Những năm gần đây, phong trào nuôi chim cảnh đang nở rộ ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh, trong đó, nuôi chim chào mào đang được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ chọn lựa. Dù vóc dáng nhỏ bé nhưng có phong thái uy dũng như “bậc quân vương”, giọng hót nhiều âm tiết và cao vút, chào mào đã khiến không ít người chơi mê mẩn.
Anh Trần Đức Hiếu, tổ 17, phường Sông Hiến (Thành phố) chăm sóc chim chào mào. |
CHÀO MÀO – “ĐỆ NHẤT” CHIM CẢNHChim chào mào có lông màu nâu xám và trắng đặc trưng; đầu và mào màu đen, chùm lông dưới đuôi màu đỏ gấc. Khi trưởng thành, hai bên má chào mào có hai chấm màu đỏ tươi. Phần đầu có 3 màu đỏ, đen và trắng, cùng với chóp mũ nhọn, cao vút trên đỉnh đầu và hai vệt lông màu đen đậm như chiếc khăn quàng vắt qua vai, xõa xuống trước ngực, tạo nên dáng vẻ uy dũng mà không loài chim cảnh nào có được. Ngoài dáng vẻ độc đáo, đẹp mắt, tiếng hót của chào mào thánh thót với nhiều âm tiết và giọng điệu thay đổi liên tục. Khác với các loài chim cảnh như họa mi, chích chòe, sơn ca…, chào mào dễ thuần dưỡng, không đòi hỏi nhiều công phu chăm sóc và chế độ dinh dưỡng, giá bán cũng bình dân (đối với những con có màu lông đặc trưng) nên từ lâu đã được giới chơi chim cảnh yêu thích chọn nuôi và hiện nay được mệnh danh là “đệ nhất chim cảnh”.
Anh Trần Đức Hiếu, tổ 17, phường Sông Hiến, một người có kinh nghiệm chơi chim cảnh nhiều năm ở Thành phố cho biết: Từ lâu tôi đã có niềm yêu thích chơi chim cảnh, đặc biệt là chào mào. Muốn có được một chú chim chào mào hót hay và có nết chơi đẹp thì phải biết quan sát để chọn được chim qua một số đặc điểm, như: lông mượt, ôm sát cánh; chân, móng lành lặn, không bị tật; mỏ nhỏ, mỏng; mào cao; đuôi phải xếp thẻ; chất giọng không bị khàn… Sau khi đã chọn được một chú chim tốt thì công đoạn khó khăn hơn là thuần chim để có giọng hót hay, khỏe. Khi nuôi chim cần chú ý đến công đoạn chăm sóc chim, đặc biệt là thức ăn. Ngoài cám chim (thức ăn chính), cần cho chào mào ăn thêm các loại thức ăn như: cào cào, châu chấu, sâu, các loại quả… Để có một chú chim chơi tốt sẽ mất thời gian thuần, nuôi dưỡng trung bình từ 2 – 3 năm. Khi đã thuần dưỡng đến giai đoạn ra giọng, không sợ người ở mọi lúc mọi nơi, cần thường xuyên đưa chim đến “trường chim” (những điểm tập trung nhiều chim cùng loại) để chim học hỏi, thi hót với những con chim khác. Như thế, chim sẽ ngày càng sung sức khi chơi, giọng hót càng hay hơn. Một chú chim có giá phải hót hay, bền; dáng chuẩn, bộ lông mượt, màu sắc đẹp, có thần thái riêng. Giá chim chào mào hiện nay dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/con, có thể là vài chục triệu hay thậm chí cả trăm triệu đồng đối với những chú chim đột biến, có màu lông khác lạ như: Gián cánh, bạch đề, bông, mơ, bạch tạng… Từ năm 2014, anh Hiếu tham gia Câu lạc bộ (CLB) chim chào mào Thành phố và thường xuyên mang chim đi tham dự các cuộc thi chim chào mào trong và ngoài tỉnh. Vào tháng 4/2015, tại Hội thi Tiếng hót chim chào mào Thành phố lần thứ 2 năm 2015, chim chào mào của anh Hiếu đã giành giải nhất.
THÚ VUI TAO NHÃ
Theo chân anh Hiếu đến quán cà phê Chim ở phố Nước Giáp, phường Hợp Giang, nơi tụ họp hằng tuần của các thành viên CLB Chim chào mào Thành phố, chúng tôi như được hòa mình vào thiên nhiên với tiếng chim hót thánh thót của hàng chục chú chim chào mào. Tại khoảng sân rộng hơn 20 m2 của quán cà phê, hàng chục chú chim chào mào đang dang cánh, ưỡn ngực cất cao tiếng hót. Những người chơi chim ngồi nhâm nhi tách cà phê và cùng trao đổi về kinh nghiệm chơi chào mào. Anh Đặng Văn Điệp, Chủ nhiệm CLB Chim chào mào Thành phố, chủ quán cà phê Chim chia sẻ: Tôi rất thích nuôi chim chào mào, khi lên Cao Bằng sinh sống và làm việc thấy có nhiều người cũng yêu thích nuôi chim chào mào nhưng chưa có nơi tụ họp hàng tuần nên đã quyết định mở quán cà phê chim để những người yêu thích chim chào mào đến tụ họp, giao lưu. Năm 2013, chúng tôi đã thành lập CLB Chim chào mào Thành phố với 6 thành viên. Đến nay, CLB thu hút hơn 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Hằng tuần, cứ vào cuối buổi sáng thứ Tư và Chủ nhật, các thành viên sẽ mang 1 – 2 con chim đến quán để nghe chim hót, trò chuyện về thú vui chơi chào mào. Hiện nay, mỗi thành viên CLB đều nuôi trung bình từ 2 – 5 con chim chào mào, chủ yếu là chim tại tỉnh và một số tỉnh, thành phố như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… Hằng tháng, CLB sẽ tổ chức thi giao lưu giữa chim của các thành viên trong CLB. Hằng năm, cứ vào dịp ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), CLB sẽ tổ chức hội thi tiếng hót chim chào mào cho những người yêu thích chim chào mào trong toàn tỉnh tham gia. Khi tổ chức giải, CLB còn kêu gọi các thành viên CLB và một số cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ tiền để trao cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.
Ngoài Thành phố, huyện Hòa An cũng là địa phương có phong trào chơi chim chào mào đang phát triển. Anh Thân Mạnh Cường, Chủ nhiệm CLB Chim chào mào Hòa An cho biết: Tôi bắt đầu chơi chim chào mào từ năm 2007. Thú chơi chim phải xuất phát từ lòng đam mê thực sự mới có thể giữ lâu bền. Còn đối với những người chỉ thích chơi theo phong trào thì việc cho chim ăn, tắm, vệ sinh lồng chim… lâu dần sẽ thành lười và chán nản nên rất khó để luyện được một chú chim hay. Đối với những người có đam mê thực sự, việc thuần dưỡng được con chim đứng trong lồng mà vẫn dõng dạc cất lên tiếng hót tự nhiên như giữa rừng núi đó thật sự là một cảm giác rất “sướng”, thỏa mãn niềm yêu thích của mình. Huyện Hòa An vừa mới thành lập với CLB chim chào mào với hơn 10 thành viên. Tháng 10 vừa qua, CLB chim chào mào Hòa An đã tổ chức Hội thi tiếng hót chim chào mào huyện Hòa An lần thứ nhất với sự tham gia của 48 chú chim đến từ các các địa phương trong huyện và một số huyện, Thành phố.
Nói về thú chơi chim chào mào, anh Liễu Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh cho biết: Ở tỉnh ta hiện nay có tới hàng nghìn người chơi chim cảnh, trong đó chim chào mào thu hút được rất đông người chơi ở đủ các lứa tuổi. Khác với trước đây, chỉ có những người “đứng tuổi” mới chơi chim thì hiện nay ngày càng nhiều người trẻ tuổi tìm đến thú chơi tao nhã này, chứng tỏ sức hút từ những chú chim nhỏ bé là rất lớn. Thú chơi chim chào mào ở tỉnh ta hiện nay không chỉ kết nối những người có chung niềm đam mê nuôi chim cảnh mà đây còn là nơi để mọi người gặp gỡ, trò chuyện, gác lại sau lưng những bộn bề của cuộc sống, cùng nhau hòa mình vào những “bản nhạc” do những chú chim bé nhỏ diễn tấu.
Chơi chim cảnh dù là chào mào hay bất cứ loại chim nào khác cũng đòi hỏi ở người chơi niềm đam mê. Từ niềm đam mê đó giúp chủ nhân của những chú chim không cảm thấy lãng phí thời gian, bởi đó không đơn giản là sở thích mà đã trở thành một thú chơi nghệ thuật, là món quà tinh thần giúp con người biết nâng niu giá trị cuộc sống, sống gần gũi, gắn bó hơn với thiên nhiên.