Huấn luyện vẹt khi còn non là cách tốt nhất để vẹt biết nói. Người ta cho rằng thời điểm tốt nhất dạy vẹt nói là bắt đầu từ tháng thứ 6-một năm tuổi, nghĩa là khi còn non. Điều này có thể đúng với cả người nữa: “Dạy con từ thưở còn thơ…bơ vơ mới về” . Điều quan trọng là làm sao có sự giao tiếp tốt và thiết lập sự tin tưởng của vẹt khi nó còn non với chủ và với mọi người. Cũng như trẻ sơ sinh cần phải học cách ăn bằng thìa (muổng) hoặc ăn bằng đũa, cũng ăn bốc bằng tay của một số dân tộc; đồng thời trẻ em biết chơi với người xung quanh, ví dụ: cha mẹ, ông bà và bạn bè… Vẹt non cũng cần phải bắt đầu với những mối quan hệ xung quanh: người chăm sóc trực tiếp và người lạ… Do đó, cần phải dành nhiều thời gian với vẹt non của bạn để có sự tin tưởng vào bạn, thân thiện với bạn, đừng để những xung đột xảy ra giữa chủ và vẹt, như trong bài: “Xử lý vẹt cắn bằng sự thân thiện” đã chia sẻ trên Diễn đàn ngày 28/5/2011.
Topic này được tổng hợp từ những tài liệu của nhiều nguồn về dạy chim biết nói, để chia sẻ cùng các bạn đang dạy chim biết nói. Đặc biệt là vẹt, vì thời gian này của năm nay là đã đến tuổi để dạy vẹt nói; đồng thời cũng là tài liệu để tôi dạy 2 con Má vàng và Cockatiel của tôi, cũng đang đến tuổi phải dạy nó nói rồi.
Bước 1. Dạy vẹt những cử chỉ đơn giản. Trên cơ sở đã thân thiện với vẹt, bạn sẽ dạy những hành vi đơn giản theo mục đích của mình. Ví dụ: Nếu bạn muốn tạo cho con chim của bạn trở nên quen với việc bị xử lý nhẹ nhàng, trước hết, bạn có thể vuốt ve với bàn chân và ngón chân của nó để không tạo nó phản ứng của nó về hành vi của bạn. Dần dần nó sẽ quen và đưa chân của nó cho bạn vuốt ve là bạn thành công rồi. Tiếp đó, bạn nhẹ nhàng nâng đỡ đôi cánh của nó. Chú ý đừng để nó sợ khi đụng đến cánh của nó, vì chim rất nhạy cảm với việc đụng vào cánh. Thao tác cuối cùng cần đạt được là làm sao để vẹt cho vuốt ve mỗi khi bạn tiếp cận với chúng. Hay nói vuốt ve là hành động biểu hiện thân thiện nhất giữa chủ và vẹt cũng như của vẹt và chủ. Với con Má vàng và Cockatiel của tôi, chúng đã biết bước chân lên từng ngón tay, bàn tay và cho vuốt ve nó mỗi khi nó thích theo sự chỉ huy của tôi. Nên nhớ rằng chỉ khi chúng thích, nó mới cho vuốt ve. Nếu không nó sẽ cắn lại hoặc có cử chỉ phản ứng “không đẹp”. Khi này, bạn nên chấm dứt hành động vuốt ve nó và cho nó chơi tự do, để khi khác lại tiếp tục, tránh để nó nhàm chán và ức chế.
Bước 2. Dạy vẹt nhận biết âm thanh đơn giản. Thân thiện với các con chim non thường xuyên cho phép bạn trở nên quen thuộc với tính cách và sở thích của từng con, làm cho bạn tiếp cận với chúng dễ dàng hơn và cũng như dễ dàng điều khiển con chim theo ý mình bằng những cử chỉ đơn giản, như ra hiệu bằng tay, hay gọi nó lại gần. Để gọi được con chim, đầu tiên bạn phải đặt cho nó một cái tên đơn giản, với một âm tiết để chim dễ bắt chước. Ví dụ con Vẹt Má vàng của tôi, đã đặt tên nó là Eupatri, nhưng tên nick của nó là Tri. Sau đó khi tiếp xúc với nó, tôi thường xuyên gọi với cái tên của nó là Tri, để nó nghe lặp lại nhiều lần, nó sẽ nhận ra đích thực là bạn muốn gọi nó, bằng một âm thanh quen thuộc, thân thiện. Còn con Cockatiel, tôi đã đặt tên cho nó là Chen. Đến nay cả hai con đã nhận biết được tên của mình mỗi khi tôi muốn gọi nó. Điều cần tránh là mỗi khi gọi con nào thì phải tách chúng ra, để chúng không bị nhầm lẫn gọi con này thì con kia đến. Để gọi được chúng đến cần có thức ăn hay đồ chơi mà chúng ưa thích đưa ra dụ nó. Một khi mỗi con nhận được tên mình khi bạn gọi là thành công rồi.
Bước 3. Dạy vẹt nói những từ đơn giản. Khi vẹt đã chấp nhận những cử chỉ thân thiện, như vuốt ve, biết nghe tiếng gọi từ bạn, bạn sẽ dạy nó nói những từ đơn giản, thường là có nguyên âm a, o thì vẹt dễ học nhất. Ví dụ Ba, Hello. Công việc này cũng lặp lại thường xuyên, vào một thời gian nhất định, buổi sáng sớm: 6-7 giờ, và buổi chiều: từ 5-6 giờ. Khi dạy nói, nên để trong phòng yên tĩnh, với tâm trạng vẹt thấy thoải mái nhất, thì việc dạy nói mới có hiệu quả cao. Nên tránh cho vẹt tiếp xúc với nhiều người trong khi dạy nói, Vẹt sẽ khó nhận ra những âm thanh tạp hay âm thanh cần huấn luyện. Hệ quả của việc này sẽ tạo ra cho vẹt phát âm không rõ tiếng hoặc nói những bậy bạ những từ ngoài ý muốn.
Trên đây là ba bước đầu tiên trong quá trình dạy vẹt nói mà tôi đã rút ra để chia sẻ; đồng thời tôi vẫn đang thực hành cho con Tri và con Chen của tôi thêm nhuần nhuyễn. Những bước tiếp theo sẽ để topic khác, vì không nên viết quá dài, đọc dễ gây buồn chán, như những con vẹt của chúng ta.
Cuối cùng bài viết, lưu ý là công việc dạy vẹt biết nói rất công phu, được tập trung trong thời gian ngắn. Để đạt kết quả tốt, chúng ta nên tuân thủ nguyên tắc: phản xạ có điều kiện là được lặp đi lặp lại nhiều lần. Thực ra, vẹt cũng chẳng hiểu nó nói cái gì, mà chỉ lặp lại hành vi của nó theo đúng bối cảnh là thành công rồi. Hy vọng tất cả những ai nuôi vẹt đều thành công là vẹt của mình làm theo ý mình./.