CÁCH MỚM ĂN CHO CHIM CON MỚI NỞ (Viết bởi Golden Canary)
Hôm nay, GC xin chia sẻ chút kinh nghiệm về nuôi mớm chim non mới nở.
Vì nhiều lí do, một số trường hợp chủ nuôi phải tự nuôi mớm cho chim non mới nở, chứ chúng không có bố mẹ để nuôi.
Vậy, nuôi mớm chim non như thế nào cho tốt ? – là một câu hỏi khó, bởi kiến thức về yêu cầu dinh dưỡng của chim non tại VN ta rất thiếu thốn, phần lớn người chơi nuôi chim theo kinh nghiệm và chỉ dẫn của bạn bè, chứ ít có điều kiện sách báo hoặc tài liệu kĩ thuật nuôi chuẩn mực để biết được cần nuôi một con chim non như thế nào.
Mặt khác, mỗi loài chim lại có những yêu cầu dinh dưỡng rất khác biệt nhau –> một công thức phù hợp với loài chim này có thể là mối nguy nếu đem áp dụng cho con chim non loài khác!
Những trải nghiệm của tôi cũng còn rất thô sơ và tập trung ở nhóm chim ăn hạt (như Vẹt, Finch, Canary…) – chúng có những yêu cầu dinh dưỡng mà về cơ bản ta có thể tìm cách bù đắp bằng một số chế phẩm của con người dành cho trẻ sơ sinh.
Còn đối với những loài chim Ăn thịt, ăn côn trùng: việc chuẩn bị thức ăn cho chim non cần dựa trên nguyên tắc quan sát và tìm hiểu trong tự nhiên chúng được cha mẹ mớm ăn như thế nào, ăn thức ăn gì, trên cơ sở đó mà bắt chước cho càng gần đúng càng tốt.
Vậy mời các bạn có kinh nghiệm vào đây, ta cùng chia sẻ trải nghiệm nuôi mớm chim non.
Dụng cụ nuôi mớm chim non:
1. Hộp tổ:
Hộp tổ được hiểu là một cái hộp, hoặc một vật giống như cái hộp, cái rổ nhỏ…, có khả năng thay thế cái tổ chim, để người nuôi đặt chim non vào đó. Hộp được lót êm bằng cỏ, rơm … khô, hoặc thường được người nuôi dùng giấy báo, giấy ăn, giấy vệ sinh để lót – mục đích để giữ ấm cho chim non và thấm hút nhanh chất thải của chim, thay dọn cũng đễ dàng.
Yêu cầu cơ bản của hộp tổ dùng nuôi chim non:
– Vừa vặn với kích thước chim non
– Thoáng khí, nhưng phải có khả năng giữ ấm tốt
– Dễ thao tác thay dọn vật liệu lót tổ
– Thường xuyên được kiểm tra vệ sinh, độ ẩm, độ thoáng khí
Trên thị trường VN hiện nay: những cái rổ nhựa, hộp nhựa nhỏ bán ở siêu thị, chợ… rất nhiều, tiện lợi vệ sinh, giá thành rẻ: là lựa chọn tốt cho người nuôi chim.
2. Chén đựng thức ăn:
Khỏi phải nói: chén đựng thức ăn là dụng cụ có khả năng chứa đựng thức ăn, dùng để trộn thức ăn mớm cho chim non. Chén có thể bằng nhựa, bằng sứ…
Yêu cầu:
– Kích thước vừa vặn, tiện lợi để trộn lượng thức ăn vừa đủ cho lần đút mớm
– Luôn được giữ sạch sẽ, rửa và phơi khô ráo
– Có thể làm thêm một cái nắp đậy vừa vặn: nếu muốn trộn thức ăn dùng cho nhiều lần. Sau khi dùng xong, đóng nắp lại và bảo quản chén thức ăn trong tủ lạnh.
– Lựa chọn vật liệu không độc hại.
3. Ống bơm thức ăn:
Vật dụng này đặc biệt quan trọng!
Nó là công cụ để đưa thức ăn vào miệng chim non.
Yêu cầu:
– kích thước vừa vặn miệng chim non
– luôn được rửa nước sạch sẽ, giữ gìn khô ráo
– trơn tru để thức ăn dễ di chuyển trong lòng ống
Nước ngoài người ta bán ống bơm dành riêng cho chim non với nhiều kích cỡ khác nhau phù hợp kích thước từng độ tuổi và loài chim. Ở VN chưa có, ta có thể tận dụng:
– Ống xilanh y tế
– Ống bơm hút trong thí nghiệm
4. Panh – Nhíp gắp thức ăn:
Vật dụng này cần thiết trong việc mớm thức ăn hơi cứng như côn trùng, thịt miếng nhỏ.. cho một số loài chim non thuộc loài ăn thịt, ăn côn trùng,
Yêu cầu:
– Luôn được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng
– Đầu panh – nhíp chú ý chọn loại không nhọn, để tránh vô tình làm trầy xước họng chim non
– lựa chọn chất liệu không độc hại, có lẽ tốt nhất là bằng inox
Tìm mua vật dụng này ở các cửa hàng thiết bị y tế, hoặc có thể chạy ra cửa hàng bán ‘thủy sinh cảnh’, vì cái panh-nhíp này cũng là dụng cụ thường dùng của người chơi thủy sinh.
Thức ăn cho chim non nuôi mớm
Ở đây, tôi nói về loại thức ăn dạng bột dành cho đa số các loài chim ăn hạt.
Chim non các loài ăn hạt như Vẹt, Sẻ… được cha mẹ mớm ăn theo qui trình:
– chim cha mẹ ăn trước, nếu cần chúng sẽ tách, bóc vỏ hạt, hoặc cắn nhằn sâu bọ nhỏ rồi nuốt vào diều
– trong bầu diều của chim tiết ra một số dịch tiêu hóa, làm cho thức ăn được tiêu hóa một phần, trở nên dễ tiếp nhận với chim non
– sau đó, chim bố mẹ nhả thức ăn từ bầu diều đã được làm mềm, mớm cho con ăn
Thức ăn dạng bột dành riêng cho chim ăn hạt thường được chế biến theo nguyên tắc:
– thành phần cơ bản là bột ngũ cốc đã được chế biến chin
– có thêm một số thành phần chất đệm như men tiêu hóa, vitamine… để chim non dễ hấp thụ thức ăn.
Chế phẩm nổi bật và thường gặp bán ở VN hiện nay ở dạng bột ngũ cốc dành riêng nuôi mớm chim non là Kaytee Exact:
Nhưng, nếu không có điều kiện mua bột này, thì vẫn có thể tận dụng một số loại bột ‘ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh bắt đầu ăn dặm’ – bày bán khá đa dạng và khá nhiều ở chợ, siêu thị, của những thương hiệu khá nổi tiếng trong ngành sản xuất thức ăn cho trẻ, như Nestle, Hipp..
Ví dụ:
Bột ngũ cốc dinh dưỡng Nestle – giai đoạn 1: (giai đoạn dành cho trẻ bú sữa bắt đầu tập ăn dặm) – có rất nhiều vị: Gạo Lức – Rau củ…:
Bột gạo nhũ nhi Hipp:
Hoặc các loại bột dinh dưỡng khác:
Hoặc như kinh nghiệm của anh ngnghai ở diễn đàn ABV ta: có thể sử dụng bột sữa Ensure dành cho người lớn tuổi để làm bột mớm cho chim non:
Pha chế:
Món bột ăn dặm cho trẻ em – hoặc Bột chuyên dung mớm cho chim non về cơ bản được pha chế với nước ấm: hòa tan bột với nước cho ra một chế phẩm bột dạng sệt.
Mức độ sệt đặc hay loãng phụ thuộc vào tuổi chim non.
– Với những chim 2-5 ngày tuổi: bột thường được pha loãng, có thể chảy thành dòng tốc độ hơi nhanh
– Với những chim lớn hơn, bắt đầu có lông ống: bột được pha đặc hơn
Yêu cầu chung:
– Khi ứng dụng Bột mớm chim non bằng bột cho trẻ con ăn dặm, cần phải chọn loại bột ngũ cốc dành cho trẻ nhũ nhi (trẻ đang bú sữa đang tập ăn dặm). Thành phần nên hạn chế tối đa chất Sữa (lactose) và Chất béo, đạm – vì chim non ăn hạt tiêu thụ một lượng rất ít béo và đạm.
– Pha bột bằng dụng cụ sạch, pha xong phải dung ngay, dung xong nên bỏ. Lần sau pha mới.
– Trường hợp pha nhiều và muốn để dành: cần có hộp đậy chặt chẽ, bảo quản trong tủ lạnh tối đa 12 giờ. Trước khi dung cần kiểm tra xem bột có biểu hiện hư hỏng hay không. Và nhất thiết ngâm nước ấm cho bột ấm lên thì mới dung bơm vào miệng chim.
– Chim non càng lớn dần: chúng sẽ có khả năng tiêu thụ thức ăn tốt dần. Lúc này, trong bột có thể bắt đầu cho vào hạt ngũ cốc bóc vỏ đã ngâm mềm, giã dập: như hạt kê, gạo lức, hạt hướng dương…. và trộn với rau xanh xay, băm nhuyễn: như rau xà lách, rau bó xôi… hoặc củ hấp chín mềm nghiền nhuyễn: như củ khoai lang, khoai tây, cà rốt…
– Khi chim non bắt đầu đủ lông và tập tành ra vào khỏi ổ: là về cơ bản chúng có thể ăn được các thức ăn dành cho chim trưởng thành: hạn chế dần khẩu phần bột, và xung quanh tổ chim để những cóng hạt, cóng bột trứng và sâu non cho chúng tập ăn. Khi chúng có thể bay từng quãng ngắn và không còn quay về tổ ngủ đêm nữa: về cơ bản: vai trò bảo mẫu mớm ăn của người nuôi đã chấm dứt.
Thời lượng – Liều lượng:
Không có tiêu chuẩn cụ thể về thời lượng và liều lượng cho chim ăn.
Một nguyên tắc chung là chim non càng nhỏ tuổi thì số lần ăn càng nhiều (2-3 giờ mớm chim ăn một lần) nhưng liều lượng mớm càng ít. Và ngược lại: chim non càng lớn dần thì lượng thức ăn mỗi lần mớm càng tăng, càng đặc và thời gian giữa 2 lần mớm càng kéo dài ra.
Cách đơn giản để biết một con chim non đang đói hay no: là đụng nhẹ vào mỏ nó:
– Nếu nó ngóc đầu lên, há miệng ra: là nó đang đói và muốn được ăn
– Nếu nó vẫn khỏe mạnh, cử động bình thường, bầu diều căng, không ngóc đầu lên, không kêu chiêm chiếp, không há miệng ra: tức nó đang no, không cần đút mớm.
Lưu í khi bơm thức ăn:
– bơm từng chút, từng chút nhẹ nhàng, vài ml cho một lần bơm. Không bơm liền một mạch quá nhiều. Để chim non nuốt, rồi lại bơm, cho đến khi nó ngậm miệng và không muốn ăn nữa.
– ống bơm nên mềm, đưa vào quá mỏ chim: để thức ăn đỡ bị trào ngược ra ngoài
– ống đựng thức ăn nên chú ý không để không khí chui vào: vì khi bơm sẽ tống cả không khí vào họng chim: khiến bầu diều căng vì không khí chứ không phải căng vì thức ăn: có thể khiến chim non sặc, khó tiêu hóa hoặc đói vì ăn chưa đủ lượng cần thiết.
Trong ảnh là những chim non bảy màu xanh dương ở các độ tuổi khác nhau đang được nuôi mớm:
Hãy chú í vào thức ăn mà người nuôi dung cho chúng: một hỗn hợp gồm bột chuyên dụng mớm chim và hạt kê trần (hạt kê sống đã bóc vỏ):