Vẹt là loài chim có bộ lông sặc sỡ, có khả năng bắt chước tiếng nói của người nên thường được nuôi để làm chim cảnh.
Lựa chọn vẹt
Chọn vẹt bằng cách phân biệt trống mái: bằng hình thức bên ngoài có thể dễ dàng nhận dạng giới tính của chúng khi vẹt đã mọc đầy đủ lông (vẹt còn quá non có thể không rõ bằng): Mỏ trên của con trống có màu đỏ tươi như ót, mỏ dưới xám đen, càng lớn càng đen.
Còn mỏ của vẹt mái thì trên dưới như nhau: đều có màu xám đen cả
– Chọn vẹt bằng cách phân biệt chim non – chim trưởng thành: khi chim đã đầy đủ lông cánh và bay được thì khá khó phân biệt độ tuổi. Song có 2 yếu tố cơ bản ở tất cả họ hàng nhà vẹt khiến ta phân định được con chim này đã trưởng thành hay chưa:
+ Mắt vẹt: đồng tử mắt vẹt thu nhỏ dần theo độ tuổi. Do vậy, nếu thấy một con vẹt có lòng đen đầy đặn toàn bộ mắt thì đó là con vẹt còn non. Càng lớn, lòng đen con mắt của chúng càng thu nhỏ lại, xuất hiện vòng tròn lòng trắng mắt bên ngoài.
+ Mỏ và chân vẹt: càng sần sùi (ở đây cần phân biệt khái niệm mỏ – chân chim sần sùi tự nhiên do độ tuổi với một loại bệnh nấm sừng làm sần sùi các bộ phận này).
Như vậy, nếu mỏ chim óng mượt không có vết rạn, không gồ ghề, da chân chim mềm mại, không có vảy sừng trắng dựng lên thì đó là con vẹt còn nhỏ tuổi.
Lồng nuôi vẹt
Loại lồng được sử dụng cho vẹt là các lồng làm bằng kim loại. Loại này bền, sạch, tiện dụng trong việc làm vệ sinh lồng chim, và đặc biệt là để chịu được cái mỏ khoẻ của họ nhà vẹt.
Nếu bạn chỉ nuôi đơn lẻ 1 con chim thì lồng có kích cỡ 30cm x 30cm là phù hợp, hoặc một chiếc lồng tròn có đường kính 30cm.
Nếu bạn nuôi một đôi chim thì cần có 1 chiếc lồng rộng hơn vì còn để cho chim sinh sản và nuôi con trong đó, loại lồng vồng 40cm x 40cm hoặc lồng chữ nhật 35cm x 50cm cũng rất tốt.
Trong lồng chim, ngoài hai thứ bắt buộc phải có gồm cóng nước và cóng thức ăn, bạn cần có cầu đậu cho chim. Nên đặt 2 cầu so le để chim có thể thoải mái leo trèo. Kèm theo đó 1 đến 2 cóng nhỏ đựng các thức ăn phụ trợ. Bạn treo thêm vào lồng chim 1 miếng mai mực. Và đặc biệt với chim sinh sản là chiếc tổ sinh sản của chim.
Tổ sinh sản của chim không quá cầu kì, thường được đóng bằng gỗ mỏng nhưng phải đủ khả năng chịu được cái mỏ khỏe của chung. Kích thức khoảng 15cm x 20cm, có khoét một lỗ tròn làm cửa ra vào cho chim.
Vẹt thường không có thói quen tắm đẫm nước, nhưng cũng rất sạch sẽ. Vì thế hãy chuẩn bị 1 bình xịt nước dạng phun sương. Hãy cho chúng tắm bằng cách xịt nước 2 ngày một lần vào mùa hè và mỗi khi nắng vào mùa đông.
Nuôi vẹt sinh sản
Vấn đề đầu tiên là chọn con nuôi với màu sắc mong muốn. Hãy lưu ý những màu sắc nào là trội và những con nuôi nào là thuần chủng. Có 4 lựa chọn cho con nuôi thuần chủng và trội, đó là các màu xanh lá nhạt (xanh lá chủ đạo và các vân sọc đen), xanh xám (xanh da trời chủ đạo và vân sọc đen), vàng tuyền (mắt đen hoặc đỏ) và trắng tuyền (mắt đỏ)…Với các dạng con nuôi này, nếu bạn cho phối giống hai con cùng màu giống hệt nhau chắc chắn sẽ tạo ra các con chim non giống như bố mẹ mà không có sự đột biến về màu sắc.
Tuy nhiên việc chọn giống các cặp giống nhau đôi khi không dễ và không phải người nuôi nào cũng thích các cặp màu giống nhau. Vì thế nếu có thể bạn hãy cố gắng tìm những cặp đôi càng giống nhau càng tốt sẽ cho ra thế hệ sau có màu đẹp.
Việc phốỉ giống ngẫu nhiên cũng mang lại nhiều lựa chọn màu thú vị. Người nuôi bây giờ thích sự lựa chọn ngẫu nhiên này hơn. Chỉ cần chú ý quan sát các cặp đôi nào đặc biệt gần gũi nhau ở các cửa hàng chim cảnh, không quá chú trọng đến màu sắc thì đây cũng là một lựa chọn thích hợp.
Có một lời khuyên cho các bạn chọn cặp sinh sản. Bạn nên chọn những con trống thuần chủng có màu sắc trội như 4 nhóm đã nói ở trên, vì những chim trống này đặc biệt thu hút chim mái. Và bạn nên cho chúng giao phối với con mái ở 2 dạng màu: xanh lá mặt vàng và trắng có đốm. Với sự kết hợp này bạn có thể có được những con chim non giống như bố mẹ lại vừa có khả năng đột biến về màu sắc ở tất cả mỗi lứa chim. Hơn nữa những chim mái ở 2 dạng màu này phần lớn chăm sóc chim non rất tốt.
(Ví dụ: Cho giao phối con trống xanh lá nhạt với con mái xanh lá mặt vàng. Hai con giao phối này có màu gần giống nhau, chim non sinh ra có thể giống bố hoặc giống mẹ, nhưng vẫn sẽ có sự xuất hiện của những chim non có màu lông vàng đốm, vàng tuyền, thậm chí là màu trắng hay xanh lam).
Vẹt sinh ra tới ngày thứ 35 thì đã có được bộ lông như chim trưởng thành và cũng đạt được kích thước như bố mẹ. Tuy nhiên màu lông chỉ thực sự định hình ở mùa thay lông đầu tiên vào lúc chim được 3 – 5 tháng tuổi.
Về cơ bản sẽ không có sự thay đổi lớn ở bộ lông, ngoài việc màu sắc sẽ đậm hơn, các vân đen rõ ràng hơn, các đốm có nhiều hơn và sẫm màu.
Cũng từ thời gian này trở đi, là lúc chúng ta có thể tiến hành ghép đôi và cho sinh sản. Hãy chọn ra những con trống khoẻ mạnh và đẹp mã, nếu là con trống có màu chủ đạo là màu xanh thì hãy chọn con đã xuất hiện mũ trán (màu trắng hoặc vàng trên trán) và có mũi đã chuyển xanh dương.
Chim mái hãy là những chim khỏe mạnh và thân thiện với người. Chúng ta nên cho ghép các cặp chim có con trống hơn con mái khoảng 2 tháng tuổi, nếu là cho đẻ lứa đầu. Hoặc chim trống đã từng nuôi con với 1 con mái đẻ lứa đầu. Điều này sẽ tránh trường hợp chim mái lấn át chim trống.
Hãy đặc biệt quan tâm đến chim mái nằm ổ lần đầu để cung cấp đủ lượng canxi, tránh tình trạng kẹt trứng, dễ gây nguy hiểm cho chim.
Tổ chim sẽ là các tổ gỗ có khoét lỗ, đủ chỗ cho chim nằm ấp và cho đàn chim non sau này. Vẹt không cần vật liệu lót tổ nhưng tập tính “gại ổ” thì vẫn còn. Nếu thấy chim dùng mỏ mổ về một góc tổ, thậm chí là cắn phá tổ (đây là lí do cần tổ có đủ độ cứng) thì chúng ta có thể biết chim sắp đẻ trứng. Hãy cho thêm vào một ít mạt bào hoặc mạt cưa, sẽ giúp chim có cảm giác thoải mái và ít phá tổ hơn.
Hãy quan sát mỗi ngày và nếu thấy có một thành viên của cặp chim vắng mặt ngày càng nhiều hơn, thậm chí cả ngày không ra khỏi tổ. Quan sát mỗi buổi sáng bạn sẽ thấy phân chim nhiều hơn, đặc và nặng mùi, thì có thể kết luận rằng chim đã bắt đầu nằm ấp.
Vẹt thường đẻ liên tục hoặc có khi cách nhật, từ 4 – 8 trứng, thời gian ấp trứng kéo dài từ 18 – 22 ngày. Tuy nhiên quả trứng đầu tiên trong tổ sẽ không nở khi chưa tói 20 ngày. Bạn có thể dễ dàng biết được chim con đã nở với tiếng kêu “chip chip” vào một buổi sáng, bởi vẹt con có thể kêu ngay từ khi mới nở.
Dạy vẹt nói
Hàng ngày vào buổi sáng, hoặc buổi chiều (vào một giờ nhất định nào đó thuận tiện trong ngày), bạn hãy lấy một lát cà rốt, dưa chuột, hay táo, lê, mận… tươi ngon, cầm chúm ở các đầu ngón tay, nhẹ nhàng chìa tới bên những chú vẹt. Vừa mời ăn, vừa nói những lời âu yếm nhẹ nhàng, tránh đột ngột, tránh to tiếng khiến vẹt hoảng sợ. Khi vẹt chịu lấy thức ăn, nhẹ nhàng rụt tay lại, tiếp tục đứng yên nói một vài lời âu yếm (Tuy không hiểu lời nói, nhưng cử chỉ, thái độ dịu dàng của bạn vẹt cảm nhận rất rõ, và điều này khiến nó yên tâm).
Sau hai, ba ngày như vậy, tiếp cận gần hơn: món ngon để trong lòng bàn tay, từ từ đưa gần tới vẹt. Các ngón tay tự do của bạn hãy chạm nhẹ vào lông ngực nó, bàn tay dần dần hơi nghiêng úp sao cho vẹt muốn ăn thì phải nghểnh cổ, cúi sâu hơn vào lòng bàn tay bạn, cũng có nghĩa là sự đụng chạm với vẹt sẽ nhiều hdn!
Tiếp tục tư thế úp bàn tay trên, nhưng lần này ngón cái, ngón ba – tư – năm giữ chặt lấy miếng ngon, ngón trỏ chìa ra bắt vẹt phải đứng lên ngón tay bạn thì mới lấy được thức ăn.
Nếu thành công bước này, chỉ hai ba ngày sau, bạn có thể thoải mái vuốt ve chúng!
Lưu ý: khi tiếp cận vẹt mới, không nên rụt rè, rút tay đột ngột khi nó chuẩn bị cắn. Càng sợ sệt bao nhiêu, càng cố tình rút tay bao nhiêu, vết cắn sẽ càng sâu, càng khiến vẹt kích động, sợ hãi bấy nhiêu. Hãy tự tin và dịu dàng, chậm rãi tiếp cận với vẹt, bạn sẽ tránh được những cú cắn tự vệ ban đầu khi vẹt còn lo sợ!
Trong thời gian làm quen không nên đụng chạm vào khu vực lông bụng vẹt, đây là điểm nhạy cảm, đặc biệt với vẹt mái, chúng hay khó chịu và dễ cắn lắm.
Phòng trị bệnh cho vẹt
Bệnh ỉa chảy
Bệnh gây ra do một sổ chủng vi khuẩn thương hàn mà ở vẹt thường gặp là: Vi khuẩn salmonella tiphimurium, salmonella enteritidis. Ngoài ra, trong bệnh thương hàn còn có sự phối hợp cửa trực khuẩn escherichia coli có sẵn trong đường tiêu hóa của vẹt.
Các loài vi khuẩn trên có thể tồn tại trong điều kiện ẩm ướt, thiếu ánh sáng mặt trời. Vi khuẩn cũng có trong nguồn nước và thức ăn bị ô nhiễm.
Chim khỏe sẽ bị nhiễm mầm bệnh và phát bệnh khi sử dụng thức ăn, nước uống có mầm bệnh, sống trong môi trường bị ô nhiễm. Thời gian ủ bệnh của chim từ 3 – 4 ngày. Sau khi vào cơ thể chim, vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và tiết ra độc tố gây viêm ruột. Một số trường hợp bệnh nặng, vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm phổi, làm cho chim chết nhanh.
Chim bệnh thể hiện thường đứng ủ rũ, ăn kém hoặc bỏ ăn, uống nước nhiều, sau đó ỉa lỏng, phân có màu trắng vàng, trắng xanh, có mùi tanh, đôi khi có lẫn máu.
Có thể sử dụng 1 trong các thuốc sau đây để điều trị: Esb3: Pha 2g với 1 lít nước, cho chim uống liên tục 3 – 4 ngày. Oxytetracyclin: Dùng liều 100mg/kg thể trọng của chim, thuốc có thể pha nước cho uống, trộn với thức ăn cho ăn hoặc tiêm bắp thịt, thuốc dùng liên tục 3 – 4 ngày.
Khi phát hiện chim bệnh cần cách ly điều trị kịp thời, đồng thời cũng dùng 1 trong các loại thuốc trên điều trị cho những chim đã nhốt chung lồng với chim ốm, vì những chim này có thể đã bị nhiễm mầm bệnh.
Thực hiện vệ sinh, tẩy uế và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại khoáng và các vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho chim.