Làm sao để đánh giá trẻ cho đúng?

Làm sao để đánh giá trẻ cho đúng?



Năm nay tôi đã là mẹ của hai đứa trẻ – một đứa 4 tuổi, và một đứa 1 tuổi. Từ suốt thời gian làm mẹ cho tới tận bây giờ, một số câu hỏi tôi hay nhận được từ người lạ nhất là: “Nó mấy tháng/tuổi rồi?” Sau câu hỏi này, nếu bé nhà tôi chỉ mới có mấy tháng, câu tiếp theo là: “Được mấy cân rồi?” Nếu bé nhà tôi đã ngoài 1 tuổi, người lạ bỏ qua ngay câu hỏi về cân nặng, và “nhảy thẳng” vào nhận xét: “Còi quá!” Tệ hơn, có người vừa cười hề hề vừa nói: “Mẹ cho con ăn kiêng hay sao mà nó bé thế?” khiến tôi cảm thấy như thể … (xin lỗi) bị khạc nhổ thẳng vào mặt. Khi bé thứ hai nhà tôi được 1 tuổi mà chưa biết đi, cũng có người bĩu môi: “Chậm thế!”

Quả thực, tôi không hiểu cái văn hoá bắt chuyện người lạ có con như ở trên đã bắt nguồn ở đâu, và phát triển như thế nào. Bên cạnh để lộ ra cái “bí” của người hỏi chuyện (dạng như chả biết nói chuyện gì nên mới “phát ngôn lung tung”), kiểu nói chuyện như thế còn cho thấy họ không hiểu biết gì về trẻ nhỏ, và có văn hoá ứng xử vô vùng kém.

CÁC “TIÊU CHÍ” THÔNG THƯỜNG ĐỂ ĐÁNH GIÁ TRẺ NHỎ

Tôi xin liệt kê một số tiêu chí sai be bét thường được dùng để đánh giá trẻ nhỏ.

1 – Cân nặng

Sai! Rất sai! Vô cùng sai! Mỗi trẻ phát triển cân nặng ở tốc độ khác nhau. Các bé ăn sữa công thức thường nặng cân hơn các bé bú mẹ. Ngoài chuyện ăn gì, gene của bé cũng ảnh hưởng đến cân nặng. Theo thông tin khoa học mới nhất hiện giờ, một đứa nhẹ hơn 95% trẻ bằng tuổi chỉ là nhẹ hơn, và một đứa nặng hơn 99% trẻ đồng lứa cũng chỉ là nặng hơn thế thôi. Không chứng tỏ được điều gì! Có người chê con thứ 2 của tôi bé – trong khi bé hoàn toàn bú mẹ – bèn “khuyên” tôi cho con uống sữa công thức. Tất cả chỉ để BÉO, BÉO, BÉO. Vâng, hoan hô sữa công thức.

2 – Kĩ năng trẻ tự nhiên sẽ có được

Cái chuyện lẫy-bò-đi là chuyện không ai phải dạy trẻ. Đến đúng thời điểm trẻ sẵn sàng, trẻ sẽ tự lẫy, tự bò, tự đi. Mỗi trẻ một khác, không phải cứ 3 tháng là thời điểm “vàng” để lẫy, hay 7 tháng là thời điểm “vàng” để “bò”. Có trẻ còn chả lẫy, cũng chả bò, và chỉ lết mông, rồi cứ thế dứng dậy mà đi. 

Có một bà mẹ chia sẻ rằng: “Trước khi con tôi đi nhà trẻ thì bé không biết đi, không biết nói. Thế mà đi nhà trẻ về xong thì vừa biết đi vừa biết nói.” Vâng, chị ơi, con tôi không đi nhà trẻ cũng vẫn đi được, và nói tốt luôn đó. Liệu con tôi có phải … thiên tài không ạ?

3 – Sự tự tin (tức không sợ người lạ và đồng ý cho người lạ ôm, hôn ngay)

Con đầu của tôi ngày trước thường xuyên bị chê là nhát, vì bé không thoải mái trước mặt người lạ. Đây là phản ứng rất bình thường ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở giai đoạn 12-18 tháng. Thế nhưng nhiều người khi nhìn vào trẻ có biểu hiện này thì phán: Không hoà đồng! Phải cho đi nhà trẻ ngay!

Theo như định nghĩa “hoà đồng” này, thì người lớn chúng ta, khi gặp một người lạ không quen biết, cũng nên để cho người lạ đó nắm tay, ôm hôn, kể cả chúng ta không thích! Nếu bạn muốn làm quen với một đứa trẻ, tốt nhất hãy từ tốn, tỏ ra là người đáng yêu, quan tâm đến đứa trẻ đó, và rủ nó chơi một trò gì đó. Đây là bước làm quen cơ bản! Nếu nó không thích chơi với bạn, bạn cũng đừng nên “dỗi” mà quay ra phán xét nó. Thế gọi là bất lịch sự.

4 – Khả năng nhận diện chữ cái và số

Nhiều cha mẹ cuống hết cả lên khi con mới lên 3 mà không quan tâm đến bảng chữ cái hay số. Trời ơi, thế này làm sao mà học được? Tôi xin khẳng định với bạn 3 tuổi KHÔNG phải là thời điểm mà nhiều trẻ thích thú hay sẵn sàng cho việc học chữ và số. Thời điểm sẵn sàng của mỗi trẻ một khác, và mỗi trẻ cũng có những mối quan tâm khác nhau. Việc ghi nhớ chữ và số sớm không phải là bằng chứng cho thấy một đứa trẻ thông minh hay dốt hơn những đứa trẻ khác.

VẬY THÌ PHẢI ĐÁNH GIÁ DỰA TRÊN CÁI GÌ?

Tại sao chúng ta cứ phải so sánh, băn khoăn xem con chúng ta giỏi hay dốt, hơn hay kém đứa trẻ hàng xóm? Hậu quả của việc này chính là việc chúng ta không thể ngừng dùng những con số hay những nội dung kiến thức cụ thể để đánh giá trẻ, tức giận khi trẻ không thoả mãn được mong đợi của chúng ta.

Việc so sánh, băn khoăn của chúng ta bắt nguồn từ tâm lý sợ, sợ rằng đứa trẻ của ta không thông minh, nó sẽ khiến ta xấu hổ, nó sẽ cho thấy ta là cha mẹ tồi. Chừng nào ta còn tiếp tục dùng trẻ làm công cụ để thể hiện ta và đánh giá bản thân ta, thì chừng đó ta còn chưa biết cách nhìn nhận đúng về trẻ.

Mỗi đứa trẻ là một con người duy nhất, có một không hai, phát triển theo cách thức duy nhất, có những tiềm năng duy nhất. Y hệt như vân tay hay bộ não của nó vậy. Nếu phải đưa ra các tiêu chí đánh giá mới, tôi xin phép đưa ra một số gợi ý. Những tiêu chí này không phải để giúp bạn đánh giá xem đứa trẻ của bạn thông minh hơn ai, mà là để bạn hiểu trẻ hơn, và giúp trẻ phát triển tốt nhất trong khả năng của bạn.

1 – SỰ VUI VẺ, HOẠT BÁT

Khi ở nhà, bên cạnh cha mẹ (đây là môi trường thân thuộc và thường an toàn nhất cho trẻ), phần lớn thời gian trẻ có tỏ ra vui vẻ, hoạt bát hay không? Hãy quan sát cảm xúc của trẻ. Trẻ từ 1-5 tuổi sẽ có nhiều cơn “tam bành” tuỳ giai đoạn. Ngoài những cảm xúc này, con bạn có phải là một đứa trẻ hạnh phúc? Nếu có, con bạn đang phát triển tốt. Nếu không, bạn nên tìm ra nguyên nhân để xử lý kịp thời. Một môi trường giàu yêu thương là môi trường tốt nhất cho con bạn phát triển. Một môi trường khiến trẻ căng thẳng, lo sợ, hoặc có các cảm xúc tiêu cực khác, không nên là nơi con bạn nên tới.
Một số cha mẹ phàn nàn rằng con lì, bướng bỉnh, hư, không thể nói được, nên phải quát tháo, mà rồi cũng không có tác dụng. Trong trường hợp này, tôi cho rằng lý do một phần nằm ở mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ: Cha mẹ có lẽ chưa dành thời gian để chơi đùa với trẻ, làm bạn với trẻ, trò chuyện để hiểu trẻ.

2 – KHẢ NĂNG NGÔN NGỮ

Khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ phát triển tốt khi được cha mẹ hoặc người trông trẻ chủ động nói chuyện nhiều với trẻ. (Tôi đang nói đến các trẻ khoẻ mạnh, không có bệnh tật ảnh hưởng đến khả năng học nói.) Khi người lớn không quá chú trọng, trẻ có thể vẫn sẽ phát triển được ngôn ngữ theo các mốc phát triển thông thường, nhưng có thể sẽ có lượng từ vựng ít, không biết phải diễn đạt nhiều mong muốn như thế nào. Ngôn ngữ trẻ phát triển tốt cho thấy môi trường sống và sinh hoạt của trẻ là môi trường tốt. 

3 – SỰ KHOẺ MẠNH

Kén ăn là biểu hiện bình thường ở không ít trẻ. Cách tốt nhất để khuyến khích trẻ ăn và tạo thói quen ăn uống lành mạnh là cha mẹ tiếp tục chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và đa dạng cho trẻ.  Không đứa trẻ nào tự nguyện chết đói. Hãy cho trẻ ăn đúng giờ, không ăn vặt (hay lệch giờ vì sợ đói), và tiếp tục nhẹ nhàng khuyến khích trẻ tự lựa chọn thức ăn.

Thi thoảng trẻ có ốm cũng là chuyện bình thường. Một số cha mẹ lo lắng tại sao con họ ốm. Khi ốm chính là lúc cơ thể tự học cách đẩy lùi bệnh tật và trở nên khoẻ hơn. Cha mẹ hãy tự trang bị kiến thức y học cho bản thân để biết khi nào nên dùng thuốc cho con, khi nào nên đưa con đi khám ngay, và để tránh lạm dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh.

Muốn biết đứa trẻ khoẻ mạnh hay không thì bạn hãy nhìn vào các biểu hiện ở chính nó chứ đừng dựa vào cân nặng.

4 – SỰ TỰ TIN VÀ QUAN TÂM ĐẾN THẾ GIỚI XUNG QUANH

Một đứa trẻ khoẻ mạnh còn phải khoẻ mạnh về mặt tinh thần. Trẻ nhỏ luôn đặt câu hỏi về thế giới xung quanh. Hãy lắng nghe trẻ và trả lời các câu hỏi của trẻ. Nếu bạn không có lời đáp, hãy đi tìm câu trả lời. Tôi chắc chắn con bạn sẽ học được tính thật thà và ham học hỏi của bạn. Ngược lại, nếu bạn cho rằng câu hỏi của con không xứng đáng nhận được sự chú ý của bạn, thì chính bạn đang vô tình dập tắt tình yêu cuộc sống của trẻ.

Con tôi hồi 2 tuổi thường bị nhận xét là “nhút nhát”. Nay 4 tuổi, cháu thường xuyên tự tin làm quen với các trẻ đồng lứa, và với cả các trẻ nhỏ hơn và lớn hơn cháu. Cháu cũng rất tự tin giao tiếp với cả nhiều người lớn vô tình gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi chưa bao giờ rầy la con hay gây áp lực cho con: “Sao con nhút nhát thế? Sao con không ra chơi với bạn?” Tôi để cho cháu tự do lựa chọn chơi với ai, nói chuyện với ai. Khi cháu muốn làm quen với trẻ mà ngại ngần, tôi khuyến khích cháu bằng cách đứng cạnh cháu lúc đầu, và rồi đứng xa dần ra để cháu tự chơi với bạn. Nhiều người lớn khi gặp cháu đều nhận xét là cháu biết ăn nói (tức biết sử dụng ngôn ngữ để thể hiện điều muốn nói một cách rõ ràng), tự tin, và chững chạc.

5 – SỰ TỰ LẬP

Trở nên tự lập là một quá trình dài đối với trẻ. Tuỳ cách bố mẹ khuyến khích ra sao, trẻ có thể học dần cách tự làm mọi thứ từ rất sớm. Tự lập trong kĩ năng này có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn là kĩ năng khác. Bé lớn nhà tôi đã hoàn toàn tự ăn từ lâu, còn bé nhỏ thì có thể tự ăn bốc – tôi đã học cách giữ bình tĩnh, vui vẻ vào giờ ăn, và tin tưởng hai con.
Tôi cũng khuyến khích bé lớn cất đồ chơi, giúp tôi chăm em, tự lấy những thứ bé muốn, tự đánh răng tự đi vệ sinh, v.v… Tôi nói rõ với con rằng tôi không làm hộ con những việc con có thể làm được.


KHÁC BIỆT GIỚI TÍNH – CÓ HAY KHÔNG?

Thông tin cập nhật nhất của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ hiện nay cho rằng trẻ bé, dù là trai hay gái trong giai đoạn 0-5, đều có nhu cầu vận động ngang nhau. Sau khi tham khảo rất nhiều thông tin, tôi chưa bao giờ thấy các chuyên gia nói rằng trẻ trai thì bướng bỉnh hơn, hay trẻ gái thì dễ dạy hơn. Tôi cho rằng các cha mẹ chắc hẳn đã có mong đợi khác nhau cho trẻ gái hay trai, từ đó chính hành vi và lời nói của cha mẹ đã gây ảnh hưởng lên đứa trẻ.


 * * *


Tôi mong rằng các phụ huynh sẽ  học cách nhìn nhận trẻ theo một cách khác tích cực hơn. Cách cụ thể mà tôi nói đến ở trên đòi hỏi chúng ta phải học cách chấp nhận rằng trẻ là những cá nhân riêng biệt, có những mong muốn, ý thích, tính cách và các đặc điểm phát triển riêng. Đừng mất công tìm cách đánh giá trẻ! Tôi không hề đánh giá các con mình, mà chỉ nhìn nhận rằng hai đứa con của tôi là những đứa trẻ đặc biệt, đặc biệt NHƯ BAO ĐỨA TRẺ KHÁC. Các con số thực sự không nói lên được điều gì!


Nếu có tìm cách đánh giá thì hãy đánh giá cách chúng ta đang nuôi dạy trẻ, và môi trường xung quanh nơi trẻ đang sinh sống!



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *