Cuối tuần người lớn được xả hơi, sao trẻ em vẫn phải học?
– Những buổi tối, những ngày cuối tuần, tại sao người lớn được xả hơi còn trẻ em thì không? Học ngày học đêm, học cho ra điểm 9, điểm 10, học đến mức đờ đẫn thì có ích gì?
Mấy hôm nay trên Facebook, tôi thấy vài người bạn đăng bảng thành tích của con, điểm cao lắm, toàn 9 với 10 thôi. Xem những bảng thành tích ấy, đọc được những lời khen ấy, không hiểu sao tôi cảm thấy băn khoăn, suy nghĩ.
Có người mẹ còn quả quyết rằng: “Cứ học sẽ có tất cả”. Tuy nhiên, nếu học ngày học đêm, học cho ra điểm 9, điểm 10, học đến mức quên ăn quên ngủ, học để trẻ trở nên đờ đẫn có ích gì?
Chúng ta bấy lâu nay cứ kêu gọi giảm tải chương trình học cho con em. Nhưng sâu xa của vấn đề lại từ chính quan điểm của phụ huynh. Mấy ai dám để con không đi học thêm? Mấy gia đình để con được vui chơi vào cuối tuần, vào mỗi buổi tối?
Chúng ta cứ ra rả nói chương trình học nặng nên không đi học thêm không được, con không theo kịp bạn bè.
Nếu chúng ta không bị “cuồng” điểm 9, điểm 10, chắc chắn tự con em mình sẽ được… cởi trói. Từ đây phụ huynh không chỉ tạo áp lực cho chính mình, cho con em mình mà còn tạo áp lực cho biết bao phụ huynh khác.
Chúng ta đã bao giờ nghĩ rằng con đi học để khám phá tri thức hay chưa? Có khi nào chúng ta tự hỏi ngày lễ, ngày tết là ngày mà tất cả mọi người lẽ ra phải được nghỉ ngơi, tại sao trẻ vẫn phải đi học?
Những buổi tối, những ngày cuối tuần, tại sao người lớn được xả hơi còn trẻ em thì không? Tại sao trẻ phải làm bạn với sách vở quanh năm suốt tháng cả một thời tuổi trẻ để rồi không ít em ra đời như “gà mắc tóc”, thất nghiệp bởi thiếu quá nhiều kỹ năng?
Tôi đã từng chạnh lòng khi con của nhiều đồng nghiệp khác được nhận quà nhân dịp 1-6, tết trung thu, trong khi con mình không có do không đạt thành tích cao trong học tập. Tôi đã từng khen con nhà người ta trước mặt con mình…
Tôi biết nhiều người đang bị áp lực quá nặng nề bởi chữ giỏi giống như tôi từng mắc phải. Hẳn có không ít phụ huynh đang mắc hội chứng con là thần đồng, là thiên tài. Mà thần đồng, thiên tài của ai hay của chính chúng ta mà thôi?
Nhưng may mắn tôi đã kịp nhận ra điểm số không phải là tất cả. Dù năm trước, năm nay, năm sau con tôi không đạt được bảng thành tích long lanh, không được nhận quà nhưng tôi vui bởi mỗi ngày con đến trường không bị áp lực bởi điểm số.