Với mong muốn mang đến cho những chú chim nuôi nhốt nguồn thể lực dồi dào , tạo đà cho những bước đột phá mà chủ chim hằng mong mỏi trong suốt quá trình theo đuổi niềm đam mê . Sau đây mình chia sẻ kinh nghiệm về cách thức chăm nuôi chim cũng như 2 công thức tạo ra sản phẩm tốt nhất dành cho loài chim Chào Mào
Nhiều năm trở lại đây phong trào nuôi chim chào mào tăng lên. Nhiều người qua thú chơi tao nhã đã được biết đến chim các vùng miền và địa danh (xã, huyện) mà trước kia không hoặc chưa hề biết tới về các tỉnh miền Trung. Nơi sản sinh ra những chú chim chào mào có giọng hót đặc biệt và khả năng chịu áp lực cao khi cạnh tranh (đấu lồng).
Khi phong trào đi lên cũng là lúc người chơi mỗi lúc một đông lên bao gồm già có, trẻ có, người mới chơi có, người nghỉ chơi chim bao năm rồi quay lại chăm chim cũng có. Sự đam mê tiếng hót 1 trong 3 chú chim được liệt vào sách đỏ chim đồng quê Việt Nam cần được bảo tồn này đã nối con người lại gần nhau hơn, không phân biệt giai cấp, địa vị, nghành nghề, hèn sang để các buổi sang cuối tuần tựu chung lại 1 điểm. Với mong muốn được giao lưu, nâng cao trình độ nghề chơi với những người cùng sở thích. Nâng cao khả năng cọ xát và áp lực của những chiến binh nhốt lồng.
Song song với đó là những câu chuyện về chim ở vùng nào, cách chăm chim ra sao, chim ăn uống ngủ nghỉ như thế nào và dinh dưỡng hàng ngày là cái gì cần cho sáng, trưa, chiều, tối. Tắm nắng, tắm nước đã đủ và đúng cách hay chưa. Hàng ngày chim dùng cám nào, Xuân – Hạ – Thu – Đông thay đổi thành phần ra sao để giúp chim thật tốt khi phải thích nghi với cuộc sống nuôi nhốt trong lồng. Trong đó cám là thức ăn chủ yếu để nâng cao thể chất cho chim không chỉ sống mà phải sống khỏe. Không phải hót mà phải hót to và nhiều. Không những đấu mà phải đấu hay, đấu đẹp và đấu bền. Cung không đủ cầu khiến nhiều chủ nhân nuôi chim tìm tòi, học hỏi và cho ra đời thập cẩm các loại thức ăn cho chào mào. Chính vì lẽ đó mà những người mới nuôi chim lầm tưởng rằng cứ cho ăn cám tốt là chim sẽ đẹp, cứ cho ăn cám chất là chim sẽ hay dẫn tới những trường hợp chẳng hiểu gì về chim vùng miền và thời tiết cũng sản xuất cám. Ỡm ờ còn có kẻ chưa nuôi chim thay lông lần nào cũng làm cám bán ra cho anh chị em. Khổ nỗi nhìn những chú chim sau khi ăn loại thực phẩm đó vào đi ỉa chảy lỏng bỏng nước, phân lên mùi hôi nồng nặc. Qua vài ngày chim bắt đầu xù lông và bỏ đấu dẫn tới tình trạng chim vào mùa hè đang căng lửa để chơi thì lại đứng ị ra thành 1 khối lù lù.
Thường thì những người nuôi chim lâu năm có thể nhìn nhiều điểm để nhận dạng rằng chú chim đó đang khỏe mạnh hay đau ốm, đang căng lửa hay chẳng có tí lửa nào. Mà yếu tố đầu tiên đó là nhìn phân của chú chim mình nuôi. Nhìn phân chim để đoán bệnh tật, nhìn phân chim để biết thức ăn có thích nghi được với nó hay không và đặc biệt hơn cả là nhìn phân chim để biết được thời tiết trong ngày và ngày tiếp đó. Nói vậy để biết cái thời khó khăn nhưng CÁC CỤ nuôi chim nhà ta cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm dân gian mà chỉ có qua thời gian mới vỡ lẽ ra và có được. Nói vậy để ace biết được rằng lòng dạ của những chú chim nhỏ khá nhạy cảm so với thể trạng và trọng lượng của chúng.
Khu vực miền Bắc nói chung không có được thời tiết thiên phú như các tỉnh của 2 miền Trung và Nam. Quanh năm có Nắng, Gió, đây chính là yếu tố cơ bản để những chiến binh nhốt lồng dễ dàng thích nghi hơn. Độ ẩm cao hơn chính là yếu tố quyết định tới hình thể, dáng bộ cũng như thể lực của chim khi ráp lồng. ACE có thể để ý và thấy rõ 1 điều đó là những ngày có độ ẩm cao hơn bình thường thì chim sẽ thường xuyên bù lông đứng lắc qua lắc lại mặc cho thời tiết có ổn định và nắng nóng đến mức nào.
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý khiến những chú chim được liệt vào danh sách các chú chim chất lượng, hung dữ, có tuổi lồng vẫn không bứt lên được. Nước chơi (đấu) vật vờ, thất thường là điều rất dễ nhận ra. Lúc thì như điên loạn, lúc lại cụp mào mà chủ nhân của chúng chẳng hiểu lý do vì sao?
Xin nêu lên 1 số biểu hiện thường gặp khi nuôi chim Chào Mào tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc để các cụ lâu nắm cũng như ace mới chơi chiêm nghiệm và tìm cách khắc phục:
– Chim thường xuyên có hành động tự nhổ lông (mặc cho đó là lông máu và lông mới nhú)
– Chim thường ăn tất tần tật các loại vỏ hoa quả (Chuối – Cam…)
– Chim thường mổ vào tai cóng, áo lồng và đặc biệt là xuống đáy lồng xé ăn giấy báo (giấy lót phân). Thậm chí ăn cả phân của chúng.
– Chim thường đứng co ro và chỉ đứng bằng 1 chân.
– Cuối cùng là lông chim rất khô và xơ xác.
Gặp những biểu hiện như trên nghĩa là chim chưa đạt yêu cầu về chế độ dinh dưỡng trong thức ăn hàng ngày và chế độ vệ sinh an toàn. Điều đó đồng nghĩa với việc chim không đạt được phong độ đỉnh cao như chúng ta mong muốn.
Ở phần trên của bài viết minh đã nhắc tới trường hợp thời tiết 4 mùa của miền Bắc và các hiện tượng thường gặp phải của chim chào mào khi nuôi nhốt trong lồng để các cụ cùng toàn thể ace thấy được phần ảnh hưởng khá lớn do thời tiết tác động lên những chú chim. Qua đó cần bổ sung và cân bằng các chất cần thiết trong thành phần cám nuôi để giúp chim thích nghi được với thời tiết cũng như áp lực nhằm thúc đẩy và giúp chim luôn đạt phong độ đỉnh cao mà chủ nhân của chúng hằng mong muốn.
Nguyên liệu chính thì từ trước tới nay người nuôi chim vẫn dựa chủ yếu vào các thành phần trong Ngũ Cốc Thực. Nhưng cái khó nhất chính là sự kết hợp hài hòa giữa các thành phần nhằm phát huy được công dụng của các chất có trong ngũ cốc. Ngoài ra chế biến cũng hết sức quan trọng giúp thành phẩm khi hoàn thành không bị biến chất và mất đi công hiệu của nó.
Qua trải nghiệm thực tế nhiều năm mình xin gửi tới ace 2 công thức cám dành cho Chào Mào đang được nuôi dưỡng tại khu vực thời tiết 4 mùa như Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang rất được ưu chuộng đã mang lại những bước đột phá về sự thành công và làm hài lòng các ông chủ khó tính nhất.
Công thức thứ nhất: (Xin lấy cách đong đo bằng cân để có được sự chính xác)
Thành phần nguyên liệu:
Cám dùng từ tháng 02 đến tháng 08 (dương lịch)
– Bột Ngô: 500g (có thể dùng bằng cám Ba vì)
– Đỗ xanh (có vỏ): 500g
– Đỗ tương: 300g
– Gạo lứt đỏ: 400g (có thể dùng gạo thường)
– Vừng (vàng): 250g
– Tôm tươi: 400g (Loại tôm nước ngọt hay còn gọi là tép gạo )
– Đường vàng: 40g
– Cà rốt: 500g
– Bột canh: 20g (Có thể thay bằng 10g muối trắng)
– Trứng gà: 40 quả (Chỉ lấy lòng đỏ )
Cám dùng từ tháng 08 đến tháng 02 (dương lịch) Mùa lạnh
– Bột ngô: 500g (có thể dùng bằng cám ba vì)
– Đỗ xanh (có vỏ): 300g
– Đỗ tương: 500g
– Gạo lứt (đỏ): 250g (có thể dùng gạo thường)
– Lạc (đậu phộng): 250g
– Tôm tươi: 400g (Loại tôm nước ngọt hay còn gọi là tép gạo )
– Mật ong: 100g
– Cà rốt: 500g
– Bột canh: 20g (Có thể thay bằng 10g muối trắng)
– Trứng gà 50 quả (Chỉ lấy lòng đỏ)
– Bột Khoáng PROMIX: 20g
– Nghệ tươi: 20g (chỉ cho vào 3 tháng mùa đông)
Công thức thứ 2: (Xin lấy cách đong đo bằng cân để có được sự chính xác)
Cám dùng từ tháng 02 đến tháng 08 (dương lịch)
– Gạo lứt (đỏ): 500g (có thể dùng gạo thường)
– Đỗ tương: 300g
– Đỗ xanh: 500g
– Tinh bột ngô: 400g (cái này có bán tại các đại lý thực phẩm và siêu thị)
– Vừng vàng: 300g
– Tôm tươi: 500g (Loại tôm nước ngọt nhỏ hay còn gạo là tép gạo)
– Trứng gà: 50 quả (chỉ lấy lòng đỏ)
– Thịt bò: 300g
– Mật ong: 200g
– Cà rốt: 1kg
– Kỳ tử: 150g
– Bột xương cá: 50g
– Khoáng tổng hợp PROMIX: 20g
Cám dùng từ tháng 08 đến thàng 02 (dương lịch)
– Gạo lứt (đỏ) : 500g (có thể dùng gạo thường)
– Đỗ tương : 500g
– Đỗ xanh : 300g
– Tinh bột ngô : 400g
– Lạc (đậu phộng) : 300g
– Tôm tươi : 500g (Loại tôm nước ngọt nhỏ hay còn gạo là tép gạo)
– Trứng gà : 40 quả (chỉ lấy lòng đỏ)
– Thịt bò : 300g
– Mật ong : 200g
– Cà rốt : 1kg
– Kỳ tử : 300g
– Bột xương cá : 50g
– Khoáng tổng hợp PROMIX : 20g
– Nghệ tươi : 20g (Chỉ dùng vào 3 tháng mùa đông)
Với công thức thứ 2 này khá nặng nên tôi thấy chỉ nên áp dụng đối với chim có tuổi lồng từ 18 tháng trở lên .
Cách chế biến :
– Gạo lứt đỏ ta rang lửa to và đều tay đến khi gạo nổ hoa chanh là được (Đối với gạo thường chúng ta rang đến khi hạt gạo trắng đều là được).
– Đỗ tương ta rang tới khi vỏ đỗ nứt đều là OK.
– Đỗ xanh ta chỉ rang qua cho tới khi đỗ méo hạt là được.
– Vừng ta rang tới khi hết tiếng nổ lét đét là OK. Nếu là lạc thì chúng ta rang chín vàng .
– Tôm ta rửa sạch cho vào nồi rang tới khi tôm chín đỏ là OK .
– Thịt bò ta băm nhỏ hoặc xay ngay tại hàng thịt là OK .
– Cà rốt luộc chín mềm để nguội .
– Nghệ tươi cạo sạch vỏ rồi giã nhỏ .
Sau khi làm chín hoàn toàn các thực phẩm cần thiết các bạn chế như sau:
Ta trộn: Gạo + Đỗ tương + Đỗ xanh + Vừng (Lạc) + Kỳ tử . Rồi cho vào xay nhuyễn (bột càng mịn càng tốt).
Cái này giúp chim tiêu hóa càng nhanh càng tốt . Vì như chúng ta đã biết hệ tiêu hóa của giống chim chào mào là rất nhanh , chúng chỉ có thể tiêu hóa và hấp thụ trong thời gian tối đa là 3 phút , do vậy nếu chúng ta xay bột chưa nhuyễn khiến chim ăn nhưng không hấp thụ được hết các thành phần dinh dưỡng thì cám có tốt cũng như không và dẫn tới tình trạng: Đi phân sống.
Tiếp theo ta trộn: Tôm + Lòng đỏ trứng + Mật ong + Cà rốt + Bột xương cá + Khoáng tổng hợp + Nghệ tươi (nếu có) thành hỗn hợp. Sau đó dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn thành thể lỏng (Với các tỉ lệ các thành phần và cách chế biến như trên chúng ta không cần dùng đến nước. Nếu cần dùng đến nước các bạn có thể dùng nước luộc cà rốt để nguội chế thêm vào. Vì theo như quan điểm và cách làm của tôi thì tuyệt đối không nên dùng nước máy pha chế khi làm cám).
Trộn đều 2 loại trên vào với nhau sau đó dùng máy đùn ra dạng hạt.
Cách sấy khô:
Từ trước đến nay tôi đều thấy ace làm cám dùng rất nhiều cách để làm khô cám. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì từ khi trộn 2 loại hỗn hợp nêu trên vào với nhau tới khi sấy khô mà thời gian kéo dài 2 đến 6 giờ đồng hồ thì chất lượng cám không đảm bảo. Vì như chúng ta biết các loại thực phẩm ngũ cốc trên bị làm ướt trong thời gian quá lâu sẽ khiến chúng biến chất và không còn đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết mà chúng mang lại (Các bạn hãy hình dung và thử nghiệm ngâm các loại ngũ cốc trên trong thời gian 2-6 tiếng thì sẽ biết mùi vị và hiểu tác hại của nó như thế nào).
Do vậy cách sấy cám tốt nhất là nên dùng lò vi sóng hoặc lò nướng có tần suất và nhiệt độ cao như dưới đây để giúp chúng ta sấy trong thời gian ngắn nhất có thể (tùy vào khối lượng cám làm).
Thường thì tôi sấy trong khoảng thời gian 1-2h đồng hồ là cám phải khô. Qua đó cám luôn giữ được các dưỡng chất cần thiết mà không bị biến chất. Mang lại nguồn dinh dưỡng có độ ổn định cao và khả năng giữ lửa rất tốt. Giúp chim duy trì thể lực để có khả năng ra giọng đều trên giàn đấu .
Trên đây là 2 công thức tôi đã làm trong 2 năm trở lại đây và cho công hiệu hoàn toàn phù hợp với chim được nuôi dưỡng tại miền bắc với khí hậu 4 mùa. Giúp những chú chim bứt phá và phát huy được hết khả năng mà ngoài tự nhiên cũng không hề có được.
Có 1 số nguyên liệu mang tính kích ứng cho những chú chim thay lông xong, chuyển vùng miền, qua mùa đông dẫn đến xù lông quá lâu, bỏ hót, bỏ đấu tôi xin không đưa vào đây vì sử dụng nó khá cầu kỳ và tác dụng như con dao 2 lưỡi).
Thú chơi nào cũng đòi hỏi người chơi kiên trì, tìm hiểu và bao quát tổng thể. Nhìn nhận 1 cách khách quan và tự chiêm nghiệm – suy ngẫm… Để rồi đúc rút được kinh nghiêm cho bản thân và nâng nhìn về nghề chơi mình đang hướng tới.
Xin đưa ra 1 số dẫn chứng cụ thể để các cụ và ace dễ hình dung:
– Với 1 Cần Thủ khi đi câu đòi hỏi phải có kinh nghiệm, thính câu hợp lý để xác định được mục tiêu mình muốn bắt là loài cá nào. Nếu thính câu tốt gặp ngày cá đi ăn cộng kinh nghiệm lâu năm thì thường sẽ bắt được cá to và nhiều hơn so với người ngồi kế cạnh.
– Với bất cứ 1 vận động viên của môn thể thao nào cũng cần có năng khiếu, thời gian rèn luyện + Nguồn Dinh Dưỡng cần thiết để có thể duy trì nhịp độ và thể lực trong suốt quá trình thi đấu.
* Nói tóm lại , theo quan điểm của tôi nguồn dinh dưỡng (cám) chỉ là yếu tố thứ 3 cộng hưởng trong sự thành công khi giúp những chú chim phát huy được hết khả năng và đạt đỉnh cao về phong độ.
Tôi xin chia ra làm 3 phần khi chú chim đạt phong độ đỉnh cao (chim hay) như sau : 100% = 30% là tố chất chú chim + 40% cách chăm nuôi đúng cách + 30% nguồn dinh dưỡng hợp lý , hợp với cơ địa của chú chim.
Chúc các bạn làm phù hợp với chú chim của mình.
Theo //blog.chaomao.net/2012/09/cam-…o-cua-anh.html