Các bước dưỡng chim khi mới mua về

Các bước dưỡng chim khi mới mua về

Hôm nay xin chia sẻ với bạn chơi các bước cơ bản mà tôi thường ứng dụng trong việc dưỡng chim mới mua, mới bắt về nhà.

Bước 1: Cách ly
Tôi không bao giờ cho một cá thể (hay nhiều cá thể) chim mới về nhà vào ngay chuồng chung với các cá thể đang ở nhà. 

Lí do: dù chim mới trông có thể rất khoẻ mạnh: các chế độ ăn, điều kiện nuôi nhốt… của nó không giống với chim đã nuôi ở nhà tôi và do vậy: nó cần được tập cho thích nghi với chế độ nuôi dưỡng mới.
Với những chim mua ở chợ, chim đặt mua từ lái, chim không rõ nguồn gốc: càng cần phải cách ly để theo dõi thực tế chất lượng chim.
Nơi để cách ly cần tránh xa các chuồng chim ở nhà càng nhiều càng tốt. Nơi cách ly cần thoáng, nhưng đủ ấm. Và quan trọng là càng ít tác nhân gây ảnh hưởng tâm lý càng tốt (người, chó mèo, chuột, xe cộ…).

CHUỒNG CÁCH LY: 

Chuồng cách ly có thể dùng bất cứ loại chuồng nào, miễn là dễ chăm sóc và quan sát chim trong thời gian nuôi cách ly. Tôi dùng một cái chuồng nhỏ Trung Quốc bằng sắt nhúng nhựa để tiện chùi rửa như hình trên.

Trong chuồng cần có:

  • – Lót giấy báo hoặc giấy thấm: để có thể quan sát dễ dàng chất thải của chim
  • – Áo lồng: để che chắn cho chim đơ hoảng sợ và giữ ấm cho chim
  • – Đèn sưởi (đèn tròn khoảng 40W): để sưởi ấm cho chim (đặc biệt cần cho các chim cảnh nhỏ xuất xứ không phải chim rừng VN, như canary, finches…). Đèn sưởi có thể sử dụng vào ban đêm. Khi dùng đèn thì trùm áo lồng đễ giữ ấm. Tuỳ vào kích thước chuồng mà lựa chọn vị trí để đèn sưởi phù hợp. Sao cho: nếu lạnh: chim có thể đến đậu gần đèn cho ấm. Nếu nóng: chim có thể đứng xa hơn khỏi đèn.
  • – Cóng nước: tuỳ vào loại chim mà lựa chọn loại cóng tự động có dung tích phù hợp. Chim cảnh nhỏ: có thể dùng cóng loại 15-20ml nước. Mục đích dùng cóng nhỏ vừa phải là để dễ dàng tính toán liều lượng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho chim khi cần thiết. Có ít nhất 2 cóng để 2 bên cần đậu cho chim.
  • – Cóng ăn: cũng cần có ít nhất 2 cóng ăn cho chim. Một đựng thức ăn bình thường. Một đựng thức ăn bổ sung (thức ăn mềm, khoáng, thức ăn rau xanh…).

Mục đích để nhiều cóng là để chim dễ dàng tìm thức ăn, nước uống. Khi mới bắt về: chúng có thể hoảng loạn và các loại cóng đựng thức ăn, nước uống có cơ chế phức tạp có thể khiến chim không ăn uống được và chết đói, chết khát.

Tôi thường dùng các loại cóng đơn giản cho chim trong thời gian dưỡng. Để dễ kiểm soát chất lượng thức ăn, dễ quan sát mức độ ăn của chim và dễ vệ sinh:

NỀ NẾP SINH HOẠT: 
Rất nhiều người nuôi có thói quen nhìn ngắm chim mới đến tận khuya – một thói quen xấu (dù hoàn toàn có thể thông cảm được về mặt tâm lý!).
Việc suốt ngày săm soi nhìn ngắm chim mới khiến chúng khó bình tĩnh, mất ngủ: đều là những ‘cộng hưởng’ thêm cho những vấn đề về sức khoẻ của chúng – vốn dĩ đã khó khăn vì vừa phải trải qua một giai đoạn di chuyển đường dài, thay đổi môi trường sống…

–> Hãy để chim yên ổn. Chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết.

Tập cho chim dần quen theo nề nếp sinh hoạt, giờ giấc cho ăn… như với những chim cảnh đang nuôi ở nhà. Để sau này chúng sẽ quen với nề nếp chung.

———- Bài viết thêm vào lúc 10:52 AM ———- Bài viết trước được viết vào lúc 10:50 AM ———-

Bước 2: Dinh dưỡng:
Bất cứ thức ăn gì là thường xuyên, tự nhiên và yêu thích nhất của loài chim mà bạn đang dưỡng cần được cố gắng thoả mãn chúng ngay. Nếu chim ăn hạt: cho nhiều lựa chọn hạt. Nếu chim ăn sâu bọ: cho nhiều lựa chọn với sâu qui, cào cào, dế, nhện, sâu lá cây…

Với các loài chim cảnh nhỏ: thức ăn mềm như bột trộn trứng luộc nghiền nhỏ, hạt nẩy mầm..: là nên được cung cấp cho chim. 

Nhiều bạn cho rằng không nên cho chim mới về ăn rau xanh: vì có thể chúng bị tiêu chảy. Tôi vẫn dùng rau xà lách, rau cải xanh cho chim ăn. Rau cần được rửa sạch, vẩy khô, treo cao so với sàn chuồng để tránh bị vấy chất thải bẩn. Một vài trường hợp: tôi ngâm rau trong nước thuốc – với mục đích kích thích chim ăn rau thì phải uống luôn cả nước thuốc trên lá rau.

LƯU Í: với các loại thức ăn có khả năng lên men, bị hưng hỏng nhanh: chỉ tính toán lượng vừa đủ trong ngày cho chim ăn vừa hết. Nếu chim ăn không hết: cần loại bỏ và thay mới.

———- Bài viết thêm vào lúc 11:02 AM ———- Bài viết trước được viết vào lúc 10:57 AM ———-

Bước 3: Nước uống:
Nước là yếu tố quan trọng đặc biệt trong việc dưỡng chim bệnh, chim mới mua. Nguồn nước uống luông phải sạch sẽ, được thường xuyên thay mới (Nhiều trường hợp tôi thay mới hàng ngày).

Cóng nước cần được treo sao cho hạn chế tối đa vấy bẩn thức ăn, chất thải vào nước.
Cũng cần lưu í rằng: có những cá thể chim quá yếu, khó bay nhảy, phần lớn thường đứng trên sàn chuồng: thì cóng nước ăn, thức uống cũng phải để gần sàn chuồng cho nó dễ ăn.

THUỐC vào Nước uống:
Một trong những bước quan trọng nhất của quá trình dưỡng chim mới là sử dụng các loại chế phẩm phòng bệnh, chữa bệnh và tăng cường sức khoẻ.
Có nhiều phương án để đưa vào cơ thể chim các loại chế phẩm này, nhưng tiện lợi nhất vẫn là qua đường uống: pha thuốc vào nước để cho chim uống nước thuốc. 

Có vài nguyên tắc cơ bản khi sử dụng nước thuốc:

  • Pha đúng liều lượng khuyến cáo
  • Sử dụng đúng liều, thời gian khuyến cáo. Ví dụ: người ta khuyến cáo cho chim uống liên tục trong 5 ngày: thì cần phải pha thuốc cho chim uống liên tục 5 ngày. Không nên chỉ pha 3 ngày rồi thôi. Lí do: việc sử dụng không đúng liều lượng sẽ làm cơ thể chim lờn thuốc, đồng thời không phát huy được tối đa hiệu quả của thuốc.
  • Pha mới hàng ngày. Một số loại thuốc có thể pha 1 lần rồi dùng trong vài ba ngày. Nhưng cũng có nhiều loại thuốc sẽ biến chất, mất tác dụng nếu để lâu trong nước. Các chế phẩm thú y thường không ghi rõ loại nào có thể để lâu. Tốt và An toàn nhất là tính toán dùng vừa đủ trong ngày. Sang ngày sau pha thuốc mới.

Với chim mới mang về đã phát bệnh: tuỳ biểu hiện bệnh mà ta lựa chọn loại thuốc thích hợp. 

Ở đây tôi trình bày phương án dùng thuốc của tôi với những chim mới mang về nhưng tạm trông khoẻ mạnh và không thấy biểu hiện bệnh lý:
Tuần 1:

  • – Nếu tiết trời đang nóng, ấm: dùng ngay Coli – Terravet trong liên tục 3-5 ngày. Thay mới hàng ngày. Quan sát kĩ chất thải của chim và các biểu hiện phản ứng.
  • – Nếu tiết trời đang mưa, lạnh: tôi dùng Amcoli.

Lí do khiến tôi lựa chọn 2 loại thuốc phòng bệnh khác nhau là:
– Coli-Terravet: chế phẩm có Tetracycline – thuốc ngừa bệnh về đường tiêu hoá rất tốt. Mà mùa nóng là mùa hay có các bệnh về đường tiêu hoá (do thức ăn, nước uống mùa nóng dễ lên men, dễ nhiễm khuẩn….)
– Amcoli: chế phẩm có Ampicicline – thuốc có khả năng chữa các bệnh về đường hô hấp. Mùa lạnh chim dễ bị các bệnh về hô hấp hơn.

Tuần 2: Sau đó, cho chim uống nước sạch trong khoảng 1 tuần tiếp theo.

Tuần 3: Đến tuần thứ ba: tôi sử dụng các chế phẩm bổ sung Vitamine và các chất vi lượng, axit amine (ví dụ: Vitamino – chế phẩm của Virbac) để tăng cường sức đề kháng, làm đẹp lông, kích thích ngon miệng cho chim. Liên tục khoảng 3-5 ngày. Thay mới hàng ngày.

Tuần 4: Sử dụng nước sạch bình thường cho chim uống.

Sau 1 tháng: thấy chim khoẻ mạnh, phát triển tốt, quen với thức ăn và nề nếp sinh hoạt: có thể nghĩ đến chuyện đưa chúng vào môi trường sống chung với các chim nhà.

———- Bài viết thêm vào lúc 11:22 AM ———- Bài viết trước được viết vào lúc 11:02 AM ———-

Bước 4: Thả vào môi trường chung:

Việc thả một cá thể chim mới vào mội môi trường sống chung với các chim nhà đang nuôi vẫn có những vấn đề của nó:

  • – Chim mới bị chim cũ đánh đuổi, bắt nạt
  • – Chim mới không tìm được chỗ để thức ăn, nước uống trong chuồng
  • – Chim mới bị các yếu tố tự nhiên của khí hậu ngoài trời (với các aviary ngoài trời) như gió, mưa, nắng làm phát bệnh.

Trong liên tục ít nhất 2 tuần thả vào chuồng chung, phải quan sát kĩ các phản ứng của chim mới cũng như chim cũ. Cần:

  • – Cho nhiều thức ăn, nước uống ở những nơi dễ thấy: để chim tìm được chỗ ăn và không bị chim cũ dành ăn
  • – Tạo nhiều cần đậu, nhiều chỗ ẩn nấp để chim an toàn, tránh bị bắt nạt. Nếu bị 1 cá thể “đàn anh’ nào đó đuổi đánh quá dữ dội: bắt ‘đàn anh’ đó ra nhốt riêng 1-2 tuần, cho ổn định trật tự trong chuồng. Sau đó: thả ‘đàn anh’ vào – khi này tên ‘đàn anh’ lại trở thành newbie !
  • – Nếu chim bị bệnh: biểu hiện xù lông, không chịu ăn, đứng ngủ trong khi đáng lẽ cần thức như các chim khác: không được chần chừ: lập tức bắt riêng vào lồng chữa bệnh và áp dụng các phương án chữa bệnh phù hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *