Đôi điều cần lưu ý khi bắt bổi
Các nghệ nhân nuôi cu cườm lâu năm ai ai cũng mong muốn mình sở hữu được vài con mồi hay và thật sát bổi, điều đó không phải ai cũng làm được … cho nên mới có kẻ mua và người bán. Chuyện mua hay bán, trao đổi vật chất cũng là chuyện thường tình ở đời. Cũng vì lẽ đó mà có những nghệ nhân rất đam mê chim cu mà không có thời gian để đào tạo từ một con bổi lên thành con mồi … nên chọn giải pháp mua mồi là thích hợp nhất. Vẫn biết rằng khi ta nuôi nấng và huấn luyện từ con bổi lên thành con mồi, luyện tập chúng qua từng ngày mới thú vị … rồi cái cảm giác lo lo, mừng mừng khi nó bắt được con bổi đầu tiên, rồi con thứ hai, thứ ba … cũng từ đó tài nghệ của nó ngày càng thăng tiến sau những chuyến ngao du sơn thủy … Cũng từ đó ta và nó đã có một sợi dây vô hình gắn kết … ta cảm thấy yêu quý nó hơn, xem chúng như những đứa con cưng của mình vậy …. nhưng cũng có những người nuôi chim cu y như nuôi một đạo quân vậy 50 đến 60 con, chổ nào cũng là cu với cu … số lượng thì khỏi chê nhưng chất lượng thì quá kém … trong đạo quân ô hợp ấy chỉ vài ba con sau này là có triển vọng. Ta chỉ cần nuôi một con dũng tướng là đủ, không nên nuôi cả đội quân làm gì, tốn công, tốn lúa ….
+ Nguyên luôn luôn tâm niệm rằng : “Thà không nuôi chứ nuôi thì phải nên …” cũng vì lẽ đó mà Nguyên rất khắc khe trong việc chọn lựa chim bổi, chỉ cần một điểm không vừa ý là ta loại ngay, mặc dù nó rất hay ở ngoài rừng, nó “phải có dáng dấp của con mồi” mới được, vì nó là mầm non, chồi xanh của tương lai …. khi thành tài phải là tướng mà thôi, điều đó đâu phải ai ai cũng làm được cho nên Nguyên viết bài viết này để hướng dẫn cho những người mới vào nghề làm quen dần với “tác phong của một nghệ nhân thật thụ”
Dù là mồi cây hay mồi đất khi dính bổi ta hãy bình tĩnh và từ từ nhé đừng sợ nó sẩy (nếu dính rồi mà sẩy mất thì đó là ý trời…. có nối tiếc nhưng xin đừng buồn) hãy từ từ đi đến chổ con mồi và làm các thao tác như sau:
– Sang con mồi từ lụp qua lồng để, treo cẩn thận (vì có những người khi bắt được con bổi hay quá cứ lo dí bắt cho kỳ được con bổi … nhưng khi quay lại thì con chó đang tha con mồi, cái vụ này thì mấy anh đánh mồi đất đụng hoài … ta hãy quan niệm rằng con bổi hay cở đó mà còn bị con mồi dụ cho sa vào lụp thì con bổi ấy có xá gì so với con mồi).
– Đừng lật đật cho vào túi rút mà ta hãy từ từ cầm hai chân con bổi bằng tay phải, để cho con bổi nằm trên lòng bàn tay trái … ta bắt đầu quan sát vì lúc này con bổi vẫn con giữ nguyên bộ lông rừng chưa bị rụng … ta dễ quan sát hơn.
1. Coi đầu của nó tròn hay vuông, lông đầu xám trắng hay bình thường.
2. Mắt của nó to hay nhỏ, sâu hay lộ, tròng vàng lớn hay nhỏ, màu mắt: đỏ tươi hay đỏ thẩm, vàng nhạt hay vàng nghệ, trắng dã hay đen thui …
3. Mỏ của nó dài hay ngắn, thẳng hay cong, to hay nhỏ, đen bóng hay đen ***** …
4. Lổ mủi to hay nhỏ, dài hay tròn, cục gồ cao hay thấp ….
5. Chỉ dàm to hay nhuyễn, quá khóe hay chưa tới, thẳng hay cong …
6. Cổ ngắn hay dài (ta nên lưu ý điều này mấy anh có cổ ngắn, tròn đa phần gáy giọng trơn hay chiếc. Còn mấy anh cổ dài hay cổ lãi thường thì gáy giọng đôi hoặc ba) …
7. Cườm: khổ cườm to hay nhỏ, trắng nhiều hay đen nhiều, cườm lửa đóng cao hay thấp, sau đó ta xem nó thuộc loại cườm nào … một dây, hai dây, ba dây hay bể nát …
8.Có đuôi rùa hay không, có dị tật hay ẩn tướng nào hay không …
9. Ức tròn hay dẹp , ức chiếc hai ức đôi , nở hay lép ( ức =ngực ) …
10. Mình dài hay ngắn, nhìn dọc nó tròn hay vuông , to con hay nhỏ con ….
11. Quy me hay bìa tên, sổ hay ngang, 3 tần hay 4 tần, hai cánh có đều nhau không (thường thì cánh bên trái lông quy sẽ mọc nhiều hơn cánh bên phải).
12. Phau trắng hay hồng, phèn hay xám ….
13. Chân cao hay thấp ( dài hay ngắn ), mập hay ốm …
14. Ngón chân dài hay ngắn …
15. Móng chân dài hay ngắn, thẳng hay cong …
16. Sau cùng là đuôi vót hay đuôi xòe lông đuôi nhiều hay ít ….
Nếu các bạn quan sát như trên và có nhận xét đúng ngay từ đầu thì các bạn sẽ không bao giờ bị lầm khi chọn bổi đem về nuôi.