Phân loại chim sáo
Họ Sáo thuộc về siêu họ Muscicapoidea, cùng các loài chim như hoét (Turdidae), đớp ruồi (Muscicapidae) và sẻ bụi (phân họ Saxicolinae của họ Muscicapidae), cũng như hoét nước (Cinclidae) có họ hàng xa và họ họa mi đỏ và chim nhại (Mimidae). Họ cuối cùng này có lẽ là các họ hàng còn sinh tồn gần gũi nhất của họ Sturnidae và thay thế chỗ của chúng tại châu Mỹ, và có kiểu sống rất tương tự nhưng cô độc hơn. Về hình thái chúng cũng rất giống – các mẫu vật một phần nào đó có dạng bạch tạng trong họ Mimidae, từng bị gán nhãn sai như là có nguồn gốc Cựu thế giới, trong nhiều thập niên được cho là đại diện cho nhánh sáo đã tuyệt chủng (xem sáo Rodrigues để có thêm chi tiết).
Các loài chim bắt bét bò đôi khi cũng được đặt vào đây như một phân họ gọi là Buphaginae, nhưng các chứng cứ lại nghiêng về phía coi chúng là một họ do chúng là thành viêncơ sở hơn của nhóm Sturnidae-Mimidae, xuất phát từ sự mở rộng thời kỳ đầu vào châu Phi.
Thông thường chim dạng sáo được coi là một họ, như trong bài này. Một số tác giả, như Sibley & Monroe (1990)[2] đặt cả các loài chim dạng chim nhại vào trong họ này và hạ chim dạng sáo xuống cấp tông, gọi là Sturnini. Việc xếp đặt như vậy cũng được Zuccon và ctv. (2006) sử dụng. Tuy nhiên, việc gộp nhóm của Sibley & Monroe (bên cạnh việc để cấp phân họ trống không) là hơi thái quá do các hạn chế về mặt phương pháp trong các kỹ thuật lai ghép ADN-ADN của họ và phần lớn các sửa đổi được đề xuất của họ trong cấp bậc phân loại không được chấp nhận (chẳng hạn xem bộ Ciconiiformes). Việc gộp nhóm họ Sturnidae bao gồm tất cả này không cung cấp được thông tin liên quan tới địa sinh học và làm mơ hồ các khác biệt tiến hóa của cả 3 dòng dõi. Dù sao, việc thiết lập tên gọi hợp lệ cho nhánh bao gồm họ “liên-Sturnidae” của Sibley/Monroe có thể là đáng mong muốn để làm rõ nét sự tương phản của chúng với các dòng dõi chính khác trong siêu họ Muscicapoidea.
Chim dạng sáo có lẽ có nguồn gốc từ khu vực Đông Á, có thể là về phía tây nam Thái Bình Dương, với chứng cứ là hàng loạt các dòng dõi với các đặc trưng tồn tại trước khi có tổ tiên chung gần nhất của họ Sáo cũng sinh tồn ở đây. Việc mở rộng vào châu Phi dường như diễn ra muộn hơn, do phần lớn các dạng phái sinh được tìm thấy tại đây. Một kịch bản khác coi nguồn gốc châu Phi cho toàn bộ nhóm “chim dạng sáo” (chẳng hạn Zuccon và ctv. 2006), với chim bắt bét bò đại diện cho nhóm sinh vật cổ đại còn sót lại và chim dạng chim nhại đến Nam Mỹ. Điều này mâu thuẫn với sự phân bố tại Bắc Mỹ của phần lớn các nhóm cơ sở nhất trong họ Mimidae..
Do các mẫu hóa thạch chỉ có với các dạng gần đây (kỷ Đệ Tứ), nên sự rẽ nhánh đề xuất là khoảng Tiền Miocen (khoảng 25-20 Ma) cho các dòng dõi “chim dạng sáo” cần phải được coi là cực kỳ không chắc chắn. Tuy nhiên, dựa vào chứng cứ chung về nguồn gốc của phần lớn các họ thuộc phân bộ Passeri trong nửa đầu của thế Miocen thì điều này dường như cũng không quá xa từ dấu mốc này.
Các nghiên cứu gần đây đã nhận dạng hai nhánh chính của họ này, trong đó nhánh thứ nhất tương ứng với “yểng/sáo không điển hình” nói chung có màu nâu xám, thường có sọc, hơi lớn cùng các dòng dõi khác chủ yếu là châu Á-Thái Bình Dương và nhánh thứ hai là các đơn vị phân loại thường có kích thước nhỏ hơn, đôi khi có các đặc trưng riêng khá rõ nét và chỉ có từ thời điểm phân nhánh trong cây tiến hóa, phổ biến tại châu Phi và Cổ Bắc giới, thường có lông màu ánh kim và một số loài có phần lông mặt bụng màu vàng nghệ. Bên trong nhánh thứ hai này là một nhánh nhỏ chứa các loài thông thường không có màu quá sáng, là nhóm chứa tổ hợp “sáo điển hình” của chi Sturnus.
Một điều thú vị là leo cây Philippine (Rhabdornis spp.), một chi chứa 3 loài chim tương tự như các loài đuôi cứng (họ Certhiidae) dường như là các thành viên có đặc trưng riêng khá cao của sự phân tỏa nguyên thủy hơn của họ Sturnidae. Trong khi điều này có vẻ như kỳ quặc khi mới nghe, nhưng vị trí của chúng luôn luôn có thể gây bất đồng. Ngoài ra,địa sinh học dường như loại bỏ mối quan hệ gần gũi của leo cây Philippine với chim đuôi cứng, do nhóm chim thứ hai này cũng như các họ hàng gần của chúng không sinh sống gần với khu vực Wallacea, mà chỉ có leo cây Philippine là vượt qua giới hạn này. Tuy nhiên, việc đưa chúng vào họ Sturnidae là không hoàn toàn dứt khoát và thậm chí chúng có thể là một họ riêng.
Trật tự các chi tuân theo cách sắp xếp truyền thống. Điều này dường như không hoàn toàn chính xác, chẳng hạn như Scissirostrum gần gũi với Aplonis hơn là với Gracula, cònAcridotheres thuộc về nhóm các chi tiến hóa xa nhất. Tuy nhiên, quá ít các đơn vị phân loại đã được nghiên cứu khi xét về mặt quan hệ tiến hóa của chúng và vì thế thay đổi trong chuỗi phát sinh loài cần phải chờ đợi thêm.
Bài phê bình chưa công bố của Lovette & Rubenstein[5] (thông cáo báo chí) hứa hẹn sẽ giải quyết được phần lớn các sự không chắc chắn (mặc dù không giải quyết được câu hỏi được mong chờ nhiều nhất là chi Sturnus sẽ được chia tách như thế nào). Cho đến khi nó được công bố thì danh sách dưới đây nên được coi là biện pháp sơ bộ.
Nhánh phương Đông-Australasia
- Chi Rhabdornis – Leo cây Philippine (3 loài; đặt vào đây cần sự xác nhận)
- Chi Aplonis – Sáo Thái Bình Dương (khoảng 20 loài sinh tồn, 4-5 loài mới tuyệt chủng, trong đó có sáo xanh)
- Chi Mino – Sáo dạng yểng
- Sáo mặt vàng, Mino dumontii
- Sáo vàng kim, Mino anais
- Sáo đuôi dài, Mino kreffti
- Chi Basilornis – Sáo dạng yểng
- Sáo Sulawesi, Basilornis celebensis
- Sáo đội mũ, Basilornis galeatus
- Sáo mào dài, Basilornis corythaix
- Sáo Apo, Basilornis mirandus
- Chi Sarcops
- Sáo Coleto, Sarcops calvus
- Chi Streptocitta – Sáo dạng yểng
- Sáo cổ trắng, Streptocitta albicollis
- Sáo mắt trần, Streptocitta albertinae
- Chi Enodes– Sáo dạng yểng
- Sáo trán lửa, Enodes erythrophris
- Chi Scissirostrum– Sáo dạng yểng
- Sáo mỏ sẻ, Scissirostrum dubium
- Chi Ampeliceps – Sáo (dạng yểng) [ngực] vàng
- Chi Gracula – Yểng (nhồng, cà cưỡng) (5 loài)
Nhánh nhiệt đới châu Phi-Cổ Bắc giớ
- Chi Acridotheres – Sáo dạng yểng điển hình (8 loài, trong đó có sáo nâu, sáo đen, sáo mỏ vàng)
- Chi Leucopsar – Sáo Bali
- Chi Sturnia (thường gộp trong chi Sturnus)
- Sáo lưng tía hay sáo Dauria, Sturnia sturnina
- Sáo má hung, Sturnia philippensis
- Sáo vai trắng, Sturnia sinensis
- Sáo đầu trắng, Sturnia erythropygia
- Chi Sturnus – Sáo điển hình (khoảng 12 loài sáo đá, sáo sậu, sáo hồng, cà cưỡng; bao gồm cả các chi [có lẽ hợp lệ] Gracupica, Pastor và Temenuchus; nhưng cận ngành khá cao)
- Chi Creatophora – Sáo yếm
- Chi Notopholia (đôi khi đặt trong Lamprotornis)
- Sáo ngũ sắc bụng đen, Notopholia corrusca
- Chi Coccycolius – sáo ngũ sắc Iris hay sáo lục bảo (đôi khi đặt trong Lamprotornis)
- Chi Lamprotornis – sáo ngũ sắc điển hình (20 loài; tính đơn ngành cần sự xác nhận)
- Sáo lớn, Lamprotornis superbus
- Chi Cinnyricinclus
- Sáo lưng tím, Cinnyricinclus leucogaster
- Chi Poeoptera (trước đây là Pholia, đôi khi gộp trong Cinnyricinclus)
- Sáo Sharpe, Poeoptera sharpii
- Sáo Abbott, Poeoptera femoralis
- Chi Saroglossa (có lẽ cận ngành)
- Sáo cánh đốm, Saroglossa spiloptera
- Sáo Madagascar, Saroglossa aurata
- Chi Spreo (cận ngành với Lamprotornis và có thể được gộp vào đó)
- Sáo khoang châu Phi, Spreo bicolor
- Sáo Fischer, Spreo fischeri
- Sáo chỏm đầu trắng, Spreo albicapillus
- Chi Compsarus
- Sáo ngực vàng, Compsarus regius (đôi khi đặt trong Lamprotornis)
- Sáo xám tro, Compsarus unicolor (đôi khi đặt trong Spreo)
- Chi Onychognathus
- Sáo cánh đỏ, Onychognathus morio
- Sáo mỏ dài, Onychognathus tenuirostris
- Sáo cánh hung, Onychognathus fulgidus
- Sáo Waller, Onychognathus walleri
- Sáo Somali, Onychognathus blythii
- Sáo Socotra, Onychognathus frater
- Sáo Tristram, Onychognathus tristramii
- Sáo cánh nhạt, Onychognathus nabouroup
- Sáo lông đầu cứng, Onychognathus salvadorii
- Sáo mỏ trắng, Onychognathus albirostris
- Sáo Neumann, Onychognathus neumanni
- Chi Poeoptera
- Sáo đuôi hẹp, Poeoptera lugubris
- Sáo Stuhlmann, Poeoptera stuhlmanni
- Sáo Kenrick, Poeoptera kenricki
- Chi Grafisia
- Sáo vòng cổ trắng, Grafisia torquata
- Chi Speculipastor – Sáo ác là
- Chi Neocichla
- Sáo khướu, Neocichla gutturalis