Chim Chào Mào yếu lửa: Nguyên nhân và cách khắc phục nhanh và bền nhất

Chim Chào Mào yếu lửa: Nguyên nhân và cách khắc phục nhanh và bền nhất

Chim Chào Mào là giống chim cảnh đẹp, có giọng hót hay, lại dễ nuôi, dễ chăm sóc nên được nhiều anh em chơi chim ưa chuộng. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, chim Chào Mào rất hay gặp phải tình trạng là chim bị yếu lửa, mất lửa. Vậy, chim Chào Mào yếu lửa là do đâu và cách khắc phục như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của chimcanh.vn để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1Chim Chào Mào yếu lửa là như thế nào?

Để hiểu được thế nào là chim Chào Mào yếu lửa thì trước tiên bạn cần nắm được khái niệm căng lửa ở chim Chào Mào. Căng lửa là khái niệm dùng để chỉ một chú chim Chào Mào đang tràn trề sức sống, sinh lực. Đây chính là thời điểm chim sung sức nhất, khỏe nhất, căng nhất.

Thông thường, mỗi năm chim Chào Mào sẽ căng lửa nhất trong một lần, khoảng từ tháng 4 đến tháng 8. Lúc này, mọi biểu hiện của chim Chào Mào thể hiện rõ rệt ra bên ngoài. Bạn sẽ thấy chim Chào Mào hót nhiều và dày hơn, giọng hót vang to hơn. Dáng chim Chào Mào đứng vươn mình, lực lưỡng, hậu môn chim nở to.

Đặc biệt nhìn những chú chim Chào Mào đang căng lửa rất hung hăng. Chim có thể sẵn sàng nghênh chiến với bất cứ đối thủ nào khi có mâu thuẫn. Nếu bạn cho những chú chim Chào Mào đang căng lửa đi thi đấu thì chim sẽ đấu rất khỏe, rất bền, đấu không biết mệt.

Chim Chào Mào căng lửa còn nhiều biểu hiện khác như chim bay nhảy nhanh nhẹn, linh hoạt. Giọng sổ của chim Chào Mào đanh gắt, giọng ché đầy uy lực, nghe cực kỳ khó chịu. Thời điểm này, Chào Mào thường tìm cách để thu hút đối phương, ghép cặp với nhau, chuẩn bị cho giai đoạn sinh sản.

Nếu như chú chim Chào Mào của bạn không có những biểu hiện như trên thì có thể khẳng định Chào Mào đã bị yếu lửa, mất lửa. Việc của bạn là cần phải tìm ra nguyên nhân để tìm cách khắc phục.

2Nguyên nhân chim Chào Mào yếu lửa và cách khắc phục

Có nhiều nguyên nhân khiến cho chim Chào Mào yếu lửa. Trong đó, một số nguyên nhân cơ bản mà nhiều anh em chơi chim Chào Mào hay gặp nhất đó là:

2.1Chim Chào Mào bị đối thủ dọa nạt

Với chim Chào Mào thuần thì nguyên nhân khiến chim yếu lửa đầu tiên đó chính là do chim không được kè chim nhà. Bản tính của chim thích tranh giành và đánh dấu lãnh thổ cao, chúng thường chia lãnh địa với nhau theo từng khu vực. Nếu như khi bạn mới bắt chim Chào Mào về nuôi, nếu bạn không để ý thì chim Chào Mào sẽ dễ bị các chú chim cũ hăm dọa, đè nẹt bị ảnh hưởng đến tâm lý.

2.2Chim Chào Mào bị bại trận nhiều lần

Nếu như chú chim Chào Mào của bạn bị bại trận quá nhiều lần trong các cuộc thi chim thì cũng khiến chim Chào Mào bị ảnh hưởng, tụt lửa. Ban đầu chim sẽ có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, dần dần tụt lửa và mất lửa hoàn toàn. Chính vì thế bạn cần lưu ý cho chim thi đấu với chế độ phù hợp.

2.3Chim Chào Mào yếu lửa sau khi thay lông

Giai đoạn chim Chào Mào thay lông hầu hết đều bị tụt lửa. Đây là giai đoạn chim nghỉ dưỡng, nạp nhiều thức ăn để đủ sức nuôi cơ thể, nuôi lông. Sau thời gian này, chim Chào Mào thường sẽ ục ịch, chậm chạp hơn. Điều này khiến chim bị yếu lửa.

Chính vì thế, khi chim thay lông xong chính là thời điểm bạn nên kích lửa cho chim. Để giúp những chú chim Chào Mào khỏe mạnh lại, sung mãn và tràn trề sinh lực nhất.

2.4Chim Chào Mào bị đổi chủ mới

Chim Chào Mào bị đổi chủ sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra. Lúc này, chim Chào Mào sẽ khó ăn, khó ngủ, lạ lẫm với môi trường mới sinh ra tâm lý sợ hãi, stress… Điều này dẫn đến việc chim Chào Mào bị yếu lửa nhanh chóng. Do đó, nếu bạn muốn mua chim Chào Mào về nuôi thì nên mua chim non để dễ chăm sóc.

2.5Chim Chào Mào yếu lửa do chuyển vùng

Chim Chào Mào khi bị chuyển vùng trên 200km thì cũng rất dễ bị mất lửa. Ví dụ như chim Chào Mào bị chuyển từ ngon núi này sang núi khác, từ đồng bằng này sang đồng bằng khác. Lý do là vì sự khác nhau về độ cao, độ xa, về thổ nhưỡng, khí hậu, thức ăn, nơi ở và nhiều vấn đề khác.

2.6Những nguyên nhân khác khiến chim yếu lửa

Ngoài những nguyên nhân chính đã kể ở trên thì cũng còn một số nguyên nhân khác khiến chim Chào Mào yếu lửa đó là

– Chim Chào Mào không có tố chất: Nhiều anh em mới bắt đầu chơi chim cảnh, chưa đủ trải nghiệm và kiến thức dẫn tới việc mua phải những con chim Chào Mào kém tố chất, chim xấu, chim không có lửa. Như vậy, trong quá trình chăm sóc dù bạn có chăm tốt thế nào chim cũng luôn trong tình trạng yếu lửa.

– Chim Chào Mào bị lông 2 lớp: Hiện tượng này là để chỉ những chú chim Chào Mào đang thay lông rồi ngưng không thay nữa trong vòng 1 – 2 tuần. Người nuôi thấy vậy tưởng rằng chim đã thay lông xong nên bắt đầu cho chim tắm nắng, đi thi đấu, đi cafe dợt khiến chim ngừng luôn quá trình thay lông. Lúc này chú chim sẽ có cả lông cũ và lông mới, chim khó chịu, hay xỉa lông… Dù bạn có chăm kỹ thì chim cũng không đạt được đỉnh lửa.

– Chim Chào Mào bị sình lông: Là những chú chim Chào Mào mới vừa thay lông xong, lúc này lông chưa kịp khô, chân lông còn yếu. Tuy nhiên, chim lại có lửa rồi, khiến nhiều anh em nghĩ chim đã căng lửa và đưa đi cội, đi cafe, kè chim cho thi đấu. Như vậy, việc chăm lửa cho chim sau này cũng bị ảnh hưởng, khiến lửa phập phùng lúc có lúc không.

– Kỹ thuật chăm chim không đều tay: Khi chim Chào Mào thay lông xong hoàn chỉnh, nhiều anh em bắt đầu quá trình chăm lửa cho chim. Lúc này, nếu như việc chăm lửa cho Chào Mào không đều tay, hôm chăm hôm không chăm thì sẽ làm cho chim khó lên lửa.

– Mùa đông thời tiết lạnh cũng là nguyên nhân làm chim Chào Mào yếu lửa: Lúc này chim hay bị rớt lửa, xù lông, việc chăm lửa cũng khó hơn. Các bạn nên cho chim ăn thêm sâu quy, cám kích, mật ong…để giúp chim Chào Mào làm nóng cơ thể.

– Chim uống phải nước nóng thường xuyên: Nếu như chú chim Chào Mào của bạn bị uống nước nóng thường xuyên, bị phơi nắng quá thời gian cũng sẽ khó lên lửa hơn.

– Chim không được nghỉ ngơi hợp lý: Nếu trong quá trình nghỉ ngơi chim Chào Mào bị các loại côn trùng, mèo chuột quấy phá thì sẽ ngủ không ngon. Chim Chào Mào sẽ bị ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, khiến chim bị yếu lửa đi.

3Cách khắc phục chim Chào Mào yếu lửa

Nếu trong quá trình chăm sóc bạn thấy chú chim Chào Mào của mình có dấu hiệu yếu lửa thì hãy thực hiện các kỹ thuật sau để giúp chim lấy lại lửa. Bạn lưu ý là phải thật bình tĩnh, không được nản, không bắt ép chim sẽ khiến chúng sợ hãi.

3.1Chế độ ăn cho chim Chào Mào yếu lửa

Chế độ ăn ảnh hưởng quan trọng đến việc lên lửa của chim Chào Mào. Bạn cần cho chim ăn đầy đủ dinh dưỡng từ cám, hoa quả tươi, mồi tanh. Tỷ lệ các nhóm thức ăn cần phù hợp với thể chất của từng chú chim.

Giai đoạn này thì cám kích chắc chắn là thức ăn không thể thiếu. Bạn có thể mua cám kích lửa chim Chào Mào ở các cửa hàng bán cám cho chim cảnh. Để đạt hiệu quả tốt nhất, thì các bạn cần cho chim Chào Mào ăn cám kích lửa đúng cách. Nếu như bạn lên cám quá đột ngột, lên liền 100% thì sẽ khiến chim gặp tình trạng bị nóng, khiến chim Chào Mào sốc và không lên được lửa.

Quy trình vào cám để chim Chào Mào lên lửa như sau:

– Nếu chim Chào Mào thuần, đã từng ăn cám kích ở các mùa trước thì bạn có thể lên cám số 2 theo tỉ lệ là 50/50 để cho chim làm quen dần. Khi chim Chào Mào đã ăn tầm 1 – 2 tuần, lúc này bạn thấy chim đã quen thì bắt đầu lên luôn 100% cám số 2. Chim Chào Mào sẽ thích nghi từ từ nên không bị sốc.

– Nếu chim Chào Mào bổi chưa quen với cám kích thì các bạn cần phải lên cám số 2 chậm hơn trên. Việc cho chim Chào Mào ăn quá đột ngột cám kích có thể khiến cho chú chim sốc cám, làm hại đến đường ruột của chim.

Nên cho Chào Mào bổi ăn theo quy trình như sau: Ở tuần đầu tỉ lệ 80% cám số 1 + 20% cám số 2, sang tới tuần thứ 2 thì tăng lên 70% cám số 1 + 30% cám số 2). Vào tuần thứ 3 thì cho chim Chào Mào ăn 60% cám số 1 + 40 cám số 2). Tuần thứ 4 chim sẽ ăn 50% cám số 1 + 50%. Cuối cùng tới khi chim Chào Mào quen thì lên 100% số 2.

Các bạn cần lưu ý là khi thấy chim Chào Mào đã đạt đủ độ lửa thì cần phải dừng cho chim Chào Mào ăn cám kích để chuyển sang cám dưỡng.

3.2Chế độ ngủ nghỉ cho chim Chào Mào

Để khắc phục tình trạng chim Chào Mào yếu lửa thì bạn cần đặc biệt chú ý đến chế độ ngủ nghỉ của chim. Các bạn cần chăm sóc giấc ngủ cho chim Chào Mào thật kỹ càng, chu đáo. Những chú chim này cần phải được đảm bảo giấc ngủ như ngoài tự nhiên thì chim mới có lửa trở lại được.

Mùa hè thì các bạn nên cho chim Chào Mào ngủ tầm 6 giờ – 6 giờ 30 chiều. Còn mùa đôngthì bạn hãy cho chim Chào Mào ngủ từ 5 giờ – 5 giờ 30 chiều. Lúc mà chim Chào Mào ngủ thì bạn cần trùm áo lồng kín; tạo không gian tối, yên tĩnh, không để những loài vật khác quấy rầy chim Chào Mào.

3.3Chế độ tắm cho chim Chào Mào yếu lửa

Một chế độ tắm phù hợp cũng giúp chim Chào Mào lên lửa hiệu quả. Nên cho chim Chào Mào tắm nắng thường xuyên để giúp chim Chào Mào được ôm lông, lông bóng, mượt mà hơn.

Thời gian tắm nắng cho chim Chào Mào phù hợp nhất là từ 7-9 giờ sáng mỗi ngày. Ngoài ra thì bạn cũng cần kết hợp tắm nước cho chim Chào Mào. Tắm nước thì phù hợp nhất là sau 12 giờ trưa. Chế độ tắm nước sẽ giúp cơ thể chim Chào Mào luôn được sạch sẽ, loại bỏ bụi bẩn để chim dễ lên lửa hơn.

3.4Chế độ tập lực cho chim Chào Mào yếu lửa

Chế độ tập lực phù hợp nhất cho chim Chào Mào yếu lửa là luyện tập khoảng 30 phút đến 1 tiếng/ 1 ngày. Các bạn chỉ cần tiến hành tập 3-5 ngày một tuần cho chim Chào Mào là vừa đủ. Như vậy thì chim cũng có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức.

Trong quá trình tập lực cho chim Chào Mào yếu lửa, một điều mà các bạn cần chú ý đó là phải để chim Chào Mào ở vị trí có ánh sáng và tránh xa các con vật nguy hiểm như chuột, mèo… Để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chim Chào Mào.

Thời gian tốt nhất để tập lực cho chim Chào Mào yếu lửa là vào khoảng từ 9 giờ cho đến 11 giờ trưa. Tập thời điểm này, những chú chim Chào Mào vừa được phơi nắng, vừa được bay nhảy thoải mái trong lồng. Như vậy sẽ khiến chim Chào Mào thích thú và hợp tác tập luyện, nhanh chóng lên lửa hơn.

3.5Chế độ tập giọng cho chim Chào Mào

Đây cũng là một trong những cách kích lửa chim Chào Mào, giúp chim Chào Mào có tiếng hót hay và thêm sung mãn. Cách tập luyện giọng này cực kỳ đơn giản, các bạn chỉ cần vào mạng để tải những đoạn âm thanh tiếng chim hót hay về điện thoại.

Tiếp sau đó, thì các bạn sẽ thường xuyên mở những video này cho chim Chào Mào nghe để chim học theo. Hoặc nếu bạn có chim thầy thì bạn hãy treo lồng chim Chào Mào của bạn bên cạnh chim thầy. Như vậy thì những chú chim Chào Mào của bạn sẽ học theo và bắt chước chim thầy hót.

3.6Cho chim Chào Mào đi dợt

Cứ khoảng một tuần thì các bạn nên mang chim Chào Mào đi dợt một lần tại các hội chim. Các lần đầu đi dợt thì các bạn nên áp dụng phủ áo che lồng kín lại và treo lông chim ở khu vực ngoài biên. Mục đích là để chim Chào Mào quen dần với cội mà không bị sợ hãi.

Sau đó, từ những lần sau thì bạn có thể mang lồng chim Chào Mào treo ra giàn để cho chim dợt với các chú chim Chào Mào khác. Chim sẽ học hỏi được kinh nghiệm thi đấu, dạn hơn, sung mãn và hiếu chiến hơn.

Như vậy, qua bài viết trên, chimcanh.vn đã chia sẻ tới bạn về tình trạng chim Chào Mào yếu lửa, chỉ ra nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng này. Hy vọng bạn đã có thêm kinh nghiệm để chăm sóc tốt nhất cho chú chim của mình. Giúp chim Chào Mào không bị yếu lửa, luôn khỏe mạnh và sung mãn nhất. Chúc bạn thành công!

Lưu ý

Trong quá trình kích lửa cho chim Chào Mào, nếu như chim Chào Mào chậm lên lửa thì bạn có thể siết cám nhiều hơn trái cây. Cám kích lửa sẽ giúp chim lên lửa nhanh hơn.

Mỗi tuần bạn nên tập lực cho chim Chào Mào 2-3 lần đều đặn, thả ngày nghỉ ngày để giúp cho chim Chào Mào hồi phục lại thể lực. Như vậy chim sẽ nhanh lấy lại lửa hơn.

Mỗi bữa ăn cho chim Chào Mào bạn cần cố gắng không nên cho chim Chào Mào ăn quá nhiều cám hay đồ ăn. Nếu như chim Chào Mào ăn quá no thì chim sẽ khó chịu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đường ruột và sức khỏe của chim.

Thức ăn cho chim Chào Mào ăn cần đảm bảo phải được khử trùng, vệ sinh an toàn. Bạn tuyệt đối không cho Chào Mào ăn các loại cám hay thức ăn ôi thiu, ẩm mốc, quá hạn sử dụng khiến chim bị bệnh.

Cần tạo được một môi trường sống yên tĩnh, thoáng mát cho chim Chào Mào. Không để chim Chào Mào nơi quá ồn ào khiến chim sợ hãi.

Câu hỏi thường gặp

  • 1. Chim Chào Mào yếu lửa có nên cho ăn cám không?
    Khi thấy chim Chào Mào yếu lửa bạn cần thay đổi chế độ ăn cho chim. Cần cho chim ăn uống đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt không được bỏ qua cám dinh dưỡng. Tuy nhiên cần chọn đúng loại cám kích lửa cho chim, và cho chim ăn đúng quy trình, liều lượng.
  • 2. Khi chim Chào Mào yếu lửa có được tắm không?
    Trong lúc chim Chào Mào yếu lửa thì bạn vẫn nên tắm rửa điều độ cho chim. Cần tắm nắng và tắm nước cho chim đều đặn và đúng cách để giúp chim lấy lại lửa.
5/5 - (1 bình chọn)