Site iconChimCanh.Vn

VÀI CHIA SẼ [ Khủng hoảng tuổi lên 2 ] – mẹ Bubu Huong

Tg: mẹ Bubu Huong


Sau mấy người người mẹ anh hùng loay hoay tìm cách chống chọi với cơn bão mang tên “Terrible 2” thì có vẻ bầu trời đã quang hơn một tẹo… Thể theo nguyện vọng của các mẹ, mẹ Nhím ghi chép lại vài dòng.
Xin lưu ý 1 tẹo là các mẹ phân biệt Khủng hoảng lên 2 khác với wonderweek (ww) nhé. Ww dù cũng kinh khủng nhưng bản chất nó khác hẳn với các bạn Terrible 2 và cách xử lý cũng hoàn toàn khác. Theo tài liệu thì có 10 ww tất cả, nhưng thực tế mình thấy thì tầm 19-20 tháng có thêm 1 lần ww thứ 11 nữa và sau đấy khoảng 22,23m (có bạn thì chậm hơn tầm 25m) mới đến Terrible 2 ạ. (Vê wonder weeks Page sẽ có 1 bài riêng sau nhé, các bạn có thể google để tìm hiểu thêm).
Sự tình:
Tối thứ 1, bà mẹ tội nghiệp post lên FB kêu gào về cuộc chiến 4 tiếng đồng hồ đầy thảm khốc từ 8h-12h đêm lừa cho chiến binh dũng cảm đi ngủ…sau đó mẹ vắt tay lên trán suy nghĩ hẳn những.. 5 phút về chiến lược dành cho ngày mai, ngày mốt và những người sau đó (rồi ngủ mẹ nó mất, oánh nhau 4 tiếng rồi mà nghĩ gì nổi)… 
Qua ngày thứ 2, buổi sáng được mở màn đầy ỉ ôi với nước mắt, với những tràng bom “hông hông hông” và những trận ngồi phịch xuống ăn vạ, cuối cùng bà mẹ và cô gái nhỏ lết ra khỏi nhà lúc 7h30, đưa nàng tới lớp tóc còn rối bù, nước mắt nước mũi còn tèm lem, òa khóc khi nhào sang tay cô (vì vẫn còn ấm ức chuyện buổi sáng với mẹ chứ ko phải là sợ đi học) và quay ngoắt đi ko thèm chào mẹ. Bà mẹ anh hùng lòng dạ ngổn ngang, chả buồn ăn sáng, len vào dòng người tấp nập phi đến cơ quan, muộn làm đúng nửa tiếng T.T.
Hì hụi đọc đọc, tìm tìm về các thể loại liên quan đến Kid Tantrums, Terrible 2, 3… thì đại khái lờ mờ nhận ra một điều là bà mẹ CHẲNG NÊN CỐ GẮNG LÀM GÌ CAO SIÊU CẢ, và cũng đừng hi vọng nó sẽ kết thúc. Đơn giản, terrible 2 đã, đang và sẽ tiếp diễn đến tận lúc các cháu 18 tuổi, với nhiều cái tên mỹ miều hơn như khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng tuổi tuổi học, khủng hoảng tuổi dậy thì, kinh khủng hoảng tuổi teen và khủng khiếp tuổi tiền mãn teen =)), tất nhiên càng về sau càng kinh dị, láo toét, ghê gớm… Nhưng thực ra cái gì cũng có nguyên nhân của nó, không phải tự dưng mà các cục cưng cục vàng này bỗng nhiên dở chứng, dở điên, phát khùng phát nổ như thế!
Vậy trong các cơn “khủng (khiếp) hoảng” này, thì các chiến binh anh dũng muốn gì? Muốn được thể hiện mình, muốn được tự lập, muốn được công nhận… đại khái là muốn khẳng định bản thân. Một vài đồng chí lão thành sẽ bảo “ôi giời, 2 tuổi mà khẳng định bản thân cái con mẹ gì?”… thế thì các đồng chí nhầm nhá. 
Điển hình như này: Hôm qua đi ăn tối, mẹ cắt thịt rồi xiên vào nĩa định đút cho bạn (vì bạn đang 1 tay cầm bánh mì, 1 tay cầm muỗng), bạn nhất quyết lắc đầu, lúc đầu mẹ tưởng bạn không ăn nên mẹ bảo “con ko ăn thì mẹ ăn nhé” rồi mẹ bỏ vào mồm nhai bỏm bẻm. Ôi dồi ôi, bạn quay ngay sang nhìn mẹ với con mắt hình viên đạn rồi lấy tay móc mồm mẹ ra. Mẹ sợ quá, vội đưa cho nàng miếng khác, nàng lúc này lấy tay chỉ vào đĩa, ra ý là mẹ để thịt vào đĩa cho nàng, mà phải bỏ rời ra khỏi nĩa luôn. Sau đấy, nàng tự cầm nĩa, tự xiên lại cục thịt và tự cho vào mồm. Vậy là hiểu, nàng muốn tự mình làm, mẹ biết thế nên tiếp tục để thịt đã cắt vào đĩa cho nàng, nàng ăn hết 2/3 suất Đà điểu Steak. Rồi chuyện chơi, chuyện ngủ, chuyện đọc sách, chuyện mặc đồ….gi gỉ gì gi bạn cũng muốn tự mình làm, mẹ tự nhận thấy mẹ hơi có lỗi vì ko tin tưởng bạn và hơi có phần ép bạn trong mấy hôm trước, nên mẹ cứ làm trái ý hoặc làm hộ bạn, và do đó bạn nổi điên, nổi cáu. 
Túm lại, sau khi quan sát, ngâm cứu và vạch ra đường lối, thì mẹ nghiệm ra được mấy điều, áp dụng thử và thấy có vẻ ổn:
– CHO BẠN ĂN SỚM HƠN.. Bình thường trước đây bạn có thể ăn hơi trễ và hơi đói xíu ko sao, nhưng giai đoạn này bạn đặc biệt nhạy cảm nên chỉ cần bị đói xíu là bạn khó chịu, gây gổ, lèm bèm rất kinh, mà hỏi có ăn không thì cũng “hông” (nên mẹ tưởng ko đói) dù sau đấy thấy thức ăn thì ăn như chết đói. 2 hôm nay áp dụng đi học về nhà chơi xíu, 6h là ăn tối (bt 7h ăn, vì 4h bạn ăn chiều ở lớp rồi), sau đó tắm rửa, chơi và uống sữa rồi đi ngủ sớm hơn nửa tiếng so với mọi khi. 
– CHO BẠN ĐI NGỦ SỚM HƠN: Vì bạn khó ở và bạn đi vào giấc ngủ cũng khó hơn, nên bạn cần đi ngủ sớm hơn để đảm bảo chìm vào giấc ngủ đúng giờ. Trước khi tắt đèn 5 phút thì mẹ thông báo với bạn để lúc tắt đèn thì bạn dù có phản đối cũng chỉ ít ít thôi, thay vì tắt cái bụp bạn sẽ làm loạn lên. Tắt đèn xong thì mẹ chủ động làm mấy thứ bạn thích: hát bài Cá vàng, xoa lưng cho bạn, kể chuyện cho bạn nghe, hoặc có thể ngoại lệ cho bạn xem hoạt hình (trên điện thoại mẹ) khoảng 5 phút. Đâu đó khoảng 15 phút thì bảo thôi MẸ ngủ nhé, NHÍM CỨ NẰM CHƠI NHÉ (tay thì vẫn phải xoa lưng cho bạn T.T), nói chung là ko đả động gì đến chuyện là BẠN PHẢI ĐI NGỦ cả…. thế là khoảng 10 phút sau bạn ngủ tít. Bonus thêm là dạo này bạn thích “thoát y”, một phần vì bạn đến giai đoạn “thích cởi”, một phần vì dạo này bạn bị rôm sảy ngứa ngáy nên ghét mặc đồ. Hôm đầu mẹ nhất quyết ko chịu cho bạn cởi, làm bạn la hét quá chừng. Hôm sau thì mẹ đồng ý cho bạn cởi, nhưng 10 phút sau thì dụ bạn mặc lại, bạn cũng mặc nhưng có vẻ khó chịu cứ kéo kéo áo lên. Hôm qua mẹ kệ bạn, cho bạn cởi trần truồng nằm ngủ luôn, bạn ngủ say rồi mẹ mặc lại cho bạn.
 – CHO BẠN DẬY SỚM HƠN: Trước đây bạn thường dậy lúc 6h30, nhưng mấy hôm bạn ngủ muộn, sáng dậy muộn và mệt mỏi cáu gắt. Dậy muộn nên mọi thứ đều gấp gáp, mẹ cắp bạn xuống tắm rửa lun nên bạn khó chịu, sáng ra nhèo nhẽo. Sáng nay 6h20 bạn trở mình, mẹ đánh thức bạn dậy luôn và đưa luôn cho bạn 1 cuốn sách để coi (bạn thích sách lắm), thế là cho bạn ngồi chơi 15 phút trong khi đó mẹ đi vệ sinh cá nhân và chuẩn bị đồ, rồi sau đó mới công kênh bạn đi “gột rửa”. Thế là vui vẻ cả họ, sáng nay 7h đã ra khỏi nhà, đến lớp tươi tỉnh, mẹ đi làm sớm đúng giờ :).
– CHO BẠN THỜI GIAN CHỜ VÀ LUÔN THÔNG BÁO MỌI CHUYỆN VỚI BẠN TRƯỚC:Trước giờ thì bất kể làm gì mẹ cũng báo với bạn, ví dụ “mẹ đi xuống nhà lấy nước”, hay “bạn xem 1 chút nữa mẹ gọi là đi tắm nhé”. Nhưng trước đây mấy cái này chưa phát huy hiệu quả nhiều lắm nên nhiều lúc mẹ cũng “tiện” vừa nói vừa làm luôn mà ko cho bạn thời gian chuẩn bị trước. Hôm qua mẹ áp dụng lại, bạn đang chơi, mẹ bảo bạn là “mẹ xuống nhà lấy nước, con đọc sách nốt 1 tý thôi nhé, mẹ lên là tắt đèn đi ngủ”. Sau đó mẹ đi xuống rồi đi lên và bảo bạn là mẹ tắt đèn đi ngủ này, khi mẹ tắt đèn bạn có hơi “bất bình” 1 xíu nhưng mẹ chỉ bảo là “đến giờ đi ngủ rồi, lại đây ôm mẹ ngủ nào” thế là bạn hết. Rồi thì đi ị đi đái, đi tắm, đi lấy sữa, đi phơi đồ, vân vân gì đều phải báo với bạn để bạn biết mẹ đi đâu làm gì, và khi muốn bạn dừng hành động gì chuyển sang hành động khác (vd chơi –> đi tắm, đọc sách –> đi ngủ) mẹ đều báo cho bạn trước.
– TRÁNH ĐẶT CÂU HỎI CÓ-KHÔNG, thay vào đó là THÔNG BÁO (Như trên) hoặc đưa ra câu hỏi LỰA CHỌN. Tầm này bạn đang rất thích nói “KHÔNG” dù bất cứ mẹ hỏi cái gì, hoặc thậm chí ko hỏi gì. Nên hôm qua mẹ ko hỏi bạn nữa. Ăn uống mẹ chỉ để đồ ăn vào bát rồi bảo “Nhím ăn bánh này, ăn trứng này..”, hoặc mặc đồ thì chuẩn bị sẵn 2 bộ rồi hỏi bạn “hôm nay Nhím mặc áo mèo hay áo gấu?”, tất nhiên có lúc bạn vẫn bảo “KHÔNG” cho cả 2 tình huống này, nhưng mẹ cũng lờ đi luôn, cũng ko hỏi lại, đồ ăn vẫn để trong bát cho bạn tự xử lý, bạn ko thích thì bạn tự bỏ ra ngoài, quần áo ko mặc thì ở truồng, 5 phút sau mẹ hỏi lại.
– NGỌT NGÀO (và man trá), DỊU DÀNG, NHẸ NHÀNG hết sức với bạn và TRÁNH PHẠT. Phải nắm bắt hết mọi tình huống và phản ứng trước khi bạn “ệch” mồm ra khóc, kiểu như bạn cụng đầu vào tường phát là phải “Ôii bị cụng đầu rồi, u đầu rồi, bạn có đau không”?, bạn ném đồ chẳng hạn thì thay vì phạt lại phải “điêu”..chạy ra nhặt đồ xong xuýt xoa “ôi đau quá, tôi bị bạn Nhím ném đau quá” rồi giả vờ đưa cho bạn ý hun hít đồ chơi cho bạn đồ chơi đỡ đau @_@, thấy bạn có vẻ không thích đồ ăn thì bảo “ôi không ăn à, mẹ ăn nhé” và nhanh tay (giả vờ) gắp lấy ăn. Nói chung mẹ phải biến hình từ PHÙ THỦY sang BÀ TIÊN VUI TÍNH HÀI HƯỚC DÍ DỎM, mọi việc bạn làm sai sẽ phải biến thành 1 chuyện vui gì đó. Việc phạt mặc dù khá là hiệu quả trước đây nhưng trong giai đoạn này bị TẠM HOÃN, nếu quá sức chịu đựng bắt buộc phải PHẠT thì cũng ko nói là phạt, mà chỉ bảo “con vào phòng bình tĩnh lại nhé, bao giờ bình tĩnh thì ra với mẹ”. Nhưng nói chung qua giờ áp dụng thì thấy chưa phải đến mức phạt bạn. 
– CHO BẠN CƠ HỘI ĐƯỢC TỰ LÀM MỌI VIỆC THEO Ý MUỐN. Tất nhiên đôi khi bạn sẽ có những yêu cầu khó chấp nhận được, nhưng vẫn nên để cho bạn “thử”. Thử xong rồi 1 lúc sau mẹ có thể nhẹ nhàng giải thích cho bé (tốt nhất theo lối HÀI HƯỚC) là ko nên thế và hướng theo ý của mẹ. Thường thì lúc đó bé sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
– CHO BẠN ĐI CHƠI NHIỀU HƠN, BÀY NHIỀU TRÒ CHƠI MỚI, SÁCH MỚI và DÀNH NHIỀU THỜI GIAN CHO BẠN HƠN. Bạn đang lớn, đang muốn khẳng định mình, muốn được công nhận, muốn  được học hỏi, nhưng bạn chưa điều khiển được cảm xúc của mình nên nhiều lúc bạn hơi “quá đà”, vì vậy mẹ cần bình tĩnh hơn bạn và khuyến khích, động viên, trò chuyện với bạn nhiều hơn. Khi bạn khóc hãy vỗ về bạn chứ ko nên bỏ mặc (như trước) vì giai đoạn này bạn nhạy cảm và mong manh dễ vỡ, thích sự ngọt ngào 🙂
Kết luận:
Cái gì cũng có nguyên nhân và cách giải quyết để đôi bên cùng vui vẻ. Trời ko chịu đất thì đất đành chịu trời. Cương với bạn không được thì mẹ đành nhu. Nuôi con nhiều khi còn hơn bày mưu đánh trận, phải linh hoạt và mềm dẻo thay đổi, ko nên quá cứng nhắc áp dụng hoài 1 quan điểm. Mỗi em bé là mỗi khác, và mỗi giai đoạn của bé lại mỗi khác, nên nếu cứ khư khư giữ 1 quan điểm thì chỉ khổ mẹ khổ con. 
Bạn Nhím – dù ẩm ương mất mấy ngày, bạn mẹ – dù cũng cứng đầu cứng cổ cố lái bạn theo mẹ mấy ngày, để rồi 2 mẹ con xung đột, mệt mỏi – nhưng cuối cùng 2 bạn cũng đã hòa giải và tìm được đường lối chung. Mẹ bạn cũng kịp thời nhận ra được trong sự ẩm ương, sụt sùi của bạn có những tia nắng rực rỡ về kỹ năng và tư duy của bạn, mà nếu ko bình tĩnh và ko thay đổi quan điểm, chắc mẹ và bạn chỉ chìm đắm trong những cuộc chiến mệt mỏi mà ko kịp nhận ra những thay đổi, tiến bộ của bạn. Kỹ năng lớn nhất mà bạn đạt được đó là đã tự biết đòi mẹ cho “đi ị” (tè thì vẫn dầm dề hị hị), và ngồi toilet vừa đọc sách vừa “giải tỏa nỗi buồn” rất ra dáng người nhớn thế này này. Kỹ năng thứ 2 là bạn biết đặt câu hỏi: Con gì, bạn gì, mẹ (hoặc ai đó) làm gì và dùng các từ cảm thán (quá – nóng quá, bự quá; rồi – hết rồi..) và nói một câu dài hoàn chỉnh với 5-6 từ. Kỹ năng thứ 3 là bạn biết hát. Thứ 4 là biết và thích chơi cùng với các bạn (cô giáo kể)… và vài điều nhỏ nhặt khác nữa. Em bé của mẹ – 11 ngày nữa tròn 2 tuổi.
HÃY ĐỂ NUÔI CON – THỰC SỰ – KHÔNG PHẢI LÀ CUỘC CHIẾN!
Exit mobile version