THÚ CHƠI CHIM NGƯỜI ĐÀ NẴNG

Giới thiệu với các bạn 2 chú Chào mào giải cao

Không dừng lại ở việc nuôi và luyện những chú chim cảnh như một thú chơi tao nhã, gần đây nhiều người nuôi chim cảnh ở Đà Nẵng còn bổ sung vào bộ sưu tập của mình những chú chim “độc”, lạ với giá trị mỗi loại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Chiều cuối tuần, ngồi nhâm nhi ly trà nóng tại quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt, được dịp nghe hàng trăm chú chim với đủ các loại khác nhau như chào mào (đội mũ), chích choè, hoạ mi, vành khuyên… cùng nhau “đọ” tiếng hót. Mặc dù với những dân “ngoại đạo” như chúng tôi, chẳng biết thế nào là một chú chim líu hay, líu khỏe, nhưng ngồi nghe chúng hót cũng thật vui tai.

Anh Võ Anh Tuấn là chủ quán cà phê Chim và cũng là một “cao thủ” chơi chim “có số má” ở Đà Nẵng. Hiện anh đang sở hữu một dàn chim đủ loại trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Theo anh Tuấn, ở Đà Nẵng, hiện người chơi chim lên tới con số hàng trăm. Người chơi ít nhất cũng sở hữu đôi ba con, vừa vừa cũng dăm lồng, còn nhiều thì phải là hàng chục. Các loại chim được ưa thích nhất là chào mào (đội mũ), chích choè than, chích choè lửa, hoạ mi, vành khuyên…

Anh Tuấn tâm sự, việc mua được cho mình một chú chim thường như chào mào hay vành khuyên thì rẻ thôi, chỉ mất vài trăm ngàn đồng nhưng để luyện chim hay, đấu tốt, đặc biệt là có “số má” trong làng chim cảnh thì người chơi không chỉ cần có nhiều kinh nghiệm mà còn phải mất không ít thời gian chăm bẵm, tập luyện rất công phu.

Công đoạn chọn chim phải cực kỳ tỷ mẩn. Chẳng hạn, để chọn khuyên phải là những chú khuyên có đầu to, trán rộng, mỏ vàng, hàm sâu, lông óng… Vì đây là những chú khuyên có khả năng nhanh hót (líu) và líu nhiều. Chọn xong chim, mới chỉ là công đoạn đầu. Tiếp theo là công đoạn chăm sóc và tập luyện, mỗi người có một bí kíp riêng. Công đoạn chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ từ việc chọn thức ăn, bổ sung các dưỡng chất để tăng sức đề kháng, cũng như chế độ tắm đặc biệt.

Thông thường, các câu lạc bộ, hội chim đều có những cuộc thi cho riêng mình. Những cuộc thi chim thu hút đông đảo người chơi chim tham dự và các chú chim đoạt giải sẽ được định giá rất cao.

Anh Tuấn cho biết, chú chào mào Trung Mang (huyện Đông Giang, Quảng Nam) của anh, hiện đã được định giá 25 triệu đồng bởi đã nhiều lần đoạt giải trong các hội thi. Tuy nhiên, đó chưa phải là cái giá “đỉnh”, mà chỉ là cái giá kha khá cho những người chơi chim. Thực tế, có con chim chào mào như của anh Ty, sau khi đoạt giải trong đợt thi vừa qua, đã được định giá tới 70-80 triệu đồng.

Rộ thú chơi chim… “độc”

Nhưng chỉ chơi những loại chim thông thường như vừa kể, thì chưa đủ. Gần đây, giới mê chim cảnh Đà Nẵng còn săn lùng những chú chim “độc”, lạ và đặc biệt là giá trị của mỗi con lên đến hàng ngàn đô la Mỹ.

Ở Đà Nẵng, người đam mêm chim cảnh không thể không kể tới anh H. Gần chục năm nay, anh đã bổ sung vào bộ sưu tập chim cảnh độc đáo của mình những dàn chim chào mào từ bông, đốm, màu sôcôla đến hoàng, bạch, hay chỉ trắng phần đầu…có giá đến hàng trăm triệu đồng.

Tiếp đến là bộ sưu tập Khuyên hoàng (khuyên có lông màu vàng), Sơn ca trắng của anh M; bộ sưu tập Cu gáy bông của anh Kh; hay dàn lửa bông của anh T. tạo ra một thú chơi chim cảnh “độc”, “không đụng hàng” ở Đà Nẵng, rất phong phú, đa dạng.

Nhưng “độc” nhất là bộ sưu tập mới nhất của anh Võ Anh Tuấn, với những loại chim mới được anh dày công tìm hiểu và “tậu” về từ nước ngoài với giá mỗi con lên tới hàng ngàn đô la Mỹ.

Đó là cặp vẹt đuôi dài Nam Mỹ, có tên Blue-Gold mới được anh bỏ ra gần 200 triệu đồng để làm thủ tục nhập khẩu trực tiếp từ Brazil; một chú vẹt Úc màu trắng mào vàng với giá hơn 2.000 đô la Mỹ và cặp vẹt xám Châu Phi nhập từ Thái Lan về có giá gần 100 triệu đồng/con mà anh Tuấn đang sở hữu.

Chủ nhân của các chú vẹt có một không hai ở Đà Nẵng cho biết, loại vẹt này khi trưởng thành rất thông minh, đặc biệt là chúng có thể bắt chước và nói tiếng giỏi như con người. Loại vẹt xám Châu Phi có chỉ số IQ ngang cá heo và có thể tập nói được nhiều thứ tiếng, làm toán, nhận diện màu sắc… và chú vẹt Úc mào vàng thì có khả năng nhảy múa theo nhạc.

Quay lại câu chuyện mà anh Tuấn kể với chúng tôi, anh bảo rằng, người chơi chim cảnh không chỉ “ganh” nhau trong mỗi cuộc thi, xem chú chim nào líu hay, líu khỏe mà họ còn ganh nhau trong việc “độ” lồng son cho những chú chim quý của mình.

Giá cả các loại lồng phụ thuộc vào độ tinh xảo trong cách xử lý chất liệu chế tạo lồng. Lồng đục chạm càng cầu kỳ giá càng cao. Nếu thêm các chất liệu quý như ngà voi, đồi mồi, sừng, xương để thay một số hay toàn bộ tre trúc thì giá càng đắt.

Ngay như những chiếc lồng được làm bằng tre già, có chạm trổ tinh tế cũng ở mức từ 20 triệu tới cả trăm triệu đồng/chiếc.

Anh Tuấn thú thật, anh cũng rất thích “độ” lồng chim, nhưng anh không đầu tư mua những chiếc lồng với giá ngất ngưởng, bởi anh nghĩ chim quý không phải ở lồng son.

Chim không… đụng hàng
Nhưng chỉ chơi những loại chim thông thường như vừa kể thôi thì chưa đủ. Gần đây, giới mê chim cảnh Đà Nẵng còn săn lùng những chú chim độc đáo, không đụng hàng mà giá trị của mỗi con lên đến hàng ngàn đô Mỹ. Những cái tên tiên phong cho phong trào này ở Đà Nẵng là H., T., Kh., bố D…

Mỗi người trong số họ gắn liền với một bộ sưu tập riêng, nổi tiếng tới mức chỉ cần nhắc đến tên là người nghe biết ngay “danh tính” của chú chim mà chủ nó đang sở hữu. Ví dụ anh H. gắn với niềm đam mê chim cảnh bông. Gần chục năm, anh đã bổ sung vào bộ sưu tập chim cảnh độc đáo của mình “dàn” chim chào mào từ bông, đốm, màu sôcôla đến hoàng, bạch, hay chỉ trắng phần đầu…
Nghe ở tỉnh nào có chim độc, lạ thì anh H. đến để “săn” cho bằng được. Đến nay, bộ sưu tập chim cảnh của anh có giá đến hàng trăm triệu đồng. Tiếp đến là bộ sưu tập khuyên hoàng (khuyên có lông màu vàng), sơn ca trắng của anh M.; cu gáy bông của anh Kh.; lửa bông của anh T… khiến thú chơi chim cảnh độc, “không đụng hàng” ở Đà Nẵng rất phong phú, đa dạng.
Mới đây nhất, một chủ nhân tên T. (trên đường Nguyễn Chí Thanh) khiến cư dân mê chim Đà Nẵng “ngả mũ” khi liên tiếp tuyển về một loạt chim cưng nguồn gốc ngoại như: Choè lửa bông, khuyên màu… với giá trị tính bằng tiền chục triệu. Đáng nể nhất là bộ sưu tập vẹt Nam Mỹ có tên Blue-Gold của anh T., khi anh bỏ ra gần 200 triệu đồng để làm thủ tục nhập trực tiếp từ Rio (Brazil), thậm chí nhờ “xách tay” về Việt Nam với các thủ tục nhập khẩu, đeo chip theo dõi…
Trước đó, anh T. cũng làm bất ngờ giới chơi chim Đà Nẵng khi đưa một chú vẹt Úc màu trắng mào vàng về Đà Nẵng với giá không dưới 2.000USD. Cũng theo chủ nhân của các chú vẹt có một không hai này, trong thời gian tới, bộ sưu tập vẹt ngoại sẽ có thêm 2 vẹt xám Châu Phi có chỉ số IQ ngang cá heo và có thể tập nói được nhiều thứ tiếng…
Đó mới chỉ là chim, còn nhắc đến lồng thì mới thấy cái “khủng” của thú chơi. Trong khi giá của một chiếc lồng chim bằng tre bình thường chỉ dăm ba chục ngàn đến vài trăm ngàn thì giới mê chim Đà Nẵng cất công săn tìm cho mình những chiếc lồng thuộc dạng quý hiếm với giá từ vài chục triệu cho đến trăm triệu mỗi cái. Những chiếc lồng khi nghe đến tên cũng biết giá trị của nó ngang ngửa chiếc SH đời mới như: Xâu tiền, bát điểu, thập bát la hán, cửu đỉnh… dù chỉ bằng tre; hay giá ngang chiếc xe ô tô nếu được cẩn xương, ngà, đồi mồi, sưa…
Nghề chơi lắm công phu
Số người chơi tăng cao kéo theo các dịch vụ đi kèm cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu của cư dân mê chim. Hiện trên các tuyến phố Đà Nẵng đang hình thành một loạt cửa tiệm bán chim cảnh, thức ăn và các vật dụng, phụ kiện liên quan, được gọi bằng những cái tên dân dã như: Quán chị Thể-anh Lân, anh Khánh (trên đường Ông Ích Khiêm); quán anh Thân (đường Nguyễn Công Trứ); Tý, Thanh Quang (đường Hoàng Diệu); Ana…
Một chủ tiệm cho biết: “Cứ bắt đầu vào mùa chơi chim và chim bắt đầu “căng lửa”, thi nhau hót là các mặt hàng như châu chấu, sâu tươi, dế, điêu điêu… đắt hàng. Nhất là châu chấu tươi, mỗi ngày xuất ra đến hàng ngàn gói mà vẫn không đủ bán cho khách”. Ngoài thức ăn thông thường, người ta còn bán cả “heroin” (bột kích) nhằm kích thích chim nhanh hót, hót căng… “Heroin” được bán với giá trăm ngàn mỗi lạng nhưng luôn “cháy hàng” khi vào mùa cao điểm.
Nhu cầu người chơi tăng cao, trong khi diện tích lúa, hoa màu và cỏ trên địa bàn Đà Nẵng cùng các tỉnh lân cận càng ngày càng thu hẹp, nguồn đánh bắt tại khu vực khan hiếm, nên gần như các quán đều phải nhập châu chấu từ các tỉnh miền Nam về. Tuy nhiên, giới sành chơi chim thích châu chấu bắt ở Đà Nẵng và các vùng lân cận vì tươi và mập hơn. Còn châu chấu nhập từ Sài Gòn bằng đường máy bay không được “chuộng” vì phải bỏ vào thùng đá chuyển về.
Tuy nhiên, đến thời điểm khan hiếm, châu chấu Sài Gòn cũng không mua được. Nhiều người tặc lưỡi: “Mua vàng còn dễ hơn châu chấu”. Một gói châu chấu khoảng 15-20 con có giá 5.000 đồng (1kg tương đương 3-5 triệu đồng) được người chơi ví đắt ngang… tôm hùm. Song không ai từ chối nhu cầu “xa xỉ” ấy của những chú chim cưng.
Anh Thanh – một người chơi chim chia sẻ: “Cứ nhẩm thử thì mới thấy nghề chơi không đơn giản chút nào. Nhu cầu cơ bản nhất của chim là bột, nhưng không phải tất cả các loại chim đều ăn một loại bột, mà mỗi con mỗi loại và mỗi loại bột mỗi giá. Quy ra ký thì thấp nhất cũng là 150.000 đồng/kg, cao cấp và tốt hơn thì 500.000 – 800.000 đồng/kg. Nhưng người chơi đều mua từng lạng nên không thấy xót, chứ nếu tính ra ký thì gạo cũng còn thua xa. Còn mồi tươi như sâu, dế, trứng kiến, điêu điêu… thì vô chừng”.
Sau chuyện ăn là phần chăm sóc. Như anh H. đã phải tuyển cả 1 nhân viên chuyên chăm cho những chú chim cưng của mình từ ăn, uống, vệ sinh, tắm rửa… Còn để có tên Blue-Gold trong danh sách bộ sưu tập chim cưng của mình gồm vẹt trắng Úc, xám đuôi đỏ châu Phi, anh T. phải đảm bảo chế độ ăn, chăm sóc rất tỉ mỉ và để đảm bảo chim đẹp khi đến tuổi trưởng thành.
Thức ăn cho chim, anh T. không dùng hàng nội mà nhập luôn sữa chuyên dụng dành cho chim, đặt hàng hạt hướng dương tươi, đóng kệ…Và tất nhiên, những việc đó phải do một người chuyên trách để đảm bảo luôn đúng với “hướng dẫn sử dụng” (!).
“Trẻ hoá” thú chơi chim
Bây giờ ở Đà Nẵng, hình ảnh các cụ cao niên chăm chú săm soi bên chiếc lồng chim từ xưa đã dần đi vào quá khứ, thay vào đó là các thanh niên lao vun vút trên đường cùng chiếc lồng chim cảnh trên tay. Đi đâu cũng có thể thấy vài ba chiếc lồng chim treo trước nhà mà chủ nhân không ai khác là các thanh niên tuổi từ 40 đổ lại.
Lý giải cho hiện tượng này, anh Huy – một người chơi chim cho hay: “Chơi chim bây giờ công phu và khó khăn hơn xưa, nên gần như các cụ không còn chơi nữa vì không thể theo được. Như hồi trước, các cụ chỉ chơi vài ba lồng cùng những loại chim dễ nuôi, đơn giản cả về chăm sóc cũng như mồi. Còn nay, chơi chim công phu hơn nhiều. Không có mồi thì chim không thể “sung”, mà mồi đâu có đi bắt như xưa mà phải mua hết. Hơn nữa, chơi chim bây giờ còn phải mang đi “dợt” (đi đấu, học giọng) để… nâng cao trình độ. Để chim đấu được, chơi “căng lửa” thì việc mang đi, xách lại giao lưu thi đấu là rất cần thiết. Đến đây thì các cụ chịu rồi”.
Anh Nhân – người chơi chim gần 20 năm nay, bổ sung: “Hồi xưa các cụ chơi để thoả cái thú chơi tao nhã của mình. Còn nay, chơi chim còn kèm cả mua bán, kiếm lời. Mà việc này, các cụ không thể bằng thanh niên. Một con chim tuyển về vài trăm ngàn, nhưng qua đấu, dợt một thời gian có thể “hét” lên vài triệu, thậm chí vài chục triệu. Đó là chưa kể chim độc, lạ thì có thể nói là… vô giá”. Cà phê chim

Theo Xuân Mai (Lao động)

5/5 - (1 bình chọn)