Kỹ nghệ chơi vành khuyên Hà thành

Kỹ nghệ chơi vành khuyên Hà thành

“Chơi đồ cổ để giữ thần, chơi cây để giữ lễ, chơi chim để luyện trí” – cả nghìn năm nay, câu nói của cổ nhân vẫn được truyền tụng trên đất Thăng Long văn vật.
Gian nan một thú chơi
Những lồng chim khuyên lăn lóc tại phiên chợ phố Hoàng Hoa Thám mỗi độ mùng chín, mười chín, hai chín hằng tháng như chứa bảo vật. Dù ai cũng biết trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con chim mộc bẫy từ ngoài kia có khi chỉ lựa được vài con, nhưng người chơi vẫn tự làm khổ mình trong cuộc “đãi cát tìm vàng”, tìm ra con chim có tố chất hơn là bỏ tiền mua một “đệ nhất” vành khuyên đã được tôi luyện.

Một hội thi vành khuyên tại Công viên Thống Nhất.

Để có được chú khuyên hội tụ nhiều điểm quý, đầu tiên phải loại bỏ những con mắc các dị tật như lộn cầu, ngoái, ngoái ngửa. Những tật xấu này sẽ làm cho người chơi rối mắt, khó chịu. Sau đó đến bước chọn hình dáng: gồm mặt, mỏ, bóng bộ. Về khuôn mặt, yêu cầu mỏ dưới phải thẳng, mỏng. Đầu phải tròn, gáy dài, rộng tảng. Chọn chim có cổ to, vai to, nở hậu, bản đuôi to. Cuối cùng bàn chân phải khô, quắp, bé và đủ móng… Để chọn được chim vành khuyên hót, dân chơi chim thường chọn chim theo bộ (gồm bộ đầu quả táo, bộ đầu xà, bộ lưng quy đầu xà, bộ đuôi chuột nhưng phải ngắn vì khi líu chim thường líu xòe rất đẹp). Cách phân biệt chim già và chim bánh tẻ cũng rất cần thiết vì chim bánh tẻ thường dễ thuần dưỡng, trong khi chim già thường rất lâu công và khó. Nhưng ngược lại, chim già có giọng hót hay hơn, có vần có điệu và líu rất dài, khoảng từ 15 mỏ trở lên, tối đa lên đến 40 mỏ. Người chơi thường nhìn vào chân chim, con nào có vẩy sừng cứng và nhiều thì đó là chim già. 

Nghề nuôi chim đòi hỏi sự công phu chính từ yếu tố này, các cao thủ đi trước thường khuyên răn lớp trẻ có khi 365 ngày chăm sóc chim đúng theo một quy chuẩn và chỉ lơ là một ngày coi như chú chim đó mất giá trị, trở về con số không như mới được mang từ thiên nhiên về. Muốn chim trở thành chiến binh thực thụ, người chơi phải thường xuyên cho chim đi dãi. Dãi chim tức là nhiều người chơi cùng mang đến những lồng chim, để cạnh nhau, để chúng thật đông vui, nhìn nhau mà hót, mà múa. Tức là con nọ kích thích con kia, con này mừng con khác sau đó người ta mới ấn định ngày thi cho chúng. Nơi dãi chim là nơi yên tĩnh, để có thể phân biệt được giọng hót của nhau. Chịu khó mang chim đi dãi cũng là tăng thêm yếu tố cộng đồng trong hội. Còn gì thú bằng khi các chú chim đang dãi, các ông chủ lồng chim kê ghế, ngồi nhâm nhi ly trà, tách café ngắm nghía bình luận. Một địa chỉ đem chim đi dãi được ưa thích hiện nay là góc quán hồ Hale giáp với đường Nguyễn Du, Trần Bình Trọng của anh Hùng “Hale”. Còn những người chơi lâu năm vẫn thích tạt ngang phố cổ ngồi quán anh Hùng “Nguyễn Siêu”, chủ nhật thích tạt qua phố Hàng Giấy với danh thủ Tuấn “Hàng Giấy” là người có chú chim hót líu đấu xòe đuôi và là người tạo ra phong trào ưa chuộng khuyên hót xòe đuôi, hoặc lên sân thượng nhà các tay chơi trên phố Hàng Đồng (nhà Cường “Hàng Đồng”), Hàng Dầu bắc lồng lên để dõi mắt như dán vào từng cử động của chú chim “bảo bối”.

Những cuộc chơi trứ danh
Hiện tại Hà Nội có 5 CLB chim khuyên mang tên Thăng Long, Bách Thảo, Hale, Gia Lâm, Hà Đông, thường xuyên tổ chức những cuộc thi tiếng hót vành khuyên vào mỗi ban mai cuối tuần. Cuộc thi không phân biệt đẳng cấp, hội tụ tất cả những chú chim khuyên đã được tôi luyện, miễn là người chơi tự tin đem chim quý của mình ra phô diễn. Theo anh Hùng “Hale”, thủ lĩnh CLB chim vành khuyên cùng tên Hale, để tìm ra được chú chim hay nhất trong vô vàn những thanh âm, người chơi có một quy ước tính theo tiếng hót. Cứ một hót bằng 5 tiếng líu lo, trong cuộc thi con nào có nhiều hót nhất sẽ dành chiến thắng và cũng là để loại những chú chim chưa được luyện bài bản. 

Dân chơi còn lưu truyền câu chuyện về những chú khuyên líu xòe của hai “nghệ nhân” Tuấn “Hàng Giấy”, Huy “Liên Xô”, khuyên “Công nông giật cánh” của anh Hùng “Nguyễn Siêu”. Chỉ trong vòng hai năm 2007-2008, chú khuyên này đã “rinh” về không dưới 3 giải nhất, 6 giải nhì, chục giải hàng “top”. Nguồn gốc của chú chim này càng độc đáo hơn khi được nhặt từ chợ chim Tăng Bạt Hổ. Ban đầu con “Công nông giật cánh” chỉ là chú khuyên khá xấu… không ai thèm mua. Nó chỉ lọt vào “mắt xanh” của “nghệ nhân” Hoàng Minh Quang, hay còn gọi là Quang “phố Huế”. Sau một năm, qua bàn tay vàng của chủ nhân, chú khuyên đã lên ngôi đệ nhất. Điểm dị biệt của chú khuyên này chính là khả năng líu không biết mệt, lúc líu cả thân mình rung lên bần bật thành biệt danh “Công nông giật cánh”. 

Lại nói về công việc của người trọng tài. Trong cuộc thi chim đây là khâu khó nhất và đòi hỏi trách nhiệm cao vì người “cầm cân nẩy mực” phải có uy tín trong hội. Chí ít ra họ cũng sở hữu một chú chim hay và có danh tiếng. Nguyễn Tuấn Anh (người trong hội vẫn gọi là Tuấn “Thuế”, vì anh công tác ở Tổng cục Thuế) là một người như vậy. Vành khuyên của Tuấn Anh dù chưa được xếp hàng đệ nhất nhưng cũng một thời vang bóng. Con khuyên này có giọng hót lanh lảnh, theo các cao thủ là mang chất giọng Opera. Ngày trước khi dân chơi Hà thành chưa mạnh và quy mô như bây giờ, chú chim này đã từng làm xôn xao giới chơi chim. Nó chỉ chịu lép vế vài ba năm trước khi mắc bệnh. Hầu hết cao thủ trong làng đều bó tay. Đến khi Tuấn “Thuế” biết chuyện đến xin rước chim về chữa bằng một cái giá nhượng “cắt cổ” mà ai cũng cho là điên rồ. Nhưng bằng tình yêu thực sự, chú vành khuyên có chất giọng opera danh tiếng đã hồi sinh nhờ chế độ chăm sóc đặc biệt như điều trị cho VIP. 

Danh tiếng của Tuấn “Thuế” nổi lên từ đó và khi được ngồi vào bàn trọng tài trong nhiều cuộc thi “Tiếng hót vành khuyên” thì không có hào thủ nào phàn nàn. 

Đẳng cấp được định hình
Chơi chim, luyện chim và thi chim đã từng bước khẳng định một thú chơi. Nhưng những người chơi lâu năm trên đất Hà thành vẫn âm thầm khẳng định một cách chơi mới. Chơi lồng chim. Những chiếc lồng khuyên bình thường vốn đã được trau chuốt tỉ mẩn bằng thứ tre già ngâm nước ao hàng tháng giờ còn có thêm cách chơi mới, trang trí cho lồng thêm tinh xảo, thêm bắt mắt thành những chiếc lồng son đích thực.

Cách đây khoảng 20 năm, trên phố Hàng Dầu, Hàng Đồng từng có 2 cao thủ mở đầu chơi loại lồng này. Vào thời điểm đó, giá vàng cũng chỉ dao động vào độ 400 nghìn đồng/chỉ mà dãy lồng của các cao thủ này theo thời giá đó ước chừng đã vài chục triệu đồng. Có chiếc độc nhất vô nhị của ông Phúc “Hàng Dầu” làm theo tích Quan Công và thày trò Tôn Ngộ Không lên đến gần chục triệu đồng. Ngày nay, có dân chơi Hà thành sở hữu những chiếc “lồng khủng” vô giá, được trau chuốt từ ngà voi, đồi mồi nhưng những chiếc lồng gần như đầu tiên, khai sáng cho một cách chơi tài tử đó vẫn là câu chuyện đáng nể phục. 

Vẫn theo lối hoài cổ, dựa theo các tích trong Tam Quốc, các hình bát tiên, bát mã, phong cảnh, chim hoa, chiếc lồng vẫn chưa đi hết tận cùng cuộc chơi khi ngày càng được sáng tạo, đưa thêm vào những tiện ích xa hoa cho chú chim. Kéo theo đó là đẳng cấp chim cũng tăng lên. Đựng trong một chiếc lồng son có giá từ vài chục triệu đồng trở lên đương nhiên không phải là chú chim khuyên có giá vài nghìn đồng mới mua ngoài chợ phiên Hoàng Hoa Thám. Theo Tuấn “Thuế”, chiếc lồng đơn sơ bằng tre mà anh đang sở hữu có giá hơn chục triệu đồng bởi không đơn giản khi nó được chọn lựa ra từ những đốt tre đực có kích thước bằng nhau, chiếc lồng này lại được người nghệ nhân ngâm tẩm, trau đi chuốt lại cho thật vững chãi, bền bỉ với thời gian. Lồng “phù dung công trĩ” do nghệ nhân Trung Quốc làm đang được ưa thích hiện nay.

Những cao thủ vành khuyên thực sự của Hà thành như Sơn “Gia Lâm”, Linh “Kim Liên”… từng khuynh đảo sàn đấu một thời giờ đã lui về “ẩn dật”. Họ ít xuất hiện tại các sàn đấu, nhường đất cho một lớp trẻ, chọn cho mình nhiều thú chơi mới như nuôi gà, làm giống cá chọi… Niềm đam mê như dòng chảy bất tận, góp một tiếng hót, một thú vui cho đời vẫn như ngọn lửa đam mê cháy mãi trong họ khi truyền cho các thế hệ đàn em 8X, 9X hôm nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *