các hiểu nhầm liên quan đến nuôi dạy con ở độ tuổi trước khi đi mẫu giáo
trước khi đọc, bạn nên lưu ý mình viết blog này dựa trên quan điểm, kinh nghiệm và các hiểu biết của cá nhân. hiểu biết của bản thân mình có giới hạn nhất định, nhưng trước khi đưa ra quan điểm, mình cũng đã tìm hiểu qua một số nguồn sách vở và bài viết của các trang web chuyên môn trên mạng.
trong post này, mình muốn bàn về một số các suy nghĩ, lo lắng về con ở các cha mẹ, ông bà thực ra là phỏng đoán cá nhân, không có cơ sở khoa học, và thường được lan truyền từ người này sang người khác khiến chúng có sức lan tỏa nhanh chóng. Sự lan toả này khiến một số bậc cha mẹ mới cũng “học hỏi” rất nhanh mà không tự tìm hiểu, và không chỉ gây lo lắng cho người lớn mà hậu quả lớn hơn là có thể gây sức ép, căng thẳng cho cả trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển lẽ ra là hoàn toàn bình thường ở chúng.
các hiểu lầm thường có một nguyên do lớn nhất, đó là cho rằng có một mẫu trẻ ĐÚNG, có các mốc phát triển ĐÚNG. dựa trên mẫu trẻ lý tưởng do người lớn tự nghĩ ra không dựa trên cơ sở khoa học, cha mẹ dựa vào đó để đánh giá xem con mình hay con nhà người khác có bình thường không. (cũng giống như chúng ta sẽ thường tự gây ra không ít bất mãn cho mình và cả người thân nêu chúng ta cho rằng có một hình mẫu người lý tưởng chúng ta hoặc người xung quanh phải phấn đấu trở thành).
nhưng thế nào là bình thường? cái nguy hiểm nhất là cho rằng luôn luôn có một tiêu chuẩn cho sự bình thường, và sự bình thường này thường được định nghĩa là không khác với phần đông mọi người. vậy không hiểu, nếu tất cả mọi người bị điên mà ta bình thường, hỏi ta điên hay ta bình thường? và dựa trên định nghĩa đó, chắc hẳn thần kinh dở hơi, chậm phát triển hay thiên tài, xuất chúng thì đều là điên cả, không nên khuyến khích phát triển trường hợp nào hết (bảo sao mà nước ta ít người tài…).
nếu bạn lên một trang web chuyên môn để xem trung bình các mốc phát triển ở trẻ, nên nhớ các mốc luôn là thời gian trung bình được tính từ lượng trẻ con rất lớn, tức ắt có những trẻ phát triển nhanh hơn mốc, và có cả các trẻ phát triển chậm hơn mốc. các trẻ chậm hơn vào một thời điểm nhất định trong một kĩ năng nhất định không nhất thiết có nghĩa là kém thông minh hơn các trẻ phát triển nhanh. thậm chí mỗi trẻ còn có thể phát triển với tốc độ khác nhau ở các thời kì, giai đoạn khác nhau. có thực tế không khi vừa muốn một đứa trẻ béo tốt, biết nói sớm, biết ngồi bô từ 10 tháng, không sợ người lạ, lại vừa nhanh nhẹn, hiếu động, ham học hỏi, không ốm đau?
các hiểu lầm phổ biến như sau:
1) con tôi chậm nói nên chắc chắn có vấn đề.
các điều tra dân số cho thấy con gái biết nói sớm hơn con trai, và những trẻ chậm nói vẫn hoàn toàn phát triển bình thường, chỉ là chậm hơn chúng bạn mà thôi. có một số dấu hiệu để phát hiện khi nào chậm nói có thể là biểu hiện bệnh lý, nhưng chỉ có bác sĩ chuyên gia mới có thể chẩn đoán cho con bạn (nên nhất thiết không nên tự “chẩn đoán” hoặc đề cho người thân, bạn bè xung quanh “chẩn đoán” hộ). thậm chí có những trẻ chậm nói về sau trở thành thiên tài đem lại cống hiến vĩ đại cho toàn nhân loại, ví dụ như Einstein.
có không ít nguồn nói dù bạn nói ít hay nói nhiều với con bạn (tất nhiên, lựa chọn sau vẫn được các chuyên gia khuyến khích để giúp con phát triển ngôn ngữ), thì điều đó cũng không ảnh hưởng đến mốc phát triển ngôn ngữ của con bạn (tức khoảng 12-18 tháng thì nói được 1 từ, 2 tuổi bắt đầu ghép 2 từ hoặc hơn, v.v…). có ảnh hưởng thì là chỉ ảnh hưởng đến lượng từ mà bé biết. tất nhiên, thông tin này không phải để khuyến khích bạn không cần phải nói chuyện với bé, mà chủ yếu để các bậc cha mẹ cảm thấy đỡ tội lỗi.
2) gửi con đến nhà trẻ sớm sẽ giúp cho trẻ biết nói sớm hơn, thông minh hơn, và có kĩ năng giao tiếp tốt hơn là ở nhà với người thân.
các nghiên cứu cho thấy tốt nhất cho sự phát triển của trẻ trong thời gian đầu đời là khi được tương tác, gần gũi thường xuyên với mẹ, đặc biệt khi mẹ quan tâm, chăm sóc, nhạy cảm với nhu cầu của và tạo điều kiện cho trẻ có các hoạt động đa dạng ở nhà lẫn bên ngoài. các trẻ được chăm sóc như vậy có kĩ năng xã hội không thua các trẻ không được mẹ chăm sóc chính.
trẻ phát triển ngôn ngữ hay kĩ năng giao tiếp ra sao không phụ thuộc vào việc được trông bởi người thân hay cô giáo ở nhà trẻ hay có bao nhiêu người xung quanh, mà phụ thuộc vào cách được người trông trẻ tương tác với. nếu người trông trẻ nói chuyện với trẻ nhiều, khuyến khích trẻ nói, thể hiện sự yêu thương trìu mến, đọc sách, hát cho trẻ, v.v… trẻ sẽ phát triển tốt hơn nhiều so với khi không được quan tâm đến tình cảm hay phát triển ngôn ngữ mà chỉ đơn giản là được chăm ăn, rửa đít. vì vậy, không thể nói đơn giản gửi trẻ đi nhà trẻ sẽ giúp trẻ biết nói nhiều hơn. chưa kể khi đi nhà trẻ, tương tác 1-1 để trẻ được chú ý nhiều nhất là không thể vì cô giáo còn phải chăm lo cho quá nhiều các trẻ khác.
3) con tôi gần 2 tuổi mà chỉ thích chơi một mình, kiểu này chắc không biết chơi với bạn, phải cho đi nhà trẻ sớm.
trẻ con 2 tuổi hoặc bé hơn chưa phát triển đến độ tuổi biết chơi với bạn. các trẻ 2 tuổi chỉ biết chơi với nhau dưới hình thức song song – tức chơi bên cạnh nhau, không chơi chung hay tương tác gì nhiều.
trẻ phải chờ đến lúc lớn hơn mới bắt đầu sẵn sàng để chơi cùng nhau. do đó, đây là một bước phát triển hoàn toàn bình thường. trước khi bạn lo con mình có biểu hiện tự kỉ hoặc có ai đó khoe với bạn con họ đã biết chơi với trẻ khác từ khi dưới 2 tuổi, nên tìm hiểu kĩ hơn.
4) con tôi 2 tuổi vẫn mặc bỉm. tôi phải rèn làm cho cháu làm sao đây? thế này rõ là chậm phát triển.
hoàn toàn không có mốc cho việc tháo bỉm. có những nhà khoe con tháo bỉm từ lúc 10 tháng, và bĩu môi dè bỉu các trẻ khác là đồ chậm phát triển, vừa lấy đó làm hãnh diện về con mình thông minh, lại vừa vỗ ngực tự hào mình là cha mẹ giỏi.
có rất nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là trong các nền văn hóa khác nhau, về việc khi nào thì đến lúc bỏ bỉm. tuy nhiên, một sự thật không thể chối cãi được là trẻ sẽ không ngồi bô nếu trẻ chưa sẵn sàng, và sẽ có những trẻ sớm biết ngồi bô, và các trẻ khác thì muộn hơn.
bạn đã mua bô và khuyến khích bé ngồi? bé đã được nhìn thấy bạn ngồi trong toa lét rất nhiều lần nhưng vẫn chưa bỏ bỉm được? vậy bạn hãy kiên nhẫn. sẽ đến lúc bé sẵn sàng, và khi bé sẵn sàng, bé sẽ cho bạn thấy các dấu hiệu không thể bỏ qua.
5) con bạn mấy cân rồi? con tôi bé quá.
đây là nỗi lo thường trực của các bà mẹ cũng như của các bà nội, ngoại. trước khi bạn lo con mình còi, hãy tìm hiểu xem mức cân trung bình của trẻ độ tuổi bé là bao nhiêu, và cẩn thận hơn thì hãy xem ở nhiều nguồn chứ đừng xem một nguồn (thực ra đối với tất cả các thông tin đều nên tổng hợp như vậy).
nếu bé quá ít cân so với mức trung bình hẵng lo rồi đem đến bác sĩ kiểm tra.
nếu bé chỉ hơi gầy, hãy xem các biểu hiện khác như bé có khỏe mạnh hay không, bé có nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ không, hay thường xuyên cáu bẳn không rõ nguyên do, chậm chạp, hay ốm, v.v…?
nếu bé được ăn đủ chất và khỏe mạnh, chẳng có gì phải lo lắng.
6) con tôi không chịu ăn. tôi vẫn ép nó ăn cho bằng hết. thế mới khỏe được.
kiểu cho ăn phổ biến trong các gia đình VN là cha mẹ hoặc ông bà làm cho bé một suất ăn với lượng nhất định và mong chờ bé ăn hết. nếu bé không ăn hết, người trông trẻ sẽ sốt ruột, và tìm mọi cách để bé ăn hết khẩu phần do mình chuẩn bị. từ ăn rong cho đến chơi trò chơi, tv, I-pad,… bạn hãy tự thêm vào danh sách.
điều bạn đang dạy cho con bạn nếu bạn áp dụng cách cho ăn trên là gì? chẳng khác nào bạn bảo trẻ “con không tự ăn được. con cũng không biết đói hay biết bao nhiêu là vừa phải. con cũng không biết khi nào con no. con cũng chả biết con thích ăn gì. mẹ biết rõ hơn con. con không phải lo việc ăn, cứ chơi, có mẹ hết.”
vậy nên tại sao trẻ con sinh ra chán ăn?
bữa ăn nên là thời gian vui vẻ của gia đình. bé cũng như người lớn, có lúc ăn nhiều, có lúc ăn ít. bạn nên khuyến khích bé tự ăn dần, cũng như cho phép bé nói có hoặc không với các món khác nhau cũng như cho bé quyết định khi nào thì ngừng. nếu bé từ chối ăn, bé sẽ sớm nhận ra sau đó rằng không ăn thì sẽ bị đói. nếu bé ăn ít, bữa sau bé sẽ ăn bù. được tự quyết định, bé học cách nhận biết khi nào mình no, khi nào đói, và mình có trách nhiệm trong bữa ăn của mình.
7) con tôi 1 tuổi rưỡi, nhát như cáy, cứ thấy người lạ là sợ. phải cho đi nhà trẻ rèn cho bạo.
xin thưa là các bé rất bé như dưới 6 tháng do mới không sợ người lạ. nhưng khi lớn hơn, phản ứng ngại người lạ hoặc sợ sệt là một biểu hiện rất bình thường. đến độ tuổi lớn hơn, trẻ sẽ dần học được cách kiểm soát cảm xúc và rồi sẽ trở thành những người lớn với những biểu hiện hoàn toàn bình thường như bạn với tớ. (chứ bình thường thật hay không thì cái đó chúng ta tính sau nhé).
8) nhưng con nhà hàng xóm tôi, con nhà anh chị họ tôi nó thế này, nó thế kia. sao con tôi lại như này?
…. vì con bạn là người ngoài hành tinh. tôi không còn gì để thêm.
Lời kết
để kết thúc post, mình mong các cha mẹ sẽ tìm hiểu kĩ trước khi nghe kinh nghiệm truyền đạt lại từ một số cá nhân. và tìm hiểu một vài nguồn có uy tín chứ không chỉ một nguồn.
hãy phản ứng và đưa ra những quyết định một cách sáng suốt, có tìm hiểu đầy đủ để không gây “xì trét” trong cuộc sống của cả mình lẫn con cái mình, và bỏ ngoài tai những lời phán xét thiếu suy nghĩ.