Mưa điểm 10, học sinh giỏi: Vì sao?
‘Áp lực lớn nhất của con là phải được 9, 10 điểm, còn 8, 7 trở xuống là bị đánh. Lúc đấy con chỉ nghĩ đến cái chết’. Cậu học trò lớp 4 viết trong bài tập cô cho, trong khi quanh cậu, vẫn rất nhiều phụ huynh ‘cuồng điểm 10’.
Cứ mỗi dịp tổng kết năm học, câu chuyện lạm phát điểm 10, học sinh giỏi lại trở thành đề tài sôi động. Nhiều phụ huynh ‘cuồng điểm’, luôn muốn con mình phải đạt kết quả tối đa, trong khi cũng có không ít người hững hờ với điểm 10.
Con được điểm cao, được học sinh giỏi, tại sao phụ huynh không vui? Nhà trường, thầy cô không hãnh diện? Còn xã hội thì dị nghị, bàn tán…
Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Mưa điểm 10, học sinh giỏi: Vì sao?” với mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc, thầy cô, phụ huynh, chuyên gia, nhà quản lý.
“10 điểm thì được, 9 thì không, nhớ chưa?”
“Đó là câu nói mà tôi không thể nào quên khi chứng kiến cảnh mẹ của một nữ sinh lớp mình mắng em xối xả, thậm chí giận lây cả giáo viên, trong khi em này rất ngoan, học tốt. Phụ huynh la con mình trước mặt bao người và nói một câu mà tôi nhớ mãi: 10 điểm thì được, chứ 9 thì không, nhớ chưa?” – một giáo viên tiểu học ở quận 1, TP.HCM kể với chúng tôi.
Chưa hết: “Con gái tôi vừa hoàn thành chương trình lớp 1 với nụ cười tươi rói khi thông báo với ba mẹ: “Cô giáo đọc tên năm nay con sẽ được lên lớp 2, chỉ còn 3 ngày nữa con sẽ được nghỉ hè”. Thế nhưng nụ cười ấy vội vàng tắt ngấm khi vợ tôi la con xối xả bởi biết được cháu thi môn toán chỉ có 8 điểm.
Vợ tôi nói với con: “8 điểm là mất danh hiệu học sinh xuất sắc rồi. Làm bài kiểm tra mà sao không cẩn thận, sai mất 2 bài? Hè năm nay mẹ sẽ không cho con đi chơi mà đi học thêm môn toán để năm sau phải được điểm 10”.
Tôi khuyên vợ nhưng không ăn thua, cô ấy cứ khăng khăng con tôi là học sinh duy nhất bị 8 điểm môn toán chứ các bạn trong lớp đạt 9, 10 điểm hết. Tôi ngạc nhiên quá đỗi, chẳng lẽ bây giờ học sinh giỏi đến thế sao?” – anh Nguyễn Thành, phụ huynh ở quận Gò Vấp, kể.
Những ngày này, chúng tôi đã gặp khá nhiều trường hợp phụ huynh mắng con mình ầm ầm ngay trong sân trường khi biết bé không đạt được điểm 10 hay danh hiệu học sinh xuất sắc. Nhưng như thế vẫn chưa hết.
Một giáo viên Trường tiểu học Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), kể: “Năm ngoái, đúng ngày họp phụ huynh, có hai phụ huynh là công chức ở tỉnh gặp tôi để xin “cải thiện” điểm cho hai em học sinh lớp 5. Lý do xin nâng điểm vì sức ép thành tích, “vì… con của đồng nghiệp đều xuất sắc cả, con mình không đạt được thật khó coi”.
Tôi rất ngạc nhiên và hoang mang. Thật ra, học sinh cần mục tiêu học tập khác chứ không phải điểm số”.
10 điểm vẫn không vui
“Bé nhà tôi thi cuối năm đạt 10 điểm toán, 10 điểm môn tiếng Việt, đúng là… siêu nhân” – chị Thanh Hoài, phụ huynh lớp 2 ở quận 1, TP.HCM, buông lời cảm thán.
Chị Hoài kể: “Môn toán con tôi đạt 10 điểm thì được vì cháu học toán khá tốt. Nhưng môn tiếng Việt 10 điểm thì tôi không tin đó là điểm 10 thực chất. Bởi tôi là người trực tiếp kèm con học, tôi hiểu năng lực của con đến đâu. Con tôi viết chữ khá đẹp nhưng mắc lỗi chính tả rất nhiều. Thế mà bài kiểm tra cuối năm được 10 điểm thì rất lạ”.
Giải thích về vấn đề trên, cô N., hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM, cho rằng những điểm 10 không thực chất là có thật và nó có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất chính là quy trình ra đề kiểm tra ở trường tiểu học hiện nay.
Đề kiểm tra cuối học kỳ sẽ do các giáo viên trong khối bàn bạc rồi biên soạn thành 2 đề và gửi lên cho ban giám hiệu nhà trường thẩm định. Ban giám hiệu sẽ chọn 1 trong 2 đề đó cho học sinh kiểm tra. Và trên thực tế các giáo viên cứ cho học sinh ôn đi ôn lại, tập làm đi làm lại các dạng câu hỏi như 2 đề đã biên soạn.
Thậm chí, ở nhiều lớp học sinh được học thuộc lòng các dạng câu hỏi và câu trả lời. Khi vào giờ kiểm tra chính thức, dù ban giám hiệu có chọn đề 1 hay đề 2 thì học sinh cũng trúng “tủ”.
Cô N. còn phân tích: “Khâu coi thi cũng rất “nhẹ nhàng”: mỗi lớp có 2 giám thị là giáo viên chủ nhiệm lớp và một giáo viên từ khối lớp khác. Lúc chấm bài cũng y chang như thế. Mà giáo viên ở cùng một trường, chắc chắn họ phải xuê xoa cho nhau. Từ sự xuê xoa ấy mà gần cả lớp mới đạt được điểm 10″.
Bất cập trong đánh giá
Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT quy định “bỏ chấm điểm, tăng nhận xét” là cách đổi mới đánh giá theo hướng nhân văn, với mong muốn giảm áp lực cho trẻ, hạn chế bệnh “sính điểm số” của cha mẹ học sinh…
Nhưng tư tưởng này không nhất quán khi đưa ra quy định kiểm tra, cho điểm vào cuối kỳ, cuối năm và căn cứ vào đó để tặng giấy khen cho học sinh lại chỉ có điểm kiểm tra cuối năm học. Điều này có nghĩa là đánh giá quá trình bị buông hoàn toàn.
Mặc dù theo thông tư 30 và 22 về đánh giá học sinh tiểu học, quy định trách nhiệm của giáo viên khá chặt chẽ trong việc tăng nhận xét, ghi chép, theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh, bàn giao giữa giáo viên lớp cũ và mới về tình hình thay đổi của học sinh trong quá trình học tập, trao đổi với cha mẹ học sinh cách hỗ trợ, động viên con…
Nhưng việc này không được kiểm soát chặt chẽ, nhất là khi “đánh giá quá trình” đó không được sử dụng để xem xét xếp loại học sinh cuối năm. Một học sinh được đánh giá là giỏi hay yếu chỉ lệ thuộc vào điểm số cuối kỳ, cuối năm. Điều này vừa không chính xác, vừa vô hình trung làm tăng nhiệt chạy theo điểm số của thầy cô giáo và phụ huynh.
Vào thời điểm Bộ GD-ĐT áp dụng đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, không cho điểm quá trình mà chỉ sử dụng nhận xét, theo sát sự tiến bộ của học sinh, rất nhiều ý kiến trái chiều đã xảy ra. Trong đó, luồng ý kiến “duy trì điểm số” trong cha mẹ học sinh rất mạnh. Nhiều người đã cho rằng “phải có điểm mới biết con mình giỏi đến đâu”.
“Chúng tôi từng rất mệt trong việc giải thích cho cha mẹ. Nhiều người đã lặng lẽ mang con đến các lớp học thêm toán, tiếng Việt để được cho điểm. Họ nói phải nhìn thấy con được điểm 9, 10 thì mới yên tâm là con học tốt” – một cô giáo Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết.
Và với cơn sốt điểm số này, vô hình trung áp lực dồn vào kỳ kiểm tra cuối năm khi học sinh tiểu học chỉ dựa vào điểm cuối kỳ để “xếp loại học sinh giỏi, khá”. Có thể nói “mục đích nhân văn là giảm áp lực cho học sinh tiểu học khi “bỏ chấm điểm, tăng nhận xét” phá sản khi nhìn vào kỳ “ôn thi cuối năm”.
“Cháu tôi học lớp 1, kỳ ôn thi của nó kéo dài đến hai tuần. Trong thời gian đó, cháu nghỉ ốm 2 ngày, gia đình phải đến trường để nhận phiếu bài tập về, khi cháu cắt cơn sốt thì làm. Mỗi phiếu bài tập toán có đến mấy trang.
Học sinh giỏi ở lớp thì nhiều nhưng “học sinh giỏi xuất sắc” chỉ có gần 20 cháu nên ai cũng phải cố cho con ôn luyện” – một người có cháu ngoại học ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) cho biết.
Ở Hà Nội nhiều trường tiểu học thực hiện bài kiểm tra cuối năm theo cách đảo chéo giáo viên coi kiểm tra và chấm bài. Thậm chí có trường làm phách, rọc phách để khách quan. Vì thế áp lực càng lớn. Có phụ huynh cho biết con gầy rộc vì “ôn thi” dù chỉ mới học lớp 1, lớp 2.
Ở các lớp cuối cấp như lớp 4, lớp 5 thì càng kinh khủng vì “cần học bạ đẹp” để xin vào các trường điểm.
Khi triển khai thông tư về việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng kỳ vọng dẹp nạn dạy thêm học thêm ở tiểu học. Nhưng áp lực “dồn vào cuối năm” như hiện nay càng làm cho tình trạng học thêm gia tăng đột biến.
“Cô định hướng học thuộc 2 bài văn thôi, khi đi thi thì trúng 1 trong 2 bài đó. Nếu không cho con học thêm thì không thể nào được điểm 10 tiếng Việt và tập làm văn” – phụ huynh có con học lớp 2 ở Hà Nội cho biết.
Câu chuyện “cô định hướng để trúng tủ” phổ biến ở nhiều trường khác. Dù không phải học thêm ở ngoài thì trên lớp giáo viên cũng “định hướng ôn tập” để học sinh học thuộc vài bài, dạng bài chỉ để đi thi.
Tâm thư của học sinh lớp 4: “Con nghĩ đến cái chết vì áp lực điểm 9,10”
Lá thư của học sinh một trường tiểu học tại Hà Nội đang gây xôn xao dư luận vì nhắc đến áp lực “phải được điểm 9, 10” của bố mẹ. Trong thư, cậu bé nói bố mẹ không chỉ cho con biết đam mê của con mà chỉ nói phải thật tốt, kiếm ra nhiều tiền.
Cậu bé cũng bày tỏ áp lực điểm 9, 10 đè nặng. Vì khi chỉ đạt điểm 7, 8 trở xuống thì sẽ bị bố mẹ đánh. Điều đó khiến cậu “chỉ nghĩ đến cái chết”. Cậu bé bày tỏ mong ước được bố mẹ chơi cùng với mình nhiều hơn thay vì cấm rất nhiều thứ, như cấm xem tivi, cấm dùng điện thoại, cấm cả đọc sách.
Lá thư làm bố mẹ cậu bé sững sờ nhưng cũng phải thuyết phục mãi người mẹ mới đồng ý cho đăng câu chuyện này với mong muốn các bố mẹ khác cũng suy nghĩ. Bởi “ai cũng mong điều tốt đẹp đến với con. Nhưng cái gì là tốt đẹp, điều gì mới mang đến hạnh phúc thực sự cho con thì không phải ai cũng biết”.
Xin cho con không nhận giấy khen xuất sắc
“Cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho tôi, nói rằng tất cả các môn con tôi đều hoàn thành tốt, duy chỉ có môn thể dục bị 8 điểm, mà 8 điểm tức là chỉ được nhận xét là hoàn thành. Như vậy bé sẽ không đạt được danh hiệu “học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.
Cô nói với tôi là cô sẽ xin thầy dạy thể dục nâng cho con tôi thêm 1 điểm để nhận giấy khen xuất sắc” – chị Đinh Thị Tuyết, phụ huynh học sinh lớp 4 ở TP.HCM, kể.
Chị Tuyết cho biết: “Tôi xin cô là cứ giữ nguyên điểm cho cháu. Ngay trong năm học, con tôi đã biết rằng điểm yếu nhất của mình là môn thể dục và cháu đang nỗ lực khắc phục nó. Bây giờ đi xin điểm để cháu được điểm cao thì chắc chắn cháu sẽ nghĩ rằng không cần cố gắng vẫn được điểm 9.
Điểm cao với xuất sắc làm gì khi tự tước đi sự nỗ lực của con?”.