Thú chơi chim chào mào

Thú chơi chim chào mào

Được tạo hóa tô điểm hai chấm son đỏ thắm dưới khóe mắt, hai dải cườm đen đậm vắt qua cổ, xõa xuống trước ngực, chóp mào nhọn cao vút trên đỉnh đầu… nên dù có thân mình mảnh mai, chim chào mào vẫn toát lên phong thái uy dũng như “bậc quân vương” giữa muôn loài chim cảnh. Ngoài tướng dáng đẹp, chào mào còn có giọng hót lảnh lót, lúc trầm lúc bổng với rất nhiều âm tiết và giọng điệu, lại thêm nết chơi độc đáo…; những điều đó đã khiến chào mào chinh phục biết bao “điểu sĩ” để trở thành “đệ nhất chim cảnh”.

. “Đệ nhất chim cảnh”

Chim chào mào có màu lông nâu xám và trắng đặc trưng; đầu và mào màu đen, chùm lông dưới đuôi màu đỏ nhạt. Khi trưởng thành, hai bên má chào mào có hai chấm màu đỏ tươi. Lúc này, phần đầu chim chào mào sẽ có 3 màu đen, đỏ và trắng, cộng thêm chóp mũ nhọn, cao vút “đội” trên đỉnh đầu cùng với hai vệt cườm màu đen đậm như chiếc khăn quàng vắt qua vai, xõa xuống trước ngực, tạo nên dáng vẻ uy dũng mà không loài chim cảnh nào có được. Ngoài dáng vẻ độc đáo đẹp mắt, chào mào còn rất siêng hót. Tiếng hót của chào mào thánh thót với nhiều âm tiết và giọng điệu chuyển liên tục. Hơn nữa, khác với các loài chim cảnh “quý tộc” như sơn ca, họa mi…, chào mào rất dễ thuần dưỡng, không đòi hỏi nhiều công phu chăm sóc và chế độ dinh dưỡng, giá bán cũng bình dân (đối với những con có màu lông đặc trưng) nên từ lâu đã được giới chơi chim cảnh yêu thích chọn nuôi và hiện nay được mệnh danh là “đệ nhất chim cảnh”.

Ông Nguyễn Văn Dự bên chú chim “Cà phê sữa” có màu sắc khá độc đáo.
Ông Nguyễn Văn Dự bên chú chim “Cà phê sữa” có màu sắc khá độc đáo.

Theo anh Công, chủ một cửa hàng kinh doanh chim cảnh trên đường Lê Hồng Phong (Nha Trang), chọn nuôi loài chim nào là tùy sở thích và đam mê của mỗi người. Nhưng nhìn chung, so với những giống chim cảnh khác, chào mào có dáng vóc độc đáo, đẹp mắt, tiếng hót cũng như nết chơi quyến rũ, dễ thuần dưỡng, dễ chăm sóc, giá bán lại bình dân nên những năm gần đây, chơi chim chào mào đã trở thành trào lưu của giới chơi chim cảnh ở Nha Trang và các địa phương khác. Có lẽ, chào mào hiện được mệnh danh là “đệ nhất chim cảnh” là bởi nó hội tụ đủ các yếu tố thanh, sắc, nết chơi quyến rũ và cả sự phổ biến của loài”. Tuy nhiên, anh Công cũng cho biết thêm, giá mỗi con chim chào mào có thể từ dưới 100.000 đồng cho đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng, tùy vào “đẳng cấp” và nhất là màu lông của từng con. Những con có màu lông đặc trưng thường có giá khá bình dân, nhưng những con chim dị tướng (bị đột biến) như: Gián cánh, Bạch đề, Bông, Mơ…, lông có nhiều đốm trắng lạ thường; đặc biệt là giống Bạch tạng, toàn thân chỉ có 2 màu trắng và đỏ (mắt, chân, mỏ, má và lông phía dưới đuôi đều có màu đỏ, còn lại là màu trắng) thì có giá rất cao, có khi đến hàng trăm triệu đồng.

Vào một ngày giáp Tết, nghe thông tin anh Nguyễn Văn Dự ở đường Võ Thị Sáu, phường Phước Long (Nha Trang) vừa “tuyển” được một chú chào mào được xem là “độc nhất vô nhị” ở Nha Trang, chúng tôi đã tìm đến nhà anh. Quả thật, đây là một chú chào mào có màu rất lạ: mắt, má, mỏ, chân và lông phía dưới đuôi đều có màu hồng nhạt, còn lại là màu trắng đục. Anh Dự cười tâm đắc và cho chúng tôi biết: “Khi nghe người bạn ở Gia Lai báo tin có tay “đánh” chào mào chuyên nghiệp mới bẫy được một “chú” màu cà phê sữa, dù đang tất bật chuẩn bị Tết, tôi vẫn lập tức lên đường tìm mua. Lúc đầu, người này ra giá 50 triệu đồng. Phải sau 2 ngày năn nỉ, tôi mới mua được với giá 38 triệu đồng”. Thế mới biết, chào mào hấp dẫn “điểu sĩ” vô cùng!

. Thú chơi tao nhã

Theo kinh nghiệm của giới chơi chim cảnh, tuy rất dễ nuôi, nhưng muốn có được một chú chim chào mào hót hay và có nết chơi đẹp thì phải biết “xem tướng” để chọn được chú chim có “tố chất” tốt. Tiếp đó là cả quá trình chăm sóc, luyện tập khá công phu, đòi hỏi người nuôi phải rất kiên trì. Ông Nguyễn Văn Quang (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang), người được giới chơi chim cảnh ở Nha Trang gọi là “lão tướng” thuần dưỡng chào mào, chia sẻ: “Thú chơi chim cảnh phải xuất phát từ lòng đam mê thực sự mới có thể lâu bền. Những người chơi theo kiểu phong trào thì chỉ thích nghe chim hót, còn việc cho chim ăn, tắm, vệ sinh lồng chim… lại coi là những việc nặng nhọc. Như thế thì không luyện được chim hay. Đối với người có đam mê thực sự, thuần dưỡng được con chim đứng trong lồng mà vẫn dõng dạc cất lên tiếng hót tự nhiên như giữa chốn rừng hoang mới là “sướng”. Theo kinh nghiệm của ông Quang, khi đã thuần dưỡng đến giai đoạn ra giọng, dạn dĩ với người ở mọi lúc mọi nơi, thì cần thường xuyên đưa chim đến “trường” (những tụ điểm tập trung nhiều chim cùng loại) để chim “học hỏi”, thi thố với những con chim khác. Như thế, chim sẽ ngày càng có “lửa” (sung sức), giọng hót càng thêm hay. Anh Út, chủ điểm dượt chim ở công viên Yến Phi (Nha Trang), chia sẻ: “Gần chục năm nay, mỗi buổi sáng không mưa, tôi đều mang chim chào mào đến đây chơi và bán cà phê phục vụ những người có cùng thú chơi này. Ngoài việc để tập dượt cho chim, những người cùng chung sở thích còn muốn gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nuôi chim. Đây cũng là nơi mang đến cho họ nhiều cảm xúc thú vị”. Trong nắng sớm đầu Xuân, nhìn những người nuôi chim cảnh ngồi thành vòng tròn, vây quanh hàng chục lồng chim chào mào, nhâm nhi ly cà phê và say sưa nghe đàn chim thi nhau trổ giọng, nhìn chúng vỗ cánh, xòe đuôi, chao lượn, chạy cầu…, mới thấy cảm xúc của thú chơi này quả là không tiền nào mua được.

Chào mào từ lâu là loài chim cảnh được đông đảo giới “điểu sĩ” mê chuộng. Ở nhiều tỉnh, thành phố còn hình thành những câu lạc bộ chơi chim chào mào và tổ chức các cuộc thi để những “nghệ sĩ” chào mào có dịp khoe “mã”, đấu giọng. Ở Nha Trang, tuy chưa tập trung thành câu lạc bộ, nhưng trào lưu nuôi chào mào cũng khá phổ biến và đã xuất hiện nhiều “trường chim”. Giữa chốn phố phường nhộn nhịp, được nghe những tiếng hót thánh thót, trầm bổng của những chú chim chào mào không biết từ đâu bất chợt vọng lại, cũng thấy thật khoan khoái, thanh bình.

NAM – LONG

Bạn thấy bài viết hữu ích thì đánh giá cho chaomao.info nhé