Những điều cần chuẩn bị để làm bố

Những điều cần chuẩn bị để làm bố
Các ông bố tương lai nên học hỏi kinh nghiệm về chăm sóc, dạy trẻ, lên kế hoạch tài chính, sẵn sàng đương đầu với những thay đổi khi gia đình có thành viên mới… 

Làm bố luôn là điều tuyệt vời, đồng thời cũng mang lại thách thức rất lớn, đặc biệt với người có con lần đầu. Mọi thứ không đơn giản là chỉ có niềm vui với các đức ông chồng chưa một lần quen với tiếng khóc trẻ con. Vậy những bố trẻ phải làm gì để đón thiên thần đến với cuộc đời mình?

Chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính
Hãy bàn bạc kỹ càng với vợ và lên kế hoạch chi tiêu để đón em bé ra đời. Có thêm thành viên mới nghĩa là gia đình bạn sẽ tốn một khoản tài chính nhất định cho quần áo, bỉm sữa hoặc các khoản phát sinh khi em bé ốm. Vì thế nên có một phần ngân sách dự phòng và những khoản tiền đều đặn phải chi hàng tháng. Điều đó giúp bạn đỡ lúng túng khi có vấn đề nảy sinh ngoài ý muốn lúc đẻ con.
bo-tuong-lai-3700-1430876136.jpg
Ảnh minh họa: Inhabitots.
Hãy chủ động
Chủ động tìm lời khuyên từ bạn bè, gia đình hay những người có kinh nghiệm là điều cần thiết. Nếu có điều kiện thì hãy tham dự một lớp học tiền sản, để trang bị kinh nghiệm bế, tắm hay thay tã cho con. Điều này vừa giúp bố tăng thêm trách nhiệm với con và giúp mẹ có nhiều thời gian dành riêng cho mình, đặc biệt là khi mẹ phải đi làm sớm. Đừng nghĩ vì con còn quá nhỏ nên bạn chưa thể chăm sóc con. Đó chỉ là ý nghĩ biện minh cho sự lười biếng khi các ông bố ngại phải làm những việc này mà thôi. Ngoài việc cho con bú bằng bầu sữa mẹ thì mọi việc khác bố đều có thể đảm nhiệm rất tốt.
Biết động viên, quan tâm bạn đời
Mỗi ông bố cần hiểu rằng chăm sóc một em bé từ việc đơn giản đến phức tạp luôn khiến các bà mẹ kiệt sức. Kể cả khi có người giúp việc thì mẹ vẫn phải cho con bú, vắt sữa hay trông nom con mỗi ngày. Hơn nữa, nhiều người vợ mắc chứng trầm cảm sau sinh nên tâm lý có sự thay đổi, lúc này rất cần các ông bố tìm hiểu động viên và chia sẻ với vợ mình. Những hành động chia sẻ công việc và lời động viên tinh thần có tác dụng như một liều thuốc quý giúp cô ấy cân bằng sức khỏe và tâm lý.
Học hỏi và rút kinh nghiệm
Đừng ngại học hỏi các thế hệ đi trước về những kinh nghiệm nuôi và dạy con trẻ. Những kinh nghiệm tốt sẽ giúp bạn chăm sóc bé khỏe mạnh, điều gì bạn từng trải nghiệm hoặc chứng kiến mà thấy không phù hợp thì cần tránh lặp lại với con mình. Mỗi người sẽ trở thành ông bố, bà mẹ khác nhau, việc rút kinh nghiệm sẽ giúp bạn vừa nuôi dạy con tốt hơn, vừa trở thành một ông bố đặc biệt và sáng tạo theo cách riêng của bạn mà không bị lẫn với bất cứ ai.
Nhìn vào những điểm tích cực
Làm bố sẽ mất đi thời gian bù khú với bạn bè, ngôi nhà cũng bị đảo lộn khi có sự xuất hiện của con trẻ. Đừng lấy đó làm buồn bởi bạn đã có một thiên thần nhỏ và được lên chức cha, đó không phải là điều tuyệt vời hay sao? Hơn nữa, thay vì uống bia và tám chuyện với bạn bè thì bạn có thể nói chuyện với con, chụp hình con thường xuyên và được chứng kiến con thay đổi mỗi ngày. Hãy suy nghĩ tích cực và bạn sẽ thấy thật nhiều niềm vui bên con.
Sẵn sàng cho mọi thay đổi
Bạn có thể sẽ phải đối mặt với cảnh ngôi nhà lộn xộn, quỹ thời gian ăn ngủ của vợ chồng bị hạn chế vì phải thay nhau trông con. Bạn phải sẵn sàng cho những cơn giật mình thức giấc hay tiếng khóc của em bé làm váng đầu bạn trong đêm. Vợ chồng sẽ ít có thời gian riêng tư hay nấu những món ăn yêu thích vì quá bận rộn… Hãy chuẩn bị tâm lý cho mọi thứ. Nhớ rằng, em bé xuất hiện là sự kiện lớn đối với cuộc đời bạn nhưng với cuộc sống xung quanh thì mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Bạn vẫn phải làm việc và giải quyết mọi thứ quanh mình.
Nhà tâm lý Hà Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *