thay đổi đầu tiên đến từ chính mình

Tiếp xúc với những đứa trẻ, tôi hiểu rằng chúng phân biệt đúng và sai giỏi hơn người lớn rất nhiều.

Chúng biết vui sống hơn người lớn. Chúng biết sống với hiện tại. Chúng biết vượt qua cảm xúc. Không suy nghĩ về quá khứ hay tương lai. Không phân biệt già trẻ, trai gái, kinh nghiệm, vùng miền. Chúng dễ dàng yêu thương mà không mảy may nghĩ ngợi hay đong đếm lợi ích cho mình. Thuần khiết. Trong trắng.

Hồi nhỏ, chúng ta đều như vậy.

Lớn dần, bản ngã của chúng ta cũng lớn theo. Càng ngày chúng ta càng xa rời bản chất chân thật của mình. Chúng ta quên mất làm sao để an nhiên tự tại với bản thân.

Chúng ta mải nhìn ra ngoài, sống với những tiêu chuẩn vô nghĩa, xây dựng hình ảnh về bản thân. Chúng ta có một nỗi sợ rất lớn: Người khác sẽ nghĩ gì về tôi? Cha mẹ tôi sẽ nghĩ gì về tôi?

Nhưng không bao giờ là “Con tôi sẽ nghĩ gì về tôi?” và hiếm khi là “tôi sống như thế này đã đúng với tôi chưa?”

Cảm nhận của chúng ta về chính chúng ta mới quan trọng. Cảm nhận của con cái chúng ta về chúng ta cũng quan trọng. Cảm nhận của vợ/chồng chúng ta về chúng ta cũng quan trọng. Nhưng chúng ta thường làm gì? Mặc kệ xem chồng hay vợ nghĩ gì. Mặc kệ con nghĩ gì. Những người thân thiết nhất mà ta phải tập yêu thương hàng ngày. Thay vào đó, ta lo người lạ và người không thân thiết sẽ nghĩ gì. Và ta thường gây đau khổ cho chính những người sống cùng ta.
Đó mới là ngốc nghếch.

Ta đòi hỏi mọi người phải thay đổi mà không biết thay đổi chính mình. Thay vì hỏi “Tôi có thể làm gì để hạnh phúc hơn? Tôi có thể làm gì để hiểu vợ/chồng và hiểu con hơn?”, thì câu hỏi thường là “Tôi phải làm gì để thay đổi chồng tôi? Thay đổi con tôi?”

Một sự mù quáng dại dột. Chính sự mù quáng ấy phá hỏng hạnh phúc gia đình.

Bạn cứ quan sát mà xem. Bạn càng muốn người ta khác thay đổi, tức là càng không chấp nhận họ, thì họ càng xa lánh bạn. Ngay cả người thân thiết nhất cũng không thể ở bên bạn mãi. Họ sẽ sống với bạn, nhưng họ không vui. Họ sẽ vẫn ăn cơm cùng bạn, ngủ cùng bạn trên một chiếc giường, nhưng họ sẽ không còn chia sẻ suy nghĩ của họ với bạn, không còn thể hiện con người thật của họ và sự đáng yêu của họ với bạn. Vì họ cảm thấy đã bị phủ nhận quá lâu. Thế là đủ. Cái gì cũng phải có mức độ của nó.

Mọi người thường kể “chồng tôi không biết làm gì”, “vợ tôi không biết làm gì”, chứ không phải là “tôi không biết làm gì”. Mọi người thường kể “tôi đã làm gì những gì” nhưng không phải là “chồng tôi đã làm những gì”, “vợ tôi đã làm những gì”.

Sống cùng nhau và yêu nhau là khiến cho người sống cùng bạn cảm thấy được hiểu, được chấp nhận, được trân trọng. Khi họ được yêu thực sự, họ tự cảm thấy muốn sống tốt hơn, sống có định hướng hơn. Định hướng là của họ. Bạn chỉ là người đồng hành. Đừng tìm cách định hướng cho người khác – vì khi bạn làm thế, bạn chỉ tưởng bạn đang gắng giúp, nhưng đó chính là bản ngã đang trỗi dậy để chỉ huy và kiểm soát người khác.

Và kể cả khi chung sống dưới cùng mái nhà, có những đứa con với nhau, ăn cơm cùng nhau, các bạn vẫn đang ở trên những cuộc hành trình khác nhau. Kể cả đứa con của bạn, nó cũng có cuộc hành trình của riêng nó. Không ai đi hộ ai được, và không ai nên can thiệp vào hành trình của người khác. Không có ích chi khi can thiệp vào cuộc hành trình của người khác. Khi làm vậy, bạn vừa cản đường người bạn đời hoặc con cái, và vừa bỏ lỡ nhiều cơ hội để đi trên hành trình của chính mình.

Các cuộc hành trình có lộ trình khác nhau, nhưng đều chung đích đến: Làm sao để lại như đứa trẻ ngày trước, để buông bỏ mọi kinh nghiệm, hiểu biết, suy nghĩ và cảm xúc? Làm sao để sau một hành trình vất vả, gian nan, ta lại tìm về với sự thuần khiết toàn vẹn ở bên trong mình?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *