Triệu chứng và cách điều trị bệnh ho gà ở trẻ em
Bệnh ho gà tiến triển không nhanh nhưng đây là loại bệnh không thể coi thường. Nếu bạn không phát hiện và điều trị bệnh ho gà ở trẻ em kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng như viên phế quản, giãn phế quản, viêm phổi – phế quản, viêm não, biến chứng đường tiêu hóa, bài tiết… Chính vì vậy mà bạn nên tham khảo tài liệu dưới đây của Blog Trẻ Thơ để hiểu rõ những triệu chứng và cách điều trị bệnh ho gà tốt nhất.
“Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, hay xảy ra nhất trong mùa đông xuân và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, hay để lại những biến chứng nặng dẫn đến viêm não”, BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết. Ho gà là do một loại trực khuẩn gây ra. Trong tiết trời mùa xuân không nóng, không lạnh, lại thêm không khí ẩm ướt là những điều kiện thuận lợi để loại trực khuẩn này phát triển, sinh sôi nảy nở.
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu, bệnh thường biểu hiện bằng ho nhẹ. Sau 7-10 ngày, ho sẽ nặng dần theo từng cơn và kéo dài cả vài tháng nếu không điều trị. Trong thời kỳ này trẻ có những cơn ho kéo dài, ho rũ rượi không ngừng đến nôn ẹo, khiến người bệnh bị chảy nước mắt, nước mũi.
Sau cơn ho làm trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người do bị suy hô hấp, bệnh nhân có thể chết vì bị ngẹt thở. Cuối mỗi cơn ho thường có tiếng rít, xuất hiện nhiều đờm dãi. Đặc biệt trẻ sơ sinh bị ho gà thường rất nặng nề. Nhiều bệnh nhi ho nhiều đến mức chảy cả máu mắt. Phần lớn trẻ ho gà bị chết là do suy hô hấp, không đủ ôxy.
Ngoài ra, ho gà có thể gây các biến chứng viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu ôxy não, biến chứng viêm não… nếu không được điều trị kịp thời. Cần điều trị sớm Bệnh không để lại biến chứng nếu được điều trị kịp thời và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì đặc biệt ở đường hô hấp sau này. Hơn nữa, nếu điều trị sớm trong 7 ngày đầu sẽ giảm tần số cơn ho và giảm nguy cơ lây lan.
Với trẻ lớn bị ho gà và không có biến chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong 10-14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi thường phải nằm điều trị nội trú trong bệnh viện. Cần lưu ý, những bệnh nhân ho gà cần được điều trị cách ly, tránh tiếp xúc với nhiều người để giảm nguy cơ lây bệnh. Trong thời gian điều trị, nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn các thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa. Tuy nhiên cần lưu ý, khi trẻ uống nước, bú, ăn cháo… không nên cho trẻ ăn quá nhanh tránh bị sặc. Ngoài ra, với những người không mắc ho gà (dù ở lứa tuổi nào, đã hay chưa chủng ngừa vắc – xin) nhưng phải tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân ho gà sẽ được chỉ định điều trị dự phòng bằng kháng sinh.
Tuy nhiên, cũng cần hạn chế tiếp xúc tối đa với bệnh nhất, nhất là trong 7 ngày đầu bệnh khởi phát. Phòng bệnh Ho gà có thể phòng ngừa rất hiệu quả bằng cách tiêm chủng. Cho trẻ tiêm đủ 3 mũi theo đúng lịch tiêm sẽ có khả năng phòng bệnh rất lớn, đến 90%. Còn nếu chưa chủng ngừa đủ 3 mũi thì khả năng ngừa bệnh yếu hơn hoặc nếu trẻ có mắc bệnh thì sẽ nhẹ hơn những trẻ không tiêm chủng. Ho gà là bệnh rất dễ lây lan, thậm chí lây thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, truyền từ người sang người qua những hạt nước bọt nhỏ văng ra khi bệnh nhân ho hoặc qua dịch mũi.
Do vậy khi thấy trẻ bị ho gà, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị ngay. Không nên có quan niệm ho gà phải kéo dài đủ 3 tháng 10 ngày sẽ tự hết mà không phải điều trị. Được điều trị càng sớm, trẻ càng ít có nguy cơ bị biến chứng.
Theo vietbao.vn