Chim vành khuyên-thú chơi mê đắm lòng người
Chẳng biết người Hà Nội chơi chim vành khuyên tự bao giờ, nhưng theo các cụ già làng Lệ Mật, thú chơi chim và tổ chức thi chim vành khuyên ở Lệ Mật đã có từ thuở đức thánh họ Hoàng, người có công khai khẩn, mở mang đất đai sang phía Tây kinh thành Thăng Long, lập nên khu Thập tam trại.
Thú chơi tao nhã vang bóng một thời
Anh Nguyễn Tuấn Ngọc-Thư ký Hội vành khuyên Thăng Long thường được bạn chơi chim khuyên gọi là Ngọc“Hàng Trống” bảo: Cách thi chim vành khuyên của các cụ xưa cũng cầu kỳ chặt chẽ lắm: Tất cả các lồng thi đều là lồng cao không bịt nóc, che đĩa và căng dây. Cuộc thi sẽ diễn ra trong 3 tuần hương, chia làm 3 vòng, mỗi vòng thi là một tuần hương: Vòng 1: chọn ra các chú chim líu trên 5 lần vào tiếp vòng sau. Vòng 2: chọn ra 8 chú chim líu nhiều nhất vào thẳng và 10 chú chim đấu loại để chọn thêm 2, thời gian đấu loại là 10 phút. Vòng 3: 10 chú chim sẽ chọn ra các giải nhất, nhì ba và 2 khuyến khích. Những chú chim nào chênh nhau 3 lần líu sẽ đấu trực tiếp với nhau để chọn ra con thắng cuộc. Đến tận bây giờ các hội khuyên của Hà Nội và tỉnh bạn đều lấy đó làm tiêu chí khi tổ chức một cuộc thi chim vành khuyên. Dân chơi vành khuyên bảo: thú chơi khuyên hồi sinh khắp trong Nam ngoài Bắc như hiện nay là nhờ anh Trịnh Viết Tuấn, hay còn gọi là Tuấn “ hói” ở phố Thụy Khuê vàNSƯT Hồng Kỳ (Nhà hát Tuổi trẻ) đã thành lập Hội chim vành khuyên Hà Nội vào năm 2004.
Phân định đẳng cấp trên… sới chim cảnh
Để có được một chú khuyên thành danh trong làng chim, nghe chừng cũng lắm gian nan. Bởi trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con chim mộc bẫy từ thiên nhiên có khi chỉ lựa được vài con. Anh Ngọc “Hàng Trống” chia sẻ: Muốn nuôi vành khuyên hót bắt buộc phải chọn chim đực – điều tưởng đơn giản lại không mấy dễ dàng bởi chim đực chim mái nhìn qua giống hệt nhau. Muốn phân biệt chỉ có cách thông qua giọng hót, dáng vóc, sắc lông… Chim đực, giọng hót có âm cao, trong, đanh tiếng, như có “lửa”. Điều này khác hẳn với giọng có âm thấp, rè, vỡ tiếng của các nàng chim mái. Lông của cac “hoàng tử” phải tươi màu, đặc biệt là lông yếm, lông cổ phải có màu xanh tươi, sáng. Khuôn mặt của Khuyên đực nhìn có góc cạnh, dữ dằn, không lành như chim cái. Dáng vóc phải dài, thon, nhỏ. Phải có con mắt “nhà nghề” mới nhận ra những điểm khác biệt đó.
Khi đã phân biệt được khuyên đực – cái, người chơi phải tiếp tục “lựa đá tìm châu” để có được chú khuyên hội tụ nhiều điểm quý. Đầu tiên phải loại bỏ những con mắc các dị tật như lộn cầu, ngoái, ngoái ngửa. Sau đó đến bước chon hình dáng: Gồm mặt, mỏ, bộ. Về khuôn mặt, yêu cầu mỏ dưới phải thẳng, mỏng; Đầu phải tròn, gáy dài, rộng tảng; Cổ to, vai to, nở hậu, bản đuôi to. Cuối cùng bàn chân phải khô, quắp, bé và đủ móng… Một khi hội tụ được những ưu điểm trên là chim đẹp, có sức khỏe.
Tìm được con chim đẹp rồi thì nuôi cho chim khỏe, có “ lửa” lại hoàn toàn phụ thuộc vào thức ăn và cách chăm sóc của người chơi. Thức ăn “tươi” chính của chim khuyên là sâu bọ, hoa quả và phấn hoa. Trong điều kiện nuôi nhốt, cám là thức ăn chính để nuôi khuyên với thành phần chủ yếu là đậu xanh, trứng gà và một số các chất bổ tổng hợp khác. Ngoài ra, người chơi cũng phải bổ sung thêm sâu tươi để chim có sức. Trong nhà phải có nơi đặt lồng yên tĩnh, tránh nơi quá nắng, nhiều gió. Phải chăm chim đều tay, điều độ về thức ăn, nước uống, giờ tắm, giờ ngủ. Khi ra đường và khi chim ngủ phải khoác áo lồng để tránh gió và tránh chim khỏi giật mình…
Con chim quý phải ở lồng son
Chơi vành khuyên, không chỉ công phu với chính loài chim mà đẳng cấp còn thể hiện ở những chiếc lồng và cóng (đựng thức ăn) của chim. Lồng và cóng có nhiều loại. Bình dân có lồng tre, trúc đơn giản, cóng bằng nhựa, giá vài trăm nghìn đồng. Cao hơn một chút có lồng cầu dừa, lồng triện thường, giá trên dưới 1 triệu đồng mỗi chiếc. Cao cấp hơn có lồng triện hai mặt kĩ, lồng đục chạm. Loại đặc biệt có lồng khung tre, trúc có khảm, chạm ngà voi, đồi mồi, thậm chí có loại lồng được lằm bằng 100% ngà voi, đồi mồi, sừng có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/chiếc.
Anh Vũ Phạm Minh-Chủ cửa hàng chim cảnh Minh-Mai chợ Hàng Da bảo: Xếp hạng trong những chiếc lồng hàng khủng này phải kể đến chiếc lồng của một “đại gia” ở phố Hàng Đồng. Ngoài việc vị chủ nhân này sở hữu những chú khuyên hay nhất, đẹp nhất, đắt nhất còn có những chiếc lồng “khủng” nhất về độ tinh xảo cũng như về giá cả. Trong bộ sưu tập này có đủ các loại lồng chạm trổ theo các tích trong Tam Quốc, Bát Tiên, Bát Mã, Côn Trùng cho đến Chim Hoa… Trong đo, chiếc rẻ nhất cũng ngót 1.000 USD; còn chiếc đẹp nhất, đắt nhất là chiếc lồng Tam Quốc khảm ngà voi, đồi mồi, trị giá không dưới 6.000 USD.
Nhắc đến trường phái chơi vành khuyên thi đấu, là nói tới những chú chim thể hiện được đẳng cấp về tiếng hót của mình trước các hội thi. Nếu họa mi, gà chọi… cuốn hút người chơi bởi những đòn đánh hiểm độc, mang phong thái của “kẻ võ biền” thì vành khuyên đấu thể hiện đẳng cấp bằng giọng hót để khuất phục đồng loại và làm đắm say tâm hồn người chơi. “Sự nghiệp” của mỗi chú khuyên đấu cũng lắm bậc thăng trầm như đời ca sĩ từ chỗ tiền trăm lên tiền triệu, vài chục triệu đồng là chuyện thường.
Nổi danh trong “làng” chim đấu đất Bắc phải kể đến chú khuyên Líu xòe của Tuấn “Hàng Giấy”, ngang ngửa không kém đó chính là chú “Giật cánh” của anh Hùng “Nguyễn Siêu”. Chỉ trong vòng 2 năm 2007- 2008, chú khuyên này đã “rinh” về không dưới 3 giải nhất, 6 giải nhì. Cũng vì thành tích bất khả chiến bại đó mà chú chim có giá cả ngàn USD.