Site iconChimCanh.Vn

Đôi nét về các dòng Frilled

Lông xoăn (Frill) là một trong những kiểu đột biến bất thường xảy ra trong sự phân bổ về hình thể và bộ lông ở loài yến. Kiểu đột biến này xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Lan vào năm 1800. Và trong suốt thế kỷ thứ 19 đặc điểm này được các nhà lai tạo nhân rộng khắp châu Âu. Thời điểm đó chúng được gọi dưới tên chung là Yến lông xoăn Hà Lan nhưng sau đó ở mỗi vùng của mỗi quốc gia lại tiến hành lai tạo riêng để hình thành nên nhiều dòng Frill khác nhau và đảm bảo sự khác biệt đó qua việc đặt các tên riêng cho từng dòng.
Tuy nhiên vì vài lý do chúng không được nhân rộng tại 1 số quốc gia, ví dụ tại Anh quốc và tại đây chúng thậm chí cũng không được đề cập trong các loại sách về chim yến
Có 3 vùng trên thân thể mà sự phân bổ về bộ lông khiến loại này có những dòng nhánh khác nhau
1. Vùng lông trên lưng được chia làm đôi và chạy dài từ phần vai trên xuống dưới cuối lưng. Lông xoăn là kết quả của việc các lớp lông xoăn lại với nhau, đối xứng ở 2 bên và luôn hướng về phía trước của lưng và cánh. Đặc điểm phân bổ này được gọi là “áo choàng” (Mantle)
2. Vùng lông ức, thay vì chạy suôn xuống và ôm sát cơ thể như yến thường thì lại xoăn ra ngoài và hướng lên trên phần xương ức và cuống họng giống như có 1 lớp khăn choàng khoác dưới cổ. Đặc điểm thứ 2 này được gọi là “cổ áo” (Jabot hoặc Craw)
3. Những chùm lông ở phần trên đùi cũng xoăn ra ngoài và hướng lên trên. Đặc điểm này được gọi là “Fin” hoặc “Flanks”. Trong những cuộc thi, phần lông ở khu vực này hay được giám khảo để ý tới vì nó không được quá rối, quá ngắn hay quá ít
Tất cả những chim được nuôi dưỡng và lai tạo nếu thừa hưởng những yếu tố trên cộng thêm những đặc điểm hành vi và kích cỡ thì đều được xem là yến lông xoăn (Frilled Canary). Sau đây là những dòng Frill đã được lai tạo thành công
– North Dutch Frill (xuất hiện cuối thế kỷ 19)
– South Dutch Frill (xuất hiện đầu thế kỷ 20)
– Parisian Frill (đầu thế kỷ 20)
– Milan Frill (đầu thế kỷ 20)
– Swiss Frill (đầu thế kỷ 20)
– Italian Gibber Frill (đầu thế kỷ 20)
– Spanish Giboso Frill (giữa thế kỷ 20)
– Padovan Frill (1974)
– Fiorino Frill (1982)
– Italian Giant Frill (1994)
1. NORTH DUTCH FRILL:
Đây được xem là dòng Frill cổ điển nhất và phổ biến nhất cho đến tận ngày nay. Dòng Frill này hội tụ đủ 3 yếu tố lông xoăn khiến nó trở thành một trong những dòng Frill hoàn hảo bởi vì ngoài 3 yếu tố trên nó không xuất hiện những kiểu lông xoăn khác trên cơ thể. Lông ở 3 vùng lưng, ức và đùi phải phát triển hài hòa, đối xứng khiến cho tổng thể thân chim, nhìn từ trái sang phải trông phải thật hoàn hảo
Các lớp lông đôi khi không được xếp lớp gọn gàng nhưng với hình thể cao to, thon dài thì nhìn tổng thể các lớp lông ấy vẫn không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Đầu và cổ không có khoảng cách như ở các dòng Frill khác (gần như là 1 khối) và phần đùi bắt buộc phải có lông bao phủ. Đây là đặc điểm khó duy trì vì đa số dòng Frill lông ở đùi khá ít. Kích cỡ chuẩn của dòng này vào khoảng 17-18cm. Nhỏ hơn hoặc to hơn đều sẽ không đẹp. Một đặc điểm nữa là dáng đứng. Dáng đứng trên cầu phải thẳng và không được lệch quá 10 độ hướng về phía trước
North Dutch Frill có thể biểu hiện với đầy đủ các sắc tố từ vàng, trắng, xanh lá cây,…..nhưng đặc biệt không xuất hiện với màu đỏ. Những cá thể màu đỏ đều không được xem là đại diện của dòng North Dutch Frill này!
Các tiêu chuẩn nhận dạng North Dutch Frill
– Cổ: vừa phải, nối liền với thân, linh hoạt
– Lưng: vùng lông trên lưng được chia làm đôi và chạy dọc đối xứng từ vai xuống sống lưng
– Cánh: dài, ôm sát cơ thể
– Đuôi: dài, bản rộng, chót đuôi chẻ làm đôi
– Đầu: nhẵn trơn, lông mềm
– Mỏ: dài vừa phải, không bị hở lệch
– Lườn (ức): có dạng hình trái tim
– Vùng 2 bên sườn: dài, đối xứng, lông nhiều
– Phần thân dưới: cao, hướng thẳng
– Chân: dài, phần đùi phải có lông mềm bao phủ
– Dáng đứng: oai vệ, đứng thẳng 85 độ
– Xuất xứ: Hà Lan

2. SOUTH DUTCH FRILL:
Phần trên đã đề cập về sự hiện diện lần đầu tiên của Yến lông xoăn và sau này lan rộng tại khắp châu Âu, nó thậm chí lan rộng đến phía Nam của Hà Lan và tại đây, chính xác là tại Bỉ, là trung tâm của những nhà lai tạo chuyên về các dòng Yến dáng
Ở châu Âu dòng South Dutch Frill (SDF) được biết với tên gọi là French Frill (Xoăn Pháp) hoặc Belgian Frill (Xoăn Bỉ). Điều này có thể giả thích như sau. Vẫn là dòng yến xoăn có gốc của Hà Lan (vẫn mang tên Dutch) nhưng được phát triển tại phía Nam của Hà Lan, nơi có những trung tâm lai tạo rất phát triển, đó là Bỉ và Pháp. Một số người đã cho lai khác dòng với chim bản địa của họ mà một trong những dòng đó là yến xoăn của Bỉ (Belgian Frill). Hai vùng ở Bỉ đã cho lai ra dòng Yến này là Roubaisien và Lillois và trong số những con họ đem cho lai với NDF có cả dòng Border (Border canary)
Về sau này do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ hai mà dòng yến này dần bị mai một, chỉ một lượng nhỏ cá thể còn sót lại nên việc phát triển dòng này gặp nhiều khó khăn. Như vậy là đã rõ, dòng SDF là con lai của các dòng yến tại Bỉ và dòng NDF. Ba vùng lông xoăn trên cơ thể là dấu hiệu nhận biết đầu tiên. Phần lưng, ức và đùi phải hài hòa tổng thể nhưng về phần lông thì không nhất thiết phải phân bổ giống như NDF, và bên cạnh đó yếu tố đối xứng cũng là 1 yếu tố rất quan trọng
Phần đầu và cổ phải nhỏ và mảnh khảnh như các dòng chim của Bỉ nhưng cũng phải linh hoạt như ở các dòng Frill. Một đặc điểm quan trọng khác là dáng đứng. Nó phải trông như hình số 7 mà đa phần xuất hiện ở chim của Bỉ. Việc kết hợp đặc điểm dáng đứng số 7 và và lông xoăn của Hà Lan là sự kết hợp hoàn hảo. Phần lưng và vai phải hướng thẳng lên trên. Ngoài ra phần cổ có thể duỗi thẳng ra phía trước, không nhất thiết phải vươn ra quá dài như ở các dòng chim của Bỉ nhưng vẫn phải hơi vuông góc với phần lưng và vai
Cũng như dòng NDF, khi cho lai dòng SDF thì tất cả các màu đều có thể chấp nhận được ngoại trừ màu đỏ
Các tiêu chuẩn nhận dạng SDF:
– Cổ: mảnh khảnh, vươn ngang ra phía trước, linh hoạt, có lông bao phủ
– Lưng: giống như của NDF
– Cánh: dài, ôm sát thân
– Đầu: nhỏ , mảnh khảnh, có dạng như đầu rắn
– Mỏ: vừa phải, ko bị hở, lệch
– Lườn (ức): như NDF
– Hai bên sườn: đầy đặn, đối xứng và hướng lên trên phần vai
– Đùi: có lông mềm bao phủ
– Chân: dài, thẳng
– Dáng đứng: mảnh khảnh, ngoài ra dáng đứng trông như hình số 7 thì là chim đẹp
– Độ dài: 17cm
– Xuất xứ: Bỉ

3. PARISIAN FRILL
Đây là dòng Frill tôi rất thích vì vậy tôi sẽ nói nhiều hơn về nó. PF cũng là 1 dòng Frill cổ điển. Xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 và nhanh chóng trở thành dòng Frill thịnh hành thời bấy giờ qua việc đạt được rất nhiều giải thưởng giá trị. Điểm thu hút đầu tiên nằm ở kích cỡ. Đây là 1 trong những dòng yến có ngoại hình khá lớn và điểm thu hút thứ hai chính là bộ lông dày
Dòng Parisian Frill này có con cháu của một dòng yến có ngoại hình to lớn ở Pháp có tên gọi là “La Nationale`”. Đây là dòng yến đặc hữu của nước Pháp, xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng tháng 10 năm 1867 với đặc điểm nổi bật duy nhất là ngoại hình to lớn. “La National`” cũng là một dạng yến lông xoăn và được người Pháp nuôi dưỡng chủ yếu tại Paris. Trước khi thế chiến thứ nhất diễn ra thì các dòng Frill khác nhau đã du nhập vào Pháp và người Pháp cũng tự tạo cho mình 1 dòng Frill mới nhưng vẫn mang bản sắc Pháp và lấy tên gọi là Parisian Frill. Và có 1 quyển sách lưu truyền nổi tiếng tên “Le Serin Hollandais Parisien” chuyên để giới thiệu về cách lai tạo và chăm sóc dòng Frill này
Nhìn chung, Parisian Frill khác các dòng Frill khác về độ dài cơ thể và với vẻ ngoài uy nghi sang trọng khiến nó trở thành một dòng Frill rất ấn tượng. Kích thước của nó cũng tương đương với kích thước của dòng yến Yorkshire của Anh quốc, vào khoảng 20-22cm. Nếu là chim đi dự thi thì chiều dài không được ngắn hơn 19cm. Chim non trong năm đầu tiên vẫn chưa thể đạt kích thước như chim bố mẹ mà sẽ phát triển dần trong năm thứ hai. Và thực tế một vài cá thể cũng không thể đạt được kích thước cực đại trong vòng 3 năm. Người Pháp tự hào xem chúng như là biểu tượng của sự huy hoàng, tráng lệ và uy nghi. Quan điểm khi chơi dòng này có 2 nhánh nhỏ. Một kiểu chơi dáng đứng và một kiểu chơi dáng lùi
Theo kiểu dáng đứng thì khi quan sát chim đậu trên cầu thì dáng chim phải luôn hướng về trước thể hiện sự tự tin, oai vệ. Dáng lùi thì ngược hoàn toàn với dáng đứng. Chim trông có vẻ rụt rè và phần đầu ít khi hướng về trước. Trong sách “Le Serin Hollandais Parisien” có giải thích vì sao lại có 2 kiểu chơi như vậy nhưng chỉ có 2 bản copy của quyển sách này tồn tại đến ngày nay và nó cũng chỉ được lưu truyền trong nội bộ của những nhà lai tạo ra dòng yến này vì vậy công thức lai tạo ra dòng yến này vẫn còn là bí mật
Bộ lông của dòng Frill này có thể dài và mềm, chúng cong lên như những gợn sóng hoặc có thể ngắn nhưng hơi cứng (còn gọi là lông cứng). Một cá thể Parisien đẹp thì phần lông xoăn ở lưng phải kéo dài dọc theo sống lưng và kết thúc ngay tại hậu môn của chim và phần lông này phải xoăn lại như hình dáng của những cánh hoa hồng hoặc túm lại thành hình một bó hoa. Phần ức cũng vậy, bộ lông cũng phải xoăn thành những gợn sóng theo nhiều hướng khác nhau tới tận phía dưới cằm
Với 3 vùng lông xoăn chủ đạo để gọi là Frill thì dòng yến này vẫn có những vùng lông mọc ở những chỗ khác trên cơ thể vì vậy không phải lúc nào chúng cũng trông giống như các dòng Frill (đặc biệt khi thay lông). Phần lông ở đầu của chim cũng xoăn lại trông như 1 chiếc mũ rộng vành, lông cổ trông như chiếc khăn choàng, lông ở vùng mặt cũng xoăn lại trông như những hàng ria mép. Phần đùi cũng được bao phủ bởi lông xoăn dài. Đó là những đặc điểm khiến Parisien trở thành một trong những dòng Frill quyến rũ nhất nhưng thật không may là ngày nay ngay chính tại quê hương của mình thì dòng Frill này cũng không được phát triển cho lắm.
Parisien Frill có thể có nhiều màu sắc khác nhau nhưng cũng không có màu đỏ

Tiêu chuẩn nhận dạng
– Cổ: lông xoăn nhiều
– Cánh: dài, ôm sát cơ thể
– Đuôi: rất khỏe, bản rộng và hướng tâm
– Đầu: lông xoăn phủ kín nhiều lớp cả 2 bên
– Mỏ: vừa phải, không hở lệch
– Ức: lông xoăn nhiều lớp như vỏ sò
– Hai bên sườn: dài, đối xứng
– Lưng: lông xoăn dày kéo xuống tận hậu môn và đối xứng
– Đùi: lông xoăn dài
– Móng: dài và xoăn như ruột gà
– Kích cỡ: 19-22cm
– Nguồn gốc: Paris, Pháp

4. MILAN FRILL
Vào đầu những năm 1900 các nhà lai tạo ở thành phố Milan của Italy đã lai tạo thành công một chủng loại lông xoăn màu trắng đặc biệt và họ đặt tên là “Milan Bianco”. Nếu nhìn về hình dáng và sự phối lông ở vùng cơ thể thì nó gần giống với Parisien Frill nhưng với kích thước nhỏ hơn (18cm). Bên cạnh màu trắng, dòng Frill này lại có thêm 2 màu nữa mà những màu này không được phép có ở dòng Parisien, đó là màu đỏ cam và màu xanh dương. Ngoài 3 màu này ra thì những màu khác đều không được xem là Milan Frill và mỗi cá thể Milan Frill chỉ được phép mang 1 màu, ko được trộn lẫn nhiều màu khác nhau kể cả những phần bị lem. Đây là dòng Frill duy nhất có màu đỏ được xuất hiện trên cơ thể!
Tiêu chuẩn nhận dạng:
– Cổ: lông xoăn nhiều
– Cánh: dài, ôm sát cơ thể
– Đuôi: rất khỏe, bản rộng và hướng tâm
– Đầu: lông xoăn phủ kín nhiều lớp cả 2 bên
– Mỏ: vừa phải, không hở lệch
– Ức: lông xoăn nhiều lớp như vỏ sò
– Hai bên sườn: dài, đối xứng
– Lưng: lông xoăn dày kéo xuống tận hậu môn và đối xứng
– Đùi: lông xoăn dài
– Móng: dài và xoăn như ruột gà
– Kích cỡ: 18cm
– Màu sắc: trắng, đỏ và xanh dương, mỗi cá thể chỉ được mang 1 màu
– Nguồn gốc: Milan, Italy
cá thể bên phải là Milan Frill

5. SWISS FRILL
Swiss Frill cũng là một trong những dòng được hiệp hội điểu học thế giới công nhận là một trong những dòng Frill. Xuất xứ tại Thụy Sĩ và cũng được lai tạo từ South Dutch Frill với chim bản địa, ở đây là dòng Scotch Fancy và dòng Munchener của Đức.
Swiss Frill có đầy đủ các màu trừ màu đỏ
Đặc điểm nhận dạng:
– Cổ: dài, mảnh khảnh, lông bóng mượt
– Cánh: dài, ôm sát cơ thể
– Đuôi: khỏe, dài chạm đất
– Đầu: nhỏ , hình dạng đầu xà
– Mỏ: vừa phải, không hở lệch
– Ức: nhỏ và đối xứng
– Hai bên sườn: dài, đối xứng
– Lưng: lông xoăn dài đối xứng và chạy dài dọc sống lưng
– Đùi: lông xoăn dài
– Kích cỡ: 17cm
– Dáng đứng mảnh khảnh có dạng hình Eclipse
– Nguồn gốc: Thụy Sĩ

6. ITALIAN GIBBER FRILL (GIBBER ITALICUS)
Đây là một trong những dòng Frill khá kỳ lạ, được lai tạo tại Italia và đối với nhiều người thì nó có những đặc điểm rất khác thường hay có thể nói là phi tự nhiên
Nguồn gốc chính xác của dòng này thì không được ghi chép chính xác nhưng nhìn chung nó mang những đặc điểm giống như SDF và dĩ nhiên khi đã hình thành nên 1 dòng mới thì nó không mang gien của SDF. Nhìn tổng thể hình dáng thì Gibber có kích thước nhỏ hơn mảnh khảnh hơn SDF và bộ lông xoăn cũng không phát triển bằng.
Kích thước nhỏ là do chúng được lai cận huyết với nhau qua nhiều đời. Ví dụ thay vì lai màu vàng với các màu khác thì người ta cho lai màu vàng với màu vàng. Chính vì cho lai như thế nên chim con sẽ có lông cứng, ít và thậm chí mất lông. Nhưng đặc điểm ít lông lại là đặc điểm để hình thành nên Italian Gibber. Lai cận huyết là kiểu lai chỉ dùng để duy trì củng cố hình dáng của chim nhưng cách lai này lại khiến chim con rất yếu. Điểm yếu của Italian Gibber là dễ bị stress thể hiện qua việc chim rất hay giật mình. Ngoài ra cũng còn phải kể đến tiếng kêu của dòng này. Dân gian vẫn hay gọi đùa nó là yến “cà lăm”
Gibber cũng là 1 trong những dòng yến có sự kết hợp giữa hình dáng và bộ lông xoăn. Chim có đôi chân phải thẳng, không được cong và phần cổ vươn dài ra giống như số 7. Đặc biệt đối với Gibber thì ba yếu tố lông xoăn ở lưng, ức và đùi chỉ cần hiện diện 1 trong 3 là đủ vì nó được ưu tiên do đặc điểm có ít lông. Lông xoăn không mọc quá nhiều ở phần ức của chim và tương tự ở phần đùi thì phần lớn là không có lông
Tất cả các màu đều có thể chấp nhận ở Gibber trừ màu đỏ. Phần lớn Gibber có màu vàng
Tiêu chuẩn nhận dạng:
– Cổ: thon dài, mảnh khảnh
– Lưng: nhỏ nhưng đối xứng
– Cánh: dài, thẳng và ôm sát cơ thể
– Đuôi: dài thẳng theo hướng sống lưng
– Đầu: nhỏ, mảnh khảnh, đầu xà
– Mỏ: dài vừa phải, không bị hở
– Lườn (ức): ít lông
– Vùng 2 bên sườn: dài, đối xứng, không có lông
– Chân: dài, thẳng vuông góc
– Dáng đứng: mảnh khảnh, có dáng số 7, phần cổ vươn dài ra trước
– Kích cỡ: 14-15cm
– Xuất xứ: Italy

7. SPANISH GIBOSO FRILL
Đây cũng là 1 dòng lai đặc biệt không kém. Dòng lai này có đặc điểm tương tự như Gibber tuy nhiên nó vẫn nhỉnh hơn Gibber một chút về độ dài hình thể. Ngoài ra xét về dáng đứng thì nó thậm chí có dáng đứng còn khắc khổ hơn cả Gibber. Phần đầu cuối xuống thấp hơn cả vai và đây là đặc điểm vẫn thường thấy ở các dòng yến của Bỉ thời xưa. Có một sự thật là phần cổ của chim trông có vẻ như được dài thêm ra và đó là kết quả của việc đột biến và các đốt sống cổ như được mọc thêm ra. Đây là sự thật và nó vẫn chưa được chứng minh rằng tại sao nó lại có chiều dài cổ quá khổ như thế
Chính vì mang những đặc điểm gần giống như Gibber nên dòng này vẫn chưa chính thức được công nhận là 1 dòng Frill hoàn chỉnh nhưng trong những cuộc thi thì người ta vẫn dành riêng cho nó 1 hạng mục vì sở hữu đặc điểm hiếm có trên
Vì chưa được công nhận nên cũng ko có những tiêu chuẩn riêng dành cho dòng này
– Kích cỡ: 17cm
– Xuất xứ: Tây Ban Nha
Vào đây xem ảnh Spanish Giboso
http://www.animal-image.com/Birds/Ca…nary/index.php
8. PADOVAN FRILL
Một dòng Frill khác được hiệp hội điểu học quốc tế công nhận chính thức vào năm 1974 và nhanh chóng gia nhập vào đại gia đình Frill. Cũng là sản phẩm lai tạo của người Italia và tên của nó được đặt theo tên 1 thành phố tại tỉnh Padua, Italia. Đây là dòng Frill cũng to lớn như Parisien mặc dù những lớp lông xoăn lại ít hơn. Và điểm đặc biệt quan trọng khiến nó khác những dòng Frill khác là nó sở hữu một cái mào trên đỉnh đầu (dân ta hay gọi là bông cúc)
Padovan Frill được lai tạo giữa Parisien Frill và North Dutch Frill và NDF khi đó lại mang gien của dòng yến Gloster, đây là dòng yến với đặc điểm có bông cúc rất lớn ở trên đầu. Tại Lancashire thuộc Anh quốc người ta tiến hành cho lai nhằm phát triển độ dài và kích cỡ của chim song song với việc duy trì đặc điểm bông cúc này. Ngoài ra Padovan còn sỡ hữu dáng đứng rất đẹp khi 3 phần đầu, thân và đuôi trông như 1 đường thẳng. Và cũng như Parisien phần lông xoăn của nó cũng dài và rất dày và phân bổ lông như những dòng Frill khác. Đặc điểm bông cúc là đặc điểm dễ được nhận biết nhất ở các dòng bông cúc (Gloster) nghĩa là phần lông này phải tròn với trung tâm là ngay đỉnh đầu của chim sau đó vùng lông này có thể mọc dài xung quanh và kéo xuống tận vùng mắt và mỏ của chim
Tất cả các màu sắc đều hiện diện ở Padovan Frill và vẫn không có màu đỏ và thường thì phần bông cúc trên đầu sẽ màu khác so với màu trên thân chim
Tiêu chuẩn nhận dạng
– Đuôi: dài, bản rộng, chót đuôi chẻ làm 2
– Phần bông cúc: lông khá nhiều và thường có màu tối
– Mỏ: dài vừa phải, không bị hở
– Lườn (ức): rất nhiều lông xoăn
– Lưng: giống như NDF
– Vùng 2 bên sườn: ngắn, đối xứng, lông nhiều
– Móng: dài và cong như ruột gà
– Kích cỡ: 17cm
– Dáng bộ: kiêu hãnh, tao nhã và sang trọng
– Xuất xứ: Padua, Italia
Vào đây xem ảnh Padovan Frill. ngoài ra đây là địa chỉ đặc biệt ưa thích của mình vì trang này chuyên hướng dẫn cách nuôi dưỡng dòng Parisien Frill và 1 số dòng khác
Exit mobile version