Phòng trị bệnh cho cu gáy
Bệnh đau mắt
Chim gáy thường hay bị bệnh đau mắt vào lúo thời tiết mưa ẩm nhiều như tháng 7 – 8 âm lịch hoặc dịp đầu mùa xuân trước tiết Thanh Minh. Nếu kết hợp giữa mưa ẩm kéo dài + với nắng nóng như tháng 7 – 8 âm lịch thì bệnh rất dễ trở nên nặng.
Chim hay chảy nước mắt, chim thường dụi mắt vào hai bên bờ vai cánh nên thấy lông ở hai bên vai cánh chim ướt và vón lại. Nếu chim bị nặng, dụi nhiều có thể sưng cả hai mí mắt lên.
Để phòng bệnh cần chăm sóc chim thật tốt, vệ sinh lồng nuôi, tắm nắng để diệt các loại mầm bệnh, cho chim sử dụng chế độ dinh dưỡng đều đặn đủ lượng và chất, bổ sung vitamin thường xuyên theo định kì: Vitamin B1 khoảng 30 – 45 ngày một lần, vitamin A thì 4 – 6 tháng một lần, cho chim bổ sung sỏi đầy đủ vào trong ông tiêu hoá để hỗ trợ việc nghiền nát thức ăn hạt, bổ sung đầy đủ khoáng chất cho chim. Tránh treo lồng chim ở nơi nắng nóng, gió lùa, mưa ướt mà nên treo nơi kín gió, thoáng khí.
Khi chim bị đau mắt có thể chữa trị bằng cách sau:
Thuốc tây: Nếu phát hiện sớm, chim bị nhẹ thì có thể mua loại dung dịch thuốc nhỏ mắt natri clorid 0,9% dùng cho người để nhỏ vào mắt cho chim bằng cách sử dụng một bơm tiêm sạch, để chim đứng yên trong lồng rồi bơm thuốc vào mắt cho chim ngày 3 – 4 lần.
Nếu nặng hơn thì dùng kết hợp với một loại dung dịch thuốc chữa đau mắt khác của người cho chim nữa là ổn.
Thuốc nam: có người dùng lá niền niệt để chữa đau mắt cho chim bằng cách vo tròn vài lá niền niệt rồi nhét cho chim nuốt cũng khỏi bệnh.
Bệnh đậu ở chim cu gáy
Nguyên nhân do một loại virus gây nên.
Khi bị bệnh, xung quanh vùng mặt như mỏ, đầu, mắt chim thường xuất hiện nhọt sưng rất to, gây cảm giác khó chịu, chim kém ăn và xuống sức trông thấy, chim trống không gáy,… sau này nhọt tự vỡ (trông giống như đậu phụ, màu trắng) có thể tự rơi ra ngoài.
Chim thường bị bệnh vào lúc giao mùa, nếu nắng nóng kéo dài, độ ẩm cao lại gặp lúc sức đề kháng của chim giảm thì chim sẽ rất dễ mắc bệnh, bệnh này có thể lây lan từ các nguồn lây bệnh như gà bệnh, chim gáy bệnh, chim bồ câu bị bệnh nên lưu ý là những lồng chim nuôi mà đã có chim mắc bệnh cần phải có công tác tiêu độc, vệ sinh cẩn thận.
Chăm sóc chim cu gáy khoa học nhằm làm tăng sức đề kháng của chim cũng giúp cho việc phòng chống bệnh rất có hiệu quả.
Khi chim bị bệnh lưu ý cho chim ăn uống đủ chất, ăn thêm vừng, lạc,… những thứ mà ngày thường chim thích ăn, nếu chim không ăn được thì cần phải đút cho chim ăn một cách nhẹ nhàng.
Nên treo lồng nơi mát mẻ, yên tĩnh, thoáng khí tránh gió lùa, mưa sa, nắng nóng.
Cho thêm vào cốc nước của chim một chút vitamin C, vitamin B1 nhằm tăng cường sức đề kháng cho chim cu gáy.
Điều trị theo kinh nghiệm dân gian: Bắt lấy một vài con giun đất trong ruộng lúa nước, ở chân đất tốt loài giun nước này thường hay đùn những mùn của nó quanh gốc cây lúa, rửa sạch, nghiền nhỏ rồi dùng thứ thuốc đó bôi vào chỗ nhọt.
Bệnh tiêu chảy
Khi thấy chim không gáy, phải kiểm tra phân chim nếu mắc bệnh ỉa chảy, phân nát có màu trắng lẫn với màu xanh thẫm. Bệnh ỉa chảy phải chữa gấp, nếu để quá 3 ngày thì đã chuyển sang thời kỳ cấp cứu. Nếu là chim từ chim non thì thường khoảng 3 ngày chim sẽ chết. Nếu phân chim có mùi khó chịu là bệnh đã nặng, trầm trọng.
Khi chim bị bệnh có thể lấy 1/4 viên cloroxit (hàm lượng 250) tán nhỏ hòa với nước đun sôi để nguội, lấy ống tiêm hút thuốc và bơm vào miệng chim, dùng dây dẫn thuốc dài khoảng 9 – 10cm, lúc bơm phải cho ống dẫn thuốc vào miệng xuống cổ chim sâu khoảng 6 – 7cm rồi bơm thuốc; nếu cho sâu 2 – 3cm đã bơm, thuốc không vào ống thực quản mà vào khí quản, chim dễ tắt thở.
Chú ý: khi tiêm thuốc tiêu chảy, lúc cho ống dẫn vào miệng chim phải từ từ. Khi đưa sâu xuống thực quản, nếu đẩy mạnh đề phòng có thể thủng thực quản của chim và chim có thể chết (ống dẫn thuốc, có thể dùng ống dẫn của tiêm huyết thanh).