Đến nhà trẻ sớm có thực sự giúp trẻ học nói nhanh và phát triển toàn diện hơn?
Nội dung này đã được bàn ngắn gọn ở một trong các post trước. Tuy nhiên, mình cảm thấy cần phải nhấn mạnh lại và giải thích đầy đủ hơn để giúp cho các cha mẹ có cái nhìn đúng đắn hơn về “tầm quan trọng” của nhà trẻ đối với sự phát triển của trẻ nói chung và phát triển ngôn ngữ nói riêng.
Bạn hãy tự hỏi mình:
– Ý kiến của tôi về vấn đề này được đưa ra dựa trên cơ sở gì?
– Tôi đã tìm hiểu bao nhiêu?
– Ý kiến của tôi bao nhiêu % dựa trên thông tin đã thu thập được từ các chuyên gia và các nghiên cứu khoa học, và bao nhiêu chịu ảnh hưởng của suy nghĩ/ thói quen của cộng đồng?
Sau khi tham khảo cuốn sách “Beyond Baby Talk” viết bởi 2 chuyên gia về phát triển ngôn ngữ ở trẻ Kenn Apel và Julie Masterson và các nguồn khác, xin tóm lược một vài điểm chính về vấn đề này (mà kinh nghiệm dạy cả tiếng Việt và tiếng Anh cho con cũng mình cũng cho thấy như vậy).
Không thể đưa ra kết luận rằng nhà trẻ là nơi tốt hay không tốt cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Điểm mấu chốt vẫn là môi trường nơi trẻ sinh hoạt, chơi đùa là môi trường như thế nào, từ đó mới có những ảnh hưởng nhất định đến trẻ. Các yếu tố quan trọng như sau:
1) Tỉ lệ giữa số trẻ và người trông trẻ.
Yếu tố quan trọng nhất ảnh hướng đến phát triển ngôn ngữ ở trẻ KHÔNG phải là có bao nhiêu trẻ xung quanh, mà là trẻ có được bao nhiêu tương tác 1-1 với người trông trẻ. Vì trẻ thực sự học tiếng từ người biết tiếng thành thạo và biết cách thức tương tác phù hợp.
Tỉ lệ người trông trẻ/trẻ:
trẻ sơ sinh: 1:3 hoặc 1:4.
trẻ vài tháng – 1 tuổi: 1:1 hoặc 1:2.
trẻ 1-4 tuổi: 1:7 hoặc ít hơn.
và tất nhiên, tỉ lệ càng thấp để khiến cho tương tác 1-1 càng nhiều thì càng thuận lợi hơn để trẻ học tiếng.
Nghiên cứu cho thấy khi lớp quá đông, người trông trẻ chỉ còn bận quản lý trẻ chứ không còn nhiều thời gian để tương tác ý nghĩa nữa.
2) Chất lượng của tương tác giữa người trông trẻ và trẻ.
Quan trọng không kém là hiểu biết của người trông trẻ về phát triển ngôn ngữ và cách thức người trông trẻ tương tác với trẻ.
Để tốt cho sự phát triển của trẻ, người trông trẻ đương nhiên phải yêu thương trẻ và thực sự quan tâm đến trẻ. Bên cạnh đó, một người thành thạo tiếng không có nghĩa là một người biết cách thức phù hợp sử dụng tiếng với trẻ để trẻ có thể học tiếng tốt nhất. Người trông lý tưởng phải biết giản lược tiếng ở mức trẻ hiểu được hoặc khó hơn một chút so với trình độ hiện tại của trẻ, biết tôn trọng, lắng nghe trẻ.
3) Các hoạt động trẻ được tham gia.
Trẻ có được lựa chọn các trò chơi theo ý thích? Hay bị bắt buộc? Vì mỗi trẻ một khác, ngôn ngữ phát triển tốt nhất khi trẻ được chơi trò chơi mình thích, theo đó người trông sẽ tận dụng hoàn cảnh để sử dụng tiếng.
Điểm quan trọng là: dạy ngôn ngữ hay bất kì nội dung nào khác phải là do bé chỉ huy (giống như ăn dặm bé chỉ huy).
4) Cơ sở vật chất của nhà trẻ
Khi nhắc đến cơ sở vật chất, chúng ta thường dễ nghĩ đến những nơi được trang bị hiện đại, tiện nghi. Tuy nhiên, không phải trường hợp này. Môi trường khuyến khích trẻ phát huy trí tưởng tượng và khả năng ngôn ngữ lại chính là các đồ chơi và môi trường sinh hoạt mô phỏng cuộc sống và hoạt động hàng ngày.
Lý do chính là vì trẻ học tiếng hiệu quả nhất qua các hoạt động hàng ngày. Khi chơi đồ chơi, trẻ thường “diễn” lại những gì mình biết và “luyện tập” lại vốn từ qua họat động chơi.
Kết luận
Vậy như bạn có thể đã thấy, nhà trẻ hay không nhà trẻ không phải là vấn đề.
Vấn đề là người trông trẻ tương tác với trẻ như thế nào trong môi trường ra sao? Ngay cả khi tỉ lệ thấp nhưng người trông trẻ thiếu kiến thức về phát triển ngôn ngữ của trẻ, trẻ cũng khó mà học tiếng được ở mức lý tưởng (đối với trẻ – nên nhớ mỗi trẻ là một cá thể duy nhất phát triển ở tốc độ khác nhau).
Nhà trẻ mà bạn đang cho trẻ đi đến có những yếu tố nào?
Tất nhiên, cũng có những nhà có quan điểm “nhà trẻ chỉ được như thế thôi, đành chịu. về sau nó tự điều chỉnh”. Tuy nhiên, hãy cân nhắc kĩ vì những năm đầu đời, quãng thời gian mà trẻ phải dựa dẫm toàn bộ vào người lớn xung quanh, sẽ ảnh hưởng to lớn đến phát triển não cũng như là nền tảng cho suốt những năm về sau. Tưởng như trẻ chả học mấy, và có giáo dục thì là giáo dục ở giai đoạn lớn hơn khi trẻ đã có nhận thức đầy đủ – đây có lẽ cũng không phải là một hiểu nhầm ít thấy.
Có lẽ ở một post khác, chúng ta sẽ bàn về vấn đề này.