Site iconChimCanh.Vn

Homeschooling (p4): Bạn có thể dạy con nhiều hơn bạn nghĩ.




Dựa theo thống kê số lượng đọc các bài viết trên blog của tôi, dựa trên các quảng cáo các sản phẩm giúp trẻ học trên Facebook, dựa vào những cuốn sách trên kệ sách cho cha mẹ tại các hiệu sách, tôi biết phần lớn các cha mẹ hiện giờ quan tâm điều gì nhất khi nhắc đến việc giáo dục con.

Họ mong muốn con thông minh, và thông minh từ rất sớm.

Tôi không phản đối, trái lại rất đồng tình. Đây là một mong muốn rất chính đáng – tôi cũng muốn điều đó cho con tôi. Chỉ có điều sự thiếu kiến thức khoa học nói chung, sự cả tin và mong đợi không thực tế của nhiều người đã khiến cho các sản phẩm kém chất lượng, không khoa học, những khóa học ít hiệu quả (hoặc hiệu quả vừa phải nhưng biết “câu” cha mẹ) đang tràn lan như nấm: Làm sao để trẻ biết đọc sớm, làm sao để biết viết sớm, biết học số sớm, biết làm toán sớm, làm sao để hướng cho con học kinh tế tại Harvard,… là những mục tiêu hàng đầu hiện nay.

Tôi cũng muốn con thông minh, nhưng làm sao để thông minh trong độ tuổi 0-5 không phải là những flashcard và những bộ đĩa hoạt hình tiếng Anh. Chưa một tài liệu khoa học nào của Tây tôi từng tham khảo nhắc đến những “phương pháp” ngớ ngẩn này.

Chúng ta có thể làm gì mà không tốn một xu nào? Chúng ta có thể làm rất nhiều mà không một xu nào có thể mua được, và không một ai hay một sản phẩm nào thay thế được cha mẹ.

Tương tác với con

Con bạn cần bạn. Chỉ theo những cách rất đơn giản đã được khoa học chứng minh. Tôi xin liệt kê một số cách như sau:

  1. Con cần bạn dành thời gian cho con, lắng nghe, quan tâm, nhạy cảm, thể hiện tình yêu thương với con. Cảm thấy an toàn là yếu tố đầu tiên để trí thông minh phát triển. Hãy ôm con bạn thật nhiều. Khoa học cho thấy một cái ôm tương như đơn giản nhưng lại có rất nhiều tác dụng: giảm stress, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cảm giác hạnh phúc, trẻ cảm thấy an toàn và phát triển lòng tự trọng, v.v…
  2. Con cần bạn tương tác, trò chuyện với con. Bên cạnh việc cảm thấy được yêu thương, đây là cách rất đơn giản để trẻ phát triển ngôn ngữ. 
  3. Đọc sách cho con là một cách hay để dành thời gian cho con: vừa dạy con những điều thú vị, vừa dựa vào đó để nói chuyện, giúp con học từ mới, khuyến khích tư duy, giúp trẻ tăng khả năng tập trung, và tạo thói quen đọc sách để sau này trẻ có thể tự học.
  4. Bạn có thể vận động cùng con. Chỉ cần ra ngoài đi dạo một vòng, khuyến khích trẻ chạy nhảy trong lúc đó cũng rất đủ rồi. Mọi người đều biết vận động tốt cho sức khỏe, nhưng không biết vận động là cách trẻ con phát triển trí não. (Bây giờ thì bạn có thể hiểu sự vô lý của các lớp học: Bắt trẻ em ngồi một chỗ!)
  5. Bạn có thể bật nhạc phù hợp với con và cùng con hát, nhảy. Nghe nhạc không chỉ vui. Các lợi ích của việc nghe nhạc đã được khoa học nghiên cứu: giúp trẻ phát triển các kĩ năng vận động, cảm xúc, sự sáng tạo, và trí thông minh nói chung. Chơi nhạc còn tốt hơn nữa: Chơi nhạc kích hoạt rất nhiều vùng khác nhau tại cả hai bán cầu não.Tuy vậy, làm ơn đừng ép con bạn học chơi đàn từ khi còn bé xíu. Trẻ ở độ tuổi bé có thể học với tính chất làm quen.

Dạy đọc sớm làm gì?

Quả thực, tôi thấy phong trào dạy đọc sớm rất ngớ ngẩn. Đó là bởi vì các bậc phụ huynh tin vào các mốc phát triển, và lại còn tin rằng nếu phát triển khả năng sớm hơn mốc thì chắc hẳn là thiên tài. Họ cũng tin rằng thiên tài chắc là … đào tạo được. Có một người nói rất đúng: Bạn có thể tạo ra môi trường tốt, chứ không thể biến hạt quất nảy mầm thành cây đào. Mà quất hay đào thì đều hay, ai bảo cứ đào mới đẹp?

Các mốc phát triển được nhiều cha mẹ (và thậm chỉ là chuyên gia) coi như là mốc đúng, chậm hơn thì đồng nghĩa với kém phát triển (kèm theo văn hóa so sánh các trẻ với nhau thì khỏi nói, nuôi dạy trẻ đúng là cuộc chiến). Không phải!  Luôn có trẻ nhanh và chậm hơn mốc. Không thể ấn định một thời điểm, cho rằng đến thời điểm đó thì phải hoàn thành một mục tiêu phát triển.

Hơn nữa, đọc sớm khi mới 4 tuổi thì giải quyết được gì? Vâng, cũng khá ấn tượng. Nhưng khi đó, có rất nhiều thứ trẻ đọc được mà chẳng hiểu gì, vì kinh nghiệm sống và vốn từ còn quá non nớt. Việc đọc chỉ có giá trị khi trẻ đọc các nội dung mà trẻ có thể hiểu. Cũng giống như biết đi, biết đi muộn hay sớm thì về sau cũng biết đi giỏi ngang nhau cả. Bạn có thấy đứa trẻ nào biết đi sớm thì về sau đi giỏi hơn những đứa khác không?

 Xin đừng đánh đồng sớm với tốt.


Thay vì dạy đọc và tập trung vào các kĩ năng học như ở trường khi con ở độ tuổi lên 4 và sắp sang tuổi thứ 5, tôi dạy các nội dung sau:

Yêu loài vật và thiên nhiên

Tôi không có cơ hội cho bé đi chơi ở những khu nhiều cảnh thiên nhiên. Thay vào đó, tôi đọc sách cho bé và cho bé ra ngoài những khi có thể. Đi bộ quanh hồ để chỉ cho bé một số con vật, hoa sen, cây cỏ, chim chóc cũng là tốt rồi. Nhà tôi nuôi mèo, nên tôi cho bé chơi với mèo, chăm sóc mèo (bé coi mèo như bạn vậy.) 

Tôi đọc sách và giải thích cho bé hiểu Trái đất là gì, cây cỏ lớn lên như thế nào, các con vật sinh sống như thế nào, tại sao các loài tuyệt chủng, túi ni lông và nhiều thứ hại cho môi trường ra sao,… Chỉ nhìn thấy tranh hải cẩu sắp bị gấu Bắc Cực ăn thịt là bé đã phản đối, muốn bảo vệ hải cẩu.

Phép lịch sự và tôn trọng người xung quanh: 

Thay vì chỉ chú trọng dạy con chào hỏi, tôi dạy con tôi tôn trọng tất cả mọi người, dù là em bé hay người già. Tôi dạy con tôi cảm ơn, xin lỗi mọi người. Tôi dạy con tôi nói nhỏ khi ra đường, vứt rác đúng nơi, không lấy những thứ không phải của mình, xếp hàng khi tính tiền hoặc chờ vào nhà vệ sinh. Tôi dạy con tôi nếu muốn yêu cầu người khác giúp đỡ thì phải nói nhỏ nhẹ, đầy đủ cả câu.

Khi đang nói chuyện với người khác, không được dùng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử. Gia đình tôi cũng chỉ giới hạn bé dùng iPad khoảng 1 giờ mỗi ngày, và sẽ không cho phép dùng smart phone đến khi nào bé lớn.

Học tự lập và trách nhiệm:

Con tôi mới 4 tuổi, chưa tự làm được nhiều việc nhưng tôi khuyến khích con tôi tự làm những thứ bé có thể tự làm được từ những việc rất đơn giản: tự đi giày, cất giày, cất đồ chơi, tự lấy sách, tưới cây, lấy và cất bát đũa, bỏ quần áo bẩn vào thùng giặt, v.v..

Yêu thương, chia sẻ và chấp nhận:

Tôi dạy con tôi biết chia sẻ. Để học chia sẻ không phải là dễ dàng với trẻ nhỏ, đặc biệt ở độ tuổi 3 lên 4. Tôi khuyến khích và giải thích cho bé tại sao nên chia sẻ với em hoặc bạn. Không phải lúc nào bé cũng làm theo, nhưng tôi cũng không mắng mỏ, mà chờ đến khi nào bé bình tĩnh thì nói chuyện với bé để giúp bé phân tích tình huống. 

Việc có em cũng rất có lợi cho bé: Bé có cơ hội học cách chia sẻ hàng ngày, và giúp em những khi tôi yêu cầu. Tôi giúp bé hiểu nếu bé không hoàn hảo thì tôi vẫn yêu bé, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý với bé những khi bé cư xử không hợp lý.

Nhận biết, kiểm soát cảm xúc và hành vi đi kèm:

Đây là việc đến người lớn có khi còn không làm được. Tôi dạy con tôi nhận biết và gọi tên các cảm xúc. Tôi dạy con tôi cảm xúc tiêu cực không xấu, và ai cũng có lúc như vậy. Quan trọng là cần hiểu những cảm xúc đến rồi sẽ đi, không nên níu kéo hoặc để cho chúng cuốn mình đi mất. 

Khi bé tức giận, tôi đưa bé ra một chỗ riêng không có ai (ví dụ như nhà vệ sinh ở nhà), chờ cho bé bình tĩnh lại rồi nói chuyện. Cách rất đơn giản để giúp bé bình tĩnh là đồng cảm với bé, và ôm bé. Nên cẩn thận: phân tích quá nhiều trong lúc bé đang mất kiểm soát về mặt cảm xúc không giúp được gì cả. Tôi dạy con tôi nếu con tôi cáu, đó là vấn đề của bé – bé phải tự kiểm soát. Tương tự, nếu người khác cáu, đó là vấn đề của họ, không phải của bé.

Đọc sách:

Mẹ con tôi đọc sách hàng ngày với nhau, từ những câu chuyện đến những điều thú vị về nhiều chủ đề, từ các con vật, nông trại, các loại xe và máy móc, bộ não và cơ thể người, cách xem đồng hồ, vũ trụ, những gì diễn ra trong thành phố, v.v… Đọc sách là một phần quan trọng của quá trình tự học. Một khi đã có thói quen đọc sách, không có khó khăn gì để tìm hiểu về rất nhiều đề tài – qua đó chúng ta có thể tự hoàn thiện mình.


Trân trọng cơ thể và giữ gìn sức khỏe:

Con tôi không phải là ngoại lệ so với nhiều trẻ: rất kén ăn, và thường xuyên từ chối ăn (tôi cho nguyên do là khi cho bé ăn dặm tôi đã không tìm hiểu kĩ, kết quả là áp dụng cách ăn dặm truyền thống khiến bé ác cảm với thức ăn). Cách tốt nhất tôi có thể làm là tiếp tục cho bé các lựa chọn lành mạnh. Trẻ con, cũng như người lớn, có khẩu vị khác nhau. Tuy vậy, thói quen ăn uống lâu dài lại là chịu ảnh hưởng của gia đình, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. 

Tôi hướng dẫn bé không uống trà đóng chai, nước có ga, tránh các thực phẩm ăn liền, động viên bé ăn nhiều rau quả. Tôi đã thử dạy bé tập thiền, tuy bé chưa tỏ ra có mong muôn tập, nên sẽ phải thử lại nhiều lần.

Tập trung vào những điều tích cực :

Tôi dạy bé tập trung vào những điều hay, những điều tích cực, không suy nghĩ tiêu cực, không tập trung vào những điều không mong muốn.

Tôi có niềm tin tâm linh rất mạnh, do vậy có mong muốn dạy cho con cả những điều này: con người bắt đầu từ đâu, bản chất là gì, sống để làm gì, chết đi về đâu,… (còn niềm tin cụ thể là gì, tôi cho rằng không cần bàn ở đây.) Tuy nhiên, đối với lứa tuổi 4, cha mẹ cũng chỉ có thể giới thiệu một số điểm căn bản nhất.




Homeschooling là một lối sống. Từ miêu tả chính xác hơn cách tiếp cận của gia đình tôi là unschooling.

Tôi sẽ tiếp tục dạy con trên nền tảng này, và đưa ra những thay đổi phù hợp tùy vào độ tuổi bé, cũng như những gì tôi học thêm được.

Gia đình bạn, cho dù homeschool hay không, cũng có thể chủ động dạy bé các giá trị sống trong đời sống hàng ngày. Hãy nhớ rằng trường học không chịu trách nhiệm về việc con bạn học được những giá trị sống nào – trên thực tế, các giá trị sống không có một vai trò nào hết trong một trường học thông thường. Trong quá trình đi học ở trường, con bạn có thể sẽ còn học phải rất nhiều các lỗi suy nghĩ và hành xử tiêu cực.

Peace.

Exit mobile version