Diễn Đàn Chim Cảnh

Đăng ký tài khoản miễn phí ngay hôm nay để trở thành thành viên! Sau khi đăng nhập, bạn sẽ có thể tham gia mua bán này bằng cách thêm chủ đề và bài đăng của riêng mình, cũng như kết nối với các thành viên khác thông qua hộp thư đến riêng của bạn!

Thảo Luận Kỹ thuật thả chim hợp lí & khoa học

anhdenday

Thương gia
Bài viết
80
Điểm tương tác
0
Điểm
16
Chim thả xưa nay là một thú chơi không mới đối với phong trào chơi chim Chào Mào miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, vì thỉnh thoảng đâu đó trong một số cội chim ta vẫn bắt gặp hình ảnh đôi chim thả tự nhiên bay đi bay về, thoải mái bu lồng bám nóc, hễ chim thả bay đến đâu thì cả bầy chim ché inh ỏi đến đó, con thì giang cánh, con xòe đuôi có bao nhiêu món võ nghề đều trổ ra hết. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là đặc tính tự nhiên của chim khi có kẻ lạ mặt đến xâm nhập lãnh thổ, mà ở đây là cội.

Nhiều người đi trường thích chủ cội thả chim nhưng số khác lại không, đặc biệt đối với những nghệ nhân chơi chim đấu chuyên nghiệp, hoặc đang ôn thi lấy giải thì đây là điều cấm kị, quan điểm này là có cơ sở, vì nếu cứ thả chim chết một chỗ, vô hình chung làm chim nhà nghĩ rằng:"À! Đây là nhà, và chim thả là kẻ xâm lược, nếu không có giặc thì rửa tay gác kiếm cho yên chuyện", chim dần ỉ lại vào chim thả, điều này cũng xảy ra tương tự với chim mồi, do phải sớm thích nghi với trận mạc, ngày ngày rèn luyện kĩ năng dụ bổi, dần già chim cậy rừng, cậy chim trời mà không chơi ở trường. Dân gian có câu:"Chó cậy nhà, gà cậy vườn" là vậy. Song đối với những nghệ nhân chim giọng chim thả không đơn thuần là một thú vui mà con là một phương tiện hiệu quả giúp kích chim thầy luôn căng lửa để dẫn tơ tốt, liền mạch và không bị lạc giọng. Chim được thả thường là những con mái, hoặc trống thí (chim trống dở), ngược lại một số nghệ nhân thả chim thuộc mà vẫn thanh thản ngồi uống trà hút thuốc. Vậy bí quyết nằm ở đâu ?



Chú chim thả rất tự nhiên bên cành hoa giấy sau nhà.

Sau nhiều lần mày mò tìm hiểu, hóa ra chim thả cũng phải thả đúng cách, bao hàm rất nhiều yếu tố nếu kết hợp nếu không đúng, hoăc thiếu kinh nghiệm & không có cái đầu lạnh nhất định mất chim như chơi. Thoạt tiên khi muốn thả chim ta phải xác định ngay đối tượng muốn thả, tốt nhất nên chọn chim mái, hoặc những con trống chậm nhất bầy, những con chậm thường ít phản chủ. Lần lần có kinh nghiệm ta có thể thả xoay vòng tất cả số chim, để chim luôn sung đều không con nào ỉ con nào.



Thoải mái đứng rỉa lông, rỉa cánh...

Trước khi thả nếu là chim tơ mùa đầu, ta phải cho vào phòng kín (đóng hết cửa, chặn hết lỗ thông gió), thả chim ra kết hợp 2 - 3 lồng thuộc vây xung quanh để chim nhớ đường về lồng, lúc thả phải hết sức nhẹ nhàng kéo léo, dụ cho chim về lồng và quen (dạn) với một chủ duy nhất. Tiếp đến ta nhờ người thân trong gia đình vào xua chim bay tứ tung để luyện cánh cho săn chắc, lanh lẹ, biết né tránh nguy hiểm khi thả chim thực sự. Ta dùng một cây chổi, hoặc một chiếc khăn có màu sắc sặc sỡ, xua đều cho chim bay không có chổ đậu bắt chim đập cánh liên tục, luyện cơ cánh, tới khi chim há hốc miệng thì ngừng.



Sang cây Chuỗi Ngọc nhà hàng xóm làm vài quả lót dạ.

Mỗi ngày đều quần chim như thế cho tới khi kĩ thuật bay của chúng trở nên thuần thục nhanh nhẹn, coi như thành công bước đầu. Việc này rất quan trọng không thể xem thường, nếu không trải qua khâu này chắc chắn rằng khi thả rủi ro mất chim rất cao, mục đích thứ nhất là tránh chim lủi bậy (bay không định hướng), lao vào xó hốc, dễ mất sức rơi xuống đường hay bị mèo chó vật chết, mục đích thứ hai nhằm giúp chim tập phản xạ có điều kiên, chúng sẽ suy nghĩ: "À, người lạ là nguy hiểm", để tránh né kịp thời nếu gặp phải chim tặc vây bắt, tuy nhiên chim vẫn dạn chủ do tác dụng của bài tập trên.



Đậu nhành mai, thật oai vệ & tự tin.

Đối với chim thuần ta cũng làm tương tự vì có con 3 - 4 mùa sống trong lòng tù túng, kĩ năng bay gần như mai một, nếu ra ngoài ngay sẽ rất đuối, dễ bị bắt hoặc lủi bậy, đây cũng là cách tốt để trị chứng quá dạn người của chim thuộc, điều khiến chúng dễ bị chim tặc sát hại. Tuyệt đối không thả chim nếu chưa qua bước này, ngoài ra đây còn là cách để tập cho chim quen với không gian mở và chọn chỗ đậu phù hợp, biết tìm đường về lồng và bu nóc hợp lí. Chim bổi không được thả vì diễn nhiên chúng sẽ bay mất, nhiều người pha dung dịch muối loãng, hay nước thuốc lá có cafein cho chim uống, khiến chim nhớ muối, thuốc mà về. Theo tôi điều đó dễ làm chim mất sức và trở thành một con chim thí đúng nghĩa, rất hạ sách, không phù hợp với thú vui tao nhã như chim cảnh.



Bay về đu lồng, bám nóc đùa giỡn cùng chim trận...



Chim qua huấn luyện sơ cấp đã sẵn sàng để thả, lưu ý khi thả chim ta phải thiết kế dàn chim kéo (chim nhà nhằm giữ chân con thả) sao cho hợp lí, lúc nào cũng phải có tối tiểu là 3 con, trong số đó nhất định sẽ có một con chim thả kết, dành để dụ nó về gấp trong trường hợp khẩn cấp, 2 con còn lại phối hợp tạo chỗ đậu đi -về thuận tiện giúp nó nhớ lồng, nhớ đường tốt hơn mà bay về.

Một số lưu ý khi thả chim:
1. Chắc rằng nhà bạn an toàn, có tầng (nếu không chim trận phải thật nhiều), ít người qua lại và tuyệt đối không thả chim dưới tầng trệt hoặc thả chim ở mặt đường nhiều cây cối, không gian quá rộng lớn, có Chào Mào hoang và nhiều nơi cùng nuôi Chào Mào, đều này gần như quyết định đến thành công trong lần thả đầu tiên.
2. Tuyệt đối không thả chim khi chim nhà đang tủ áo lồng hoặc chưa dàn trận hợp lí, và chỉ thả một con duy nhất.
3.Tuyệt đối không thả chim vào buổi tối, hoặc lúc chạng vạng vì chim dễ mất định hướng bay bậy, bị mèo hoang bắt, hoặc lạc đi quá xa chẳng hạn.
4.Tuyệt đối không thả chim khi chưa qua luyện tập thể lực (cực kì quan trọng).
5.Không lùa ép chim ra ngoài nếu chúng chưa sẵn sàng, hãy mở cửa và tự nguyện.
6.Không treo chim trận ở những nơi có quá nhiều người qua lại hoặc quá nguy hiểm, khiến chim không dám đậu, sẽ bay đi.
7.Không dùng thuốc kích thích, hoặc muối cho chim uống quá nhiều dễ suy chim, và hạ sách.
8.Chuẩn bị sẵn sàng một chiếc lụp "bén" phòng trường hợp bất trắc cần dùng đến.
9.Chuẩn bị sẵn trái cây hoặc mồi tươi chim thích tại nhà, tốt nhất là hoa quả đỏ đậm, và cào cào non, giúp chim về lồng nhanh hơn.
10. Luôn để cửa lồng mở và hướng vào trong để dễ đuổi chim vào lồng (nếu cần).

Cảnh báo về bài viết.
- Bài viết chỉ mang tính chất kham khảo, rủi ro vẫn có thể xảy ra, hãy cẩn trọng & quyết định !



Chuẩn bị về nhà...

Khi chim đã thoải mái bay nhảy, ta bắt đầu dùng trái cây hoặc mồi tươi dụ chim về, trong lần đầu tiên nên có mồi tươi, dần dần chim quen sẽ tự về lồng, nhưng tốt nhất ta nên chuẩn bị sẵn "đồ chơi" nếu con chim dở chứng không muốn vào lồng sớm. Tin rằng qua những chia sẻ trên thành viên có thể tìm cho mình cách thả chim hợp lí khoa học nhất, góp phần làm cho thú chơi thêm phần tao nhã, tự nhiên và thú vị. Nhìn ngắm chú chim thả vô tư bay nhảy, thân thiện, thoải mái rỉa lông, rỉa cánh cất vang tiếng hót một cách tự nhiên quả thật rất tuyệt vời. Hình ảnh chim chậu cá lồng không còn là nỗi niềm canh cánh của bao nghệ nhân có tâm thực sự.

Hãy mở lồng, hồi hộp và tận hưởng...

Bài viết & ảnh: tác giả black_fish9402.
 
Bên trên