breastfeeding 101 – kiến thức cơ bản cho các bà mẹ cho con bú

Khi sinh bé đầu tiên, mình đã mắc sai lầm là không tự trang bị kiến thức cơ bản về nuôi con bằng sữa mẹ. Kết quả là sữa không có đủ: mình chỉ cho bé ăn sữa mẹ được một phần trong tháng đầu tiên và phải chuyển sang cho bé ăn toàn bộ bằng sữa công thức.

Đến khi có bé thứ hai, mình đã phải tìm hiểu lại và rút ra được rất nhiều bài học. Xin được chia sẻ ở đây với các bà mẹ có cùng mối quan tâm về các hiểu lầm phổ biến do thiếu kiến thức khoa học. Phần lớn hiểu nhầm đều xoay quanh vấn đề: tôi có đủ sữa không?

#1: Sợ mình không đủ sữa nên cho bé ăn sữa công thức bổ sung ngay vì lo bé đói.

Điểm căn bản nhất về sữa mẹ là: sữa mẹ được tạo ra dựa trên nhu cầu của bé. Bé càng ăn nhiều và đều, cơ thể mẹ càng tạo ra nhiều sữa để đáp ứng nhu cầu ăn của bé.

Sau khi bé ra đời, tốt nhất nên cho bé bú càng sớm càng tốt.

Trong vài ngày đầu, nhu cầu ăn của bé rất ít và sữa non hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này. Sau 2 – 5 ngày, cơ thể mẹ bắt đầu tạo nhiều sữa hơn. Trong thời gian này, nếu không cho con bú hoặc cho bú ít, sữa mẹ sẽ tiết ra không đủ để đáp ứng nhu cầu của bé.

Sai lầm nhất là cho rằng mẹ không có sữa hoặc ít sữa nên phải cho bé ăn bổ sung sữa công thức ngay lập tức. Bé ăn sữa công thức sẽ ít co nhu cầu bú mẹ hơn, và do đó cơ thể mẹ sẽ không nhận được tín hiệu phải tạo sữa. (Đây là trường hợp của mình với bé đầu tiên, và một vài người quen của mình cũng đã trải qua kinh nghiệm này.)

Phần trăm những bà mẹ thực sự không đủ sữa cho con rất ít. Thậm chí đã có những người cho con bú một bên hoàn toàn thành công (vì một số lý do như bé đơn giản chỉ thích bú bên kia – đây chính là trường hợp của mình. Bé thứ 2 nhà mình hoàn toàn khỏe mạnh và tăng cân đều đặn). Bên ngực được bé bú sẽ tạo sữa gấp đôi để đáp ứng nhu cầu ăn của bé, bên kia không nhận được tín hiệu tạo sữa nữa nên ngừng họat động.

#2: Phải ăn thật nhiều và đặc biệt phải tích cực ăn các thức ăn cho ra nhiều sữa.

Ngay cả phương Tây cũng có quan niệm cho rằng một số thức ăn có thể kích thích tạo ra nhiều sữa hơn. Tuy nhiên, chưa có cơ sở khoa học nào giúp khẳng định niềm tin này. Một số nhà khoa học cho rằng có thể đây là hiệu ứng placebo (placebo effect) xảy ra khi một việc làm đem lại kết quả như mong muốn do người làm cực kì tin tưởng vào kết quả họ mong đợi. (Một thí nghiệm về placebo effect như sau: có 2 nhóm người, 1 nhóm được cho thuốc thật để uống, 1 nhóm được cho uống thuốc giả không hề có tác dụng trong khi nhóm này vẫn tin họ đang được dùng thuốc thật. Kết quả cho thấy thuốc giả có tác dụng như thuốc thật với nhóm thứ 2).

Quan trọng là người mẹ, giống như trong quá trình mang thai, phải ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng tốt, uống nhiều nước, không dùng các chất kích thích (ví dụ như hút thuốc hoặc hạn chế cà phê – nhưng một chút cà phê hay thỉnh thoảng một ly rượu vang cũng không hề có hại cho bé. Lượng cồn trong rượu – nếu bạn uống ít – là vô cùng nhỏ, không để lại tác hại), nếu dùng thuốc thì nên kiểm tra kĩ để đảm bảo thuốc dùng được cho phụ nữ cho con bú, mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 300-500 calo so với cân nặng trước khi sinh.

Ngay cả khi mẹ ăn không đủ chất, khoa học cho thấy sữa mẹ vẫn đủ chất cho bé. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần chú ý chế độ ăn; chế độ ăn không đủ chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ.

#3: Bé cứ 1-2 tiếng lại đòi ăn, chắc chắn là mẹ thiếu sữa.

Sữa mẹ được tiêu hóa nhanh hơn sữa công thức. Các bà mẹ hay lo vì khi bé bú sữa mẹ, không có cách nào để ước chừng xem bé đang ăn bao nhiêu.

Bé cần được bú theo nhu cầu, không thể ấn định thời gian cho ăn giống như khi bé ăn sữa công thức. So với sữa công thức được cho ăn theo lượng nhất định, lượng sữa mẹ mà bé ăn vào hoàn toàn do bé chủ động quyết định và do đó, sẽ có bữa bé ăn nhiều hoặc ít hơn. Quan trọng là bé cảm thấy thỏa mãn sau mỗi lần ăn và số lần bé ăn dao động ừ 8 – 12 lần trong một ngày.

Dấu hiệu đáng tin cậy nhất cho thấy bé ăn đủ là bé tè hết 5-6 chiếc bỉm mỗi ngày, và tăng cân đều đặn. Cha mẹ nên tham khảo bảng cân nặng dành cho bé trai hoặc bé gái, tùy vào giới tính của bé.

Đôi khi bé quấy khóc – điều này rất bình thường trong thời gian đầu. Bé khóc khi bú mẹ KHÔNG nhất thiết là dấu hiệu thiếu sữa. Vì vậy, đừng vội vàng cho bé ăn sữa công thức.

Đối với các bé dưới 1 tháng, nếu bé ngủ quá 4 tiếng, nên đánh thức bé dậy để cho ăn. Nên cho bé ăn mỗi lần cách nhau 2-3 tiếng.

#4: Nếu dùng máy hút sữa, lượng sữa hút được chính là lượng sữa nhiều nhất cơ thể có thể tạo ra trong một thời gian nhất định. Do vậy, nếu tôi hút sữa được ít thì chắc không đủ cho bé.

Máy hút sữa không hút sữa ra hiệu quả bằng bé.

Hơn thế, lượng sữa một lần hút ra lại có thể dao động tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm tâm trạng của mẹ (càng thư giãn và thoải mái thì càng có nhiều sữa), thời gian trong ngày, thời gian đã trôi qua kể từ lần cuối hút sữa hoặc cho bú, chất lượng của máy hút sữa, lượng sữa nhiều nhất cơ thể mẹ có thể chứa được, tuổi của bé và tùy xem bé có ăn hoàn toàn sữa mẹ hay không.

Một hiểu nhầm khác song song với hiểu nhầm này là cho rằng bé bú cả 2 bên ngực mẹ mà vẫn đòi ăn tiếp thì phải bổ sung sữa công thức. Sữa được tạo ra liên tục. Một khi sữa đã ra khỏi bầu ngực, sữa sẽ lại được tạo ra tiếp. Một so sánh đơn giản giúp bạn dễ hình dung hơn là: hãy tưởng tượng bạn đang uống một cốc nước, và trong lúc bạn uống lại có một ai đó đang từ từ đổ nước liên tục vào chiếc cốc của bạn. Sữa mẹ cũng y hệt như vậy.

Ngoài ra, lượng sữa tối đa chứa trong bầu ngực cũng không liên quan đến độ to nhỏ của bầu ngực mà tỉ lệ với khả năng chứa sữa của các tuyến sữa. Có những bà mẹ ngực nhỏ mà rất nhiều sữa.

 #5: Máy hút sữa mua về chắc chắn là luôn thích hợp với mọi bà mẹ, và mức hút cao nhất luôn hiệu quả nhất.

Các máy hút sữa đều được bán kèm theo chai sữa và chai sữa phải đi kèm với phần đầu bằng nhựa để áp vào ngực khi hút sữa (trong tiếng Anh gọi là breastshield hoặc flange).

Breastshield đi kèm các bộ máy hút sữa đều ở kích cỡ 24mm (được coi là kích cỡ trung bình), nhưng đây không phải là kích cỡ thích hợp với tất cả các bà mẹ. Kích cỡ này không phụ thuộc vào cỡ ngực mà phụ thuộc vào kích cỡ của đầu vú. (Bạn có thể tham khảo hướng dẫn tìm kích cỡ phù hợp bằng tiếng Anh ở đây: http://www.medelabreastfeedingus.com/tips-and-solutions/13/choosing-a-correctly-fitted-breastshield)

Mình dùng máy Spectra và thấy rất đau mỗi khi hút sữa. Sau khi tìm hiểu, mình mới biết rằng nếu hút mà bị đau thì người dùng chắc chắn đang dùng kích cỡ sai. Hiện mình không rõ liệu các cửa hàng ở đây có bán breastshield các kích cỡ khác nhau hay không.

Mức hút mạnh nhất cũng chưa chắc chắn là mức hiệu quả nhất. Mỗi người một khác, và mức phù hợp nhất là mức cao nhất có thể mà vẫn dễ chịu, không gây đau. Có người lại hút sữa được nhiều nhất ở mức thấp nhất.

Lời kết

Chúc các bà mẹ tìm hiểu kĩ, tự tin và kiên trì cho con bú. 🙂

 

Nguồn tham khảo:

breastfeedingbasics.com
breastfeedingusa.org
kellymom.com
babycenter.com
sách: Caring for your baby and young child: birth to age 5 – American Academy of Pediatrics

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *