“Chiêu trò” của giới buôn chim cảnh
Điện Biên TV – Đối với những người đam mê thì chim cảnh không có giá nhưng nhiều lúc lại vô tình thu lợi cả chục triệu đồng. Họ mua những chú chim hoang về chăm sóc và huấn luyện nhưng nếu ai mua được giá vẫn bán. Thị trường buôn “chim cảnh” ở Điện Biên không sôi động, song một con chim cảnh bán trao tay có thể chênh lệch từ vài trăm đến cả triệu đồng là chuyện thường, nếu có “chiêu trò” buôn bán…
Anh N.V.T, sống tại phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ làm nghề lái xe, anh đặc biệt thích nuôi và có thú vui là sưu tập các loại chim cảnh. Anh gia nhập Hội sinh vật cảnh của Điện Biên từ những ngày đầu khi Hội mới thành lập vào năm 2009 với bộ sưu tập chim cảnh được nhiều người ao ước với số lượng chim lên tới 30 “thành viên”. Chủng loại thì đủ cả, từ chích choè, sáo, chào mào, khướu bạc má, sơn ca, hoạ mi, vành khuyên, yểng… Đặc biệt có một con chào mào trắng như anh nói có giá cả mấy chục triệu đồng.
Ngày còn độc thân thì không sao, nhưng từ năm 2011, khi anh lập gia đình, việc nuôi đến hơn 30 con chim cảnh quả là khó nhọc, từ cho chúng tắm nắng, tắm nước, rửa lồng thế nào để tránh lông chim bị hư hỏng và làm chim sợ hãi, mất giọng hót, hay che chắn khi thay lông, rồi đến việc cho ăn thôi cũng mất rất nhiều thời gian chưa kể anh thường xuyên “chạy” xe đường dài cũng chẳng có thời gian ở nhà nhiều. Có đợt anh đi chở hàng, đầu tuần vẫn thấy chim ăn, uống, hót bình thường nhưng cuối tuần về đã thấy một vài con suy dần và cuối cùng chết. Xót chim, anh lại thêm tiếc của. Bởi giá của những con chim hót hay, lông mượt thì không hề rẻ.
Thêm vào đó, với những người yêu thích chim, khi nghe chim hót quả là một thú vui, song vợ anh thì ko có sở thích giống anh nên khi nghe tiếng chim hót thường tỏ ra rất khó chịu, thậm chí đứa con nhỏ của anh lắm lúc ngủ không yên, hay giật mình trong khi đám chim cảnh vô tư nhảy nhót tanh tách, hót véo von trong lồng… Anh T. cho biết: “Ngày trước mình chăm lũ chim như chăm con mọn vậy, đi đâu về là phải “ngó” chúng trước rồi mới làm gì thì làm, nhưng giờ, thay vì chơi và sưu tập chim cảnh mình chuyển sang buôn chim cảnh rồi”.
Từ lúc không thường xuyên chăm được lũ chim, không đành nhìn chúng chờ chết, anh T. đem rao bán lại cho các hội viên trong Hội sinh vật cảnh và người thân quen nhưng số lượng bán được không đáng kể vì giá cả tương đối cao, bán rẻ anh lại tiếc. Rồi tình cờ một lần chở hàng vào xã Tà Lèng, phường Noong Bua, Tp. Điện Biên Phủ anh gặp một người phụ nữ tên S., người phụ nữ này quê ở Lạng Sơn, cả gia đình lên Điện Biên đã được hơn năm nhưng không nghề nghiệp gì, bà S. chỉ đi bán chim hộ cho một gia đình ở phường Mường Thanh, thấy hay nên anh cũng ngỏ ý muốn bà S. đem bán số chim cảnh hộ và chỉ giữ lại một vài con chim quý.
Anh T. cho biết mỗi đợt đi xe liên tỉnh, dọc nhiều tuyến lộ khi gặp người dân bán chim dọc đường anh lại ngã giá, thuận mua vừa bán, nhưng đôi khi cũng mua phải chim lỗi như: giọng hư, khàn, lạc giọng, ít hót hoặc giọng không hay… Thậm chí, năm ngoái đi đến Thuận Châu anh gặp mấy người bán chim dạo, xuống xe xem, thấy chim hót véo von anh mua 2 con chào mào về, song mang về nuôi thì không thấy chim hót. Với những con bị lỗi, a T. đưa bà S. đem bán vẫn được giá, bởi người mua chim cảnh thường tin tưởng những người đồng bào dân tộc mang chim đi bán dọc đường.
“Ngày trước mình thường mua chim lại của mấy người phụ nữ dân tộc đi bán dọc đường, nhưng mua bán nhiều dần dần rồi cũng có những nguồn cung cấp đặc biệt, tùy vào mối quan hệ quen biết và việc mối lái riêng. Nên nếu cần vẫn có chim “xịn”, loại này bán lãi lắm vì giá cả không biết đâu mà lần. Nói chung chỉ chim hoang mới bắt được là có mức giá khá ổn định, còn chim đã qua thuần dưỡng và huấn luyện thì giá cả có sự dao động nhiều. Một con chim bán trao tay có thể chênh lệch từ vài trăm đến cả triệu đồng là chuyện thường”– anh T. cho biết thêm.
Những người phụ nữ dân tộc thường tạo được lòng tin với người mua về những chú chim mà họ rao bán. |
Theo lịch, mỗi buổi sáng, bà S. thường đến nhà anh T. nhận chim cảnh, khi thì một lồng cũng có hôm 2-3 lồng, và chiều quay trở lại nhận tiền công. Nếu bán được một lồng anh T. chia cho bà S. từ 100 – 160 nghìn đồng tùy thuộc giá chim bán được. Có ngày bán được nhiều bà S. nhận được 450 nghìn tiền công. Nếu không bán được anh vẫn cho bà S. từ 50 – 70 nghìn đồng. Do vậy, hai bên không cần phải ràng buộc hay đặt cọc gì cả mà chỉ dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau. Không chỉ bán chim cho gia đình anh T., bà S. còn có vài mối buôn khác trong cùng dãy phố.
Sau khi nhận chim từ các mối, bà S. thường đi dọc thành phố để rao bán hoặc ngồi ở khu vực bờ hồ (đối diện Bưu điện tỉnh) hay ngồi ở đoạn cầu Mường Thanh cũ. Trong vai người đi mua chim, tôi đến khu vực bờ hồ (đối diện Bưu điện tỉnh), bà S. cất tiếng ngọng ngịu: “Mua chim đi, yên tâm, chim rừng đấy, hót hay lắm”. Ban đầu bà S. nói giá rất cao, rồi trả xuống thấp dần, được giá thì bán. Giá cả thì vô cùng, có loài chỉ vài trăm ngàn nhưng cũng có những con lên đến cả triệu đồng như: Vành khuyên 100- 200 nghìn đồng/con; họa mi hót hay, sáo, yểng nói được, nếu bán rẻ cũng được 1,5 – 2 triệu đồng/con…
Theo anh T., để một con chim hoang dã trở thành chim nhà, quen mồi và dạn người cũng phải mất ít nhất 6 tháng. Còn loài sáo, yểng để huấn luyện nói được thì có khi kéo dài 2 – 3 năm. Chào mào và chích chòe dễ nuôi, dễ huấn luyện hơn và cũng dễ bán vì giá cả phải chăng. Với những con chưa hót anh T. mua vào thường rẻ hơn: Chích chòe mua vào từ 200 – 300 nghìn/con nhưng có thể bán được từ 500 – 800 nghìn/con, chào mào có con mua vào chỉ khoảng 30 – 50 nghìn/con, bán được từ 200 – 250 nghìn/con, có loại chào mào quý như chào mào lân giá lại dao động từ 2 – 5 triệu/con… Chỉ riêng năm ngoái, qua việc buôn bán chim cảnh, anh dễ dàng thu về vài chục triệu đồng.
Chim cảnh chỉ có con trống biết hót, trừ một số loài như chào mào thì cả con đực và con cái đều biết hót nhưng chim cái hót được rất ít giọng và ít tiếng và giọng chim mái thường nghe yếu và yểu điệu như chim non, chim trống thì hót nhiều giọng, và giọng dài nhưng cũng tùy chất từng con. Tuy nhiên, khi gặp chim cái anh T. vẫn mua rồi về “nói” với khách là chim đực. Bình thường người mua chim rất khó phân biệt chim trống, mái, thường thì với loài chim con trống thường sặc sỡ, bắt mắt nhưng với họa mi thì khác: chim trống và mái giống nhau như hai giọt nước, người mua thường chỉ dựa quan sát nhưng như vậy thì rất khó, vì dễ bị hoa mắt nếu nhốt trong lồng vài con, chúng nhảy loạn lên thì thật khó phân biệt.
Chiêu trò buôn chim cảnh kiểu này cũng giống như việc thay “nhãn mác” cho hàng hóa khiến người mua cảm thấy yên tâm, tin tưởng ngã giá và đem về. Chất lượng dĩ nhiên phụ thuộc vào những con mắt tinh tường hay đôi khi chỉ là sự may mắn vô hình của người mua.
Trung Kha