Thành thật với trẻ nhỏ

Thành thật với trẻ nhỏ

Chúng ta luôn dạy trẻ về các đức tính (trên thực tế, chúng ta rao giảng quá nhiều mà chưa biết hướng dẫn trẻ cho đúng), trong đó thật thà luôn được coi là một trong những đức tính quan trọng nhất.

Nghịch lý là nhiều cha mẹ dạy con về những đức tính, song bản thân, trong cách đối xử và tương tác với trẻ, thì không thể hiện được các đức tính. Trẻ con không học qua lời giảng giải hay giải thích. Chúng học qua chính cách chúng được đối xử và cách cha mẹ sống mà chúng quan sát được. Chúng tinh hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nhiều cha mẹ nói: “ANh/chị đã giải thích với con rất nhiều, nhưng con không nghe.”

Cho phép tôi nhấn mạnh lại một lần nữa: Trẻ nhỏ không học qua những lời giải thích. Chúng học qua quan sát cuộc sống, quan sát hành vi và cử chỉ của cha mẹ. Khi cha mẹ nói mà không làm, bản thân chưa tự mài giũa các đức tính mà đã vội giảng giải cho con, hiệu quả là con số không.
Tôi xin đưa một số ví dụ đơn giản trong cách đối xử với trẻ để dạy trẻ cách thật thà:

1. Muốn trẻ thật thà với bạn, việc đầu tiên bạn cần làm là thật thà với chúng. Người lớn vô tình nói dối trẻ con rất nhiều chuyện, vì cho rằng chúng không cần biết, không nên biết. Nếu bạn muốn con xin lỗi bạn, thì bạn phải là người biết xin lỗi con trước khi bạn làm điều gì sai với con. Đừng ép chúng nhận lỗi khi chúng chưa sẵn sàng.

Bạn đã trót mắng con quá lời? Bạn lỡ để cơn giận chi phối? Nếu trót vậy, bạn biết phải làm gì rồi đấy (trước khi tự dặn mình phải cố gắng tiếp vào lần sau).

2. Cách để khiến chúng tự nhận lỗi không phải là “nhét chữ” vào miệng chúng: “Đấy, con thấy chưa? Con sai rồi. Con xin lỗi đi.”, mà là giúp chúng biết cách dần tự đánh giá các hành vi của chúng. Để làm được điều này, cha mẹ phải biết tách biệt các hành vi ở trẻ và nhân cách trẻ, đặc biệt không tấn công nhân cách trẻ mà chỉ nhận xét chân thật về hành vi. Ví dụ, khi con làm đổ nước, hãy nói: “Đổ nước kìa con. Lấy khăn lau đi.” thay vì “Lại làm đổ, biết ngay là không tự làm được. Lần sau đừng làm nữa. Xin lỗi mẹ đi!”

3. Khi trẻ con hỏi con sinh ra như thế nào hả mẹ, nếu bạn nghĩ mình không đủ trình độ, thì nên mua một cuốn sách phù hợp với lứa tuổi trẻ và đừng ngại nói về tinh trùng và trứng. Tôi đọc sách như thế cho con từ khi con 2,5 tuổi. Trẻ nhỏ không bậy bạ như người lớn, cách nhìn của chúng rất trong sáng – vậy nên chẳng có gì phải lo. Không nên nói rằng con sinh ra từ nách của mẹ. Khi chúng lớn lên, chúng sẽ phát hiện ra cha mẹ đã không thành thật trong nhiều chuyện.

4. Bạn nên chia sẻ với con theo cách con có thể hiểu được, tức là bạn có thể kể mọi chuyện với con, nhưng nên tự giản lược câu chuyện, và dùng từ ngữ ở mức độ chúng có thể hiểu. Con tôi có thể hiểu rất sớm về các vấn đề môi trường, thiên nhiên và con người, và một số vấn đề đạo đức mặc dù chưa đến 5 tuổi. Không phải vì con tôi là thần đồng, mà vì tôi đã chủ động giới thiệu các nội dung đó. Các cuốn sách cho trẻ nhỏ hoàn toàn có thể là công cụ rất tốt để hỗ trợ bạn.

Sẽ có người hỏi: Việc gì phải nói về trẻ con mấy chuyện đó? Câu trả lời của tôi là: Đây không phải vấn đề kiến thức, ghi nhớ. Đây là thế giới quan của con và các niềm tin của con về thế giới. thứ sẽ chi phối toàn bộ các hành vi của con.

Khi ta chủ động chia sẻ với con về những thứ ta đang trải qua, đặc biệt là những khoảng thời gian khó khăn, ta còn dạy con về sự đồng cảm – ta đang cho con cơ hội để hiểu ta. Tất cả đều rất quan trọng đối với mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi ta đang bực mình, ta có thể nói ngắn gọn: “Mẹ rất bực. Con chờ mẹ một lát để mẹ bình tĩnh lại.”

5. Khi có ai đó trong nhà bị bệnh nặng hoặc qua đời, hãy nói thật với trẻ. Tôi thấy nhiều gia đình giấu trẻ, nói qua loa như: “Ừ, bác ấy bận, không đến được con ạ”, trong khi câu trả lời thật là “bác ấy bị ung thư, sắp qua đời.” Trong trường hợp con tôi không nhận được câu trả lời thành thật từ các thành viên khác trong gia đình (vì nhiều lý do), tôi phải nói thật với con tôi: “Bác ấy bị bệnh nặng con ạ. Giống như khi con bị ốm, nhưng rất mệt, không đi lại được.” Có những trường hợp thì người trong họ qua đời, tôi nói với con tôi: “Ông ấy chết rồi con ạ. Thường thì mọi người không nói “chết”. Nói “mất” lịch sự hơn.”

Khi nói dối trẻ, người lớn nghĩ họ đang bảo vệ trẻ khỏi sự thật đau lòng. Bạn có thể nói giảm, nói ít, không bao giờ nên nói dối. Một sự thật rất đau lòng với người lớn thường không quá khó chịu với trẻ, vì trẻ nhỏ chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm sống và nỗi đau như người lớn. Chúng cũng không sử dụng lý trí để giải quyết vấn đề. Đây là lý do chúng chấp nhận sự thật, và quay trở lại trạng thái cân băng sau khi trải qua cảm xúc tiêu cực nhanh hơn người lớn rất nhiều.

6. Đừng ngại nói chuyện với trẻ về cái chết. Cái chết có thể là của một bông hoa, một cái cây, một con vật, và một con người. Sinh và tử diễn ra liên tục mọi lúc mọi nơi. Cũng có một số sách về đề tài này cho trẻ tầm 4+ bằng tiếng Việt rất hay. Cái chết không xấu, và cũng không đáng sợ nếu ta hiểu rằng nó chỉ là cánh cửa dẫn đến một thế giới khác. Bản thân linh hồn là bất tử.

* * *

Và lời khuyên cuối cùng dành cho người lớn với người lớn: Đừng nói dối ai để bảo vệ họ khỏi sự thật. Những lời nói dối mang tính bảo vệ như vậy chỉ tạo thêm đau khổ. Chúng ta thường xuyên làm điều này với chính mình: nói dối bản thân để trốn chạy sự thật vì quá sợ phải đối diện sự thật. Sự chạy trốn đó có thể kéo dài cả đời và lãng phí một đời người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *