Hãy để con khóc
nửa đêm Siêu Tăm đang ngủ thì Bư (lúc đó chưa ngủ) vỗ tay. nghe tiếng vỗ tay, Tăm giật mình tỉnh giấc rồi dậy chơi luôn. mình bực lắm. đồ chơi còn la liệt. mình bực bội đi dọn đồ chơi của hai đứa.
giận được 2-3 phút gì đó, mình đang ngồi dưới đất thì Bư chạy ra lẳng lặng ôm mẹ. mình đứng hình vài giây rồi quay ra ôm nó, hai mẹ con vỗ về nhau. Tăm bé xíu thấy mẹ và chị ôm nhau cũng xuống giường, chạy ra.
thế là 3 mẹ con ôm nhau.
đấy là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất cuộc đời mình, xếp sau khoảnh khắc hai đứa ra đời.
bạn có biết tại sao một đứa 4,5 tuổi và một đứa 1,5 tuổi chạy ra ôm mẹ khi mẹ tức giận không?
câu trả lời là vì mẹ chúng nó đã luôn ôm chúng nó vào lòng như thế mỗi khi chúng nó giận/buồn và khóc.
chúng nó vẫn thi thoảng chí choé, mẹ cũng có lúc bực chúng nó và chúng nó có lúc bực mẹ. nhưng mẹ luôn chú ý tới cảm xúc của chúng nó, để chúng nó được buồn, được giận, được khóc, được tức, được ghen tị mà không gạt phăng cảm xúc chúng nó đi, không tìm cách sửa chúng nó, không đánh lạc hướng theo bất kỳ cách nào.
hai đứa được dạy về cảm xúc, hiểu cảm xúc, học kiềm chế hành vi, chấp nhận cảm xúc.
khi bạn chấp nhận nỗi buồn, nỗi buồn qua mau lắm. nhưng nếu bạn chống đối nó, tìm cách giải khuây qua nguồn khác mà không đối diện nó, bạn sẽ kéo dài nó và đau khổ hơn một cách không cần thiết. làm như thế là tự tiếp thêm sức mạnh cho những cảm xúc đấy.
người yêu bạn thực sự là người có thể ôm lấy bạn lúc bạn tức giận. người ấy không bao giờ nói với bạn: “ra chỗ khác đi. vui vẻ thì hẵng chơi với tôi.” người yêu bạn thực sự là người sẽ chia sẻ nỗi buồn cùng bạn. ai cũng có thể vui cùng bạn, hay khuyên nhủ bạn bớt buồn, nhưng không mấy ai im lặng ở bên bạn và chấp nhận cả nỗi buồn, sự tức giận của bạn.
đôi khi đến vợ chồng còn không làm được điều ấy. nhiều cha mẹ không làm được điều ấy với con cái.
bạn yêu ai thì bạn cũng nên học cách thể hiện cảm xúc thành thật với người ấy chứ đừng giấu giếm. thể hiện với sự tôn trọng chứ đừng la hét, cằn nhằn. bạn nên nói với con “mẹ bực quá. cho mẹ mấy phút nhé”, đập vào gối ngủ để bảo đảm an toàn hoặc nhảy lên nhảy xuống nếu cần, chứ đừng đá thúng đụng nia, quàu quạu mặt mày rồi lôi chuyện cũ ra trách móc.
bạn có thể nói “mẹ không thích con bày bừa. mẹ khó chịu lắm” chứ không phải là “hư đốn, bẩn thỉu. lần sau đừng hòng chơi, đừng hòng làm gì. mẹ cất hết, vứt hết đồ chơi. tưởng mẹ đi phục vụ cho đấy hả? gớm. tôi không hơi đâu mà đi dọn nhé. vô trách nhiệm. rồi tìm không thấy đừng có trách tôi. blah blah.”
nói đến đây, mình nhớ hôm nọ quan sát hai chị em một nhà đang tranh giành đồ chơi, bé chị khoảng 10 tuổi giành đồ của em, bé trai khóc. người mẹ sau khi thuyết phục đứa chị không được, bèn dùng lời lẽ cay nghiệt trách móc con bé, bảo nó là ích kỷ. thấy nói thế vẫn không ăn thua, người mẹ đó tiếp tục lặp lại ở mức cay nghiệt hơn, ý như “mày là con ích kỷ. mày đừng hòng chơi gì. lát tao mua đồ chơi mới cho em mày…” con bé nghe xong phát khóc, ức lắm, và nghẹn ngào đem trả đồ chơi cho đứa em.
rất nhiều cha mẹ vẫn đang hành xử như vậy với cảm xúc của con cái. cho tới ngày chúng nhận ra cha mẹ chúng không coi chúng ra gì cả. và chúng ngừng thể hiện cảm xúc với cha mẹ, chỉ biết nuốt giận vào trong lòng.
nên nếu con bạn còn bé, bạn hãy ôm con đi, bảo con là không sao đâu, rằng ai cũng có lúc buồn, có lúc giận. khi ấy nhớ ngừng làm mọi thứ và quay vào bên trong ôm ấp cơn giận, nỗi buồn của mình. hãy bảo chúng thể hiện với bạn, hãy cho chúng thấy bạn đáng tin tưởng.
nếu con không còn khóc với cha mẹ, thì cha mẹ đừng nên vội mừng rằng nó đã học cách trưởng thành. khả năng cao là nó mất niềm tin vào cha mẹ rồi.
xây dựng niềm tin dần ngay từ khi con còn nhỏ thì dễ. sau này mất khó xây dựng lại.
tuỳ bạn cân nhắc kỹ mà lựa chọn.