Chim khướu Kon Ka Kinh chụp được trong chuyến đi đầu tháng 5 vừa rồi
Hanno StammMay mắn đã đến khi có tin một đôi khướu Kon Ka Kinh (tên một vùng rừng thuộc tỉnh Kon Tum) xuất hiện. Anh bạn Simon làm việc ở Birdlife ngay lập tức báo cho chúng tôi. Chúng tôi nhanh chóng lập nhóm và hẹn ngày sớm nhất cùng nhau chia sẻ niềm vui.
Những người bạn trong chuyến đi ba năm trước là Hanno và Hà từ Campuchia, Richard Craik từ công ty du lịch chuyên tổ chức các chuyến đi quan sát chim Thường Điểu (Vietnam Birding – TP.HCM) và tôi từ Huế đến Đà Nẵng để cùng nhập nhóm. Lần này, ngoài ống nhòm, Hanno còn mang cả máy ảnh tiêu cự đến 400mm với hi vọng có được những tấm ảnh đẹp mà rất ít người hiện sở hữu.
Đầu tháng 5-2010. Băng qua những cánh rừng Trường Sơn, chúng tôi đến thẳng đèo Lò Xo để quan sát loài khướu vằn đầu đen, loài đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh. Như những lần trước đến đây, sau một hồi tìm kiếm trên đồi xen lẫn nương rẫy của đồng bào dân tộc, chúng tôi gặp ba chú chim đang vui đùa trên một lùm cây. Nhưng vẫn là ba chú chim mà chúng tôi thấy cách đây ba năm.
Rời đèo Lò Xo, chúng tôi tiếp tục lên đường đến Măng Đen (Kon Tum). Quanh co trên những sườn núi ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển và xuyên cánh rừng ngút ngàn, tất cả cùng ồ lên khi địa điểm được mô tả xuất hiện trước mặt.
Nhưng qua điểm đầu tiên, rồi điểm thứ hai… con khướu Kon Ka Kinh vẫn hun hút đâu đó trong rừng già bí ẩn. Thế rồi… Một tiếng hót lanh lảnh vang lên làm tất cả giật bắn người. Đây chính là âm thanh mà chúng tôi nghe trong băng ghi âm khi tìm hiểu về loài chim khướu Kon Ka Kinh. Những chuyển động nhẹ nhàng sau khóm lá khô lại càng làm hồi hộp hơn. Ôi con khướu Kon Ka Kinh kia rồi! Tất cả đều nín lặng nhưng trong lòng đang vỡ òa một niềm vui khó tả. Những chiếc máy ảnh đều đồng loạt bấm.
Chúng tôi đi sâu vào cánh rừng không có cây bị đốn hạ, tiếng loài khướu Kon Ka Kinh và nhiều loài khác rộn rã hơn. Lần này những con khướu Kon Ka Kinh xuất hiện một cách rõ nét và đẹp mê hồn. Chúng tôi nhìn ngắm đến mãn nhãn. Những chiếc máy ảnh dường như cũng đã no nê…
Trên đường quay trở lại Pleiku, chúng tôi sôi nổi thảo luận về các điểm đến tiếp theo với mong muốn còn có thật nhiều những loài tồn tại trong hoang dã để mọi người có thể chiêm ngưỡng. Nhưng tiếng chuông điện thoại của một người trong nhóm liên tục đổ dồn, tin báo một con tê giác Java tại vườn quốc gia Cát Tiên vừa được phát hiện chết trong tình trạng bị cắt chiếc sừng.
Niềm vui tràn trề với khướu Kon Ka Kinh đã chùng xuống với tin buồn tê giác. Liệu những chú khướu đặc hữu hiếm hoi và đẹp mê hồn kia có được yên ổn không?
Khướu Kon Ka Kinh được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1996 tại Kon Ka Kinh (Kon Tum), là loài chim đặc hữu của Việt Nam.
Loài này có hình dáng giống như loài họa mi nhưng hai bên bao lông tai có màu nâu đỏ nên tên tiếng Anh gọi là Chestnut eared laughingthrush. Tiếng hót của loài này là sự hòa trộn của họa mi và chích chòe lửa. Nơi sinh sống của chúng là vùng rừng thứ sinh phục hồi tốt ở khu vực huyện Kon Plong, Kon Tum. Trong giới birder trên thế giới, có rất ít người thấy loài này trong môi trường tự nhiên và nhóm đi vừa rồi là nhóm thứ 4 nhìn thấy, khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho giới birder trên thế giới.