DẠY CON NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN: Đổi cách nói Con chúng ta thật là giỏi

DẠY CON NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN: Đổi cách nói Con chúng ta thật là giỏi
CHA MẸ THƯỜNG NÓI: LẠI BỊ CÔ GIÁO PHÊ BÌNH RỒI, CON THẬT LÀ KÉM CỎI!
Nếu bạn hỏi tôi: Trẻ con ngày nay khao khát điều gì nhất?
Tôi sẽ trả lời: Khao khát sự cổ vũ của cha mẹ.
Nếu bạn lại hỏi tôi: Trẻ con ngày nay thiếu thốn thứ gì nhất?.
Tôi sẽ trả lời: Thiếu thốn sự cổ vũ của cha mẹ.
Nội tâm của trẻ vô cùng yếu đuối, nhiều lúc, chỉ cần một cú sốc nho nhỏ cũng khiến cho chúng thu mình lại, tự ti vô cùng. Khi đối mặt với những đứa con bị sốc về tinh thần, những người làm cha làm mẹ cần cổ vũ và động viên tích cực, để cho chúng luôn tràn đầy tự tin.

  VÍ DỤ THỰC TẾ 

Thông là một đứa trẻ có tính cách hướng ngoại, thích nói gì là nói nấy, muốn làm gì là làm bằng được, không bao giờ chịu sự ràng buộc của bất cứ ai, bất cứ quy định gì. Ở trường học, Thông khiến cho thầy cô phải đau đầu.
Bất đắc dĩ, cô giáo đành phải gửi giấy để mời phụ huynh của Thông đến trường, rồi nói rõ từng biểu hiện thường ngày của Thông cho cha nghe.
Cô giáo bất lực nói: “Nếu ở trong lớp tôi không cho cháu Thông ‘thể hiện’, cháu thường nhanh chóng chuyển hướng chú ý sang những thứ khác, ví dụ như: nói chuyện riêng, làm việc riêng, nói leo, lúc phát biểu thường không giơ tay…”
Cha nghe cô giáo nói vậy, liền bày tỏ sự xin lỗi trước những phiền phức mà Thông gây ra cho cô giáo, sau đó hứa nhất định sẽ phối hợp với cô để thay đổi thói quen xấu của cậu bé.
Cha Thông từ trường về nhà, vừa vào đến phòng đã nhìn thấy Thông lẻn ngay về phòng mình làm bài tập. Tuy nhiên, ông không hề đếm xỉa đến cậu bé. Lúc này, mẹ Thông nôn nóng muốn biết cô giáo nói những gì, liền hỏi: “Cô giáo nói thế nào, mau kể cho em nghe đi!”.
Cha Thông cố ý nói thật to: “Con của chúng ta thật là giỏi!”.
Mẹ Thông vừa nghe xong liền cười xòa: “Giỏi thế nào, mau nói với em đi!”.
Lúc này, Thông đang làm bài tập ở trong phòng cũng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, liền đặt bài tập xuống, dỏng tai lên lắng nghe.
Cha nói: “Con chúng ta trên lớp phát biểu rất to. Nhưng nếu có thể nghĩ kĩ trước khi phát biểu thì càng tốt hơn! Hơn nữa vào lớp nó cũng rất tích cực phát biểu ý kiến, nhưng nếu biết giơ tay trước khi phát biểu thì tốt quá!”.
Mẹ Thông nghe xong liền nói: “Đúng đấy! Theo như anh nói thì con chúng ta đúng là giỏi thật! Chỉ cần khắc phục được một vài nhược điểm là thành học sinh ưu tú rồi!”.
Cha Thông vội hùa vào: “Đúng thế, em nói chẳng sai chút nào. Anh tin con trai chúng ta nhất định sẽ có biểu hiện tốt hơn!”.
Nghe cha mẹ nói chuyện xong, Thông liền rụt cổ lại. Lúc này cậu mới ý thức được rằng những hành vi bừa bãi của mình trong giờ là không đúng, những hành vi ấy là sai.
Kể từ đó về sau, Thông tiến bộ rất nhanh, về sau còn được bầu làm lớp trưởng nữa. T ừ khi trở thành lớp trưởng, sáng nào Thông cũng chủ động dậy sớm đến trường làm vệ sinh, như: quét lớp, vẩy nước, lau bảng… cậu bé quản lí kỉ luật trong lớp cũng rất bài bản và có trách nhiệm.
  LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA 
Hiện nay, trẻ con giống như cậu bé Thông không ít. Các bậc cha mẹ nên căn cứ vào tình hình cụ thể của con mình để tiến hành phân tích, bắt “đúng người đúng bệnh” và có phương pháp giải quyết vấn đề thích hợp. Ngoài ra, nếu cha mẹ muốn con mình tiến bộ thì nên nghĩ cách để con nhìn ra sự tiến bộ của mình, giúp trẻ xây dựng cảm giác tự hào và tự tin.
THỨ NHẤT: Dừng ngay việc mắng mỏ và phê bình
Điều này không thể thay đổi được hiện thực. Cha mẹ thường xuyên mắng mỏ, phê bình trẻ chỉ có thể khiến trẻ bị tổn thương, thậm chí còn làm rạn nứt hoặc hủy hoại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, cha mẹ nên tỏ ra thấu hiểu, thông cảm với con. Ngoài ra, cũng cần giao lưu, nói chuyện với con cái về những vấn đề ngoài chuyện học hành. Đây chính là tiền đề để trẻ chấp nhận sự giáo dục của bạn.
THỨ HAI: Xây dựng phương pháp so sánh đúng đắn
Đừng mang con mình ra so sánh với con cái của người khác mà phải để trẻ tự so sánh bản thân mình. Phải để trẻ nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân, đồng thời tích cực động viên trẻ.
THỨ BA: Kì vọng và tin tưởng là động lực phấn đấu không thể thiếu
Là cha mẹ, bạn có thể nói chuyện nhiều hơn với con, thể hiện sự tin tưởng và kì vọng đối với chúng; đồng thời có những lời động viên tích cực với mỗi bước tiến của trẻ, giúp con phân tích, đối mặt với khó khăn, thất bại, có như vậy trẻ mới cảm thấy vui vẻ mà có động lực phấn đấu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *