Site iconChimCanh.Vn

Ký sự chơi chim (kỳ 4): Những cuộc đối kháng từ nảy lửa đến… toét đầu

Chủ có thể ba hoa là chàng chim chọi của mình thiện chiến, nhưng nếu khi thi đấu, chưa gì đã bị chàng chim khác đánh cho toét đầu thì dân chơi chim sẽ hiểu đâu là sự thật.

Chim có hay hay không, có thiện chiến hay không thì đến ngày lên võ đài mới biết. Chủ có thể ba hoa là chàng chim chọi của mình thiện chiến, thể lực tốt… nhưng nếu khi thi đấu, chưa gì đã bị chàng chim khác đánh cho toét đầu thì dân chơi chim sẽ hiểu đâu là sự thật.

Cứ sáng chủ nhật hàng tuần, tại chùa Kim Liên (Yên Phụ, Hà Nội) lại diễn ra hội thi chim họa mi chọi. Những người nuôi chim ở Thủ đô mang bảo bối của mình đến vừa đấu lấy thành tích vừa coi như rèn luyện.

Sáng chủ nhật (30/8) tại sân chùa Kim Liên có 7 chàng họa mi tham gia thi đấu.

Đang là mùa chim thay lông nên số lượng chim tham gia không nhiều, chứ đến mùa chọi mỗi buổi đấu có thể đến vài chục con.

Sau khi làm các thủ tục cuộc đấu bắt đầu. Chim họa mi được đánh giá cao nhất là của anh Đạt, ở Thành Công.

Khi thi đấu người ta đặt 4 lồng chim ở cạnh nhau, hai lồng ngoài là chim chọi, 2 lồng bên trong là họa mi mái.

Họa mi mái có nhiệm vụ cổ vũ cho họa mi chiến, giúp chàng chiến đấu hăng máu hơn.

Theo luật chơi, hai con chim đánh nhau, đến khi con nào gục hoặc nhảy lên cầu lên vanh không xuống trong một khoảng thời gian quy định thì phần thắng nghiêng về con còn lại.

Chàng chim của anh Đạt

Ở trận chiến đầu tiên, sau khi rút thanh cửa lồng vài giây, 2 chàng ‘võ sĩ’ lao vào đánh nhau đấu mỏ, nhưng ngay sau đó con chim ở lồng bên trái dính đòn bay lên nóc lồng, rồi đứng cầu không xuống nữa.

Sau khi đếm thời gian, tiếng vị ban giám khảo hô dõng dạc:

-Con chim bên phải ở lại!

Thế là phần thắng thuộc về họa mi của anh Đạt. Chàng đã hạ đối thủ trong vòng 1 phút.

Chàng tiếp tục đấu với đối thủ thứ hai. Đối thủ này không lao vào chàng như đối thủ trước mà chỉ đánh thăm dò. Hắn cứ lao xuống đánh rỉa rồi lại quay mông nhảy lên cầu mấy lần liên tiếp như vậy.

Nhưng cuối cùng họa mi của anh Đạt cũng không mất nhiều thời gian để làm đối thủ sợ.

Trận chiến khiến chàng tốn sức nhất trong ngày hôm nay có lẽ là với đối thủ thứ ba.

Anh chàng này nhìn không có gì đặc biệt nhưng khá là dũng cảm.

Hai võ sĩ vần nhau đến vài phút, anh chàng trúng đòn của chàng kêu lên nhưng vẫn nhất quyết chiến đấu, không lùi nước.

Tiếng các khán giả ở ngoài hỏi nhau:

-Con nào kêu nhỉ?

-Đau quá kêu nhưng vẫn đánh

-Gan đấy nhỉ, con này Hà Nội phố à?

Sau khi vần nhau một hồi bằng mỏ và cố gắng khóa chân nhau, hai võ sĩ quay ra cù nhau, tức là đánh mỏ vào nách nhau.

Nhưng cuối cùng, đối thủ của chàng sau khi trúng đòn đau quá kêu một tiếng rồi quay lên cầu và chàng lại giành chiến thắng.

Cứ thế, trong buổi đấu hôm đó, chàng đã chiến thắng 6 trận liên tiếp và giành giải nhất.

Trao thưởng cho chủ nhân chim thắng giải ngày 30/8 tại chùa Kim Liên
Chàng vốn là giống chim từ Lạng Sơn, được ông chủ mua về được hơn 1 năm nay. Kể từ khi chàng có khả năng thi đấu, tuần nào ông chủ cũng cho chàng ra đây để đấu và ở cái sới chim này chàng hầu như không có đối thủ.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa chàng là nhà vô địch ở Hà Nội.

Bởi lẽ, có nhiều dân chơi chim ở Thủ đô họ sở hữu những chàng chim cực hay, thiện chiến nhưng họ không hoặc ít khi cho tham gia những sới nhỏ như thế này mà chủ yếu chỉ dự những trận đấu lớn là các giải liên tỉnh.

Với lại, đây đang là mùa thay lông, các cao thủ cũng được gìn giữ kỹ càng để chuẩn bị cho mùa chọi.

Theo nhiều người, một điều khiến dân chơi chim càng đam mê thú chơi này là ở chỗ, nhiều khi bảo bối của họ đem lại cho họ những cảm xúc thất thường.

Mỗi lần chàng ra trận, chủ lại lo, lại hồi hộp như đưa con mình đi thi đại học vậy. Và đến khi chàng chiến thắng họ lâng lâng ở một cảm xúc khó diễn tả.

Đó là chưa kể, thỉnh thoảng chàng lại đem đến cho chủ những cú sốc, thắng sốc, thua sốc…

Mới đây, chàng chim mới của anh Ba Rầu – một dân chơi chim chọi ở Miền Nam đã thắng trước một đối thủ mạnh mà anh không thể ngờ tới. Nhưng không lâu sau đó, chàng lại khiến anh từ thiên đường xuống địa ngục khi thua trong một trận đấu quan trọng, cũng không thể ngờ tới.

Và hẳn dân chơi chim còn nhớ tới nghệ nhân Triệu Hồng Tắc với con chim quý của mình.

Thời đó, ông Tắc còn là một thếu niên. Trong vùng có một ông chơi chim có tiếng, sở hữu con chim thiện chiến mà khắp cả vùng chưa con nào đánh lại.

Ông tự tin cho rằng chàng chim của mình là bất khả chiến bại và mạnh miệng tuyên bố:

Nếu chú chim nào đấu lại được bảo bối của mình thì ông sẽ bỏ thú chơi chim.

Vậy là, ông Tắc nhận lời thách đấu và chàng chim của ông Tắc giành chiến thắng trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.

Một thú chơi tưởng chừng như tao nhã nhưng lại vô cùng tốn kém vậy nên để gắn bó với nó người chơi cần nhất là sự đam mê và kiên trì.

Họ bỏ tiền, bỏ cả thời gian, công sức, tâm huyết với những chú chim họa mi và khi có cơ hội là họ lại lên đường… tìm cảm hứng, tìm tri kỷ, tìm đam mê.

Khi tôi kể câu chuyện này thì anh T và những người bạn đam mê họa mi giống như anh đang ở Hà Giang tiếp tục hành trình săn tìm chim chọi của mình. Và có thể, một vài tháng nữa, trên võ đài của họa mi chiến lại xuất hiện một ‘ngôi sao’ mới!

Theo L.T/Đất Việt

Exit mobile version