Site iconChimCanh.Vn

KINH NGHIỆM NUÔI VẸT NON

KINH NGHIỆM NUÔI VẸT NON

-Baby vẹt non chết ở tình trạng bầu diều cứng lớn không tiêu được thì có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên theo kinh nghiệm  thì một trong những nguyên nhân chính là kĩ thuật cho ăn (bao gồm pha chế bột, cách cho ăn, tính toán liều lượng thức ăn,..) chưa đúng.

Rất khuyến cáo những bạn chưa có kinh nghiệm bơm chim non ăn không nên mua những baby chim quá nhỏ cần phải bơm lâu dài. Cứ chọn những em lông lá đã cứng cáp chập chững học bay và có thể bắt đầu tự ăn sẽ tốt hơn nhiều và giảm rủi ro cho người nuôi. Yên tâm đối với loài Vẹt thì việc nuôi một em baby chưa có lông lá gì với nuôi một em đã có lông lá đầy đủ chuẩn bị học bay chẳng khác gì nhau về sự quý mến và khả năng thuần hóa gần gũi của ẻm đối với chủ nuôi. Ẻm gần gũi và thuần hay không là do người nuôi đối xử với ẻm thế nào thôi.



Cũng xin phép khuyến cáo thêm với các bạn bán chim: là nên tư vấn kĩ và không nên mọi giá bán chim cho những bạn ít kinh nghiệm bơm bột cho baby chim. Đành rằng kinh doanh thì phải bán hàng nhưng văn hóa kinh doanh cũng là điều nên tâm niệm. Giao vào tay những keeper chưa kinh nghiệm những bé baby quá non đồng nghĩa với bán cho người mua nhiều rủi ro – không chỉ có thể xảy ra hậu quả làm mất uy tín người bán, mà hơn nữa: là làm mất đi một cuộc sống của một em vẹt vô tội.
-Về men tiêu hóa thì có thể nói thế này: bản thân trong diều chim non luôn có sẵn một lượng men tiêu hóa nhất định. Cho nên bột có men tiêu hóa hay không có men tiêu hóa ghi trên bao bì: cơ bản cũng chỉ là những vấn đề PR của nhà sản xuất thương hiệu bột đó mà thôi.

Tuy nhiên khi nuôi dặm handfeed cho các bé chim: cần rất thận trọng với một vấn đề là dung dịch bột nóng quá hoặc lạnh quá đều có thể làm chết chất men tiêu hóa có trong diều chim. Khi các vi khuẩn tiêu hóa có lợi này bị chết đi thì chúng sẽ không giúp chim chuyển hóa được bột (hoặc bất cứ thức ăn gì khác) trở thành thức mà chim hấp thụ được. Hậu quả là thức ăn sẽ không được tiêu hóa, ùn ứ trong diều và sau một thời gian thì lên men chua, hôi và làm cho chim ngộ độc. Đồng thời nhìn thấy diều chim căng thì tưởng em nó no rồi, nhưng thực tế chất dinh dưỡng để hấp thụ cho ẻm thì lại vẫn đang zero – nên cũng có thể nói là ẻm chết vì đói (không hấp thụ dinh dưỡng) dù diều ẻm vẫn căng tròn. Khổ thế đấy!


-Cũng tương tự như vậy khi cho ẻm ăn đúng cách nhưng sau khi ăn xong ẻm bị ở nơi quá lạnh hoặc quá nóng – da ở bầu diều chim rất mỏng manh ngay lập tức bị tác động bởi khí hậu bên ngoài khiến cho bầu diều chim non cũng sẽ bị quá nóng, quá lạnh theo – từ đó tác động vào quá trình tiêu hóa thức ăn trong diều và có thể gây ra những phản ứng tiêu hóa không phù hợp.
-Tóm lại: để nuôi một em baby vẹt mùa này ở cả SG hay bất cứ nơi nào ở nước ta vốn đang là mùa khí hậu lạnh: điều kiện cần là TIỀN mua chi và TÌNH YÊU để kiên nhẫn chăm chút cho chim. Điều kiện đủ là KIẾN THỨC và SỰ CẨN THẬN, ĐỌC KĨ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TRƯỚC KHI DÙNG ! Chúc các bạn hiền nuôi chim thật tốt!

Exit mobile version