Phương quay lại video (//www.youtube.com/watch?v=Du-mxwy5ViA) đọc sách với bé Tăm (24 tháng) và viết bài này để giúp các cha mẹ hình dung xem mình sẽ giúp bé đọc sách như thế nào. Bé Bư nhà Phương (hiện 5 tuổi đã nói thành thạo) cũng đã từng đọc sách như thế này, và hiện theo dõi được những sách có nội dung khó hơn.
Các nguyên tắc này đúng với cả cách dạy trẻ tiếng Việt hay bất cứ ngôn ngữ nào.
Loại sách nên mua: câu ngắn gọn, hình ảnh hấp dẫn, ưu tiên sách có các miếng lật mở. Nên đưa bé đi cùng để bé tận mắt xem, quan sát phản ứng của bé với các cuốn khác nhau và chọn ra cuốn bé thích nhất.
Những điểm cần đặc biệt lưu ý:
MỘT SỐ TIPS cụ thể với các bé bắt đầu học/chưa nói được nhiều:
1. Muốn bé vui với việc đọc, bạn phải vui thích trước tiên. Hãy hào hứng đọc, giả giọng các nhân vật hoặc tiếng động, cười với bé,…
2. Hãy giới thiệu nội dung mới một cách ngắn gọn bằng cách chỉ vào phần trong tranh, nói đơn giản: “This is…” Bạn có thể yêu cầu bé nhắc lại theo: “This is Stitch. Can you say Stitch? Stitch!”
3. Một cách khác để giới thiệu nội dung là tự bạn chỉ vào một miếng flap (phần lật mở được), hỏi bé: “Can you open this?” Bé sẽ hiểu khi thấy bạn chỉ tay vào và mở ra một chút. Nghe vài lần, bé sẽ hiểu ý nghĩa ngay.
4. Nếu bé không quan tâm tới điều bạn nói mà lại quan tâm tới phần khác trong tranh, hãy mô tả lại phần bé đang chỉ vào: “This is ….”
5. Với nội dung bạn đã từng giới thiệu vài hoặc nhiều lần cho bé (1 hay 2 lần không đủ để bé nhớ, vì vậy hãy kiên nhẫn), hãy hỏi bé: “What’s this?”, giúp bé trả lời bằng cách nói “It’s (a/an)….) Nếu bé biết, bé sẽ tự nói nốt. Nếu không, bạn hãy nói hộ bé để giúp bé nhớ.
6. Nếu bé đang học về màu sắc, hãy hỏi bé: “What color is this?”
7. Một cách khác đơn giản hơn không đòi hỏi bé phải nói được từ là yêu cầu bé tìm gì đó: “Can you find a…?”
8. Yêu cầu bé làm một việc gì đó như giả vờ cho nhân vật nào đó ăn: “Can you feed the witch?” Nên vừa nói vừa chỉ vào phần liên quan trong tranh, và tạo thêm tiếng động (ví dụ như ăn thì bạn giả vờ nhai và nói “yum yum”.) Khi bé chưa hiểu yêu cầu, bạn hãy làm mẫu. Bé sẽ làm theo và nhớ rất nhanh.
9. Khi muốn “sửa” bé hoặc muốn bé nghe lại cho đúng, bạn chỉ cần nhắc lại một cách tự nhiên. Đừng nói với bé rằng bé sai và đừng lo về chuyện đó.
10. Hãy giới thiệu cho bé và hỏi bé về tiếng kêu của các con vật và các loại tiếng động. VD: What does the cow say? (vừa nói vừa chỉ vào hình con bò) Sau đó, bạn có thể giả tiếng bò kêu. Bé sẽ rất thích và tham gia ngay với bạn.
11. Nếu có từ vựng mà bạn không biết, hãy tra trước khi giới thiệu cho bé, và có thể ghi nho nhỏ bên cạnh hình ảnh trong sách. Bản thân bạn cũng sẽ nhớ rất nhanh trong khi dạy bé.
Các bé rất thích đọc đi đọc lại quyển quen thuộc. Lần đầu đọc, các bé sẽ còn bỡ ngỡ và làm quen với từ vựng mới. Quen dần, bé sẽ chỉ trỏ và tìm các thứ rất nhanh, cũng như nghe-hiểu nhiều hơn và nói nhiều hơn.
Luôn nhớ trẻ sẻ hiểu rất nhiều trước khi nói. Nên tập trung vào chất lượng của ngôn ngữ mà bạn đang dùng để nói với con và cách thức tương tác, hơn là việc bé đã nói được gì hay nói chuẩn tới đâu.
Mong bài viết và video này hữu ích cho các cha mẹ định dạy hoặc đang dạy tiếng Anh cho con nhỏ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi.
ps. Sách trong video là cuốn Spooky House của Roger Priddy.
ps2. đây là yêu cầu của chị Hảo riêng cho mình để viết chuyên cho group Mẹ đã sẵn sàng do chị lập trên Facebook để chia sẻ thông tin về giáo dục con nhỏ dành cho các cha mẹ, bước đầu là cách dạy tiếng Anh cho bé. mình xin phép chị post lại ở đây.
ps3. tranh thủ quảng cáo: bạn nào quan tâm tới cách dạy ngoại ngữ theo cách tự nhiên này, xin tham khảo cuốn sách của Phương, “Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng” (NXB Nhã Nam).