Những đứa trẻ bị "giáo dục"

Những đứa trẻ bị "giáo dục"

Sau 2 ngày thiếu cà phê và bị tác dụng phụ là cáu kỉnh, mệt mỏi, chỉ muốn giết ai đó (chờ chút – hay là PMS?) thì mình đã nhìn thấu được đôi điều nữa về giáo dục muốn chia sẻ ở đây.

Khi không được đi học, thì người ta coi được đi học là ước mơ. Vì đúng là trải qua quá trình được huấn luyện ở trường, biết đọc, biết viết, biết nhiều thứ khác, được ở trong môi trường “trí thức”, có những đứa bạn là con cháu của đủ dạng người, thì người ta chí ít là cũng đã tham gia vào một xã hội thu nhỏ. Việc đó dĩ nhiên (có khả năng cao là) có giá trị hơn so với việc đi chơi lêu lổng, lông bông, trong khi bố mẹ mải đi làm hay không đủ hiểu biết để dạy dỗ con vì bản thân ngày trước cũng không được học hành.

Khi thế hệ trước không được học hành đầy đủ, không có ai dạy dỗ đến nơi đến chốn, thì tất nhiên đối với thế hệ sau, việc được đi học có thể trở thành một giấc mơ. giấc mơ đó trở thành hiện thực có thể đổi đời. Nếu người cha khó kiếm việc, kiếm được đồng lương ít ỏi, hiểu biết chẳng có, cũng chẳng biết tự học, thì nay người con có cơ hội kiếm việc cao hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, không còn phải làm việc chân tay mà có thể lao động trí óc, thậm chí có thể không phải đi làm thuê mà đi làm chủ. Quá trình giáo dục lâu dài mười mấy năm đã được công nhận qua một hoặc một vài mảnh giấy.

Đó là giáo dục ở mức độ tốt nhất của nó: giúp người ta có thêm kiến thức (đã qua “chế biến”), được công nhận và có thêm tiền.

Thường người ta cũng chỉ coi trọng giáo dục trên phương diện như thế. Thế nên người ta mới quần quật đi làm để kiếm tiền cho con đi học, tìm mọi cách cho con được học lớp “tốt” ở trường “tốt”, học thêm, học kĩ năng, v.v… Người ta thậm chí sẽ chịu nhục, miễn là con được đối xử tốt, hoặc được chiếu cố bằng cách cộng thêm vài điểm vào điểm tổng kết cuối năm.

Rồi con sẽ có tấm bằng bảo đảm. Rồi con sẽ có công việc tốt, có tiền. Rồi lại rơi và vòng xoáy như ở trên nữa chăng?

NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ “GIÁO DỤC”

Bằng cách coi tấm bằng là tất cả, người ta bỏ qua QUÁ TRÌNH giáo dục một đứa trẻ, chỉ còn quan tâm đến MỤC ĐÍCH là tấm bằng, và sẽ LÀM MỌI THỨ để có nó, thậm chí cả chà đạp lên người khác hoặc giẫm đạp lên đạo đức.

Bằng cách coi điểm số là đáng tin cậy và có khả năng phản ánh trí thông minh của đứa trẻ, người ta bỏ qua hầu như tất cả những biểu hiện đáng tin cậy ở chính đứa trẻ mà người ta có thế quan sát được. Thay vì tự mình dành thời gian với con để hiểu con và biết con mình là ai, nay người ta nhìn điểm số, nhìn những đánh giá của giáo viên để biết con mình là ai, bị làm sao, cần “chỉnh đốn” thế nào.

Cái đang nhân danh giáo dục đang làm gì với những đứa trẻ?

1) Coi biểu hiện “hiếu động” ở trẻ là SAI, cần được chỉnh sửa. Đứa trẻ cần được “giáo dục” để có thể ngồi yên và biết lắng nghe. Ở Mỹ lâu nay các bác sỹ tâm lý đã kê đơn cho những đứa trẻ quá hiếu động để chúng có thể ngồi yên ở lớp! (Ai bán thuốc nhỉ?)

2) Các lớp học không được thiết kể để  tạo điều kiện cho trẻ thực sự HIỂU những gì được dạy. Vào hay không, điều đó không quan trọng. Nếu chẳng may em nào dũng cảm đứng lên đặt câu hỏi, em ấy cũng sẽ sớm bị bạt tai gián tiếp để hiểu rằng một đứa trẻ không bao giờ được đặt câu hỏi với giáo viên.

Nếu học không “vào”, thì chúng sẽ phải đi học thêm (chủ yếu là tăng cơ hội thu nhập của giáo viên). Học thêm mà vẫn không hiểu thì … ráng chịu.

3) Đặt giáo viên cao hơn, thay vì ngang hàng, với đứa trẻ. Giáo viên có quyền, đứa trẻ thì không. (Đứa trẻ là nạn nhân trực tiếp của giáo viên, còn giáo viên là nạn nhân của ai thì các bạn tự biết.) Không ít giáo viên đã và đang bạo hành trẻ, về thể chất và chủ yếu là về tinh thần. Những lời lẽ miệt thị, chì chiết, xúc phạm không chỉ đứa trẻ mà còn có thể là cả gia đình của đứa trẻ.

4) Cuối cùng, cái mà trẻ học được hiệu quả nhất ở trường là tính phục tùng. Hãy biết ngoan ngoãn nghe lời, đừng đặt câu hỏi, nếu bị mắng hay đánh thì hãy nhẫn nhục chịu đựng. Hãy biết nhắc lại những gì đã được dạy, cho dù hiểu hay không hiểu.

5) Bài tập về nhà, cái được coi là cần thiết để hỗ trợ quá trình học ở lớp và giúp trẻ “nhớ” những gì đã được dạy, là một công cụ cần thiết để chi phối trẻ em vào những giờ chúng không còn ở trường nữa. Bài tập nhắc nhở trẻ em về uy quyền của giáo viên, về tầm quan trọng của những nội dung trẻ không thích nhưng buộc phải làm, lấy đi của trẻ em thời gian mà chúng có thể vui chơi theo cách chúng muốn để cảm thấy hạnh phúc.

6) Khi trẻ em đã được đào tạo thành công, hãy cho chúng thời gian rảnh và quan sát xem chúng làm gì. Bạn sẽ thấy phần lớn chúng xem tivi, chơi trò chơi điện tử, xem các video vô bổ trên iPad, đọc truyện tranh. Người lớn chúng ta nhìn vào và bảo: “đấy, thấy chưa? không cho đi học thì lại xem với chơi mấy thứ ba lăng nhăng”. Người lớn không hiểu được rằng sự căng thẳng mà trẻ em phải gánh chịu ở trường đã dẫn đến hậu quả đó. Chúng chẳng thiết làm gì cả, chỉ còn tìm đến những hình thức giải trí không phải động não, chỉ việc ngồi một chỗ mà bấm nút.

Đó không phải là bản năng tự nhiên ở trẻ em. Đó là kết quả của việc đã được huấn luyện thành công. Theo John Taylor Gatto, một nhà giáo dục đương đại nổi tiếng ở Mỹ, công việc huấn luyện này chỉ đến năm lớp 3 là đã thành công rực rỡ.

* * *

Nhiều người vẫn khá ngây thơ. Họ nghĩ giáo viên có bằng sư phạm hoặc/và đang dạy học thì tất nhiên là phải biết họ đang làm gì, và rằng các chương trình chuẩn thì chắc hẳn phải được thiết kế vì trẻ em và sự phát triển của chúng.

Tôi chưa dám bàn đến trình độ giáo viên. Chỉ dám đưa một ví dụ thế này để giúp bạn hình dung mức độ hiệu quả của các lớp học dành cho trẻ em: Hãy hình dung bạn là một cô giáo (được đào tạo sư phạm hẳn hoi) ở trong lớp học với 50 đứa trẻ, và đó là ngày đầu tiên chúng đến lớp; chúng đang quấy rối ầm ĩ, nghịch ngợm lung tung. Bạn sẽ làm gì để chúng có kỉ luật? (Lưu ý: không được dùng roi, thước kẻ hay các vật tương tự, kể cả nắm đấm, để đánh; và cũng không được quát tháo.)

Các lớp học bình thường đang dùng nỗi sợ để chi phối trẻ. Tôi không nghĩ nỗi sợ nên được dùng làm công cụ giáo dục.

Cái mà rất nhiều người chỉ nghĩ tới khi nghĩ tới giáo dục là: kiến thức. Ở post khác có lẽ tôi sẽ bàn thêm về cái nguy hiểm của việc coi giáo dục chỉ là kiến thức và những gì một khái niệm “giáo dục” đơn giản hóa như thế đang gây ra cho trẻ em (và phụ huynh) hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *