Homeschool (p3): Tại sao tôi yêu thích việc tự dạy con ở nhà

Homeschool (p3): Tại sao tôi yêu thích việc tự dạy con ở nhà



Xin cho tôi bắt đầu post này bằng cách chia sẻ thành thực rằng trước khi có con, tôi không hề quan tâm đến trẻ con. Tôi dám chắc điều này không chỉ đúng với tôi mà đúng với không ít các cha mẹ khác. Phải, trước đó, tôi không hề thích chơi với trẻ con (mặc dù tôi thấy rất vui khi được dạy học cho trẻ con – và tất nhiên, có lúc chúng cũng khiến đầu óc tôi quay cuồng), và ngay trước khi sinh con, tôi cũng không chắc chắn về việc liệu mình sẽ giỏi chơi với con hay không, hay có bất kì suy nghĩ nào về việc mình sẽ là người mẹ kiểu gì.

Nay con đầu của tôi đã hơn 3 tuổi. Còn tôi thì đã tự dạy con học ở nhà từ khi bé biết đi và còn đang bập bẹ.

Khởi đầu quá trình dạy con

Trước khi con tôi được 2 tuổi, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng mình phải dạy tiếng Anh được cho con. (Và đó là khởi đầu của việc tôi tự ý thức được vai trò lớn lao của cha mẹ trong việc dạy con, và khởi đầu của một quá trình quan trọng.) Nhưng tôi cũng nghĩ đơn giản hơn nữa là khi bé tới tuổi đi mẫu giáo, tôi cũng sẽ cho bé đi mẫu giáo như các bé khác; còn tôi thì sẽ kiếm công việc toàn thời gian để thời gian biểu làm việc của tôi có thể khớp với giờ đi học của bé, để mẹ con tôi có thể có nhiều thời gian với nhau khi một ngày đi làm/đi học kết thúc.

Cuộc đời tôi có một số bước ngoặt quan trọng. Và một số bước ngoặt này là những điều hoàn toàn bất ngờ xảy ra một cách dường như ngẫu nhiên. Một mốc quan trọng thay đổi cuộc đời tôi (và cả con tôi) vĩnh viễn là khi tôi gặp một cặp vợ chồng chị bạn người Úc có con bằng tuổi con đầu của tôi. Chị vợ chia sẻ với tôi rằng chị sẽ hoàn toàn dạy con ở nhà. Khi đó, tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về homeschooling. Tôi đã trả lời khi chị hỏi tôi về việc đi học của con đại loại như sau: “Tớ cũng không chắc. Nhưng chắc là tớ sẽ gửi con đến trường như những nhà khác. Vì ở Việt Nam mà homeschool từ bé thì e không thể gửi vào trường khi lớn hơn được.”

Nhưng tôi có một điểm khác so với nhiều cha mẹ: Tôi có kinh nghiệm dạy học cho trẻ con, và cả người lớn. Và tôi đã băn khoăn nhiều tại sao hình thức học trên lớp không hiệu quả với trẻ em.

Đó là khởi điểm của việc tôi tìm hiểu về homeschooling, về cách thức học hiệu quả với trẻ em, và về vai trò của cha mẹ cũng như những lợi thế của cha mẹ nếu tự dạy con ở nhà.


Nguyên tắc dạy trẻ ở nhà

Có nhiều phản ứng khác nhau về lựa chọn này của tôi. Một kiểu phản ứng là cho rằng cha mẹ tự dạy con sẽ là một quá trình rất gian nan – vì làm sao cha mẹ có thể gánh vác được vai trò của cả một nền giáo dục và bao nhiêu thầy cô cũng phải chật vật mới có thể GẦN lo liệu được?

Ở một số post trước trong blog này, tôi đã chia sẻ nhiều suy nghĩ về homeschooling; tôi sẽ cố gắng không lặp lại ở đây.

Nếu bạn là người ủng hộ hình thức học truyền thống, bạn sẽ khó mà chấp nhận được cách tiếp cận của tôi: Con tôi có thể học bất kì lúc nào, dù đang ăn, đang đi siêu thị, đang chạy nhảy, đọc sách, sát giờ ngủ, đi vệ sinh,… và con tôi có quyền từ chối học bất kì lúc nào nếu bé không sẵn sàng hoặc nếu đang không trong tâm trạng để học. Khi tôi nói như vậy, nhiều cha mẹ sẽ không thể tưởng tượng ra được giờ học ở nhà của tôi với bé như thế nào.

Nguyên tắc dạy của tôi là: 

  • không có thời gian biểu cứng nhắc; không có địa điểm cứng nhắc; không có hình thức học cứng nhắc.
  • không có nội dung đúng hay sai, chỉ có nội dùng phù hợp hoặc không phù hợp với bé.
  • bé và mẹ đều phải ở trong tâm trạng thoải mái; không vui, không học.
  • không có ranh giới giữa chơi và học, bất kì lúc nào cũng có thể vừa là giờ học vừa là giờ chơi,
  • không đặt giới hạn thời gian theo mục tiêu học (như ở trường). Ví dụ như: tôi không bao giờ đặt mục tiêu con tôi phải học thuộc bảng chữ cái trong 1 tuần, hay học thuộc số đếm 20 tới 30 trong tuần tới.
  • không học thuộc lòng, không kiểm tra; chỉ có đối thoại giữa 2 mẹ con.
  • nhạy cảm với bé để nắm được khi nào phù hợp để dạy gì và khi nào nên ngưng. (Chỉ cần bạn nhạy cảm, quan tâm đến bé và đặt nhu cầu của bé lên trên hết, bạn sẽ dễ dàng nắm được lúc nào nên dạy bé.)



Tôi sẽ đưa ví dụ để cho thấy việc dạy con có thể đơn giản và rất hiệu quả (và không một thầy cô giáo nào có thể làm được) mà lại vô cùng dễ dàng, vui vẻ cho cả bố/mẹ và con, với điều kiện bố/mẹ phải hiểu được các nguyên tắc cơ bản. Nếu cắm đầu vào dạy mà không nắm được các nguyên tắc tôi đã nêu, cha mẹ dễ căng thẳng với bé, khiến căng thẳng lây sang cả bé – do đó, cha mẹ khó mà dạy, bé cũng khó mà học.

Ví dụ của con tôi

Trước khi lên 3, con tôi đã thuộc bảng chữ cái cũng như nhận diện số từ 1 đến 20 trong tiếng Anh. Khả năng này của bé trong tiếng Việt phát triển sau – vì một lý do khá đơn giản: tôi không lo lắng về khả năng của bé phải nắm được mọi thứ trong 2 ngôn ngữ cùng lúc. Thêm vào đó, các video dạy số cho trẻ em cũng như sách bằng tiếng Anh về đề tài này được thiết kế rất hiệu quả, phù hợp với trẻ nhỏ.

Tối qua, lúc 11 giờ kém khi 2 mẹ con tôi đang nằm trên giường chuẩn bị đi ngủ, tôi lấy điện thoại ra xem giờ và mở ứng dụng máy tính để làm một vài phép tính cần thiết thì bé nhìn thấy. Bé rất tò mò về ứng dụng và tỏ ra rất thích thú với các con số. Trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ: Đây là chính thời điểm dạy số từ 20 đến 100. Vậy là tôi ấn số trên điện thoại và dạy con tôi đọc số bằng tiếng Anh: đầu tiên là 20, 30, 40 cho tới 100 (sau đó là cả 200, 300, 400,..); sau đó là các số còn lại bất kì như 33, 45, 62, 73,…

Như nguyên tắc tôi đã chia sẻ, thời điểm đó phù hợp do hội tụ đầy đủ các yếu tố sau:

  • Con tôi đang trong tâm trạng thoải mái, lại tò mò.
  • Tôi cũng thoải mái, không bận bịu hay khó chịu gì.
  • Con tôi đã thuộc các số từ 1 -20, thậm chí có thể đếm đúng đến tận 33 với một chút giúp đỡ từ tôi.
  • Con tôi đã từng làm quen với số hàng trăm và hàng nghìn.
Giờ học đó chỉ ngắn ngủi, có lẽ chưa tới 10 phút khi bé thứ 2 nhà tôi mới được 6 tháng dậy và đòi ăn. Vậy là tôi vừa cho con bú vừa tiếp tục giúp bé lớn học. (Vâng, vào lúc 11 giờ đêm.) Lẽ ra là tôi đã ngừng, nhưng bé lớn vẫn muốn tiếp tục. Sự khác biệt lúc này (so với 10 phút trước đó) là: Bé tự cầm điện thoại ấn số lấy, và hỏi tôi “What’s this?”. Vậy là bé ấn thử từ số 2 chữ số này tới số 2 chữ số khác, còn tôi chỉ việc giúp bé trả lời đúng. Một vài lần đầu, tôi trả lời luôn cho bé. Các lần sau, tôi chỉ giúp bé nói phần đầu, bé tự đoán phần còn lại.

Ví dụ: với số 72, tôi nói “seventy- ” rồi ngừng lại, ra hiệu cho bé nói nốt; còn bé nói “two”. Nếu bé trả lời không biết, tôi sẽ giúp bé. Có lúc bé nhấn số 27 và đọc thành 72, tôi sẽ sửa lại cho bé.

Bài học quan trọng tôi rút ra từ việc dạy con


Bên cạnh các nguyên tắc mà tôi hiểu ra, còn có một số điều vô cùng quan trọng khác – những điều mà tôi sẽ không hiểu được nếu tôi chỉ cắm đầu đi dạy các bé không phải con tôi:

Mong đợi thực tế

Trẻ con (thậm chí cả người lớn) không thể nắm ngay được 1 nội dung mới sau 1 lần giới thiệu, vậy nên cha mẹ đừng bao giờ có mong đợi này. Đây là mong đợi vô cùng xa vời thực tế. Đây là mong đợi không hợp lý xuất hiện ở các thầy cô vì thời lượng trên lớp có hạn và mô hình học trên lớp từ trước đến giờ vẫn vậy. (Vâng, tôi cũng đã từng điên tiết vì học sinh của tôi không nhớ bài chứ! Và tôi dám chắc rằng có nhiều thầy cô không bao giờ hiểu điều này, và họ cho rằng học sinh lười hoặc dốt hoặc cả hai vì không nhắc lại được điều đã được dạy.)

Ví dụ trên không phải lần đầu tiên tôi dạy con tôi mà là lần thứ n. Vì vậy, tôi biết rằng để bé nắm được cách đọc số, tôi sẽ còn phải nắm bắt nhiều cơ hội khác để giúp con.

Vai trò của cảm xúc

Cảm xúc đóng một vai trò rất quan trọng trong việc học. Vì vậy, đừng cho rằng gây ra căng thẳng sẽ giúp được bé, đừng cho rằng hối thúc bé thì bé có thể học được. Càng thư giãn và càng thích thú thì bé càng dễ học, và cha mẹ càng dễ dạy.

Hãy kết hợp cả khiếu hài hước của bạn nữa. Sẽ rất hữu dụng! 

Học qua ví dụ

Học thuộc lòng không giải quyết được gì. Vì việc học thuộc lòng biến trẻ thành con vẹt – đúng như ta vẫn nói là học vẹt. Điểm quan trọng là trẻ nắm được nguyên tắc qua nhiều ví dụ để tự áp dụng.

Tôi vô cùng ngạc nhiên là với thâm niên đi dạy của nhiều giáo viên, lẽ ra họ phải hiểu điều này sớm hơn tôi rất nhiều và thay đổi cách tiếp cận với trẻ. Nhưng không. Rất nhiều giáo viên cho rằng trẻ không học được là do trẻ kém thông minh hoặc lười biếng. Và ngày ngày vẫn có rất nhiều giáo viên đọc qui tắc từ sách cho trẻ chép chỉ để học thuộc. Hoặc họ quá lười và bảo thủ để thay đổi cách tiếp cận, hoặc họ cho rằng trẻ không thể hiểu được những gì học đang giảng (vậy tôi không hiểu giảng tiếp để làm gì?), hoặc họ cho rằng trẻ không cần hiểu (vậy tôi băn khoăn họ đi dạy để làm gì?).

Những lý lẽ trên dẫn đến một điều quan trọng nữa mà tôi học được.

Người dạy phải sẵn sàng từ bỏ cái tôi của mình để tha thứ cho mình cũng như bỏ qua cho trẻ

Có lúc tôi dạy không thành công. Đó là bởi vì tôi nắm bắt sai thời điểm, chọn sai nội dung tại thời điểm đó, hoặc trẻ không hứng thú. Đây là điều rất bình thường. Tôi không hề coi đó là thất bại. Nhưng nếu bạn coi đó là thất bại, hoặc coi đó như một khiếm khuyết của bản thân, bạn phải biết bỏ qua cho bản thân mình để tiếp tục dạy trẻ. Đừng quá vướng mắc vào “thất bại” đó mà cho rằng mình không có khả năng, cũng đừng quá băn khoăn để tạo ra căng thẳng hoặc lo lắng cho lần dạy kế tiếp.

Nếu trẻ không hiểu, đó là do cách tiếp cận của bạn, không phải tại trẻ. Mỗi trẻ một khác; vì vậy, xin đừng cho rằng một cách tiếp cận đã có kết quả với trẻ khác chắc chắn sẽ có kết quả với con bạn. Bạn phải tự điểu chỉnh để cách dạy phù hợp với con bạn nhất có thể. 

Nếu trẻ không hiểu, rất có thể bạn không hài lòng. Nhưng đó không phải là lỗi của trẻ. Bố mẹ phải biết vui vẻ bỏ qua việc không hiểu đó.

Việc gì cũng vậy – càng làm thì càng dễ!

Như các kĩ năng khác, việc dạy con có thể khó bước đầu, vì chúng ta vẫn đang mò mẫm và thử nghiệm. Với nhiều lần thử và cố gắng, bạn sẽ hiểu được trẻ và nắm được các cách học và nội dung thích hợp với trẻ. Điều duy nhất quan trọng là: Bạn có đủ kiên nhẫn và quyết tâm hay không? Nói cách khác, bạn muốn hay không muốn?

Bạn không cần phải quyết định dạy con ở nhà hoàn toàn như tôi để có thể dạy con. Bạn có thể chỉ dạy con thêm vào cuối tuần hoặc bất kì lúc nào bạn thấy phù hợp cho cả con bạn và bạn.

Quyết định này không cần phải là 0% và 100% như trắng và đen. Nó có thể là 30% hoặc 50%.

Có người nói: Nhưng tôi có biết gì đâu mà dạy? Tôi mà biết thì tôi đã chẳng ngồi không. (Chà, sự thật là có rất nhiều người không thiếu kiến thức hoặc kĩ năng. Nhưng đơn giản là họ muốn để việc dạy con cho người khác lo.)

Tôi sẽ liệt kê cho bạn nhiều kĩ năng bạn có mà con bạn không có: đọc, viết, gọi tên số, làm các phép toán đơn giản cộng-trừ-nhân-chia hoặc sử dụng máy tính, cầm bút, tô màu, xếp hình, diễn tả được những điều mình muốn nói một cách dễ dàng, đi xe đạp, … và có thể là cả bơi, nấu ăn, gấp quần áo, bấm máy giặt, rửa bát,… Còn tôi thì muốn dạy con thêm cả các nguyên tắc lịch sự, biết dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi, các nguyên tắc sống, thói quen đọc sách,…

Tôi cũng không phải là người hoàn hảo. Trong quá trình dạy con, tôi phải tự học rất nhiều để giúp được con. Hãy nhớ đến khi bạn đi máy bay: Người ta luôn nhắc bạn trong các tình huống khẩn cấp, hãy nhớ đeo mặt nạ dưỡng khí cho bạn trước rồi mới đến con bạn.

Muốn giúp trẻ thì phải có khả năng tự giúp mình, tự “trang bị” hiểu biết cho mình trước.

Chúc các cha mẹ dạy con thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *