Một anh trai làng ở Quảng Trị nuôi thứ chim gì bé hơn nắm tay mà nổi tiếng hẳn lên?

Một anh trai làng ở Quảng Trị nuôi thứ chim gì bé hơn nắm tay mà nổi tiếng hẳn lên?

Được dân chơi chim cảnh ở huyện Vĩnh Linh ví von như “ông bầu” của những chú chim chào mào đoạt giải cao ở các hội thi trong tỉnh Quảng Trị và cả nước, anh Đào Ngọc Sơn, trú tại thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh vẫn đang miệt mài “rèn giũa” tiếng hót chim chào mào nhằm đem lại niềm vui cho đời.

Từ anh công nhân đến “ông bầu” chim chào mào

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nên anh Sơn có cơ hội tiếp xúc với chim chào mào từ nhỏ. Anh Sơn kể ông nội của anh nuôi một chú chim chào mào có giọng hót rất hay.

Thời điểm đó, anh còn nhỏ nên không hiểu rành rọt về chim lắm nhưng rất mê chú chim chào mào của ông nội, đến mức ngày nào đi chăn trâu, anh cũng phải ghé thăm nhà ông để nghe chim hót.

Lúc còn đi học, anh Sơn cũng tự tay chăm bẵm vài chú chim chào mào. Tình yêu và sự hiểu biết về chim chào mào của anh ngày càng lớn dần thêm.

Năm 2010, anh Sơn vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân cho công ty Cát Thái. Tại đây, anh tham gia các câu lạc bộ (CLB) chim chào mào ở TP. Hồ Chí Minh.

“Lúc đó, tôi tham gia rất nhiều CLB chim chào mào, điển hình nhất là CLB chào mào quận 9, Hiệp hội chào mào miền Nam…Có thời gian rảnh rỗi là tôi tìm gặp những người đi trước để nghe họ truyền kinh nghiệm và ngắm nhìn những chú chim chào mào đẹp, tiếng hót, tiếng ché hay.

Thậm chí, có khi nghỉ làm giữa trưa, tôi lại xách xe chạy hơn 10 km xem chim đấu được hơn 10 phút lại phải chạy ngược về công ty. Tuy nhiên, nhờ tham gia vào những CLB này mà tôi được mở mang kiến thức về cách chọn, chăm sóc chim cũng như huấn luyện chim đi đấu”, anh Sơn nhớ lại.

Một anh trai làng ở Quảng Trị nuôi thứ chim gì bé hơn nắm tay mà nổi tiếng hẳn lên? - Ảnh 1.

Tuy giỏi nghề nuôi chim chào mào nhưng anh Sơn (thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn tâm niệm rằng phải luôn học hỏi và trau dồi kinh nghiệm mới có thể thành công.

Sau 3 năm làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2013 anh Đào Ngọc Sơn quyết định về quê lập gia đình, ổn định cuộc sống. Lúc này, anh Sơn mới tiếp tục theo đuổi thú nuôi chim chào mào của mình và tham gia vào các CLB chim chào mào Vĩnh Linh, CLB chim chào mào phường 5, Đông Hà, Hiệp hội chào mào miền Bắc…

Khi anh đem chim tới giao lưu với các CLB, có rất nhiều người hứng thú với những chú chim mà anh huấn luyện và ngỏ ý muốn mua lại với giá vài triệu đồng. Nhận thấy đây là nghề có thể kiếm được thu nhập, anh Sơn liền nảy ra ý tưởng nuôi chim chào mào với số lượng lớn.

Anh đem toàn bộ số tiền dành dụm được hơn 60 triệu đồng tuyển chim chào mào về nuôi, huấn luyện. Phải lặn lội khắp địa bàn tỉnh Quảng Trị từ Hướng Hóa, Đakrông đến Hải Lăng, Triệu Phong , anh Sơn mới tìm được những chú chim chào mào ưng ý về nuôi.

Mỗi đợt, anh nhập về khoảng 200 đến 300 con chào mào đủ các loại và độ tuổi. Theo anh Sơn, khi chọn chim phải chọn con có điệu bộ lanh lẹ, cặp chân phải to, dài, thân hình cũng phải dài, vai nở nang, ngực ưỡn ra, có lằn giữa ngực thì thường phổi to, giọng chim vang.

Đặc biệt, những chú chim chào mào có miệng mỏng, ngắn mới siêng hót. Sau khi mua về, anh chọn lọc những con có tố chất, tiềm năng để nuôi dưỡng, huấn luyện, còn những con không đạt thì thả đi.

“Khi chim bổi mới bắt về, để chim hết nhát mất khoảng vài tháng nên đòi hỏi phải thực sự kiên nhẫn trong kỹ thuật nuôi. Ban đầu, cần trùm kín lồng, tránh tiếp xúc nhiều nhưng phải để hé một khe nhỏ để chim quen dần với môi trường nhốt, sau đó tăng độ hé theo thời gian nuôi khi chim đã dần thích nghi.

Sau vài tháng nuôi nhốt thì bắt đầu cho chim làm quen với môi trường mới, cần cho chim tiếp xúc nhiều hơn bằng cách tắm cho chim, treo lồng nhiều chỗ … Mỗi lần cho ăn nên cho chim ăn ít, để hết sạch mới cho thêm thức ăn vào.

Phải làm cho chim hiểu là mỗi khi đến gần chỉ để cho ăn, dần dần chim sẽ cảm thấy bạn không nguy hiểm, thậm chí nó có thể còn mừng khi thấy người. Làm được như vậy, thêm 3-5 tháng nữa là chim tương đối dạn dĩ.

Thức ăn cho chim thì tôi tự làm gồm hỗn hợp tôm, trứng, bột ngũ cốc xay ra, làm thành sợi. Còn về phần huấn luyện, tôi thường xuyên đem chim đến các CLB chim chào mào để chim học hỏi giúp có giọng hót và những ngón nghề hay hơn”, anh Sơn chia sẻ bí quyết nuôi chim.

Nhờ kinh nghiệm, lòng đam mê và sự “mát tay” nên nhiều người từ Bắc đến Nam đã tìm đến anh Sơn hỏi mua chim. Trung bình, mỗi năm anh bán đi hơn 1.000 chú chim chào mào với giá trung bình từ 500- 700 nghìn đồng, đặc biệt có những con giá lên đến vài chục triệu đồng, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Có tâm với nghề

Trước khi bén duyên với nghề nuôi chim chào mào, anh Sơn đã có khoảng thời gian đem chim đi thi đấu từ Bắc vào Nam và đoạt vô số giải thưởng từ thấp đến cao nên luôn được bạn bè, khách hàng mời làm “huấn luyện viên trưởng” mỗi khi đi thi đấu.

Anh luôn tận tâm giúp đỡ mỗi khi nhận được lời đề nghị. Tuy bận bịu với công việc nuôi và huấn luyện hơn 300 chú chim chào mào nhưng anh luôn sắp xếp thời gian tham gia cùng anh em đi thi đấu, có khi đi cả tuần trời, từ Hồ Chí Minh đến Nam Định. Bận bịu là thế nhưng khi thấy chim do mình huấn luyện dành được giải cao, anh lại cảm thấy tự hào và yêu nghề hơn.

Không chỉ dừng lại ở đó, anh Sơn còn rất nhiệt tình khi vận động các CLB tổ chức các hội thi chim chào mào gây quỹ từ thiện. Gần đây nhất là Hội thi chim chào mào huyện Vĩnh Linh năm 2017 đã quyên góp được 15,2 triệu đồng cho bé gái 18 tuổi không may bị bệnh lupus ban đỏ ở huyện Vĩnh Linh.

“Thú nuôi chim là một thú vui tao nhã. Do vậy, nghề này chủ yếu mang đến niềm vui cho bản thân và mọi người mỗi khi mỏi mệt, stress. Hiện nay, rất nhiều nơi thú chơi chim chào mào đang bị biến tướng, cá độ tiền. Do vậy, tôi hy vọng rằng, mỗi người chơi chim chào mào nên hiểu rõ và đưa phong trào ngày càng phát triển lành mạnh hơn”, anh Sơn bộc bạch.

Chia tay căn nhà rộn ràng tiếng chim của anh Sơn, chúng tôi không khỏi khâm phục chàng trai trẻ đã thành công bằng chính sở thích, đam mê và tình yêu dành cho loài chim này.

5/5 - (1 bình chọn)