KHÔNG GIAN ĐỌC SÁCH CỦA TUỔI HỌC SINH
– Tuổi học sinh, các cụ cần nghĩ đến một không gian cho việc đọc một cách nghiêm túc. Nhà chật mấy thì chật, cũng nên có 1 không gian cho chúng TỰ DO ĐỌC – tôi nhấn mạnh. Đó không thể là 1 cái bàn học trong góc học tập nhé, bởi danh từ “bàn học, góc học tập” tự nó đã khuôn bó vào một thứ định kiến mà bọn trẻ cực ghét, đó là trách nhiệm phải học.
Ta nên tạo một chỗ cho chúng thoải mái, tự do với cuốn sách, đúng nghĩa ĐỌC SÁCH LÀ TỰ NGUYỆN, LÀ VUI VẺ (nhưng có thật thế không, thì phần sau tôi sẽ nói). Có một chỗ riêng, đẹp đẽ theo ý chúng để đọc sách, thì chúng tự nhiên sẽ có tâm lí muốn đọc thôi. Tôi sẽ nói kĩ dưới đây việc sắp xếp không gian đọc cho trẻ cấp 1 và cấp 2 – độ tuổi có sức đọc tốt nhất:
– Nhà rộng thì khỏi phải nói, các cụ set-up một chỗ cho trẻ đọc trong phòng ngủ của chúng. Có thể thiết kế một cái nhà lều giữa phòng, kích cỡ ít nhất đủ 2 đứa trẻ nằm ngồi trong đó. Hoặc thiết kế lều gắn liền bệ cửa sổ, rất tiện lấy ánh sáng và lại đẹp nữa, trông cứ như cổ tích vậy, bọn trẻ sẽ rất thích lăn lê trong đó. Giá sách nên để gần với khu đọc sách luôn, dùng loại bám tường và trang trí kiểu cách nữa. Tôi đặc biệt lưu ý cần tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để đọc sách, bởi nguyên nhân quan trọng nhất của chứng cận thị là không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đấy, các cụ đừng đổ riệt cho việc đọc nhiều, đọc sát mắt mà tội đám sách và đám trẻ.
– Nhà chật, các cụ tận dụng ô cửa sổ các phòng giúp tôi, nhất là phòng khách và phòng ngủ của trẻ. Chỉ cần 1 mặt phản gỗ rộng tầm 50cm bắt từ bệ cửa sổ ra, là trẻ có thể nằm ngồi đọc sách trên đó được rồi. Thêm một lớp rèm nhẹ để trẻ có thể làm chỗ che phủ riêng tư nữa, chúng sẽ rất thích đấy. Nếu nhà chật hơn nữa, thì các cụ sắm 1 cái ghế nửa nằm nửa ngồi, bập bênh được càng tốt. Đó sẽ là chỗ đọc của bạn bé (đôi lúc còn là chỗ ngả ngốn xem tivi của các cụ), những hôm đẹp giời, ta mang ghế ra hiên, sân, dưới tán cây chẳng hạn, đọc truyện rất ổn. Tất nhiên những lúc đọc “lộ thiên” như thế, thì chỉ nên đọc những cuốn vui vẻ thôi, hoặc là phải lớn lớn tí thì mới tập trung đọc được.
– Trong nhà, cố gắng thiết kế ít nhất 2 chỗ để sách. Các cụ có thể tập trung giá sách vào 1 chỗ cho ngăn nắp, còn thì chỗ nào có thể đọc sách được, hãy cho phép bọn trẻ để tạm cuốn sách đang đọc dở ở đó, những lúc chúng chưa muốn/chưa thể cất đi. Có thể sẽ hơi bừa bộn một chút, nhưng tôi lại muốn mắt trẻ va đập vào sách thường xuyên hơn, trẻ sẽ có điều kiện coi việc đọc sách là việc thường ngày. Đừng cho sách vào ghế hộp, khuất mắt là trẻ sẽ dễ để cuốn sách ngủ yên trong hộp luôn đấy.
– Trẻ làm việc riêng trong góc đọc sách? Được thôi, không sao cả, chỉ cần các cụ quản sát sao Ipad, smartphone, ti vi ngoài tầm với của trẻ là được. Còn thì chơi đồ hàng, làm bài tập, hát hò nhảy múa, tán chuyện với bạn… được hết. Hãy để góc đọc sách là nơi tự do nhất của trẻ, trẻ sẽ thấy yêu mến và muốn được ở trong đó nhiều hơn.
– Với các bạn cấp 3 thì đơn giản hơn, chỉ cần 1 cái ghế bố xinh xinh, 1 ngọn đèn rọi vào ghế cũng đủ.
– Nếu không thể set up một chỗ trong nhà cho không gian đọc sách, thì thôi, các cụ dành tiền mua sách cho con đi. Lúc ấy, trẻ sẽ đọc trên giường hoặc ở góc học tập, bàn tiếp khách, bàn ăn, thậm chí trong toilet… chỉ cần ta động viên trẻ nhiều hơn thôi.
Trong THẰNG BÉ HƯ tôi dịch, phát hành năm kia có đoạn tả không gian đọc sách của NÓ thế này các cụ ạ:
“…Tôi sẽ nói kĩ hơn về gian gác xép áp mái. Bất luận thế nào, nó cũng là một bảo tàng bí ẩn. Mọi thứ dù cũ nát, nhưng cũng khá tương đồng và duyên dáng, ngay cả ở cái cách chúng hỏng. Này nhé, một cái ghế gãy đang dựa ngả ngốn vào thành bàn ọp ẹp, một cái mũ rách tả tơi hờ hững chụp lên cái ủng há mõm tiều tụy. Sàn gác vương vãi mấy cây ba-toong nứt toác, kiệt sức sau cả cuộc đời bị khối thịt người dựa dẫm vào… Đống đồng nát đó dường như đều ngẫu nhiên hẹn hò nhau ở căn áp mái này, chình ình ra đây, thản nhiên chiếm mất chỗ ngồi đọc “Gulliver du kí”, “Rinaldo Rinaldini du kí”, hay có khi chỉ là những khoảnh khắc quý báu trầm mặc lắng mưa rơi…”
Cá nhân tôi, sau khi áp dụng thành công việc đọc sách cho anh con trai Hà Nội, giờ đến Mi Lan có vẻ căng hơn, vì cháu đã biết đọc rồi mà vẫn chọn… dựa vào tôi để nghe ba đọc hộ ?
Nguồn: Vũ Danh Tuấn