Site iconChimCanh.Vn

Vua chim màu’ đất Bắc kể chuyện chim hoàng khuyên 500 triệu/con

Ông vua” chim màu của Việt Nam thật thà tâm sự: “Chơi chim là sở thích nhiều… rủi ro. Vì có khi hôm nay mua về được một con chim quý với giá vài trăm triệu đồng. Nhưng vài hôm sau, con chim đó đã lăn đùng ra chết. Rủi ro là thế nhưng sở thích đã ăn vào máu thịt, trở thành vô điều kiện nên không thể nào dứt ra được”.

Người sở hữu nhiều hoàng khuyên độc nhất

Nhắc đến “ông vua” chim màu Việt Nam, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến anh Dương Văn Chương (SN 1969, Ba Đình, Hà Nội).

Hẹn anh ở quán cà phê quen thuộc của giới chơi chim nằm trên đường Hoàng Ngọc Phách, vừa gặp mặt, anh đã “khoe” ngay về tổ hoàng khuyên mới mua được vài ngày trước.

Chương Tailor bên cạnh bộ sưu tập chim của mình.

“Tôi vừa mua được tổ hoàng khuyên này ở huyện Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang. Tổ chim này có 3 con, 2 con trống và 1 con mái, mới ra tổ được 5 ngày thôi. Người dân họ đi rừng tìm được. Quan trọng nhất, trong tổ này có một hoàng khuyên chân hồng, mỏ hồng, mắt đỏ như ngọc ruby”, giọng của Chương Tailor vẫn chưa hết vui mừng.

Hoàng khuyên là một loài chim quý, nhưng trong giới chơi chim vẫn rỉ rả nhau rằng hễ gặp chú khuyên mỏ hồng, chân hồng, mắt đỏ thì nó quý tựa vàng. Bởi vậy, giá mỗi chú chim hoàng khuyên loại này không hề rẻ, dao động 150 – 500 triệu đồng/con.

Trong năm 2015, giới chơi chim cả nước không phát hiện được tổ chim nào có hoàng khuyên chân hồng, mỏ hồng, mắt đỏ.

Trong năm 2016, từ đầu năm đến nay đã phát hiện ra 3 tổ hoàng khuyên có chân hồng, mỏ hồng, mắt hồng ở Hà Nam, và Tuyên Quang và một tổ hoàng khuyên mắt đen ở Đông Triều, Quảng Ninh thì trong số đó, Chương Tailor đã sở hữu 2 tổ ở Đông Triều và Tuyên Quang.

Tổ chim hoàng khuyên ở Hà Nam do một người dân tìm thấy nhưng người này quyết định giữ lại chơi, không bán.

Hỏi về số lượng chim màu quý mà Chương Tailor đang có, ai cũng phải ngạc nhiên và mơ ước. Anh có 12 con chim hoàng khuyên, trong đó có 4 con hoàng khuyên mắt đỏ, mỏ hồng, chân hồng, 5 con hoàng khuyên mỏ hồng, chân hồng, mắt đen, còn lại là chân đen, mỏ đen.

Ngoài ra, Chương Tailor còn sở hữu 1 tổ chim hoàng sâu (chim sâu màu vàng); 5 con chào mào bạch tạng; 2 con chào mào nữ hoàng, đầu trắng; 2 con chòe đất bạch; 2 con chòe than bạch mắt đỏ; 1 con sáo bạch; 2 con chòe lửa bông; 1 con hoàng khuyên mua ở Indonesia; 1 con họa mi mua với giá 15.000 USD ở Singapor…

Chim nuôi trong phòng điều hòa

Sở dĩ hoàng khuyên được giới chơi chim màu ngưỡng mộ là bởi ngoài sở hữu vẻ đẹp, đây còn là loài chim có ý nghĩa phong thủy, mang tài lộc đến cho người chủ của nó. Chương Tailor phân tích:

“Hoàng khuyên là loài chim quý, có bộ lông màu vàng rất đẹp. Màu vàng tượng trưng cho vua chúa, cho sự giàu sang, quyền quý. Chưa kể, những chú hoàng khuyên chân hồng, mỏ hồng, mắt đỏ được mọi người ví như ngọc ruby. Còn những chú hoàng khuyên chân hồng, mỏ hồng, mắt đen được ví như ngọc saphia. Màu vàng, ngọc ruby, đá saphia đều là những màu, những vật quý mang đến ý nghĩa tài lộc, thịnh vượng”.

3 chim màu mới được mua ở Tuyên Quang

Chia sẻ về quá trình “rước” tổ hoàng khuyên non ở Tuyên Quang về, Chương Tailor chia sẻ: Hôm đó là sáng 4/7, anh cùng người nhà đang đi du lịch ở Đà Nẵng thì nhận được thông tin qua facebook về một tổ hoàng khuyên non ở Tuyên Quang.

 

Sau một hồi trao đổi, anh đã đồng ý mua với giá cao. Đến 2h chiều, anh và gia đình lên máy bay về Hà Nội. Vừa xuống đến sân bay, anh lại phải tìm cách nói khéo để ra về bằng taxi, sau đó anh đi thẳng lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Con hoàng kim đỗ quyên độc nhất Việt Nam

 

Lên đến nơi là 8h30 tối, bàn bạc mua chim, ăn uống xong cũng đã 21h30, lái xe về Hà Nội, đến nhà đồng hồ chỉ đúng 1 rưỡi sáng.

Theo Chương Tailor, thú chơi chim không phải cứ bỏ tiền triệu ra mua về rồi cho ăn là được. Thay vào đó là đòi hỏi sự chăm sóc cẩn thận của người chơi. Chương Tailor cũng thừa nhận, bản thân chăm chim còn hơn cả chăm cho con cái.

Cứ đi làm về, anh lại lao ngay vào cho chim ăn. Cứ lúi húi trong chuồng mãi đến 19h tối mới ra với vợ con. Sáng ngủ dậy, chưa kịp làm gì cho cá nhân, anh đã lại vội vàng lo lấy mồi cho chim.

Anh bảo: “Chăm chim phải hết sức cẩn thận, chim nuôi để sống thì dễ, nuôi cho nó đẹp và căng ra mới khó. Như với tổ chim hoàng khuyên non vừa bắt, tôi phải lấy cám Ba Vì trộn với nước sôi cho cám chín bở ra, sau đó trộn với lòng đỏ trứng gà ta luộc chín.

Vì chim non, dạ dày, hệ tiêu hóa còn yếu nên nếu cho ăn cám như thông thường chim dễ đi ỉa và chết. “Thực đơn” này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đúc rút qua nhiều kinh nghiệm của bản thân và sự tư vấn của bác sĩ thú y”.

“Vua” chim màu Chương Tailor (áo trắng) và “vua” chim đấu Trần Phúc Thịnh

Bên cạnh cám, những loại hoa quả dành cho chim như chuối, táo, cam cũng đều là hoa quả sạch, không thuốc trừ sâu. Giờ ăn, giờ uống, giờ tắm cũng phải theo đúng thời gian biểu đã được vạch ra từ trước. Chương Tailor khẳng định, tuyệt đối không tắm cho chim vào chiều tối, vì sợ lông không khô, chim dễ bị ốm.

Trường hợp chim bị ốm, “vua chim màu” cũng đã chuẩn bị sẵn các loại thuốc điều trị được nhập từ nước ngoài. Đặc biệt, những chú chim màu quý hiếm này đều được vua chim màu nuôi trong phòng điều hòa. Anh lý giải: “Nuôi chim màu khác với chim thường là phải nuôi trong phòng điều hòa từ 26 – 27 độ C, bật cả ngày. Vì nếu nuôi ở ngoài thì nhiệt độ nóng quá, hay lạnh quá chim cũng chết”.

Hiện tại, trong nhà riêng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, “vua” chim màu đều dành một phòng rộng chừng 100m2 để nuôi chim. Phòng này được thiết kế sinh vật cảnh như ngoài thiên nhiên. Cùng với đó, anh còn thuê thêm 2 nhân viên vừa kiêm lái xe, vừa thay anh chăm sóc chim mỗi khi anh không có ở nhà.

Những chú hoàng khuyên có giá đến cả vài trăm triệu thì những chiếc lồng cũng được “vua chim màu” đầu tư cả vài chục triệu đồng, thậm chí đến trăm triệu đồng. Nếu như với chào mào bạch tạng, Chương Tailor đặt hàng những chiếc lồng ở Bắc Ninh với giá hàng 10 triệu đồng thì riêng hoàng khuyên, anh đặt mua lồng ở Trung Quốc với giá từ 10 đến 120 triệu đồng.

Chương Tailor chia sẻ: “Tôi không chú ý đến chất liệu mà chỉ quan tâm đến sự sáng tạo và óc thẩm mỹ của người thợ, cách mà người thợ đục khắc những hoa văn trên lồng, hình thù và ý nghĩa như thế nào?”.

“Võ sĩ” hoàng khuyên đạt kỷ lục 152 mỏ/10 phút

Nếu như Chương Tailor là “vua” chim màu của Việt Nam thì anh Trần Phú Thịnh (SN 1971) ở đường Kim Mã, Hà Nội lại là một người chuyên về chim thi đấu. Trong Festival Sinh vật cảnh diễn ra tại Long Biên vừa qua, chú chim thi đấu của anh Thịnh đã giành giải vô địch với tốc độ 152 mỏ/10 phút.

Đây là một kỷ lục mà từ trước đến giờ ít chú chim nào đạt được. Cụ thể, cuộc thi tổ chức từ 9h đến 12h với 9 vòng thi, mỗi vòng 10 phút và chia làm nhiều bảng, mỗi bảng 3 đến 4 người chấm.

Giám khảo chấm bằng cách tính mỏ. Mỗi hồi chim hót được tính là một mỏ, khi nào ngừng rồi lại rồi hót tiếp thì được tính mỏ thứ 2. Mỗi mỏ là 1 điểm, con nào đạt nhiều điểm nhất thì được vào vòng trong. Đến vòng thứ 9, còn lại 10 con thì chấm giải chung kết. Tại vòng này, 10 con chim sẽ có 10 giám khảo chấm mỏ. Và chú chim khuyên của anh Thịnh đã đạt giải nhất với tốc độ 152 mỏ/ 10 phút, trung bình 4 giây/mỏ, phá kỷ lục tất cả các giải từ trước đến nay.

Anh Thịnh chia sẻ: “Nuôi chim đấu yêu cầu phải có một con giống hay, con giống này thường là những con giành giải nhất trong các giải đấu với các yêu cầu bộ móng đẹp, tốc độ hót khỏe, sức khỏe tốt như một võ sĩ. Việc huấn luyện chim cũng giống như kỷ luật trong quân đội, phải có thời gian biểu cố định.

Quan trọng nhất là mình phải hiểu nó xem nó cần gì, thiếu gì để cho nó có sức khỏe tốt nhất”. Anh Thịnh đang sở hữu 5 con chim đấu, có giá khoảng 100 triệu đồng, nhưng cũng giống anh Chương, đều không có ý định bán lại cho ai khác. Vì chơi chim là sở thích, là đam mê vô điều kiện chứ không phải chơi chim vì mục đích kinh doanh.

(Theo PLVN)

Exit mobile version