưởng khệnh khạng vào nhà bác Toản, chìa ra cái giấy có dấu son đỏ choé:
– Thằng Cả nhà bác được vinh dự có tên đi Tân thế giới đấy. Hai ngày nữa, tập trung ở sân huyện đường. Hê… hê… hê, dặn dò vợ con đi thì vừa… Mừng cho nhà bác. Tôi về.
Bác tôi gần như ngất xỉu. Bác biết vì sao thằng con trai độc nhất của bác phải đi phu. Mà đi phu Tân thế giới có nghĩa là chết!
Tối đó, bác tôi thắt ruột, rớt nước mắt, mang con gáy thổ đồng đến nhà lão Chánh Biện… Thôi thì của đi thay người!
Bác Toản ốm liệt giường mất ba tháng. Tóc trắng xoá, bác ngơ ngẩn như người mất hồn…
Rồi khởi nghĩa, kháng chiến chống Pháp. Tôi đi bộ đội. Mãi đến hoà bình, tôi mới có dịp về thăm nhà. Bác Toản đang ngồi bên hiên. Trời tháng tư. Nắng và gió nồm thổi lất phất. Chợt một tiếng gáy trầm vang từ cây bưởi trước nhà vọng xuống. Tôi lặng người. Một giọng thổ đồng chính hiệu, nhưng trẻ hơn, vang xa hơn…!