Cái nhìn và cách chăm sóc, chọn lựa Chòe Than của ndnhuy

1. Sơ lược về cái nhìn của Huy với Chòe Than:

Trong các loại chim cảnh chơi hót hoang dã hiện nay như Mi, Than, Lửa, Chào Mào, Khoen…, thì có thể nói Chòe Than là loại chim khác lạ nhất so với các loài chim khác về độ ngoan cố và nhút nhát đối với con người. Thực tế, ngoài hoang dã, Chòe Than là loài chim sống gần gũi với con người chúng ta nhất. Ở miền quê Tuy Hòa-Tuy Phước của Huy thì con Chòe Than còn có tên gọi khác, đó là Chòe Vôi, nhiều đứa trẻ chăn trâu ngày trước còn gọi vui đùa nhau, gọi đó là con chim nông dân (vì tập tính của nó cứ thích lẩn quẩn trong mấy chuồng gà, sân phơi lúa, hay là ngoài đồng ruộng…). Nhưng, hôm Huy có đọc 1 bài viết của 1 anh nào đó nói về Chòe Than còn được gọi là con chim “hỷ tước”, Huy rất thích cái tên này.

2. Cái duyên của Chòe Than đến với Huy:

Huy không rành lắm về các vùng miền khác bắt đầu có phong trào chơi Chòe Than từ lúc nào, nhưng ở Qui Nhơn thì Chòe Than được biết đến bởi Huy lần đầu tiên là vào năm 1997. Lúc đó, phong trào nuôi Khướu rất mạnh, và Chòe Than thì chẳng ai thèm ngó ngàng đến. Huy còn nhớ, con Than đầu tiên được Huy thấy và mua về lúc đó là 10000 VND, con Than đã già ruộng (ở đây Huy mạn phép gọi là già ruộng vì Huy thấy con Than nên gọi là già ruộng thì hay hơn là già rừng) và rất nhát. Vì thấy nó xém chết đến nơi vì cái nóng và không ai thèm ngó, mà Huy thấy lông cũng đẹp và lạ nên mới hỏi mua với giá 10000 VND. Lúc này 10000 VND lớn lắm, có thể ăn 4 tô bún cá Qui Nhơn. Sau đó, nuôi chừng được 1 năm thì Huy thả chú ta đi vì quá nhát và chỉ kêu chòe chòe. Đó là kí ức đầu tiên của Huy về chích chòe Than.

Sau đó 1 năm, tức năm 1999 thì phong trào Than bắt đầu được chớm nở ở Qui Nhơn (lúc bấy giờ thì phong trào chơi Mi là mạnh nhất ở Qui Nhơn, nói về phong trào Mi thì thời gian này là thịnh nhất), nên Huy cũng suy nghĩ là nên tậu cho mình 1 chú Than để về nuôi cho bằng anh bằng em (hơi bon chen sự đời, hehehe). Và sau đó, Huy đã mua được 1 chú Than con 1 mùa của 1 người bạn cùng chơi chim chung trong xóm với giá 50000VND. Khi mua về nuôi thì Huy chỉ nghĩ là cho nó hót như Chòe Lửa chứ chưa có ý nghĩ về cho nó đá như Mi, nên Huy chăm khá là kĩ vì chủ yếu cho lông đẹp. Như vậy, nuôi em nó qua 1 mùa lông 1 mình ở nhà chỉ để nghe hót, và em nó cũng là con chòe Than độc nhất ở nhà. Đến một hôm, cu bạn cùng xóm xách 1 con Than mới mua với giá 70000 VND qua nhà và để hót chơi, thì 2 anh em nhận ra là nó đòi đá và rất dữ. Thế là cả 2 cho đánh, và con Than của Huy thắng . Sau vụ này, anh bạn rất tức nên về nuôi con chim thua kĩ lắm, 2 tuần sau qua đá lại, và Huy lại thắng. Từ đó, Huy bắt đầu đam mê Than và xoay qua mua Than về chăm vì thấy nó quá hay về đá lẫn hót. Kinh nghiệm chọn Than mộc vì vậy từ đây mà ra, Huy đã tốn rất nhiều công của để moi ra cách chọn và chăm sóc chim mộc cũng từ đây.

3. Cách chọn Chòe Than mộc của Huy:

Sau đam mê thì đến phí của,Huy đã bán 1 con Mi biệt danh “bổ củi” cho ông anh với giá 300k và đã mua về tổng cộng 4 con Than mộc ở ngoài chợ chim, mua 4 cái lồng và mọi thứ hết cả thảy 300k. Lúc này, nghĩ lại còn thấy ngu và buồn, con này sau đó nó đánh được giải nhì hội xuân năm 2001 và đã hạ luôn con Mi chiến thần của mình. Còn 4 con Than kia thì sau 6 tháng đi nhà ma 2 con, còn 2 con thì cho 1 con cho ông dượng, còn 1 con thì nhát như điên, sau bán cho chợ chim có 20k. Sau đó, Huy nản quá, không mua Than mộc nữa mà tự đi mua con chuyền về nuôi, thấy nó nuôi mau dạn mà hót cũng khá. 6 tháng sau, lúc em nó mới trổ xong thì bố lại đem em nó tặng cho 1 chú bạn của bố và cho mình 200k. Suy nghĩ thấy nuôi lông lâu quá, sinh chán, Huy lại nghĩ đến mua con mộc về thuần (vì chim mộc lông đã trổ hết, nhìn đẹp hơn rất nhiều so với chim chuyền), nhưng lần này, Huy không chọn mua con quá già mùa, mà chọn con chim có cốt tốt nhưng chỉ tầm 1 tuổi rừng vừa đúng. Nuôi 2 con mộc mới thay xong lông mùa này sau 6 tháng thì Huy thấy nó rất khác, dễ thuần hơn là chim mộc quá già, và không bị hãi chết như chim già mùa. Sau nhiều lần suy nghĩ và thử cách chọn, Huy thấy được rằng, Than rất khác với Mi. Lúc đó, Huy cứ nghĩ Than nó giống như Mi, chọn già rừng và tướng đẹp gộc, đầu xà, mỏ sẻ, nặng gốc và mắt méo hột dưa là tốt. Cái này là cái chết cho sai lầm suy nghĩ về chọn Than mộc. Than mộc nên chọn chim chỉ tầm 1 mùa rưỡi trở lại là nuôi tốt, còn không thì rất dễ thất bại ( mà Huy chưa thành công với con Than nào quá già mùa ). Thất bại có những điểm sau:

• Chim vẫn ăn uống đầy đủ nhưng tự dưng quay ra chết, khi cầm vào, chim ốm nhom như không ăn gì, cái này theo khoa học đó là sự stress và ức chế tâm lí, nên dù chim ăn uống đầy đủ nhưng vẫn chết do lao lực vì lúc nào nó cũng lo sợ.
• Chim khó thuần nổi, sau khi thuần vẫn có điểm nhát cố định, không tự nhiên nên đem chơi cội rất khó khăn. Khi đem đi dượt, chỉ cần vô ý 1 tí là làm cho chim hoảng loạn và lại khổ công thêm 1 thời gian dài.
• Chơi chọi thì không khoái vì thường chọi Than thì mình ngồi gần để xem đòn thế ( cái này khác Mi ), nhưng ngồi gần thì chim mộc rất khó chọi vì nó cứ nhát và canh me con người. Điển hình: Con Than bổi ông anh nuôi 5 mùa mà vẫn không chọi được ở trường, vì nghe la 1 cái là nó sợ ngay.
• Tốn nhiều công phu mà chưa biết con chim nó hót hay chọi ra sao, ít nhất là 2 mùa đến 3 mùa nếu thuần mấy con quá già mùa này. Nếu sau 2-3 năm, thấy o chọi hay hót được như ý muốn thì có phải công cán quá cực hay không?

Chính vì những điểm trên mà Huy muốn chia sẻ tí kinh nghiệm khi chọn Than mộc nuôi, không nên chọn con quá già mùa mà tốt hơn nên chọn chim tầm 1,5 mùa trở lại là tốt. Với Huy thì con 1 mùa là tốt nhất, vì tuổi ruộng đã có mà tinh thần chim chưa quá quen thuộc và nhớ cảnh thiên nhiên để bị ức chế quá nhiều khi nuôi nhốt.

Bên cạnh vấn đề về chọn chim theo mùa, thì còn có khá nhiều tiêu chí khi chọn chim Than mộc, Huy ghi rõ cách chọn từng loại theo kinh nghiệm của Huy nhé.

• Khi mua chim mộc, tốt nhất ta nên cầm được chim trong tay là hay nhất, coi xem ức chim có đầy hay không? Nếu quá ốm, lòi xương ức thì không nên mua, vì con này quá yếu và nhát nên không chịu ăn mồi, hay thần kinh quá stress.
• Nên thử chân chim bằng cách dùng ngón tay trỏ để cho chim bám vào, xem thử có ngón nào đơ hay bị yếu cơ hay không? Nếu chim không bám thì chim nó mệt quá hay có tật bên trong, không nên chọn.
• Coi mắt có bị chảy nước, hay có dấu hiệu lòa hay không? Nếu có đừng chọn.
• Coi hậu môn chim có bị dính phân ướt hay không? Nếu có, đừng chọn
• Xem mỏ chim, nên chọn con chim còn lửa rừng, họng đen kịt, nhưng bên trong hốc đỏ hồng gắt như ngậm cục Than. Đấy là chim đang căng lửa, về sẽ dễ thuần hơn là chim họng trắng nhạt.
Đối với anh em chơi Than hót, nên chọn chim theo tiêu chí: đầu tròn chứ đừng chọn xà, cổ thắt, rướn, chân cao nhưng không quá to, mỏ o quá to mà phải dài và nhỏ gốc. Chim cân xứng, nên coi cẩn thận, cả về vóc dáng và 2 bên mắt, cần phải cân xứng.
Đối với anh em chơi Than đá, nên chọn chim theo tiêu chí: Đầu xà hay phương đầu, cổ to, chân to, cao, lông phủ gối, bàn khóa rộng, các lực ngón chân bóp phải gắt. Mắt hình hạt dưa, mắt dính liền mí và hơi lộ ra tí, mắt đen bóng lớn nhưng con ngươi nên nhỏ. Mỏ thì chọn mỏ tương đối với cơ thể nhưng gốc phải to và chắc.

4. Cách chăm sóc và thuần dưỡng chòe Than mộc:

Mua chim mộc về, ta nên chuẩn bị sẵn lồng và mọi thứ thức ăn, nước uống sẵn trong lồng, đồng thời áo lồng cũng được phủ sẵn sàng, chỉ chừa cửa để bỏ chim vào. Thức ăn bao gồm 1 hủ sâu qui, 1 hủ nước uống, 1 hủ trứng kiến và vài chú cào cào để dưới đáy bố lồng nhưng sát mép vành đai (đừng để dưới chân cầu chim đứng vì chim ị xuống sẽ bẩn cào cào, ăn vào dễ bệnh). Mục đích bỏ cào cào dưới đáy lồng là do có nhiều chú chim mới về rất sợ hay chui xuống đáy lồng nằm, khi đó, có cào cào chim sẽ ăn, không sợ chết đói.Khi bỏ chim vào, ta nên cẩn thận kẻo chim luồng tay bay ra ngoài thì chết, tốt nhất nên bỏ hẳn cái bọc nhốt chim vào lồng, sau đó dùng tay mở rộng bịch bao ra, chim sẽ bay ra ngoài.

Sau khi bỏ chim vào, ta che kín áo lồng, để chim vào nơi yên tĩnh cho chim bớt sợ. Đừng nên mở hay động vào lồng, cứ để nó như vậy trong 2 ngày. Sau đó, ta mới kiểm tra xem chim có ăn uống gì không và có lấy lại sức chưa? Nếu chim ăn và sức tốt thì khi ta mở nhẹ áo lồng, chim sẽ nhảy nhưng có tiếng nặng sức của bàn chân. Nếu như chim như vậy thì tốt, có thể để chăm được. Còn nếu thấy chim yếu và không ăn, ta nên mang đi đổi chú khác ngay nhé, không là tiêu vốn đấy .

Nếu chim ăn thì ta cũng nên thay thức ăn cho chim, không nên thọc tay vào, mà nên nhè nhẹ dùng 1 cái lồng khác đẩy cho chú qua bên lồng kia (vẫn phủ áo nhé). Sau khi qua lồng mới, ta nên dọn lồng cũ và cho thức ăn đầy đủ như vậy rồi mới cho chú sang. Sau khi cho sang lại lồng cũ, vẫn cứ để yên tĩnh. Tầm 3 lần, tức 6 ngày, nếu chim chịu ăn thì lúc này nó đã khỏe hẳn, và nên tập cho nó tắm. Lồng tắm nên phủ áo che 1 nửa phần sau chỗ để khay cho chim tắm. Còn phần trước để trống cho chim đứng rỉa lông. Nên cho 1 chú chim khác loại đã thuần tắm bên cạnh để nó thấy bắt chước yên tâm tắm theo. Lúc chim tắm, ta đừng lấm lét nhìn chim, nếu muốn nhìn nên nhìn tự nhiên và nhìn thẳng vào nó (phải đứng cách xa nó 1 khoảng cách nhất định nhé). Trong lúc này, ta nên rửa lồng và thay thức ăn cho nó, nếu thấy phân chảy thì o nên cho trứng kiến nữa, và lúc này nên tập dần cho chim ăn thực phẩm. Ta bỏ 1/3 thực phẩm, 2/3 sâu vào cóng sâu, 1 cóng nước và 1 cóng cào cào. Lúc này, cào cào bỏ cóng được rồi (vệ sinh hơn và tập chim ăn ở cóng cho quen, o ăn tạp). Áo lồng lúc này nên để mở hình chữ A, và treo mặt lồng chính diện nơi ta hay tiếp xúc chim. Nếu nhà o có chó mèo thì nên để chim dưới đất, còn nếu có thì nên trao chim ngang tầm mắt mình, o nên cao quá, tạo khoảng cách quá xa với chim. Lúc này, ta nên thay thức ăn và cho chim tắm nắng, nước 2 ngày 1 lần. Sau 1 tuần rưỡi thì chim đã quen với thực phẩm, nên cho chim ăn ít sâu qui lại, chỉ bỏ 1/3 hủ sâu riêng và hủ cám riêng. Như vậy, chim sẽ ăn sâu ít hơn và cám nhiều hơn. Cào cào lúc này ta nên tập cho chim, cứ để cắt sẵn tầm 10 con. Cứ bỏ 1 con vào, sau đó đi, rồi lại rãnh bỏ vào 1 con. Cứ như vậy cho chim quen cảm giác có chủ tới là có cào cào ăn ngon. Nó sẽ mến chủ hơn. Cào cào nên cho ăn cào cào non nhé, vì Than thích cào cào non, chứ cào cào già nó không khoái lắm. Lúc này, đã qua 1 tháng, chim đã dần ok hơn với cuộc sống có chủ và được nuôi trong lồng, nên ta có thể để áo lồng hình chữ A, nhưng cột áo cao hơn đáy lồng 20cm. Cứ nuôi vậy, và sau 1 tuần hay 1 tuần rưỡi thì nâng áo lồng lên 20cm, thường thì sau 3-4 tháng Huy có thể mở hết áo lồng và cho nó ăn bình thường như nuôi chim chuyền rồi.

Trên đây là tất cả những gì cần phải làm để thuần và chăm sóc cho 1 chú chim Than mộc mà Huy có chút kinh nghiệm từ bản thân. Huy mong chút ít kinh nghiệm thuần chim này của mình sẽ giúp anh em có cách chọn và thuần Than mộc khả quan hơn.

5. Thức ăn và chăm sóc chòe Than thuộc của Huy:

Đối với Than, Huy hay dùng thực phẩm A Vầy cho chòe Than cho chim ăn. Mỗi ngày, nên cho chim ăn ½ hủ sâu qui, 20-30 con cào cào non (tùy size cào cào mà cho số lượng hợp lí), 4-5 con dế cho chim nó có thêm khẩu vị.

Huy tóm tắt về cách chăm của Huy đối với Than mỗi ngày nhé. Sáng 5:45 là xách cho chim ra cội dượt. Lúc này uống cafe và chém gió với anh em, vừa uống vừa mua cào cào cắt cho nó khoảng 20-30 con để sẵn 1 bịch (giá chừng 4000VND), sau đó rửa sạch 1 nửa, cho chim ăn vào lúc sáng sớm lúc đang dượt. Còn 1 nửa thì để giành đó, tầm 10-15 con. Đến 6:30 là xong đem chim về treo cho nó hót và nhâm nhi ly thức ăn sáng của nó. Đi làm, đến trưa về ghé ngang mua cho nó 2000VND sâu qui, và1000 VND dế. Về là cho nó đi tắm rồi dọn lồng, thay nước, thức ăn cho nó, tầm 10-15 phút. Tắm xong, bỏ nó vào lồng chạy cho nó chơi rồi bỏ tầm 4-5 con dế vào( đã lặt cẳng) cho nó ăn. Xuống nhà nằm nghỉ, để nó chơi, 1h chuẩn bị đi làm, lên mang nó vào lồng và bỏ 10-15 con cào cào hồi sáng vào cho nó ăn. Nên nhớ, cóng thức ăn và nước uống ta nên bỏ vào lồng chạy lúc bỏ chim vào, khi sang lại lồng thường thì lấy nó bỏ qua lồng cũ (tránh kiến hay thức ăn mốc), đỡ tốn cóng mà thức ăn luôn được ăn toàn. Sau đó, móc cho nó ăn uống, hót hét, vui chơi. Đến chiều, 5h tan sở, về nhà đến 6h thì phủ lồng cho nó yên tĩnh đi ngủ để mai còn dậy sớm ra trường chim chơi với chủ nó nữa chứ. Như vậy, công đoạn chăm con chim với Huy rất ít tốn thời gian mà hiệu quả nữa nhé. 1 ngày tốn chừng 45p cho nó là cao tay, còn lại là lo cho gia đình và công việc. Có nhiều anh em hiểu nhầm ý là người đam mê chim nên suy xét và theo dõi con chim từng phút, từng giây, nhưng với Huy đó là điều cấm kị, vì Huy nghĩ lúc cho chim tắm hay dọn lồng, mình đã phần nào biết được sức khỏe chim ra sao rồi. Còn về phần đời tư, Huy nghĩ con chim nó cũng cần khoảng không gian riêng cho mình như con người vậy, nên Huy o xâm phạm nhiều đến đời tư của nó lắm. Còn về tắm nắng thì Huy thường hay cho nó tắm nắng rất nhiều ( hơn 1h30p 1 ngày ), phơi lúc sáng sớm mang ra trường chơi với anh em, và lúc trưa về cho nó tắm bỏ sang lồng chạy.

Khi nào mang ra thấy căng và xem lửa chim từng thời kì, nếu chơi chọi thì nên xoay xổ chim thường xuyên, mỗi lần chừng 1-2 phút cho chim nó mau vào lửa, vì cứ đang đánh mà cắt ngang nên nó mang cục tức trong người, nên rất mau vào lửa. Còn Than hót thì cứ nuôi như vậy, bảo đảm chim đẹp, hót ác nhé.

Ghi chú: Nắng mỗi nơi mỗi khác nhau, nên anh em theo dõi mà áp dụng riêng cho từng vùng nhé. Còn về cách phơi thì nên treo chim nơi thoáng gió, không nên để nơi gần tường quá, và khuất gió, vì gần tường thì sẽ bị nắng hắt chết chim, còn khuất gió thì cũng bị tương tự. Đặc biệt, chú ý khi treo chim dưới mái tôn mà trời nắng quá gắt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *