Cách nuôi chim nhồng hiệu quả, nhanh nói
Đôi nét về nuôi chim Nhồng
Tại nước ta, Nhồng sinh sống và phân bố ở những vùng có địa thế và khí hậu phù hợp với chúng như ở vùng cao nguyên Lạng Sơn, vùng núi đá vôi và rừng nguyên sinh ở Quảng Bình hay các khu rừng Phước Long, Chơn Thành, Bù Long, Bù Đốp…
Về đặc điểm hình dáng, loài chim Nhồng có thân mình to như chim Cu Ngói, bề dài thân khoảng 20 phân. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của Nhồng là toàn thân chim được phủ bởi lông đen ánh, cổ chim thường có một khoang màu vàng rực kéo dài đến tận gáy.
Về tập quán sinh sản, con Nhồng ngoài thiên nhiên mỗi năm chỉ đẻ 1 lần thường là 2 con. Tổ Nhồng thường làm trên tầng cây cao nhất của rừng. Nhồng có tập tính chỉ đẻ một chỗ duy nhất nếu không bị thay đổi. Nếu trên cành cây cao có lỗ, chim Nhồng sẽ đẻ vào đó và các năm sau cũng vậy. Được biết ở Việt Nam có rất hiếm người nuôi thành công chim Nhồng ở môi trường nhân tạo, hầu hết phải nuôi ở trên cây ngoài tự nhiên. Nếu nuôi trong lồng chuồng, Nhồng có thể đẻ được nhưng rất công phu.
Kỹ thuật nuôi chim nhồng
Từ thời phong kiến, Nhồng được xem như loài chim vương giả do được nuôi trong lầu son gác tía, được chăm sóc bởi các ông hoàng bà chúa và các quan lại trong triều. Hiện nay Nhồng là người bạn quen thuộc với bà con vùng thôn quê và cả những người thành thị. Để người bạn này khỏe mạnh, sống lâu và có giọng nói thánh thót mua vui cho con người, bà con cần lưu ý ở những điều sau:
Chọn giống
Mục đích nuôi chim Nhồng hầu hết là để dạy nói, cho nên người nuôi phải chăm sóc loài chim từ nhỏ, ít nhất là dưới 4 tháng tuổi thì chúng mới dễ tập luyện, thuần hóa và nói được sõi tiếng người. Dân gian thường gọi những con Nhồng non này là chưa “giật bọng cứt”. Thời điểm tốt nhất để nhận nuôi chim là khi chúng còn rất nhỏ, chỉ cần có vài cọng lông ống là được. Và bà con lưu ý luôn chọn những chú chim khỏe mạnh và lanh lợi thì mới là những con giống tốt.
Tuy nhiên, do không có nhiều chim Nhồng sinh sản trong tự nhiên, lại không thể nuôi được Nhồng đẻ, nên giá chim Nhồng con khá cao. Chim Nhồng con từ 5-8 tuần tuổi hiện lên đến cả triệu đồng/con. Vào mùa sinh sản, chim non được săn lùng ráo riết. Đây cũng là nguyên nhân khiến chim Nhồng đang đứng trước nguy cơ tận diệt.
Chuồng nuôi
Do Nhồng là một giống chim có kích thước tương đối lớn nên chuồng nuôi của chim phải tương đối rộng rãi, cao khoảng 60-80 phân là tốt nhất. Chuồng càng rộng thì chim càng thấy thoải mái, bay nhảy, chuyền cành dễ dàng và thuận lợi. Bên trong chuồng nuôi nên bố trí thêm một cái tổ nhỏ hoặc hộp gỗ nhỏ để làm tổ ngủ cho Nhồng.
Ngoài ra, chim Nhồng rất sợ gió, đặc biệt là chim non rất dễ chết vì trúng gió. Vậy nên bà con hãy nhớ để chuồng nơi cao ráo, tránh nơi có gió lùa hoặc mưa tạt. Vào buổi tối khi chim đi ngủ có thể trùm áo lồng khoảng 70-80% chu vi. Khi mùa rét đến, đối với chim non còn yếu, bà con có thể chong đèn ánh sáng vàng để giữ ấm cho chim.
Thức ăn
Khi Nhồng con còn nhỏ nên cho chim ăn cơm nóng hoặc nguội đã được nhai kỹ hoặc xay nhỏ. Vì chim còn yếu nên cũng cần nhiều công sức chăm bẵm hơn, nên dùng thìa nhỏ để mớm cơm cho chim. Nếu chim được ăn đầy đủ, Nhồng sẽ lớn lên rất nhanh trong khoảng 7-10 ngày đầu. Khoảng thời gian sau đó, Nhồng có thể ăn được đa dạng các loại thức ăn hơn như trái cây, côn trùng… Tuy nhiên, bên cạnh cơm thì có hai món khoái khẩu không nên thiếu trong bữa ăn của Nhồng là chuối chín và ớt hiểm. Ớt càng cay thì Nhồng càng thích. Ớt có thể trộn trong cơm để cho chim ăn.
Dạy chim nói tiếng người
Không phải con Nhồng nào cũng có thể nói được tiếng người, có con nói giọng rất hay, có con lại nói giọng rất dở. Tuổi thọ của Nhồng khá ngắn, thường chỉ kéo dài được khoảng 8 năm. Trong 4 năm đầu chim rất siêng học nói, học được câu gì thì nhớ được câu đó. Còn những năm cuối đời thì chim tiếp thu kém đi, những câu đã học cũng sẽ quên dần. Điều quan trọng để Nhồng có khả năng nói giỏi là ở người nuôi phải biết cách nuôi dưỡng và tập luyện đúng cách. Một số lưu ý để dạy chim nói tiếng người được chúng tôi tổng hợp như sau:
- Thông thường Nhồng bắt đầu tập nói vào khoảng 6 tháng tuổi, nhưng bà con có thể cho Nhồng tập nói sớm hơn. Lưu ý khoảng thời gian từ 6-10 tháng tuổi mà không tập cho chim thì chim hầu như không nói được.
- Nếu chim non được ghép chung với các con Nhồng đã biết nói thì chúng sẽ học từ đồng loại rất nhanh. Nhưng nếu có nhiều chim non cùng một lứa thì nên nhốt riêng mỗi con một lòng để tập cho chim vào nền nếp và không bị lẫn tạp âm của nhau.
- Thời gian hợp lý để dạy Nhồng tập nói là vào buổi sáng sớm. Cách dạy hiệu quả nhất là lặp lại một cụm từ nhiều lần cho đến khi Nhồng bắt chước được. Trung bình chim mất 1-1.5 tháng để học được một cụm từ. Tuyệt đối đừng để chim nghe được và bắt chước những ngôn từ thiếu văn hóa, cũng như đừng dạy chim huýt sáo làm chim sao nhãng không chịu học nói nữa.
- Để chim có giọng nói thanh và rõ tiếng hơn, bạn hãy lột lưỡi cho chim mỗi tháng một lần. Cách lột lưỡi thường được người nuôi dùng phổ biến là dùng móng tay khều nhẹ lớp da dày đóng ở chóp lưỡi của chim ra. Bà con lưu ý làm nhẹ nhàng kẻo gây đau cho chim.
Phòng bệnh cho chim
Chim Nhồng có hệ thống ruột non rất dễ bị tổn thương nên khi bà con cho chim ăn các loại côn trùng cần bỏ đi các phần ngàm sắc cạnh hay các càng cứng. Chim cũng hay bị đi ngoài nên cần chú ý tới thức ăn và nước phải luôn đảm bảo sạch sẽ và không bao giờ dùng lại. Lồng nuôi phải được dọn thường xuyên để tránh vi khuẩn lây lan làm chim mất đi sức sống, yếu dần và chết. Trong nước uống có thể cho thêm một chút tỏi để kháng khuẩn và tăng sức đề kháng cho chim.
Nhồng cũng rất thích phơi nắng và tắm. Để tránh cho Nhồng bị nhiễm lạnh, việc này nên thực hiện vào những hôm trời nắng, khoảng 8-10h sáng. Trong nước tăm nên thêm chút muối để diệt vi trùng trên cơ thể Nhồng.