Nuôi dưỡng chim họa mi suy
Nếu chỉ nhìn con chim Họa Mi khi thi hót và thi đá, chắc chắn ai cũng ngợi khen giống chim có thân hình nhỏ, nhưng nội lực lại quá mạnh. Vì nếu nội lực không thâm hậu thì chúng đâu gân cồ lên hót suối cả giờ liền mà không mỏi hơi khản tiếng. Và cả khi đấu đã nữa, có nhiều chim thắng liên tiếp cả chục trận, loại ra khỏi vòng chiến nhiều đối thủ lợi hại, nhưng trông nó như chưa hề bị suy suyển chút nào!
Thế nhưng, khi Họa Mi đã suy thì mất sức rất nhanh. Nếu không phát giác kịp thời thì khó khăn trong việc cứu chữa!
Chim bị suy nhìn vào dễ biết. Chim đang hót căng bỗng nhiên biếng hót, vài ngày sau đó thì xù lông đầu, lông mình. Nếu sang lồng tắm chim lại tỏ ra… sợ nước, mà nếu có tắm thì cũng tắm sơ sịa qua loa. Con chim mấy ngày trước đang mạnh khỏe, nay trông lừ đừ, chậm chạp…
Thường thì các giống chim rừng nói chung trong đó có Họa Mi, nuôi thuần thuộc trên một mùa mới yên tâm, chim thuộc nhiều mùa càng dễ nuôi. Còn chim mới nuôi, còn nằm trong dạng bổi thì dễ suy và dễ chết lắm. Đó là điều mà bất cứ người nuôi chim nào dù chuyên nghiệp hay lãng tử cũng đều thấy rõ.
Con Họa Mi có nhiều lý do để suy yếu:
Thiếu cào cào: Thức ăn hợp khẩu nhất của chim Họa Mì là cào cào. Thiếu cào cào lâu ngày chim dễ bị suy, mình ốm thấy rõ. Nếu được ăn cào cào mỗi ngày với số lượng chừng ba bốn chục con, Họa Mi mập mạnh và sung. Nó cũng như Chích Chòe Than, nuôi mà thiếu cào cào thì không ổn.
Thiếu tắm nắng sáng: Chim Họa Mi mà cứ nuôi trong nhà lâu ngày, ít khi được treo lồng ngoài trời để chim sưởi nắng thì chim cũng bị suy. Tốt hơn hết là mỗi sáng, hay ít ra cũng vài ngày một lần, đem lồng chim ra treo ngoài trời cho chim tắm nắng sáng (trước chín giờ) hấp thụ được vitamine D để tránh bệnh còi xương.
Họa Mi là giống chim xứ lạnh, nên khả năng chịu nóng dở. Vì vậy không nên cho chim tắm quá lâu. Mỗi lần phơi chim ra nắng cũng chỉ nửa giờ là tối đa. Đừng để chim Họa Mi bị hốc nắng, há miệng ra mà thở, như vậy cũng dẫn đến chim suy. Có nhiều trường hợp chim bị cảm nắng mà chết.
Thiếu tắm nước: Vốn là giống chim xứ lạnh, nên việc cho Họa Mi tắm nước (nhất là trong mùa viêm nhiệt) là chuyện rất cần. Họa Mi có thói quen tắm nước rất nhanh, nhưng nếu lâu ngày không được tắm, bộ lông chim trở nên khô khóc, xù xì, mình chim ốm, và dễ dẫn đến việc thay lông bất thường.
Đọc thêm Khả năng của Khướu có thể thi đá
Như vậy, nếu được tắm năng, tắm nước đầy đủ cũng là liều thuốc bổ giúp chim sống mạnh.
Chim dễ trúng gió: Dạng chim bổi cơ thể thường yếu, không chịu được gió lạnh. Tốt hơn hết mỗi tối nên phủ áo lồng cho chim ngủ.
Họa Mi bị suy thì ta nên nuôi dưỡng cẩn thận hơn. Điều quan trọng là giúp chim được sống yên tĩnh trong một thời gian dài cho đến khi phục hồi được sức khỏe:
– Nên treo lồng vào nơi yên tĩnh nhất trong nhà. Nếu chim quá yếu, nên trùm áo lồng luôn cả ngày lẫn đêm, như cách nuôi chim bổi vậy.
– Không nên cho chim nghe tiếng xùy của chim mái.
– Không nên treo chim gần lồng những chim đang căng lửa, khiến chim bị sợ hãi.
– Hằng ngày phải cho ăn nhiều cào cào. Nếu không mua được cào cào thì phải thế sâu tươi, hoặc trứng kiến. Trứng kiến thì chim rất thích khẩu, nhưng có nhiều con không biết ăn do đó phải tập dần dần.
– Không nên tắm nắng những chim qua suy yếu dù là chỉ ra nắng trong năm mười phút mỗi sáng. Những chim sức khỏe còn khá thì nên tắm nắng, nhưng phải tắm trước 8 giờ, vì lúc đó nắng chưa gắt, và với thời gian khoảng vài mươi phút mà thôi.
– Tạm ngưng tắm nước những chim quá yếu, vì chim dễ bị cảm lạnh. Vào lồng tắm mà chim không chịu tắm là nó tự biết sức khỏe quá yếu, ta không nên ép tắm bằng hình thức này hay hình thức khác, vì sau đó có thể chim bị chết ngay. Những chim mới suy yếu nên tắm cách nhật bằng nước ấm, dù vậy cũng phải tắm giữa trưa, lúc trời lặng gios mới tốt.
– Nếu tập cho chim uống được sữa thì nên thay thế nước uống hàng ngày bằng sữa hộp hay sữa bột. Sữa không nên khuấy quá ngọt và chỉ cho uống trong một buổi, chiều khuấy sữa mới cho chim uống. Cứ uống sữa vài ngày lại tạm ngưng ít ngày…
– Mỗi ngày nên nhỏ vài giọt mật ong nguyên chất vào họng chim, để giúp chim phục hồi sức khỏe nhanh.
– Không nên cho uống thuốc trực tiếp bằng thuốc viên hay thuốc nước, mà pha vào cóng nước cho chim suy uống. Thường thì chim đánh hơi được mùi lạ trong nước, nó không chịu uống. Trong trường hợp này phải đổ nước thuốc đó ngay và thay vào nước lã thường ngày để chim khỏi bị chết khát.
Ai cũng biết Họa Mi (và các giống chim rừng khác) khi đã suy thì rất khó nuôi, nhất là những con chim còn nằm trong dạng bổi. Những chim đã nuôi thuần thuộc trong vài ba mùa trở lên có sức chịu đựng cao, nên dù có suy cũng lướt qua được.
Vì vậy, tốt hơn hết là nên cẩn thận trong việc chăm sóc, như vậy mới có cơ tránh được chim suy.
Nuôi con chim suy rất khó, thường gặp tỷ lệ tử vong cao, do nước ta chưa có thuốc đặc trị dành cho chim chóc. Hơn nữa, giống chim lại rất khó trong việc cho uống thuốc, vì nếu không khéo thì nhiều con bị sặc thuốc mà chết trên tay. Thuốc trị các bệnh cho gia cầm thường có mùi vị khác lạ cũng khiến chim thà chết khát chứ không chịu uống!
Tuy nhiên, việc chữa trị chim suy không thể coi là việc… cầu may: Cứ cho chìm sống yên tĩnh, ấm áp, và cho ăn uống bồ dưỡng (ăn nhiều cào cào non) con Họa Mi quí có hy vọng phục hồi sức khỏe được nhanh chóng.