Loạt bài chia sẽ của mẹ Hồ Thị Hải Âu. B3

CON ĐƯỜNG “KỶ LUẬT NƯỚC MẮT”

HAY LÀ TÌNH YÊU TRÀN ĐẦY TUỆ GIÁC

(Tiếp theo và kết thúc loạt bài về cách sử dụng hình phạt trong dạy trẻ) 


Lã Hồ Minh Khuê (từ Harvard University) Thứ Sáu ngày 13/12/2014: 

…”I am thankful for Mom, the greatest friend and companion I can ever ask for, who always has faith in me even when I doubt myself, who never questions my love for her even when puberty turned me into a rebellious and stubborn child….” 
“Tôi biết ơn Mẹ, người bạn tri kỉ và người đồng hành tuyệt vời nhất của tôi, người luôn đặt lòng tin vào tôi ngay cả khi tôi hoài nghi mình nhất, người không bao giờ hỏi tôi về tình yêu của tôi dành cho bà ấy, ngay cả trong những giây phút ương bướng, nổi loạn nhất của tuổi dậy thì”…

Trên đây là những tâm sự của con gái Minh Khuê, nhắc đến tình yêu của Khuê dành cho mẹ, đó là những dòng chữ luôn làm mình xúc động trào nước mắt. 

Mình trích những dòng cảm xúc của Minh Khuê để mở đầu cho bài chia sẻ về những quan niệm và tình huống sử dụng hình phạt trong quá trình đồng hành với con gái, như là một minh chứng cho quan điểm của mình: Dù có đôi khi buộc phải dùng hình phạt, nhưng nhất thiết nó phải được sử dụng bằng một tuệ giác thông thái, hiểu biết, một trái tim tràn đầy tình yêu vô điều kiện dành cho con cái… Nếu như thế, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc ngay trong cả “nỗi đau cần thiết” để vươn lên và cảm nhận giá trị cuộc sống! 

Trở lại với hai quan điểm giáo dục tạm gọi là “truyền thống” và hiện đại “Chỉ yêu thương là đủ”:

1/ Giáo dục kiểu Truyền thống:

(*) Yêu thương để trong lòng, không bộc lộ, không chia sẻ, không gần gũi con cái.

(**) Đề cao ý chí, nỗ lực, không quan tâm đến quy luật và tâm lý con cái.

(***) Đề cao triết lý: Sống vì lòng kiêu hãnh, niềm sĩ diện, truyền thống, vì người khác, hướng vọng đến tương lai mà không chăm sóc hiện tại. 

(****) Hình phạt và đòn roi là phương pháp huấn luyện được sử dụng phổ biến, thường xuyên, không giải thích phân tích.

Hệ lụy: 

– Chỉ số AQ (chỉ số vượt khó – ý chí) của những cá thể lớn lên trong nền giáo dục này thường rất cao.

-Có thể đạt tới thành công nhất định; hoặc thành công rất cao trong sự nghiệp. Tuy nhiên, nội tâm những cá nhân này thường bất an vì không cảm thấy hoan hỷ, vì luôn mặc cảm: “Nếu mình không thành công như thế này, thì với gia đình, mình chỉ là rác rưởi, vô giá trị.”

-Mối quan hệ cha mẹ – con cái có khoảng cách lớn, khó cởi mở, vì bản thân các thế hệ trước không có tập quán thể hiện tình yêu thương. Thậm chí, họ còn cực đoan đến mức: “Yêu cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi”, khiến các thế hệ cha mẹ/ con cái luôn tồn tại khoảng cách lớn.

– Hình phạt được sử dụng thường xuyên với kỳ vọng đè bẹp mọi ý chí “nổi loạn” cá nhân, có hai tác dụng trái chiều: hoặc giả vờ ngoan hiền, vâng lời, nhưng ý chí phản kháng nung nấu bên trong, chờ có cơ hội là bùng lên, thậm chí cực đoan đến chỗ phạm tội bạo lực; hoặc bị đè bẹp thật sự và sinh ra những cá nhân kém nhân phẩm vì cảm giác thấp hèn được nhen nhóm, ngay trong những trận đòn roi vùi dập từ tấm bé. Chỉ số EQ của những cá nhân này rất thấp (EQ – Trí tuệ xúc cảm) .

2/ Triết lý giáo dục “Chỉ yêu thương là đủ”: 

(*) Bộc lộ yêu thương nồng nhiệt, toàn vẹn, tràn đầy và dân chủ.

(**) Nhấn mạnh phát triển tự nhiên, năng lực tự nhiên của từng cá nhân.

(***) Đề cao đam mê của cá nhân, xu hướng cá nhân, miễn điều này làm cá nhân thỏa mãn, thích thú.

(****) Hình phạt bằng roi vọt- một công cụ bị lên án trong các giải pháp tình huống giáo dục trẻ chưa ngoan- ngược lại, luôn kêu gọi yêu thương, giải thích và kiên nhẫn chờ đợi.

Hệ lụy: 

-Các cá nhân thụ hưởng nền giáo dục này thường có chỉ số EQ cao, do được khuyến khích bày tỏ cảm xúc, quan điểm riêng.

-Có thể đạt tới thành công hoặc không thành công cao, nhưng vẫn cảm thấy hài lòng với bản thân, dễ hạnh phúc.

-Mối quan hệ cha mẹ và con cái rất dân chủ, bình đẳng, dễ cởi mở và chia sẻ hơn. 

-Hình phạt bằng đòn roi dường như không được áp dụng, nên cá tính cá nhân luôn có xu hướng lấn át. Đồng thời, do không bị đòi hỏi phải sống vì người khác, vì truyền thống, vì dòng tộc, nên ý thức cá nhân được lên ngôi, những cá nhân này có xu hướng sống vị kỷ, ít quan tâm đến người khác kể cả cha mẹ. Chỉ số AQ của những cá nhân này thường thấp.

Như vậy, từ việc phân tích hai tập quán giáo dục gia đình “truyền thống” và “làn sóng giáo dục Âu – Mỹ”, bạn sẽ nhận ra một hiểu biết quý báu, đó là trong tập quán nào cũng có hạt nhân hợp lý, khoa học, nhân văn của nó, đồng thời cũng tồn tại những mặt hạn chế ghi dấu lên ký ức tuổi thơ của cá thể thụ hưởng nền giáo dục ấy.

Bạn sẽ lựa chọn thế nào? Phần trên, mình đã viết rằng: “Quá trình đồng hành cùng con cái đến khi chúng trưởng thành, ví như bạn đang đi thăng bằng trên dây. Chỉ cần bạn mất trọng tâm, chỉ cần bạn thiên lệch về một bên nào đó, lập tức bạn sẽ bị ngã lộn nhào và thất bại là điều đương nhiên!”

(*) Tuy nhiên, bạn hãy chậm lại một chút, vì mình muốn lưu ý với bạn rằng, triết lý giáo dục “Kỷ luật nước mắt” của mình không phải là sự kết hợp đơn thuần, máy móc dựa trên cơ sở hai tập quán nêu trên. Nó được minh triết từ những hiểu biết sâu sắc về quy luật sinh tồn. 

Nhận diện một cách tỉnh táo hai tập quán giáo dục đang có những xu hướng quan điểm trái chiều nhau, mình nhận thấy mấy vấn đề lớn như sau: 

1/ NGUY CƠ THẢM HỌA CỦA TRIẾT LÝ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG HÀ KHẮC 

Đương nhiên, theo cách giáo dục này, đối tượng được giáo dục không được đặt vào trung tâm mà chính là người truyền thụ giáo dục được đặt ở trung tâm, thao túng chi phối, dẫn dắt đối tượng giáo dục theo ý chí chủ quan. Do đó, sự xung đột ngấm ngầm hay bộc phát giữa người truyền thụ (cha, mẹ) và người được truyền thụ (con cái) là chắc chắn có đó. Trước đây, khi hoàn cảnh quốc gia, đời sống xã hội Việt Nam còn nghèo nàn, các mối quan hệ xã hội tương đối đơn giản, thuần chất; của cải chưa dư thừa như bây giờ. Mặt khác, mối quan hệ làng xã – phường xóm khá chặt chẽ, mọi người trong cộng đồng cùng có ý thức giám sát con cái cho nhau, thì việc áp dụng triết lý giáo dục hà khắc, đòn vọt, xem ra không gây nhiều tác dụng phụ, cùng lắm là sự chia cắt sâu sắc trong lòng, khó hàn gắn lâu dài; các thế hệ sống trong nỗi oán trách, buồn tủi và ám ảnh tuổi thơ bầm dập. 

Tuy nhiên, thời đó vẫn là mảnh đất “Thiên đường” dành cho triết lý giáo dục hà khắc. Ngày nay, thời đại của vật chất dư thừa, xã hội trở nên phức tạp, hỗn độn với nhiều tệ nạn ngang nhiên tồn tại, các hệ thống giá trị xã hội xung đột nhau gay gắt, cùng tồn tại… khiến cho việc áp dụng triết lý giáo dục “truyền thống” rơi vào bế tắc, nguy hiểm và thảm họa. Trẻ không thể chấp nhận việc luôn luôn bị thao túng, chi phối toàn bộ bởi cha mẹ, trẻ tự thấy mình có quyền phản kháng bởi vì pháp luật bảo vệ. Nguy hiểm thay, khi cha mẹ dùng đòn vọt, tinh vi hơn đó là tình trạng bạo hành tâm lý, xúc phạm nhân phẩm, chà đạp giá trị bản thân của trẻ, thông qua ngôn ngữ: nhiếc móc, rủa xả kiểu như “đồ ăn hại” “đồ vong ơn bội nghĩa” “Đồ vứt đi, thà tao ị ra cục cứt cho chó nó ăn còn hơn đẻ ra mày” vân vân… sẽ lập tức dẫn đến việc thôi thúc trẻ bỏ nhà đi bụi. Và tương lai mờ mịt của nó là món quà của tuổi xế chiều cho các bậc sinh thành! 

2/NHỮNG RỦI RO NHÂN PHẨM TRONG TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CHỈ YÊU THƯƠNG LÀ ĐỦ

Tuy nhiên, triết lý giáo dục hiện đại theo trường phái Âu – Mỹ “Chỉ yêu thương là đủ” cũng chưa hẳn đưa đối tượng giáo dục vào trung tâm. Hơn thế nữa, triết lý Âu – Mỹ này, khi vào Việt Nam, nó đã thực sự bộc lộ sự khập khiễng, đem lại không ít hoang mang, bối rối dù vẻ ngoài hào nhoáng vẫn có thể ru ngủ nhiều người chưa có trải nghiệm nào. Mình có mấy câu hỏi phản biện cho triết lý giáo dục này: 

“- Bạn định nghĩa thế nào là PHÁT TRIỂN TỰ NHIÊN?” – Phải chăng đó là việc trẻ chỉ làm những gì nó thích? Tự do sáng tạo, tự do thể hiện bản thân? 

Nhưng bạn có thấy, ngầm bên trong những câu chữ này là những chiếc “khóa” rất “không tự nhiên!” Rằng: “Sáng tạo” – là một phẩm chất phải được rèn luyện, khổ luyện, học tập, tăng tiến lâu dài mới kết tinh được, do đó, nó không “tự nhiên” mà có được. “Tự do” là một khái niệm rất mơ hồ và tương đối trong xã hội loài người. Ở đâu, và thời nào “Tự do” cũng nằm trong khuôn khổ. Do đó, nếu con bạn không được rèn luyện, huấn luyện để có được KỶ LUẬT TỰ GIÁC, kỷ luật nội tâm vững vàng, đương nhiên nó sẽ bị cưỡng bức vào kỷ luật, vì nếu không, nó trở thành kẻ vô tổ chức, phá bĩnh, quấy rối và đây là điều xã hội không cho phép. Slogan “Để trẻ được tự do thể hiện bản thân” nghe rất hay ho, nhưng nếu sự tự do ấy không được xã hội đón nhận, thì làm sao thể hiện được giá trị bản thân nữa? 

Cuối cùng: (*) Muốn có “Tự do” – bạn vẫn phải có kỷ luật tự giác, vẫn phải có khả năng tự kiểm soát cao, mà những phẩm chất ấy không thể “TỰ NHIÊN” mà có được, nó là phẩm chất xã hội, là phẩm chất phải rèn luyện, tập dượt lâu dài. Trừ phi, bạn chọn cách vào hang sống như người tiền sử, tách hẳn với xã hội loài người! 

(*) Muốn có sáng tạo (nhấn mạnh tính độc lập tự chủ) thì bạn phải có thời gian rèn luyện năng khiếu, tiềm năng để trở thành phẩm chất – và đó là quá trình bạn phải có kỷ luật tự giác, có khả năng khép mình vào nguyên tắc xã hội, để tham gia lớp học, khổ luyện lâu dài. 

Vậy, những cá nhân được thụ hưởng triết lý giáo dục “Chỉ yêu thương là đủ” theo lối nghĩ giản lược, hời hợt có thực sự gặt hái được những phẩm chất để có được như kỳ vọng “phát triển tự nhiên, làm công việc mình thích thú, tự do sáng tạo” như cha mẹ họ ảo tưởng, một khi không đưa con vào kỷ luật và khổ luyện? Những cá nhân ấy có cảm thấy phúc lạc, tự tin và quý trọng bản thân không? Mình xin trích lời tâm sự chân thành của một bạn nữ người Hà Nội gốc như sau: 

“Em vô cùng đồng ý với quan điểm trang bị kĩ năng đương đầu với cạnh trạnh cho trẻ của chị. Cảm ơn chị đã viết ra cho em thêm vững tin khi lựa chọn con đường này. Chia sẻ một chút với chị: trong khi chị chia sẻ chị chịu ảnh hưởng cách giáo dục hà khắc của bố mẹ chị, thì em dường như lại được hưởng cách giáo dục êm ái của bố mẹ em. 

Hình như, bố mẹ em là thế hệ sau bố mẹ chị, nên phát huy làn sóng giáo dục”Chỉ Yêu thương là đủ”. Bố mẹ em luôn đối xử tôn trọng con cái như bạn bè, cho học hành tới đâu thì tới, không muốn con áp lực như chị kể. Em biết điều đó cũng tốt. Nhưng đúng là khi lớn lên, em mơ hồ nhận thấy mình có một cái gì đó gọi là nội lực yếu kém. Em hay bị sốc hoặc không có kĩ năng đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Điều đáng buồn hơn là những em họ em cũng tầm tuổi em, mang danh là những thanh niên Hà Nội gốc, mà lớn lên chả làm được việc gì ra hồn, lớn tướng vẫn ăn bám bố mẹ, dựa dẫm vào bố mẹ kể cả khi lấy vợ, có con, hẳn đó là do cách giáo dục được hưởng khi tấm bé. 

Ngược lại, chồng em xuất thân từ quê nghèo khó, cả tuổi thơ vất vả, nhưng ý chí của anh ấy rất mạnh mẽ, khiến em vô cùng nể phục. Em luôn thắc mắc vì sự đối lập đó. Giờ thì đọc bài của chị em đã hiểu được nhiều rồi”.

Hiện tại, không ít bậc cha mẹ là trí thức, doanh nhân thành đạt đang tìm kiếm mô hình cho triết lý giáo dục “Chỉ yêu thương là đủ” bằng cách cho con cái du học sớm (từ bậc PTCS) ở các nước văn minh Âu – Mỹ. 

Mình cũng gặp không ít cha mẹ chọn cách cho con vào trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội hay TPHCM. Mình gặp họ trong những tình huống kém vui, đó là khi họ muốn chia sẻ với mình tình cảnh con cái họ, tuy học trường Pháp, trường Mỹ, trường Sing hay Úc… thường vẫn gặp những biểu hiện rắc rối trầm trọng, nặng nề về tâm lý như trầm uất, trầm cảm, khó giãi bày, cục cằn, tự cô lập, tự kỷ, ích kỉ, yếu đuối, vân vân. 

Mô tả quang cảnh trong gia đình một doanh nhân thành đạt, cô con gái 14 tuổi đang học trường Quốc Tế P. trở về:

“Cô bé xô cửa bước vào nhà. Trong phòng khách, có rất nhiều người là họ hàng, ông bà, cô dì chú bác của cô bé đến chơi. Mọi người quay lại, chờ đợi lời chào hỏi của cô bé, đáp lại, cô nheo mày tỏ vẻ không hài lòng, cô bé nghĩ: “Vì sao mọi người lại tụ tập đông đúc như thế, trong khi, nhà riêng là nơi để mình trở về nghỉ ngơi, thư giãn”. 

Nghĩ vậy, cô gượng cười, rồi chào chung một tiếng: “Bông – rua!” Giơ tay vẫy vẫy rồi đi thẳng lên thang gác. Mọi người há hốc mồm vì ngạc nhiên, vì tại sao cháu nội lại chào hỏi ông bà, cô dì chú bác của nó kiểu tức cười vậy? Mẹ cô bé chạy theo gọi giật, yêu cầu cô bé quay lại để thể hiện sự lễ phép, ân cần đúng với khuôn phép gia đình Việt. Nhưng cô bé chỉ ngoái đầu, nói bằng thứ tiếng vừa Pháp vừa Anh với mẹ cô, đại ý: Mẹ có biết mẹ đang xâm phạm quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ của con không? Nói rồi, cô vào phòng, đóng sầm cửa lại, không quên ngoắc tấm biển ghi rõ: “Tôn trọng quyền riêng tư!” Bà mẹ sựng lại trước cánh cửa đã sập lại, và dòng chữ lạnh lùng vô cảm ấy. Trong phòng, cô bé ôm mặt khóc nức nở vì cảm thấy bị tấn công bởi sự kỳ thị, ghẻ lạnh của người thân. Dưới phòng khách, mọi người lặng lẽ ra về trong tâm trạng nặng nề, mất vui. Người mẹ một mình trên sô – pha, ôm mặt khóc. Sự việc lặp lại nhiều lần, cuối cùng, cô bé nói: Con ghét gia đình này, con cũng ghét phải đi học… 

Bác sỹ tâm lý của cơ sở giáo dục đó đã kết luận “cô bé có dấu hiệu trầm cảm”, còn mình thì nhìn thấy sự suy kiệt, mệt mỏi, lo âu cố kìm nén của mẹ cô bé – người thiếu phụ thành đạt và xinh đẹp đã nhiều lần đến tham vấn ý kiến của mình. Nước mắt và nỗi đau khổ đã rơi trong những lần trò chuyện không dứt ấy. 

Thế đó, “Chỉ yêu thương là đủ” một cách thiếu cân nhắc, thiếu hiểu biết và tư duy thiên lệch, nhị nguyên, đã khiến một đứa trẻ tưởng như được trang bị để hạnh phúc hơn mọi đứa trẻ khác, lại trở nên tội nghiệt, xung đột nội tâm sâu sắc đến độ khó tháo gỡ, nếu không có cái nhìn tỉnh táo và dũng cảm của người mẹ để giúp trẻ vượt qua. 

Bạn thử nghĩ xem: Có mấy gợi ý mình đưa ra, để bạn tham chiếu: 

1/ Mình không bình luận gì hệ thống giáo dục của trường Tây tại bản địa. Tuy nhiên, khi họ bốc 1 cơ sở sang Việt Nam, họ phải thay đổi một số chuẩn mực để phù hợp với môi trường Việt Nam. (*) Tại VN, họ không tuyển học sinh theo tiêu chí đối tượng học sinh, vì đơn giản họ “tuyển” học sinh theo năng lực tài chính và khả năng chi trả của cha mẹ. Do đó, chất lượng học sinh lổ đổ, khấp khểnh là đương nhiên. Kéo theo, giáo trình phải hạ thấp nhất để đáp ứng với đối tượng thấp nhất, dễ nhất. Đương nhiên sẽ tạo cảm giác dễ thỏa mãn, dễ được vuốt ve của phụ huynh và học sinh.

2/ Những cảm hứng tự do, đòi hỏi quyền tự do cá nhân, thói quen dân chủ, những tập quán ứng xử văn minh hấp dẫn của bản quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, được mang theo cùng với mô hình cơ sở giáo dục ấy, tuy nó thực sự là những giá trị lớn đáng trân trọng và đáng noi theo, những giá trị mà người bản quốc đã phải kiên trì cách mạng, phấn đấu nhiều trăm năm mới có được, oái oăm thay nó lại là điều khó chấp nhận, gây sốc và ở một mức độ nào đó, thật sự nó phản giáo dục! Lý do: Đứa trẻ “made in VN” còn non nớt, đang sống trong môi trường mà mọi người xung quanh đều cư xử với nhau theo tập quán Việt, quan niệm truyền thống. Khi nó vừa bước ra khỏi nhà, nó nhìn thấy một xã hội Việt Nam với nhiều phức tạp mà nó không thể quán sát hết. Sau hành trình vài ba km ngồi trên xe hơi cùng cha mẹ, nó bước vào một cổng trường mà mọi triết lý giáo dục, ngôn ngữ, thầy cô ở đó đều đặc sệt Pháp, hay Anh hay Úc hay Mỹ vân vân. Bạn hãy hình dung đi, sự giằng xé, xung đột triết lý giữa các hệ thống giáo dục, hệ thống giá trị thể hiện ngay trong mọi ứng xử của khách quan, liên tiếp dội vào nó, khiến nó lúng túng, lo âu, mất phương hướng, không biết đáp ứng ra sao? Nó Không hiểu mình là ai? Là người Việt cũng không hẳn, bởi những điều nó học không hẳn là những hiểu biết về dân tộc Việt Nam? Bởi lũ bạn bè xung quanh không nói tiếng Việt và tập quán Việt? Nó là người bản quốc của mô hình giáo dục mà nó được cha mẹ gửi vào ư, điều này thì quá mơ hồ? Nó chới với và nó rơi vào rắc rối nội tâm, xung đột nội tâm thường xuyên và hệ thần kinh, tâm lý còn yếu ớt của nó không thể chịu tải, nó trở thành người bệnh! Đây là bi kịch điển hình cho thái độ chạy theo triết lý “Chỉ yêu thương là đủ” hiện đang là một thách đố với những bậc cha mẹ Việt trước thực trạng nền giáo dục công đã không làm được điều họ kỳ vọng! 

MINH KHUÊ AM HIỂU QUY LUẬT SINH TỒN TRONG TỰ NHIÊN 

THÁI ĐỘ CHUNG GÁNH TRÁCH NHIỆM

ĐÓ LÀ CON ĐƯỜNG “KỶ LUẬT NƯỚC MẮT” CỦA HAI MẸ CON! 

Ngay từ nhỏ, Minh Khuê được mẹ rất lưu ý đến việc dành thời gian và một phần cuộc sống để trải nghiệm với thiên nhiên và quan sát đời sống động vật. Những bộ phim khoa học về thế giới động vật hoang dã được mình chú ý sưu tầm, nhằm cho con gái xem và bồi dưỡng nhận thức về giá trị xã hội, tính kỷ luật bầy đàn của động vật trong hoang dã. 

Minh Khuê (khi đó 3-4 tuổi) sau khi xem phim đàn voi di trú, đã hỏi: 

“Vì sao voi con luôn bám sát mẹ nó?” 

Mẹ: – Dù trong một đàn lớn đang di chuyển, những chú voi con đều bám sát những con voi khỏe mạnh, răm rắp tuân theo những chỉ dẫn bằng cử động của đầu đàn, vì nó hiểu đó là cách tốt nhất để nó không bị sư tử vồ chết, hoặc bị lạc đàn! Đó là tính kỷ luật tự giác con gái ạ! 

Minh Khuê: 

“Vì sao đàn ngựa hoang chỉ chạy theo một đường mà con ngựa trắng đang chạy dẫn đầu?”

Mẹ: – Vì con ngựa bờm trắng là con ngựa cái đầu đàn, nó rất thông minh, can đảm và am hiểu vùng đất nó đang sống, nên nghe theo và tuân thủ sự hướng dẫn của nó là đảm bảo sinh tồn của đàn ngựa, nếu không có thể bị rơi vào vòng vây của lũ sói tàn ác hay lạc vào hoang mạc khô nước, không có thức ăn sẽ chết đói. Đó là tính kỷ luật tự giác của những con vật hoang dã vì bản năng sinh tồn của chúng. 

Những cá nhân vô kỷ luật cũng bị trừng phạt bằng cách bị con đầu đàn đánh đuổi chạy thục mạng. Nó hoảng sợ và tất nhiên sau đó nó được gia nhập bầy đàn, khi đã bị bỏ đói và mệt lử. 

Minh Khuê: Tại sao con ngựa đầu đàn lại đánh đuổi con ngựa đen nghịch ngợm?

Mẹ: – Vì nó vô kỷ luật nên có thể gặp nguy hiểm là bị hổ vồ, bầy sói xông vào xé xác, nên con ngựa đầu đàn phải trừng phạt nó, để nó hiểu nó vừa phạm sai lầm vô cùng nguy hiểm, sự trừng phạt là cách để báo hiệu tình trạng nguy hiểm đang đến gần, đánh thức bản năng sinh tồn của bầy đàn mạnh mẽ hơn! 

Cứ như thế, bằng những hình ảnh trực quan sinh động của đời sống động vật, Minh Khuê am hiểu dần “việc đưa mình vào kỷ luật, biết tuân thủ những chỉ dẫn của con đầu đàn là hành động sống còn để sinh tồn và đảm bảo an toàn cho bản thân khi còn bé. 

Minh Khuê: Bố cũng là con đầu đàn mẹ nhỉ?

Mẹ: – Ừm, ở nơi công tác, bố cũng là một con đầu đàn giỏi! Thế hai mẹ con mình, ai là đầu đàn nhỉ?

Minh Khuê: Tất nhiên là mẹ Âu rồi, mẹ là con đầu đàn giỏi nhất! Minh Khuê vừa nói, vừa nhoẻn cười rạng rỡ, như một lời khích lệ quý giá dành cho mình. 

Đưa được khái niệm “Kỷ luật tự giác” và yếu tố “Chấp hành mệnh lệnh của con đầu đàn” vào hiểu biết về “bản năng sinh tồn” một cách sâu sắc; đã khiến Minh Khuê tự hình thành, bồi đắp khả năng rèn luyện tính kỷ luật nội tâm mà không phải áp đặt, cô bé được xây dựng tâm lý tin cậy và đồng thuận trong những quyết định của con đầu đàn có tên “Mẹ Âu” bằng sự thuyết phục thông qua những thước phim về cuộc sống bầy đàn trong thế giới động vật hoang dã. 

Trong suốt hành trình làm bạn cùng con gái, những khi nhẹ nhõm, thư giãn, mình đều tìm mọi cách biểu đạt để nhắn nhủ con rằng: Mẹ yêu con vì mẹ cần có con để biết mình vượt lên chính năng lực bản thân tới đâu. Mẹ yêu con – và như thế là quá đủ với mẹ. Cảm ơn con luôn ủng hộ mẹ, không chỉ những khi đồng thuận mà ngay cả những thời khắc cam go, xung đột suy nghĩ giữa hai mẹ con mình. Những khi mẹ nổi giận, con hãy hiểu, đó đơn giản là giới hạn của sự an toàn đã qua, rằng mẹ nhận ra sự nguy hiểm, nếu hai mẹ con mình không khắc phục thực trạng. Những khi ấy, con hãy bình tâm nhé, hãy nghĩ thế này: đó là cơn giận đang lên tiếng chứ không phải là mẹ Âu xinh đẹp. Những từ ngữ quá quắt nếu mẹ nói lúc ấy, chẳng có giá trị nội dung, nó chỉ cho thấy mẹ đang mất kiểm soát và lúng túng, con hãy giúp mẹ bình tĩnh nhé! Mẹ cũng chỉ là một người đàn bà bình thường, có chăng, sự đặc biệt của mẹ chính là ở chỗ, mẹ tin tưởng vững chắc rằng, mẹ là người yêu con nhất trên hành tinh này! 

Những lúc ấy, Minh Khuê thường nói: Chúng ta là một đội mà mẹ, một đàn thì phải bảo vệ nhau!

SỰ CHUẨN BỊ TÂM THẾ TỪ RẤT SỚM CHO CHẶNG ĐƯỜNG GIÁO DỤC “TÍNH KỶ LUẬT TỰ GIÁC” CHO CON, SỰ TUÔN CHẢY TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN MỌI LÚC MỌI NƠI, CÁCH CƯ XỬ CHÂN THÀNH, DÂN CHỦ, CẦU THỊ, KHIÊM NHƯỜNG, THẤU HIỂU CỦA MÌNH TRƯỚC CON GÁI TRONG DÒNG CHẢY KHÔNG NGỪNG CUỘC SỐNG … TẤT CẢ ĐIỀU ĐÓ CHÍNH LÀ BỆ ĐỠ LÀ CON ĐÊ VỮNG CHÃI ĐỂ LÀM CHỖ DỰA TINH THẦN TRONG NHỮNG TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM BUỘC PHẢI DÙNG HÌNH PHẠT. Nó khiến cho những tình huống ấy tuy căng thẳng, mệt mỏi, nhưng không bế tắc, có sự lay động sâu sắc, do cả hai mẹ con đều tự đẩy mình vượt lên giới hạn chịu đựng để tìm thấy mình ở một vị thế cao hơn, trưởng thành hơn, gắn bó hơn sau khi đối đầu với những xung đột. 

Đây là câu mình hay la lối mỗi khi Minh Khuê ngậm thức ăn, cả khi Minh Khuê đã 5-6-7 tuổi, hoặc khi cô bé ói ra tất cả những gì mẹ cặm cụi dậy từ 5h sáng để ninh nấu, chế biến cho cô bé có được bữa sáng thực dưỡng, trước khi đưa cô bé đến trường Tiểu học: 

“- Mẹ yêu con lắm, con biết không? Nhưng mẹ mệt quá, mẹ yêu con suốt đời nhưng bây giờ mẹ cũng cần khóc nghe chưa, nghe chưa?” – Rồi mình ngồi thụp xuống, ôm mặt khóc nức nở. Đương nhiên, hình ảnh ấy làm Minh Khuê sợ, cô bé chuyển sự chú tâm vào nỗi buồn của mẹ, quên đi chứng nôn trớ. Cô bé rơm rớm nước mắt, chạy lại ôm mẹ vừa mếu máo vừa nói: “Con xin lỗi mẹ, con sẽ cố gắng mẹ ạ!” 

Sự thực là, ngay cả khi mình la hét, mình vẫn không ngừng nỗ lực truyền tới con gái thông điệp “Mẹ yêu con vô điều kiện! Mẹ yêu con ngay cả khi con mắc lỗi! Mẹ yêu con ngay cả khi mẹ nổi giận vì hành vi xấu đáng giận nào đó. Nhưng con và hành vi đó không bao giờ là một! Con là cuộc đời mẹ, còn HÀNH VI XẤU là người khách không mời mà đến, nên chúng ta sẽ nỗ lực để tống tiễn họ đi! “ 

Sự thật là trên hành trình đồng hành cùng con, mình khóc rất nhiều, la hét cũng nhiều lắm, nhưng không bao giờ thóa mạ, chì chiết, xỉ nhục hay mạt sát nhân phẩm con cái. Đây là điều cấm kỵ tuyệt đối, nhưng lạ thay, nhiều bậc cha mẹ lại mắc vào sai lầm này. Thật đáng tiếc và đáng trách vô cùng! 

Trong những cơn bực bội cần giải phóng, điều mình thường lặp lại với con rằng: “Mẹ yêu con bằng cả đời mẹ, với mẹ thế là đủ, mẹ không cần con yêu mẹ! Nhưng con hãy tin rằng, điều mẹ dạy con, yêu cầu con làm không phải vì quyền lợi của mẹ, mà đó là mẹ đang truyền cho con kỹ năng để sau này con sống với người dưng thảnh thơi. Mẹ nói là vì con, cho con… con không cần phải yêu mẹ, nhưng hãy ghi nhớ lời mẹ dặn!”

Và, đây là một tình huống mình đã dùng roi với Minh Khuê. Cô bé bị điểm kém môn Tiếng Việt thực hành – mình nhớ đó là năm Khuê học lớp 5. Tuy nhiên, điểm kém ấy không phải vì lỗi kiến thức mà do lỗi trình bày CẨU THẢ. 

Bản thân Khuê khi báo cáo điểm kém cho mẹ, cô bé đã nhận thức được mức độ trầm trọng của cái LỖI NHỎ (điểm kém) NHƯNG Ý NGHĨA LỚN (thói cẩu thả -một trong những thói xấu mà mình nhấn mạnh uốn nắn con hàng ngày) . Khuê rất hiểu, mình luôn rèn con sự cẩn trọng và không bao giờ được phép cẩu thả. 

Khác với nhiều cha mẹ Việt, trong tiềm thức và ứng xử, họ luôn nghĩ con cái họ rất đặc biệt, rất khác biệt và có tiềm năng vượt trội khác người nào đó. Mình ngược lại, mình luôn nhắc con sự giản dị và bình thường của bản thân. Do đó mình nhấn mạnh phẩm chất tự rèn luyện, bền chí, khiêm nhường, không chủ quan, không cẩu thả, không xem nhẹ, không được phép đánh giá dễ dàng mọi việc. Cuộc sống thường ngày, bằng trực quan sinh động, bằng chính thói quen trong lao động, làm việc của hai mẹ con, luôn luôn nổi bật những giá trị mình đề cao đó. Do đó, khi mắc lỗi, Minh Khuê tự nhận thức, đó là một lỗi sẽ phải nhận hình phạt. 

Như vậy, về hiện tượng, bạn đừng vội kết luận, mình sử dụng “hình phạt” vì con nhận điểm kém như cách thông thường theo tập quán giáo dục truyền thống hà khắc. Đây là tình huống điểm hình, trùng hợp, làm bộc lộ một thói quen rất xấu của trẻ (tuy nhiên, với nhiều cha mẹ lại bỏ qua lỗi này, vì quan niệm CẨU THẢ chỉ là lỗi nhỏ)

“Mình nghiêm khắc hỏi, con muốn nhận hình phạt gì?

“Con muốn mẹ đánh đít! 

Mấy roi? 

Năm roi ạ! 

Mình giận lắm, rút chiếc roi được vê chặt bằng tờ báo “Lao động” mình chuẩn bị sẵn từ lâu, dấu sau kẽ tủ. Chiếc roi được làm bằng cách vê tròn, hình trụ từ một tờ báo khổ rộng, nhằm tránh việc khi nổi giận đánh con bằng những thứ gây tổn thương nặng nề. Mình vụt vào mông cô bé đang đứng bám hai tay vào chiếc ghế đẩu. 5 lằn roi hằn vào mông, đỏ ửng, cô bé quắn mông chịu trận, nước mắt lăn trên má. Mình vứt roi xuống, rồi ôm mặt khóc. Mình bắt đầu “mở máy”, kể lể rằng, mẹ đã dày công dạy con bao lâu để con hiểu, cẩu thả và chủ quan là kẻ thù của sự thành công và trưởng thành. Mẹ đã làm gì sai khiến con không tin cậy và tuân thủ điều mẹ dạy tốt cho con? Mẹ có đáng để bị con đối xử như thế không? Vân vân… 

Cô bé khóc. Mình lấy tay quệt nước mắt, rồi chuyển qua nghệ thuật “kích tướng”: Sao lúc con quyết định làm ẩu, chỉ lấy tay gạch chân trong bài kiểm tra mà không dùng thước kẻ, sao lúc ấy con không khóc, vì đường nào chẳng biết cô sẽ phạt nặng lỗi này? Bây giờ đau một tý đã khóc?

Minh Khuê: Con không khóc vì đau ạ, con khóc vì con thấy con có lỗi rồi, con ân hận lắm mẹ ạ!

Thế là hai mẹ con ôm nhau khóc. 

Lần sau, khi Minh Khuê mắc lỗi tương tự, kiểu đề toán là số 17 cô bé viết vào bài là 71… nên đáp án sai bét. Khi mình hỏi, con muốn nhận hình phạt gì, cô bé đã nói: Con xin mẹ đừng đánh con. Không phải vì con sợ đau mà vì con hiểu, con đau ở mông còn mẹ đau trong tim. Lần trước, con giả vờ ngủ, nhưng con biết, đêm nào mẹ cũng ngồi xoa dầu lên mông cho con, mẹ cứ khóc thút thít một mình… 

Thế đấy, bạn đã thấu hiểu cách mình biểu đạt “KỶ LUẬT NƯỚC MẮT” của chúng mình chưa? Đó chắc chắn, không phải chỉ là hình phạt dành cho con bạn – người được thụ hưởng cách giáo dục của bạn. Mà, thực chất là hình phạt dành cho cả hai – hình phạt được nhìn nhận, phân tích và cho thấy đó là cách thức “buộc phải”, không dễ đưa ra và nó có ý nghĩa phạt cả người dạy lẫn người thụ hưởng. 

“Đồng chịu trách nhiệm” và cảm giác chịu chung hình phạt, sẽ khiến đứa trẻ không bị áp lực của cảm giác bị ghẻ lạnh, bị chà đạp, bị phân biệt đối xử. Hơn nữa, hình thức người dạy và người thụ hưởng cùng gánh chung hình phạt, có tác động lên tình cảm hối lỗi một cách mạnh mẽ, thái độ tự nhận phần trách nhiệm, thái độ hợp tác để sửa lỗi ở trẻ rất rõ rệt, tích cực. Trong hành trình của hai mẹ con mình – hình phạt – nó là thể hiện sự bùng nổ sau mọi nỗ lực khác mà bất lực, Hình phạt – không nên lạm dụng, bởi nó là trạng thái nguy hiểm mà cả hai mẹ con sẵn sàng đương đầu, để bộc lộ những hiểu biết mới, làm mới suy nghĩ, gắn kết nhau hơn sau xung đột, để quá trình đồng hành ngày một có thêm độ tin cậy và cam kết mật thiết. 

Dù gây nên đau, dù gây tổn thương, nhưng có những tình huống buộc phải sử dụng hình phạt, bởi theo quan điểm của mình, đó là liệu pháp tâm lý gây “sốc điện” có tác dụng tích cực lên tâm trí người dạy và tâm trí người thụ hưởng, “báo động” về một giới hạn chịu đựng, giới hạn nhân nhượng đã hết. Một hình phạt được sử dụng có cân nhắc và đúng mức sẽ có tác dụng như một tín hiệu báo động tình trạng đã bước vào nguy hiểm, khiến đánh thức bản năng, tiềm thức, tâm thức của đứa trẻ cũng như của người huấn luyện là cha mẹ nhận thấy, mình phải thay đổi hành động và thái độ ứng xử để cải thiện tình hình, nhằm tìm lại trạng thái cân bằng và an toàn cần thiết! 

Hình phạt đúng chỗ, đúng lúc vào khi mà mọi giải pháp khác đã được áp dụng kiên trì trong nhiều thời gian mà không đem lại hiểu quả rõ rệt, thì liệu pháp tâm lý “sốc” sẽ có tác dụng đánh thức tức thời, nhậy cảm tức thời những thói quen bị sức ỳ và thói bảo thủ trì níu. Cải thiện tình hình rõ rệt./.

GHI CHÚ: Đây là toàn bộ lá thư của Minh Khuê, viết vào ngày Thứ 6 ngay 13/12/2014 – đúng một năm sau, thời khắc Minh Khuê nhận được thư chúc mừng trúng tuyển của trường Harvard University: 

“13/12/2014: Tôi cảm thấy choáng ngợp, ngạc nhiên khi nghĩ về những điều tôi đã trải qua trong 365 ngày vừa mới, hay nói cách khác, rằng tôi đã thay đổi thế nào khi lúc này đây, tôi đang ở một nơi cách nửa vòng trái đất với nơi mà từ đó tôi ra đi…

Đó là Thứ Sáu ngày 13, lúc 3:29 chiều (giờ Harvard), khi lá thư đến nơi, và nó làm tôi không thốt nên lời. 

Chúng tôi ôm nhau, tôi có thể cảm nhận nhịp tim mẹ rộn lên vì vui sướng. Tôi đã nghĩ tôi sẽ hét lên, tôi sẽ nhảy lên, sẽ gọi cho mọi người tôi biết vào lúc 3:30 sáng (giờ Hà Nội). Nhưng mẹ đã từng nói, “Khi con đã dốc toàn tâm toàn ý trong từng công việc, thì hạnh phúc của sự thành công sẽ đến một cách điềm tĩnh”.. Trong tôi, lúc đó trào dâng một sự rộn ràng, chen lẫn những hình dung khá mơ hồ về điều sắp tới, một nỗi lo lắng nhưng cũng đầy háo hức được dấn thân trong thử thách đang chờ phía trước. Tất cả những gì tôi có thể làm lúc đó, là dụi đầu lên vai mẹ yêu, như một đứa trẻ.

Những ngày cuối cùng của kì học đầu tiên tại Harvard đang trôi qua kẽ tay tôi. Tôi nhìn lại chúng, băn khoăn rằng, tôi đã cống hiến được gì trong mỗi thời khắc đó, và tôi đã nhận lại những gì?

Không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn bốn tháng tuyệt diệu đã trải qua, hay có thể kể hết được về nơi đang dõi theo từng bước trưởng thành của tôi, hay những người mà sự hiện diện của họ làm tôi trân trọng hơn bất cứ gì!.

Tôi đã tìm thấy bản thân mình ở nơi đây, và tận hưởng niềm hạnh phúc nhìn thấy sự trưởng thành của bản thân, từng chút, từng chút một. Tôi cảm thấy biết ơn tất cả những người đã giúp tôi được ở đây ngày hôm nay.

Tôi biết ơn Mẹ, người bạn tri kỉ và người đồng hành tuyệt vời nhất của tôi, người luôn đặt lòng tin vào tôi ngay cả khi tôi hoài nghi mình nhất, người không bao giờ hỏi tôi về tình yêu của tôi dành cho bà ấy ngay cả trong những giây phút ương bướng, nổi loạn nhất của tuổi dậy thì.

Một người đặc biệt tôi gặp ở Harvard đã có lần nói với tôi: “Tôi làm việc chăm chỉ để “một tôi thành công” của tương lai sẽ nhìn và cảm ơn “tôi của hiện tại”. 

Vâng, Đây là lời cảm tạ cho “tôi của quá khứ”, vì đã luôn lao động và học tập chăm chỉ, hy sinh như có thể, để tôi có được “tôi của hôm nay”.

Và, tôi đã sẵn sàng cho tất cả để chào đón những thách thức và khó khăn đang chờ tôi phía trước, bởi thành công của ngày mai sẽ đặt tên cho công việc tôi làm ngày hôm nay”

(*) Nguyên bản tiếng Anh của Minh Khuê

December 13th, 2014: It astounds me to think about how far I have gone down the road in 365 days, or how much I have been changed by a place half the globe away from where I come from… It was Friday the 13th, 3:29 pm Harvard time that the email came, so phlegmatically that it made me speechless. We hugged; I could feel Mom’s heart beat fast in joy. I thought I would scream, would engage in a frantic dance, would call up everybody I know at 3:30 am in the morning. But Mom once said that, when you have worked hard enough, the happiness of success will come in a composed manner. There was an excitement but also uncertainty about what would come ahead; a worry but also a thirst for whatever challenge will be there waiting. All I did was rubbing my head against her shoulder, as a child. 

The last days of my first semester at Harvard are slipping through the spaces between my fingers; I look at them wondering how much of myself I have dedicated to each of them, and how much of them I have absorbed into my own being. No word can describe those four incredible months, nor the place that is now watching over me as I grow, nor the people whose presence in my life I appreciate more than anything. I have found myself here, and enjoy that happiness of watching myself blossom little and little over time. I am thankful to all those who have helped me to get where I am today. I am thankful for Mom, the greatest friend and companion I can ever ask for, who always has faith in me even when I doubt myself, who never questions my love for her even when puberty turned me into a rebellious and stubborn child. 

A special person I met at Harvard once told me, “I work hard so that the successful future me will look back and be thankful to my present self.” Here is my thank for myself in the past, for having worked so hard, and sacrificed so much, that I have gotten where I am today. And here’s to all the challenges and difficulties that welcome me ahead, for tomorrow’s success will entitle my work today

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *