Site iconChimCanh.Vn

Suy nghĩ về việc làm cha mẹ



Ở một số post trước, tôi đã bàn đến việc phát triển cảm xúc của trẻ bị phớt lờ bởi không ít cha mẹ, với kết quả là bạo hành cảm xúc trở nên khá phổ biến, và cả đến việc người lớn có thể can thiệp quá mức hoàn toàn không cần thiết vào quá trình phát triển chung của trẻ như thế nào.

Tất cả những hành động này của người lớn đều diễn ra một cách vô ý thức – vì nếu thực sự suy nghĩ, tìm hiểu và thực sự ý thức được hành động của mình, ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của chúng thì khó có cha mẹ nào có thể làm những việc như vậy.

Làm cha mẹ một cách có Ý THỨC

Không có cha mẹ nào tự dưng trở thành cha mẹ tốt. Việc làm cha mẹ cũng là một quá trình học hỏi, thích ứng không ngừng, và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Trở thành cha mẹ hoàn hảo là việc không thể, nhưng chúng ta có thể nhích dần từng bước. Nếu chỉ cần nhấc chân nhấc tay với chút ít năng lượng là có thể hoàn hảo, cuộc sống sẽ chẳng còn chút vui thú nào, và chúng ta cũng chẳng học được gì.

Học làm cha mẹ chính là một trong những kĩ năng quan trọng nhất chúng ta cần phải học. (Tất nhiên, nếu bạn không định có con thì khỏi bàn! – tôi cũng không có ý định phán xét gì bạn.)

Nhưng thật không may là lúc chúng ta có con thì chúng ta mới có khả năng định hình thực sự được rằng có một đứa con có thể thay đổi cuộc đời chúng ta vĩnh viễn ra sao.

Điều trớ trêu là không ít cha mẹ (trong đó đã từng có cả tôi chứ) KHÔNG ý thức được rằng mình phải và sẽ phải nỗ lực ra sao trong quá trình dạy con, và KHÔNG suy nghĩ về những gì mình muốn dạy con cũng như tuýp cha mẹ mà mình muốn trở thành. Trong khi đó, có thể nói tất cả các cha mẹ đều có một hình mẫu (thường rất không thực tế do thiếu hiểu biết) trẻ con mà họ muốn con họ trở thành.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi việc đứa trẻ sẽ trở thành người với tính cách và sở thích, suy nghĩ như thế nào có rất nhiều phần là do hên-xui, do các tác động môi trường ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ quyết định, và phần lớn là do sự thiếu ý thức, suy nghĩ và tìm hiểu của cha mẹ.

Vậy, bạn đã bao giờ tự nhìn lại mình và đánh giá một cách thành thực nhất có thể chính bản thân mình một cách triệt để?

Bạn là tuýp cha mẹ nào?


Bạn có thể tự hỏi mình các câu hỏi sau:

Chúng ta đều mong muốn con cái nên người, nhưng thế nào là “nên người” và làm thế nào để nên người thì chắc chắn sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau.

Điểm quan trọng tiếp theo là: Để tự đánh giá và điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình trong việc dạy dỗ con, chúng ta cần tìm hiểu các thông tin khoa học từ nhiều nguồn khác nhau. Vì nếu chỉ tự đánh giá rồi suy nghĩ luẩn quẩn trong đầu, chúng ta khó mà biết được đúng/sai ra sao. Nhưng nếu tìm hiểu các thông tin mà không có định hướng cho chính mình, điều đó cũng chẳng khác nào bạn đang lạc trong mê cung: không có định hướng, không dùng kinh nghiệm để đánh giá những thông tin đang đọc, đọc gì cũng tin. Hãy lưu ý rằng không ít nguồn dùng từ “khoa học”để thuyết phục những người cả tin và thiếu khả năng đánh giá thông tin.

(Vâng, điều đó có nghĩa là bạn hãy dùng kinh nghiệm để đánh giá cả những gì tôi đang nói nữa.)

Do thiếu định hướng và tìm hiểu cho chính mình, rất nhiều người trong chúng ta rơi vào một vòng xoáy không có đường ra. Người này nói này, người kia nói kia, nghe ai đây? Phương pháp này, phương pháp nọ, dùng phương pháp nào? Báo chí nói này, nói kia, phải làm theo thôi.

Chỉ tự bạn mới có thể tìm ra kim chỉ nam của chính mình nếu bạn quyết tâm lắng nghe tiếng nói từ bên trong bạn. (Vâng, tôi biết, nghe có vẻ cũ rích và nhạt nhẽo. Khi tôi viết ra những từ đó tôi cũng còn thấy vậy – nhưng đó chính xác là những gì tôi muốn nói.) Đừng để người khác đi tìm hộ bạn, vì phần lớn họ sẽ dùng bạn vào mục đích cho chính họ, thường là kiếm tiền, hoặc để có quyền lực kiểm soát bạn và con bạn. Hoặc tệ nhất, chính họ cũng không ý thức được đầy đủ về vai trò của cha mẹ để mà dạy bạn.

Nền tảng của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Tôi xin chia sẻ quan điểm của tôi về nền tảng của quan hệ giữa cha mẹ với con cái (cũng như bất kì mối quan hệ nào). Đó là sự tôn trọng có hiểu biết. Tôi xin định nghĩa “tôn trọng có hiểu biết” ở đây là:

  • nhận biết đầy đủ trẻ là một cá thể riêng biệt có cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu riêng biệt, khác với người lớn.
  • người lớn xác định không ép buộc dưới bất kì hình thức nào (đánh, mắng, dọa dẫm, hoặc sử dụng các hình thức tâm lý khác … kể cả khi cực kì nhẹ nhàng)
  • chỉ can thiệp khi hành vi và quyết định có thể gây hại hoặc khiến con không an toàn (ví dụ: trèo cao, nghịch hộp kim chỉ,…)

Tôi không đi phỏng vấn các cha mẹ, nhưng tôi tin rằng hành vi mà tôi chứng kiến từ họ đưa ra câu trả lời chính xác nhất mà chính họ có khi cũng không ý thức được hết, và có ý thức thì chính họ cũng khó mà dám thành thật đưa ra. Trong cách không ít cha mẹ đối xử với con của họ, sự tôn trọng đều vắng mặt. Tôi xin đưa ví dụ.

Ví dụ: (sáng nay tôi vừa gặp – thực ra là tôi gặp khắp nơi)

Người mẹ đưa đứa con 1 tuổi vào quán cà phê và gọi một chiếc bánh ngọt. Chị tỏ ra khá ân cần với bé gái, vừa đi vừa nói “Cẩn thận không ngã, con!”. Khi ngồi vào bàn, chị rút ra chiếc điện thoại để lên bàn, bật một video trẻ con. Và đứa bé dán mắt vào màn hình, bà mẹ chỉ việc đút bánh dễ dàng. Khi cho con ăn xong, chị vẫn cho con xem tiếp để mình có thể ngồi uống trà, không  “phải” trông con. Và khi chị đã uống hết, chị đứng lên, cất điện thoại và bế con đi về – không một tương tác nào khác với con ngoài việc cho ăn.

Đây là chuyện xảy ra thường ngày. Và đối với nhiều người, nó là chuyện rất bình thường. Có gì mà phải bất bình? – bạn bảo thế. 

Tôi xin phân tích tại sao câu chuyện đáng bàn.

Hành động cho con xem trong khi ăn của người mẹ cho thấy: 1) Chị đặt việc ăn hết của con là ưu tiên số 1. 2) Trong khi cho con ăn, chị sẵn sàng bỏ qua nhu cầu cảm xúc của con. 3) Cũng trong khi đó, chị bỏ qua nhu cầu giao tiếp của con. 4) Chị không cho phép con tự ăn (vâng, trẻ có khả năng tự bốc ăn từ 8 tháng), và không cho phép con quyết định xem ăn bao nhiêu là đủ. 5) Chị cũng không ý thức được rằng trẻ dưới 2 tuổi KHÔNG nên xem youtube hay tv, vì việc xem có thể ảnh hưởng đến phát triển não.

Tất cả bắt nguồn từ việc:

1 – Rất nhiều cha mẹ trước chị và cả trong xã hội bây giờ đều làm vậy. Nên chị không cần nghĩ nhiều, và có lẽ cũng chưa bao giờ thực sự nghĩ.
2 – Rất nhiều cha mẹ cũng cho rằng trẻ bé thì chỉ cần đủ cân nặng – đó chính là tiêu chí quan trọng nhất về mặt phát triển, theo họ.
3 – Người lớn cho rằng người lớn có quyền hơn trẻ.

Nếu bạn chưa đồng ý với việc bất bình của tôi, bạn có thể tưởng tượng xem nếu bạn là đứa trẻ đó, bạn sẽ cảm thấy ra sao:

  • Có một người cứ khăng khăng đút cho bạn ăn trong khi bạn có thể tự cầm được.
  • Người này cũng khăng khăng bạn phải ăn hết món HỌ đã gọi cho bạn – kể cả khi bạn đã no, hoặc bạn không thích món đó nữa.
  • Người này không quan tâm bạn thích hay không thích việc đó, cũng không cho rằng bạn có thể nói chuyện và vui vẻ với họ trong khi bạn đang ăn.
  • Người này lại còn “lừa” cho bạn ăn bằng cách cho bạn mải mê xem một thứ mà bạn rất mê mẩn, trong khi việc xem đó còn có hại cho não của bạn.
  • VÀ: BẠN KHÔNG BIẾT NÓI, CŨNG KHÔNG BIẾT ĐIỀU GÌ TỐT CHO MÌNH.
  • Tưởng tượng xem phản ứng của bà mẹ ra sao nếu bạn không chịu ăn nữa. Tôi dám chắc chị ấy sẽ thất vọng, tức giận hoặc cả hai.
Rất nhiều người sẽ nói: không, chị ấy tôn trọng con đấy chứ. Chị ấy có đánh mắng hay gì đâu nhỉ? 

Đánh mắng là một dạng của sự thiếu tôn trọng, trong đó các biểu hiện thể hiện rõ. Nhưng đây là dạng thiếu tôn trọng ở mức độ tinh vi hơn, khó nhận diện hơn. (Hồi trước tôi cũng làm vậy với con đầu của mình. Sau này, với con thứ 2, tôi rút kinh nghiệm toàn bộ, vô cùng ân hận những gì mình đã làm, và quyết định đặt câu hỏi với mọi thói quen của xã hội.)

Chỉ một thói quen đút cho trẻ ăn trong khi cho trẻ xem màn hình có thể:
  • Cản trở khả năng tự quyết định của trẻ.
  • Cản trở phát triển cảm xúc của trẻ. (Chúng ta đều ăn trong lúc vui vẻ cùng gia đình hoặc bạn bè, không phải sao? Còn gì vui khi bị ép?)
  • Cản trở phát triển ngôn ngữ của trẻ. (Trẻ có thể học được xem mình đang ăn món gì, nhiệt độ và độ thô/mịn của món đó, hoặc các từ như: cầm, nắm, nhai, nuốt, ngon, dở,…)
  • Cản trở phát triển kĩ năng dùng tay của trẻ.
Lý do chính chính là sự thiếu tôn trọng trẻ, thiếu tin tưởng ở trẻ, và thiếu hiểu biết trong nuôi dạy trẻ và các phát triển ở trẻ. Nếu thực sự tôn trọng trẻ, bà mẹ đã để cho trẻ tự quyết định và học cách tự lập dần trong ăn uống. (Vâng, 1 tuổi không phải là quá sớm). Nếu hiểu biết và tôn trọng, chị đã không dùng điện thoại làm “mồi” để con ăn. 

Trẻ học được gì qua thói quen đó?

Chỉ một thói quen như trên diễn ra hàng ngày trong việc ăn uống, và tệ hơn là cả những khía cạnh khác trong việc nuôi dạy trẻ, thông điệp con bạn học được là:
  • Trẻ em không có quyền.
  • Điều quan trọng nhất trẻ con cần làm là chúng cần phải làm hài lòng người lớn.
  • Mong muốn và suy nghĩ của trẻ em không quan trọng.
Và gián tiếp, chúng cũng sẽ hiểu rằng:
  • Chỉ cần tôn trọng những người có quyền lực,
  • Những người thấp kém, không có tiếng nói, không cần phải được tôn trọng.
  • Và lớn lên, chính đứa trẻ đó lại có khả năng lặp lại cách nuôi dạy đó với chính con của nó, trừ khi có một điều kì diệu xảy ra trong nhận thức của nó.
Nếu người mẹ trên chính xác đang muốn dạy con những điều này, tôi xin chúc mừng chị vì chị đã áp dụng đúng cách.

Nên nhớ rằng bất kì hoạt động nào trẻ đang tham gia cùng bạn đều góp phần vào các khía cạnh phát triển khác nhau, trong đó luôn luôn có cảm xúc. 

Trong trường hợp bạn băn khoăn làm sao trẻ con tự ăn được, điều tôi đã hiểu ra được (không chỉ áp dụng riêng với việc ăn) là phải tin tưởng ở trẻ, tôn trọng trẻ, chỉ được hướng dẫn và làm mẫu, không ép buộc, đâu sẽ có đó. 

Nền tảng của việc nuôi dạy trẻ em trong rất nhiều gia định hiện nay là suy nghĩ “trẻ em không thể tin tưởng được, vì chúng không biết gì hết.” Chúng biết nhiều hơn là chúng ta tưởng, và học rất nhanh đấy! Còn cụ thể xem phải cho ăn ra sao thì tôi xin ngừng ở đây, vì đây không phải một post về cách thức cho trẻ ăn. Việc ép buộc thường đưa đến kết quả ngược lại: Trẻ con ghét ăn, chính vì giờ ăn rất căng thẳng, là lúc cuộc chiến quyền lực diễn ra, và do chúng không có quyền nói “không!”.


Lời kết

Tôi mong những bậc cha mẹ mỗi khi có một hành vi hay lời nói gì với trẻ, hãy tự đánh giá xem đó có phải chính xác là những gì mình muốn làm và mong muốn cho con hay không. 

Tôi muốn tôn trọng con tôi đơn giản vì con tôi là một con người như bao con người khác. Và tôi cũng không muốn gửi gắm thông điệp: “Mẹ chỉ yêu con khi con nghe mẹ”.

(Vâng, trong lúc tôi viết post này thì tôi cũng đang bỏ qua tương tác với con tôi, và gửi gắm thông điệp: “Cái màn hình của mẹ quan trọng hơn con!”. Do vậy, tôi cũng sẽ phải tự nỗ lực để không làm việc này quá thường xuyên.)

Exit mobile version