Thư gửi bố mẹ: Tại sao con không nghe bạn?
Tôi vẫn nhớ có một lần đi chơi hồi con đầu của tôi được 3.5 tuổi. Bé đến nhà họ hàng, và đòi mang đồ chơi về. Khi đó, bác thì đồng ý liền, bảo cho nó mang về. Tôi thì không đồng ý. Bé đã khóc rất to. Bác thậm chí còn bảo: “Thôi đừng khóc nữa, bác cho kẹo”.
Khi đó, tôi đã không cho phép bé ăn kẹo. Thay vào đó, tôi dẫn bé ra ngoài cửa, giải thích cho bé: “Mẹ biết con muốn lấy đồ chơi, và con rất buồn. Nhưng đó không phải đồ của con. Đồ không phải của mình thì không được lấy. Bây giờ con bình tĩnh lại. Khi nào hết khóc thì đi vào nhà. Còn muốn khóc thì khóc tiếp. Mẹ chờ ở đây với con.”
Chỉ mất khoảng năm phút, bé nín và hai mẹ con cùng đi vào. Bé không đòi đồ chơi nữa.
Khi bé khóc đòi một cách vô lý, ông bà hay cha mẹ không được nhân nhượng. Đừng cho rằng nó khóc thì khổ nó. Không nghĩa là không. Khi bạn nhân nhượng, bạn đã cho bé thấy nước mắt có hiệu quả và bé sẽ tiếp tục áp dụng trong các lần tới. Khi bạn cho kẹo để bé nín, lần sau bé càng khóc tiếp. Vì khóc vừa được lấy đồ chơi, vừa được kẹo thì sao không khóc? Bạn không thể chịu được tiếng khóc, nên tìm mọi cách mà dỗ, cuối cùng thì giảm cái hại trước mắt mà tăng cái hại lâu dài. Càng nhân nhượng, càng “thương” con/cháu thì lại càng thấy mình và con hoặc cháu lún sâu hơn vào bãi lầy, không tài nào thoát ra được.
Một số cha mẹ khi nghe tôi kể về cách tôi áp dụng các nguyên tắc trong gia đình tôi thì phản ứng như thế này: “Nhưng bé nhà tôi khác, nó ngang ngạnh và ương bướng lắm. Tôi đã thử đủ mọi cách rồi. Bạn không biết đâu. Không có tác dụng đâu!”
Bạn đã áp dụng cách nào? Trong bao lâu? Ông bà hay bất cứ ai trong gia đình có can thiệp vào cách bạn nuôi dạy con hay không?
Bạn không thể chỉ áp dụng một hay hai lần rồi cho rằng một cách thức không có kết quả. Kết quả không bao giờ đến nhanh chóng. Nếu nó đến nhanh chóng, ví dụ như khi bạn dỗ bé nín bằng cách cho kẹo, điều đó cũng có nghĩa là bạn (và cả con bạn) thường phải trả một cái giá rất đắt đi kèm.
Tôi đã áp dụng cách ở trên rất nhiều lần, thậm chí là hàng ngày mỗi khi bé có một đòi hỏi vô lý. Dần dần, bé sẽ tự hiểu đâu là giới hạn. Tôi chưa thể nói hiện này con tôi đã thôi đòi hỏi vô lý, nhưng tôi biết con tôi biết phản ứng và mong đợi của tôi ra sao khi con tôi có một đòi hòi như vậy. Tôi biết con tôi sẽ phản ứng, có thể sẽ khóc khi tôi nói không. Nhưng tôi có thể khẳng định con tôi không khóc dai dẳng, không bao giờ trách móc tôi mỗi khi tôi nói “Không”, và không thường xuyên đưa ra những đòi hỏi nằm ngoài vùng nguyên tắc của gia đình tôi.
Con tôi biết khóc không bao giờ đem lại điều bé mong muốn.
Con tôi cũng biết rằng khi con tôi khóc, tôi luôn ở bên cạnh bé. Tôi không bao giờ vứt con lại một mình và nói: “Khóc thì ở một mình. Đừng chơi với mẹ nữa.” Nước mắt của con tôi cũng có lúc khiến tôi cực kì khó chịu chứ! Nhưng tôi không bao giờ nói hoặc có các phản ứng ám chỉ “Khóc là xấu. Khóc là không xứng đáng chơi với mẹ. Khóc thì không xứng đáng làm con mẹ. Nín ngay đi.”
(Tuy nhiên, khi ai đó trong nhà đang ngủ, tôi sẽ bảo bé thôi khóc nhanh, không thì sẽ làm phiền đến người khác. Đây lại là một nguyên tắc khác mang tên tránh-làm-ảnh-hưởng-đến-người-khác. Đôi khi các nguyên tắc có thể sẽ va chạm trong một tình huống nhất định. Cha mẹ cần linh hoạt và tỉnh táo để quyết định xem nên hướng bé hành xử theo cách nào.)
Con được quyền khóc. Hãy để con khóc.
Hãy chấp nhận con, và để con thể hiện những gì con muốn.
Nhưng giới hạn là giới hạn. Nguyên tắc là nguyên tắc.
Nguyên tắc của gia đình tôi thì có rất nhiều, ví dụ cụ thể tôi nhắc tới ở đây là “Không được lấy đồ không phải của mình”.
Một số gia đình thay vì hối lộ thì tìm đến các cách trừng phạt cho trẻ sợ. Họ lý luận rằng trẻ con phải biết sợ thì mới có thể dạy được, chứ không biết sợ thì thật là nguy hiểm. Khi họ thấy tôi dẫn con tôi ra ngoài cửa mỗi khi bé đòi hỏi vô lý, họ nghĩ rằng chắc hẳn tôi đang giáo huấn bé, chắc hẳn tôi đang trừng phạt bé. Khi họ thấy bé thôi khóc và nghe tôi, họ bảo: “À há, nó sợ mẹ nó đấy mà. May mà còn biết sợ. Con nhà tôi thì chịu, chả biết sợ là gì. Không biết đường nào mà dạy.”
Họ đoán già đoán non, nhưng rồi vẫn sai.
Mắng mỏ không có tác dụng. Dùng uy quyền người lớn ép trẻ cũng không có tác dụng. Vì trẻ chỉ đơn giản làm theo NHƯNG không hiểu tại sao. Trừng phạt cũng là một cách đem lại kết quả nhanh chóng, nhưng cả người phạt và người bị phạt đều phải trả giá – không hề nhỏ!
Tại sao tôi lại nói cái giá không hề nhỏ? Vì khi bạn trừng phạt mà không cố gắng giải thích cho con hiểu, con bạn không thể hiểu tại sao bé không thể làm một điều gì đó. Điều bé học được rất đơn giản: “Mình sẽ không làm việc đó trước mặt bố mẹ.” Vì vậy, khi không có bố mẹ, đương nhiên là bé sẽ tiếp tục làm cái việc mà bố mẹ đã đe dọa bao lần là không được làm. Nếu bạn dạy con bằng cách trừng phạt, tốt nhất là bạn nên chuẩn bị “lăm lăm cái roi” hết ngày này qua ngày khác.
Vì vậy, không có gì là lạ khi nhiều người, nếu không có ai xung quanh, thì sẽ làm những điều xấu. Một ví dụ rất đơn giản là việc tè bậy ngoài đường, ở những nơi mà ta nên giữ gìn vệ sinh công cộng. Nên nhớ còn có cả những người tè bậy giữa chốn đông người! Nhưng tôi dám chắc khi không có ai, con số những người tè bậy đông gấp nhiều lần so với khi có đông người. Chúng ta đổ lỗi cho bản thân họ, mà quên mất họ “học” thói đó ở đâu ra. Rất có thể cha mẹ họ đã áp dụng cách dạy “Có bố mẹ thì không được làm thế”, nên họ suy ra khi không có cha mẹ (và sau này là thấy cô, cảnh sát, hoặc những người có thẩm quyền) trừng phạt, đặc biệt là họ có thể giấu giếm, thì họ cứ thoải mái thôi! Còn nếu đông người mà vẫn tè thì chắc hẳn khả năng cao là cha mẹ và cộng đồng họ cũng làm vậy – hoặc là … quá mót không thể chịu nổi nữa?
(Nói đến chuyện đi tè, con tôi khi gần 4 tuổi một lần quá buồn tè mà nhân viên cửa hàng nói không có nhà vệ sinh. Chồng tôi dẫn con tôi ra vỉa hè bảo bé “đi tạm”, nhưng bé nhất quyết không đi, đòi về đến nhà mới tè. Không phải tự nhiên mà như vậy. Trước đó, tôi đã giải thích khá nhiều lần cho con mỗi khi có ai đó tè bậy ngoài đường rằng đó là một thói quen rất xấu. Gia đình tôi chưa một lần xi tè bé ở ngoài đường.)
Bạn muốn giúp con luôn luôn hiểu tại sao. Đây là một quá trình không hề ngắn và đòi hỏ không hề ít nỗ lực. Nhưng rồi một ngày, cuối cùng bé sẽ hiểu “À há! Mình hiểu tại sao mình phải làm như vậy rồi!” Từ sau đó trở đi, bạn không bao giờ còn phải từng giây phút để mắt đến con để đảm bảo con sống cho đúng nữa.
Còn nếu chính bạn không trả lời được tại sao, đơn giản chỉ vì lý lẽ “Bố mẹ bảo thế”, bạn đã thất thế với chính con mình. Có lẽ bạn sẽ phải tự đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao” để hiểu ra rằng bấy lâu nay chính bạn cũng không hiểu tại sao, để hiểu ra rằng bấy lâu nay bạn làm theo chỉ vì ngày xưa bạn được dạy như thế.
Đồng cảm, nhất quán, và giữ vững các nguyên tắc trong mọi trường hợp là chìa khóa của thành công.
Bên cạnh đó, hãy làm bạn với con bạn. Đừng tự biến mình thành kẻ thù! Con khóc, bạn đứng bên cạnh con mà bảo “Mẹ biết con buồn rồi, nhưng con không được làm thế. Mẹ chờ con khóc hết nhé!”, chứ đừng nói “Mày nín đi, không tí nữa đừng ăn kẹo. Đừng làm tao cáu. Tao cáu mà tao đánh cho thì có sợ không? Im chưa?” Con bạn sẽ im liền. Kèm theo đó là những cảm xúc tiêu cực. Con sợ bạn. Bạn đã làm tổn thương con. Con sẽ đánh mất niềm tin vào bạn.
Niềm tin một khi đã mất lấy lại rất khó – hầu như không thể. Có thể chính bạn đã trải qua bài học này trước đây với một ai đó đã làm đau bạn. Họ có thể làm bạn đau mà thậm chí không hề có ý định khiến bạn đau. Rồi chỉ để nhận ra họ đã tạo nên một rào cản không bao giờ có thể bị phá vỡ giữa bạn và họ.
Liệu bạn có nhớ không? Bạn có tha thứ cho họ không? Kể cả khi bạn tha thứ, bạn có quên không? Có lúc bạn nghĩ mình quên, nhưng tâm thức bạn không bao giờ quên. Nếu bạn vẫn còn thân thiết với người đó, bạn biết sâu thẳm trong bạn có những lúc bạn vẫn sợ. Sợ người đó sẽ lại làm đau bạn lần nữa.
Kể cả khi bạn đã xa cái người đó, đôi lúc tâm trí bạn vẫn lang thang đây đó trong quá khứ – và bạn nhớ về cái lúc bạn mất niềm tin.
Con bạn luôn luôn phản hồi với bất kì cách thức nào mà bạn đang dùng để dạy con. Hãy nhìn con, hãy lắng nghe con, hãy trò chuyện với con để biết cách thức bạn dùng có phù hợp không.
Tại sao con không nghe bạn khi bạn nói? Bởi vì bạn đã nói sai cách. Không phải tại con.
Hãy tin tưởng con và để cho con tin tưởng bạn.
Trước khi quá muộn.